đăng lại từ Facebook notes trong dự án cá nhân "100days of films, music, and writings"
Ngày 4
Tuần này mình muốn rủ các bạn hồi hương về những thành phố. Bởi vì một cách rất ngẫu nhiên, những gì mình đọc - xem - nghe mỗi ngày nay đều quy tụ vào một cụm từ là phức cảm lớn nhất trong cuộc sống của mình - những đô thị. 
Bắt đầu bằng một bản nhạc mình thích nhất: April #19 - Kashiwa Daisuke

Mình nhớ lần đầu được xem được xem music video này, mình đã khóc một chút. Đó là một ngày rất buồn, mình đi thăm bạn mình ở xa mà mình không gặp bạn được lâu. Hồi đấy, âm nhạc của KASHIWA Daisuke vẫn là một điều rất mới với mình. Nếu một bài hát thông thường là một truyện ngắn, Daisuke không ngần ngại viết một cuốn tiểu thuyết. Nếu Stella là một tiểu thuyết phiêu lưu khiến mình chìm vào đó và không thoát ra được, thì Tháng Tư là một bộ truyện time-loop: Một sample ưa thích của tác giả, được anh ta viết đi viết lại thành những biến thể độc lập, dài ngắn khác nhau và hình thức khách nhau, được đánh số thứ tự và được đặt vào những album khác nhau. Điều gì đã khiến tác giả vương vấn với một sample như thế?

Tháng Tư số 19 dài 9 phút, hơn một nửa thời gian đó, nó muốn mình chờ đợi. Dẫu mình không biết mình đang chờ đợi điều gì, mình vẫn nhìn ngắm những cành anh đào bất động. Và rồi không báo trước, bản nhạc bắt đầu xao động: những nốt nhạc đong đưa va đập vào nhau, anh đào đong đưa trong gió và trôi theo dòng nước. Bầu trời biến chuyển từ bình minh đến chiều tà. Và rồi thành phố thay thế những cành hoa. Thành phố cũng trôi đi một cách chậm chạp trong tuyết và hoàng hôn như cháy. Thỉnh thoảng, ta được dẫn đến những phong cảnh của hoang phế, những khoảnh khắc sắp đi quay hay biến mất: một bức tường đang vỡ, một chú mèo đang lẩn trốn, một con phố sâu hút…


Phong cảnh của chiều tà là phong cảnh của tàn phai giã biệt, gần với cái chết, là chất vấn một sự bất toàn. Đặt những khoảnh khắc của thành phố trong khung cảnh đó, Tháng Tư số 19 như muốn bảo mình, hãy ngoái nhìn lại, những gì vừa quen thuộc vừa xa lạ, một lần cuối rồi lại thêm một lần cuối. Chẳng phải mỗi ngày mình sống, mình nên sống như đó là ngày cuối hay sao? Ai biết đâu một chốc nữa là mày giã biệt cuộc đời này. Càng về gần cuối, nhạc càng gấp gáp như muốn níu giữ, nhưng rồi lại kết thúc bằng sự xóa trắng và thả trôi. Sự sống này vốn không thể níu giữ, không thể níu giữ cho nên tự do.