Trước giờ mình thấy cách mà người Việt tự hào về các cuộc kháng chiến của mình thường đại khái có một motif là: “Lấy yếu thắng mạnh” dựa trên “Đem đại nghĩa thắng hung tàn”. Hai cái này nghe rất hợp lý nhưng lại quá chung chung. Trong thế giới cổ đại và trong cả hiện tại “đại nghĩa”, “hung tàn” là một lằn ranh mơ hồ. Kẻ xâm lược luôn có casus belli hay là “đại nghĩa” của kẻ xâm lược, vì thậm chí họ còn tự rêu rao mình mang văn minh thiên triều, giáo hoá, khai phóng bla bla cho đối phương.  Còn mạnh yếu thì mình có một quan niệm chắc chắn rằng, (1) kẻ mạnh luôn thắng (2) nếu kẻ yếu có thắng thì xem lại điều (1). Vậy, “mạnh yếu” để so sánh chỉ là biểu hiện ở những mặt chủ chốt của xã hội phong kiến như dân số, quốc thổ, quốc khố và quân sự. Hay nói khác hơn chính là nguồn lực hữu hình của một xã hội. Còn những nguồn lực vô hình như tinh thần (vâng, vẫn là tinh thần), quản trị, thông tin,… cũng góp phần làm nên sức mạnh thật sự của một dân tộc. Với bài viết hơi có phần ba ta linh tinh này mình mong chứng minh được rằng, chúng ta đã đánh bại quân Mông-Nguyên không phải do “may mắn” mà do chúng ta vận hành tốt hơn họ do hữu hình thì mình thua chắc rồi. Nào bắt đầu nhé. 
 Tuổi thơ nghèo khó và hành trình chinh phục thế giới
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ·Mongol - Temujin (Nguồn ảnh: Pinterest)
Đế chế Mông Cổ khởi đầu từ một SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) ở vùng thảo nguyên Trung Á rộng lớn, thưa dân nhưng cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Công ty gia đình của cha Temujin (Thiết Mộc Chân hay Thành Cát Tư Hãn sau này) còn sớm bị phá sản sau khi cha ông bị đối thủ hạ độc thủ.
Trải qua tuổi thơ nghèo khó và nhiều bất hạnh nhưng với truyền thống gia đình, các mối quan hệ , cùng với co-founder Jamuka (Trát Mộc Hợp, anh em kết nghĩa an-đáp của Temujin) Temujin đã quyết định khởi nghiệp. Những khoản đầu tư ban đầu của Toghril (Thoát Lý – bạn thân của cha Temujin đồng thời là cha nuôi Temujin) đã giúp startup này có khởi đầu thuận lợi, nhưng chính sự lớn mạnh nhanh chóng này đã làm lộ ra những xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và CEO Temujin. Co-founder Jamuka bỏ đi thành lập một liên doanh cạnh tranh mới trực tiếp với công ty cũ. Toghril cũng có một công ty lớn, vì vậy sự lớn mạnh và tham vọng của Temujin đe doạ ông ta, nhất là sau khi liên doanh của Jamuka bị sụp đổ trước Temujin làm mất đi sự cân bằng ở đại mạc. Không lâu sau đó, Temujin tiếp tục đánh bại một liên doanh giữa những người từng kề vai sát cánh lúc khởi nghiệp là Jamuka, Toghril và kẻ thù lớn nhất trong khu vực là Naiman (Nãi Man). Lúc này Temujin đã trở thành kẻ hô mưa gọi gió ở đại mạc. Nhưng tham vọng của ông không dừng ở đó. Sớm nhận thấy trào lưu bài ngoại (các tập đoàn hùng mạnh Liêu, Kim và Tây Hạ) ở đại mạc và nhu cầu “tự tôn dân tộc” Temujin tiến hành IPO. Kết quả không ngoài mong đợi, Temujin trở thành Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn – vua của cả thế giới – Chairman of the World) và startup ngày nào đã trở thành kỳ lân thực sự ở đại mạc.
Vua của cả thế giới thì cần phải nắm cả thế giới trong tay, tham vọng của Temujin là mang thương hiệu “vó ngựa Mông Cổ” đi bán khắp thế giới. Bấy giờ, Mongol Group xác định đối thủ mạnh nhất là Kim và đối thủ gần nhất là Tây Hạ. Đây là hai startup cực kỳ thành công trong quá khứ. Kim Group với dòng sản phẩm “Thiết Phủ Đồ” là nỗi ám ảnh của cả miền Hoa Bắc đông dân, giàu có. Chỉ trong vài chục năm, Kim Group đã lần lượt thâu tóm Liêu Group- một tập đoàn lâu đời trong lĩnh vực gang thép và hất cẳng Tống Group- một tập đoàn hùng mạnh khác trong nền công nghiệp giải trí ra khỏi vùng Hoa Bắc. Là một tập đoàn có vốn nước ngoài nên Kim Group bị tẩy chay rất nhiều, nhưng với vốn hoá lớn và hoàn toàn độc quyền nên Kim Group mặc sức làm mưa làm gió. Tây Hạ Group của họ Lý người Đảng Hạng là một startup từ lĩnh vực bảo vệ, với thực lực của mình họ cũng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khu vực cửa ngõ con đường tơ lụa.
Ngay khi tiến hành IPO, Temujin lên chiến lược thu hút truyền thông bằng cách công kích Tây Hạ Group. Tây Hạ Group vốn đang có những mâu thuẫn nội bộ bị choáng váng trước đòn bất ngờ của Mongol Group. Cùng lúc đó HĐQT Kim Group còn đang đấu tranh khiến họ từ bỏ đối tác Tây Hạ. Thay vì “đốt tiền” để thâu tóm thị phần của Tây Hạ Group, Mongol Group kí thoả thuận để Tây Hạ trở thành supplier cho chiến dịch công kích Kim Group sau này (tất nhiên là không phải một win-win deal). Temujin cho thấy mình có một tư duy sắc bén, khi Tây Hạ Group vốn đang là đối tác chiến lược của Kim Group.
Từ đây, cuộc cạnh tranh ở thị trường phía Bắc sông Hoàng Hà của hai tập đoàn Mongol và Kim trở thành một cuộc “đốt tiền”, nhưng chỉ có mình tiền của Kim Group bị đốt. Và cũng từ đây, Tập đoàn Mongol chính thức bước chân ra thị trường thế giới nhanh chóng trở thành một tập đoàn toàn cầu. Không lâu sau đó phía Đông, vó ngựa chỉ dừng bên bờ biển Cao Ly trước những cơn bão của biển Nhật Bản. Về phía tây, trên những “con đường cao tốc” bằng băng, vó ngựa đã mang đến thành Wien những cơn sốt giữa mùa đông.
Đằng sau câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai trẻ chăn ngựa Temujin
Với tầm nhìn là Make Mongol great again (như thời người Huns của Attila) Temujin xác định rằng, phải chấm dứt tình trạng chia cắt manh mún của đại mạc thì người Mông Cổ mới có thể tiếp bước Attila chinh phục thế giới.
Temujin đưa ra sứ mệnh cho startup của mình là “thống nhất toàn bộ đại mạc”. Những tưởng sứ mệnh này sẽ đụng chạm lợi ích của và khiến cả đại mạc trở thành kẻ thù của mình, thì Temujin đã khôn khéo tập hợp những SME cùng chung lợi ích và chung đối thủ với mình. Lôi kéo là một chuyện, giữ được các SME này lại cần một câu chuyện thể hiện tài năng của CEO Temujin. Mọi nhân viên có năng lực đều có cơ hội thăng tiến và đãi ngộ tương xứng như kẻ thù từng bắn bị thương Temujin là Triết Biệt, điều này khiến Temujin khác biệt so với các CEO gia đình vốn coi trọng COCC ở đại mạc. Thêm nữa, chính sách đối đãi nhân tài và gia đình từ các SME bị thâu tóm cũng đem đến nguồn nhân lực chất lượng điển hình là Gia Luật Sở Tài. Đối đãi nhân viên tốt, Temujin cũng không quên các cổ đông. Đại mạc là của người Mông Cổ, miễn cổ đông đồng lòng đóng góp sức người sức của một khi chia lợi nhuận ai cũng có phần. Tất nhiên, củ cà rốt luôn đi kèm cây gậy, đó là giá trị cốt lõi của Temujin “Công bằng, mạnh mẽ và không ngừng vươn xa”.
Lương ăn là mạch máu là cashflow của toàn quân, những đội quân phong kiến vĩ đại cũng dễ dàng tan vỡ khi bị tuyệt lương trong vài ngày. Vậy người Mongol làm thế nào để trường kỳ chinh phục khắp nơi. Với vốn liếng của Đại mạc, nếu chơi kiểu đốt tiền của các đế chế Nông nghiệp thì chẳng mấy chốc mà quay về chăn ngựa, thế nên mới nói Mongol là startup thành công nhất lịch sử với mô hình khởi nghiệp tinh gọn “lean startup”.Những kỵ sĩ Mongol thường được trang bị 3-4 chiến mã, hầu hết chúng là ngựa cái. Vì sao lại là ngựa cái? Vì nó cho sữa. Chính vì quân lương cơ động là gia súc và sữa ngựa nên kỵ binh Mongol teamwork cũng tốt mà individual work cũng tốt luôn (thậm chí họ còn được trang bị lưỡi câu cá). Mặc khác, họ có một chuỗi cung ứng outsourcing chiếm tỉ trọng cao, với nguồn lương thực và lao động bất tận của đối thủ.
Nói thế không có nghĩa là logictics của Mongol không phát triển. Trái lại là đằng khác, Temujin xây dựng một hệ thống logictics hoàn chỉnh với hệ thống hạ tầng, thông tin và nhân lực rất tốt. Những con đường vận chuyển vật tư trù bị, lương thực bổ sung và thông tin điều hành cực kì quy mô và có những chức danh riêng giám sát. Đặc biệt là hệ thống thông tin qua trạm ngựa thực sự là một cuộc cách mạng trong quản trị thông tin. Điều này giúp những công ty con của Mongol bán hành khắp lục địa Á Âu nhưng vẫn cập nhật được biên bản họp HĐQT thường kì.
Temujin cũng được xem như một nhà quản trị thương hiệu đại tài, nhắc đến thường hiệu Mongol thì từ Á tới Âu đều bị ám ảnh, không ít tập đoàn lớn mạnh bị thâu tóm chỉ vì thương hiệu này. Điều gì khiến nhận dạng thương hiệu của Mongol tốt đến vậy. Như đã nói ở trên, đó là sự nhất quán trong tư duy “củ cà rốt và cây gậy”, đặc biệt là khoét sâu vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng. Khi đói không được ăn cà rốt thì ăn củ mì, cùng lắm nhịn chứ chẳng ai muốn ăn đòn. Nhất là với những nhân viên và cổ đông vốn bất mãn sâu sắc với HĐQT từ trước. Nhiều Tập đoàn lớn đã bị thâu tóm chỉ vì nhân viên bán đứng HĐQT. Thương hiệu Mongol còn gắn liền với biểu tượng vó ngựa. Với cách vận hành tinh gọn, “vó ngựa” có ở khắp nơi, từ thị trường ngách đến thị trường lớn (dù nhiều khi chỉ là chiêu trò marketing của Temujin). Và quan trọng nhất vẫn là nghiên cứu thị trường và hiểu rất rõ thị trường.
Tập đoàn quốc tế và những tham vọng không ngừng
 Có thể nói, trong giai đoạn startup và trở thành kỳ lân, sức mạnh của Mongol đến từ cách quản trị thiên tài của Temujin. Từ đây cũng cho thấy, họ mạnh không phải kiểu “mạnh vì gạo bạo vì tiền” mà là một hệ thống quản lý, điều hành cực kì tinh gọn và hiệu quả tận dụng mọi nguồn lực. Đây là một đối thủ mà Đông A Limited Company sẽ phải cạnh tranh ngay trên sân nhà. Một local brand như Đông A đã làm như thế nào để giữ vững sân nhà trước sự đổ bộ của một thương hiệu quốc tế như Mongol. Chúng ta cùng chờ xem nhé.