Mùa hè đến với làng mạc cũng như đến với thành phố, mùa hè đến với những ụ rơm cũng như những tòa lâu đài, mùa hè đến với anh nông dân cũng như với nhà triệu phú. Mùa hè vẫn ở đó, năm lại năm, chỉ có con người là cất bước ra đi, mỗi năm một ít.
    Lúa vẫn vàng và trời vẫn xanh, con đường bê tông thẳng tắp đâm xuyên qua đồng lúa, đi đến đâu, xa tít như đến với chân trời. Nhớ có những ngày, cầu vồng xuất hiện bên trên tấm màn xanh, điểm tô lên cái sắc ánh dương ấy một niềm vui khó tả. Gió, gió lộng, gió thổi bay mái tóc ai, đem mùi hương ngào ngạt ấy quện vào hương lúa, thổi vào mũi người đi đường một hương thơm ngòn ngọt làm cho ai động lòng. Những ngày mưa, bụi hoa trinh nữ thường rũ lá, khép những chiếc lá mỏng manh của mình thật chặt, e thẹn, loài hoa mắc cỡ; nhưng hôm nay ráo trời, trinh nữ thản nhiên đu đưa trong nắng.
    Người ta thường băng qua con đường này lắm lần, nhưng lần ra đi dường như là lần nó trông đẹp nhất. Chắc bởi vì người buồn, chắc bởi vì đau đáu cái cảnh một con mèo, hai con chó, vài ba cây xanh trước nhà không ai chăm mà người bỗng trở nên da diết.
    Hôm nay Thanh rời cái chốn bình yên quen thuộc. Anh ra Thành Phố học tập. Sau dăm ba năm, anh thành tài trở về, hoặc anh không trở về nữa. Đã biết bao người ra đi nhưng không bao giờ trở lại, biết bao người tìm thấy một niềm vui mới, một cuộc sống mới ở chốn đô thành xa hoa lộng lẫy ấy mà chẳng nhớ lối về.
    Thanh đi, liệu mọi thứ có đổi khác, liệu cây bàng ấy vẫn còn, quán ăn kia vẫn mở, cây hoa trước nhà vẫn nở mỗi đêm trong? Anh buồn, vì không biết được nên anh buồn, anh sợ khi quay lại thì quê hương và anh đã mỗi người mỗi ngả, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, và anh cũng sợ quê hương nhớ anh quá, bố mẹ nhớ anh quá, cái sân gầy gầy nhớ anh quá mà vẫn mòn mỏi chờ mong anh tháng ngày. Cái tâm trạng của người sắp xa quê, ai từng trải mới thấu được.
    Và Thanh ganh tị với lũ nhóc đang đùa giỡn ven đường. Anh nhớ về những ngày trẻ miệt mài rong chơi trên những cánh đồng, thân lúa vừa cắt đâm vào chân kêu sột soạt. Lúa vừa cắt, xe chở về từng đợt, Thanh biết phải tranh thủ chạy nhảy trên những đám ruộng mới tinh này, vì chỉ dăm hôm nữa thôi nước sẽ ngập khắp cả. Những cánh đồng dài bất tận, thuở ấy anh cứ ngỡ bên kia cánh đồng là tận cùng thế giới, nhưng giờ anh biết cánh đồng rộng lớn ấy của thời ấu thơ anh chỉ như một mảnh vá nhỏ bé giữa mênh mông đất trời.
    Những ngày hè là những ngày bụi bay mù mịt: bụi bám vào cửa kính nhà ai, bụi bay vào mắt, xe cộ trên đường bám một lớp bụi dày ngả màu gạch cua. Hè thế này người ta lại nhớ đến mưa, nhưng chẳng phải mới những ngày mưa, người ta lại thường tơ tưởng về những hôm nắng ấm.
    Trong cái gió, cái bụi, cái nắng này, Thanh nhớ âm thanh của dùi cắm xuống đất, tiếng cuốc cắt xuống bùn, tiếng dao phập vào nhành cỏ. Và Thanh lại nhớ cũng trong cái khung cảnh ấy anh đã có cuộc nói chuyện với người cha.
    “Ba ơi, tại sao chúng ta được sinh ra?”,
    “Chúng ta sinh ra để sống.”
    “Ba ơi, tại sao chúng ta sống?”
    “Chúng ta sống để gặp nhau.”
    “Tại sao chúng ta cần gặp nhau?”
    “Để ta in lên nhau những dấu vết, con à. Mọi người đến rồi đi, in lên nhau những dấu vết, vui hoặc buồn, nồng nàn hay hời hợt; những dấu vết ấy tạo nên một con người, hằng ngày, chúng ta vẫn đang được cấu thành từ những dấu vết ấy và đi đặt những dấu vết của bản thân lên người khác. Thế nên chúng ta sống cần có nhau. Nếu con người không gặp nhau thì chẳng còn là con người nữa.”
    Thanh giờ đã hiểu những gì người cha nói. Anh và quê hương in hằn lên nhau những dấu vết, quê hương là một phần của anh và anh là một phần của quê hương thân thuộc: cây cau trước nhà, nhành hoa giâm bụt vừa rơi xuống, con mèo mướp trắng vàng bà nội từng nuôi… Rũ bỏ một phần của tâm hồn và thể xác chẳng phải là việc dễ, nhưng anh hiểu đó là việc phải làm, vì suy cho cùng, ai rồi chẳng rời xa nhau. Ngày người cha mất, ông ghé tai Thanh những lời trăn trối.
    “Con người sinh ra để sống, và chết là một phần của sống, cũng như rời xa là một phần của việc gặp nhau vậy. Sống, chết, xum họp, ly tan không những chẳng phải là đối nghịch mà còn là những phần không thể tách rời. Con người đứng lên từ nấm mồ của người đã mất, người cũ ra đi, người mới lại về, giống như chuyện tre già măng mọc đấy mà thôi.”
    Ngày hôm ấy, nước mắt Thanh lăn thành những giọt nóng hổi xuống đôi gò má gầy, tan xa dưới đất như cách những giọt mưa đầu mùa đắm mình với cỏ khô; ngày hôm ấy, một phần của Thanh đã theo người cha xuống mồ; ngày hôm ấy, Thanh trưởng thành lên một chút.
    Tiếp tục dòng hồi tưởng về xa hơn, Thanh cố nhớ lại những tháng ngày ở quê hương, vì nếu không, anh sợ chỉ bước chân đến cái thế giới mới kia thôi, anh sẽ quên hết. Mỗi một đoạn đường bánh xe lăn qua, là hình như một cái gì đó trong anh mất đi. Giống như bao người đang rời xa quê hương, anh cảm thấy thiếu vắng cái gì đó, cái gì đó không thể nhớ ra, mà có nhớ ra cũng không thể quay lại để tìm, vì chuyến xe này sẽ đưa anh đi mãi, thân xác anh có thể quay lại nhưng tâm hồn tuổi mười tám trắng tinh khôi của anh thì chẳng bao giờ quay lại nơi đây nữa rồi.
    Anh biết mình phải nhớ, nhưng nhớ cái gì đây. Kí ức cứ trôi tuồn tuột vào hư vô. Anh như một thằng nhóc cố vồ những con đom đóm. Cuối cùng anh cũng bám được vào một kí ức xa xôi.
    Giàn hoa giấy lả lơi sóng soãi trên hiên nhà ông Phủ che một vùng bóng râm mát rười rượi. Mỗi trưa nắng hè, Thanh luồn cái thân con con của mình qua cánh cổng được làm từ cây dại, len lỏi qua cái mê cung nho nhỏ dưới sân vườn nhà ông và nằm sải mình dưới bóng thanh thanh của giàn hoa giấy. Hoa mọc lưa thưa nhưng lá trổ dày, anh không ở đó một mình, bên trên anh còn có những con bọ cánh cứng đủ màu, chuồn chuồn bay thấp bay cao, và bên dưới anh là con chó Vàng có màu lông như màu lá rụng. Dưới tán cây ấy Thanh nằm trong tiếng gọi của bà. Chiều chiều bà lại gọi “Thanh ơi” và anh lại ba chân bốn cẳng chạy về vì biết bà có quà đem từ chợ. Niềm vui của trẻ con đơn giản chỉ là được đợi chờ bà, hay mẹ mỗi lúc đi đâu đó về.
    Thời ấu thơ của Thanh bình yên bên giàn hoa giấy, bên tiếng gọi “Thanh ơi”, được bóng những bông hoa che chở, được vòng tay bà dỗ dành. Thanh khi đó, chẳng khác gì người hạnh phúc nhất thế gian.
    Nhưng chẳng phải càng có nhiều thứ, ta lại càng mất nhiều thứ hay sao, chẳng phải là hạnh phúc chừng nào, thì sau này sẽ đau đớn thêm chừng ấy. Cái ngày người ta phá bỏ giàn hoa, cũng là cái ngày bà của Thanh ra đi mãi mãi. Một bông hoa rụng, hai bông hoa rụng, người bà ra đi. 
    Nắng vẫn vàng và trời vẫn xanh, chỉ có Thanh là buồn thêm một chút. Rồi đây sẽ chẳng còn bóng mát che chở Thanh, sẽ chẳng còn bàn tay ôm ấp Thanh mỗi lúc anh bị mẹ đánh. Tâm hồn Thanh như mất hút giữa mênh mông trời. Mặt đất an ủi Thanh, bầu trời an ủi Thanh, những đám mây nhoẻn miệng cười hiền hậu, gió khẽ lay vai người con trai bé nhỏ, đưa những giọt nước mắt người hòa trong gió, gửi yêu thương đến người đã ra đi.
    Thanh ơi.
    Thanh biết mình cần quay về với thực tại. Quá khứ chỉ là những giấc mơ, trước mặt Thanh bây giờ là thế giới của anh, rộng lớn, cần được anh khám phá.
    Xe đang đi ngang qua một vùng đồi núi, Thanh biết xa xa kia là một cái đèo, chỉ cần qua đó anh sẽ thật sự rời xa quê hương yêu dấu. Bên kia đèo là gì? Chắc cũng vẫn là đồi núi, nhưng xa nữa? Cuộc đời người ta cũng có những điểm mù mà họ chẳng biết phía trước là gì, nhưng vẫn phải đi, mặc dù sợ bên kia là hiểm nguy, nhưng ai biết được đâu nếu đó là cơ hội.
    Xe lăn mình trên những cung đường dốc, cây cỏ bạt ngàn lướt qua mà anh cũng không biết hết tên của chúng. Bên kia là biển còn bên kia là trời. Vách đá sừng sững trước mặt làm anh tự thấy mình nhỏ bé. Và đến tận bây giờ anh mới nhận ra ngồi bên cạnh mình là một cô gái dễ thương xinh xắn.
    Môi cô khẽ rung khi vô tình bắt gặp ánh mắt anh, mắt cô lấp lánh, và tóc cô sẫm màu, kiểu sẫm màu của những người không bao giờ phải ra ngoài trời độ hơn một tiếng.
    Hình như cô cũng đang trên đường đi xa quê. Trong lòng anh khẽ động một mối tâm tình, ban đầu nó là tình đồng hương, nhưng sau đó nó lớn dần trong chốc lát. Thứ tình gì nhỉ? Anh thầm nghĩ. Anh thắc mắc về cõi lòng mình, về trái tim mình, anh đang không biết có nên ngỏ lời trước với cô hay cứ im lặng mãi. Nhưng cô mở lời trước với anh.
    Tiếng cô gái thật vang và trong, giống tiếng chim sơn ca vẫn hót mỗi buổi sáng đẹp trời, giống như tiếng nước chảy róc rách luồn qua gốc cây đa, giống như quê hương, thật êm đềm và ấm áp. Anh và cô còn nói thêm nhiều nữa, một nụ hoa vừa chớm nở trên cành, người ta lại thấy trên đời sắp có thêm một điều tốt đẹp.
    Và xe đã leo lên dốc đèo, cái đèo dựng đứng mà trong xe, trông qua kính tài xế người ta chỉ còn thấy bầu trời, rồi bỗng nhiên xe đổ ào xuống dốc, bao nhiêu khung cảnh hiện ra, vẫn là đồi, là núi nhưng lạ quá, xa quá, buồn quá. Bỗng một giọt nước mắt lăn dài lên má Thanh, và đọng xuống lòng bàn tay mát lành của cô gái nọ.
    Thanh buồn, và Thanh vui một chút.