26.11.2021
Khi đọc tiêu đề trên, chắc hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ bài viết đang đề cập đến một thảm họa gì đó mang tính lịch sử, của tự nhiên, hay của vũ trụ, nhân loại. Nhưng không, cái thảm họa ấy lại bắt nguồn từ sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm và minh chứng cho sự yếu kém của phim truyền hình Việt Nam về tròn một thập kỷ trước: Anh chàng vượt thời gian.
Để bắt đầu, cần phải biết qua rằng thời điểm bộ phim ra mắt là năm 2011, giai đoạn phim truyền hình nội địa thường xuyên phủ sóng các khung giờ quan trọng, với chính sách yêu cầu thời lượng phim Việt phải chiếm sóng trên các kênh truyền hình khoảng 30% và phong trào "người người làm phim, nhà nhà làm phim" qua đó đã thực sự bùng nổ để đáp ứng với yêu cầu về số lượng của các nhà đài. Vậy là, cơn sóng ngầm từ đó hình thành, từ những bộ phim "tầm tầm" hay "nhảm" đều hỗn độn xuất hiện trên giờ vàng (giờ phát sóng thu hút nhiều người xem nhất) của nhiều kênh truyền hình khác nhau, cũng như hỗn độn trong cả mắt khán giả, buộc họ phải chịu đựng lối diễn xuất dở tệ cùng tình tiết nhàm chán do chỉ có yêu cầu về số lượng chứ không có yêu cầu về chất lượng. (!) Nhưng chỉ đến khi bộ phim Anh chàng vượt thời gian được lên sóng, sự chịu đựng ấy mới bắt đầu trở thành phản kháng.
Một cảnh phim trong <i>Anh chàng vượt thời gian</i>
Một cảnh phim trong Anh chàng vượt thời gian
Nói về Anh chàng vượt thời gian, người ta nghĩ ngay đến "thảm họa phim Việt", hay "thảm họa giờ vàng" bởi sự dở đến mức không thể chấp nhận nổi của nó: Trang phục lòe loẹt chói mắt, tiếng lồng không khớp khẩu hình diễn viên, tình tiết nhằm chán trong suốt 45 phút phim chỉ có các màn đối thoại qua lại, nói tiếng là phim cổ trang nhưng trong triều đình chỉ có một cái bàn gỗ cùng lèo tèo vài ông "quan"... Không chỉ "thảm họa" trong chất lượng, bộ phim cũng thu hút không ít báo giới vì lục đục trong nội bộ đoàn làm phim, khi các đạo diễn cùng diễn viên đều thi nhau bỏ vai, bỏ trách nhiệm, tố cáo nhà sản xuất ăn quỵt tiền công; vậy mà vẫn chễm chệ trên sóng giờ vàng của kênh VTV3 trong gần hai tháng thì điều này không còn gì là bình thường.
"Cũng phải thông cảm cho phía nhà sản xuất phim vì trước thời điểm phát sóng một tháng họ đã phải "thay" (theo đúng nghĩa đen) toàn bộ ê-kíp và diễn viên cũng như thẳng tay xóa 200 phân cảnh đã quay trước đó để "làm lại " từ đầu, và việc chỉ trong một tháng ấy đã đem thành phẩm đi phát sóng được là phục lắm rồi." Vâng, nếu khán giả thông cảm cho các nhà làm phim thì ai sẽ thông cảm cho khán giả bởi việc liên tiếp phải chịu đựng những bộ phim dở "tung hoành ngang dọc" trên mặt trận truyền hình suốt thời gian qua? Và việc nhà đài phải cắt sóng bộ phim giữa chừng đã minh chứng cho điều gì về chất lượng của các bộ phim truyền hình phát sóng đương thời?
Đúng ra, đây lại là lỗi của cơ chế, nếu nhìn sang Hàn Quốc, một cường quốc điện ảnh cả tại thời điểm 10 năm trước lẫn bây giờ, ta đều có thể thấy cách họ sản xuất một bộ phim rất nghiêm túc: từ khâu ý tưởng kịch bản, đến khâu sản xuất, duyệt phim đều có thỏa thuận rất kỹ càng với đối tác sản xuất. Trong quá trình thực hiện bộ phim, sẽ luôn có một nhóm người bên phía nhà đài được cử xuống để giám sát chất lượng thành phẩm bộ phim một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo không để xảy ra những "sự cố" ngoài ý muốn; và chung một điều tất thảy là họ đều làm rất có tâm và cùng hướng đến mục tiêu cống hiến cho khán giả những bộ phim chất lượng... Trong khi đó, những nhà làm phim tại Việt Nam đều chỉ chủ yếu "ăn xổi ở thì", tưởng làm phim dễ nên cứ cắm đầu vào đầu tư sản xuất rồi chạy giờ phát sóng, bôi trơn, quan hệ với nhà đài trong khi chất lượng chả ra đâu vào đâu, chủ yếu là để ăn tiền quảng cáo khi phát sóng. Nhà đài thì cũng bỏ ngang chất lượng, chỉ kí kết hợp đồng trước, rồi đối tác sản xuất muốn làm như nào thì làm, miễn ra thành phẩm đem chiếu cho lấp đủ giờ là được, mà cũng chẳng mảy may nghĩ đến chất lượng của bộ phim.
<i>Những người sống bên tôi</i>, bộ phim mở màn cho chương trình Văn nghệ chủ nhật
Những người sống bên tôi, bộ phim mở màn cho chương trình Văn nghệ chủ nhật
Và rồi, chính cái sự cẩu thả và vô trách nhiệm ấy đã khiến những khán giả từng tin yêu phim Việt dần quay lưng với nó. Nhưng cũng không thể trách nhà đài hay nhà làm phim, bởi họ làm thế chỉ để đáp ứng cái tiêu chí không đầu không đuôi "30% thời lượng phát sóng" ấy. Hẳn khi đưa ra chính sách này, các nhà hoạch định chẳng mảy may nghĩ đến tiêu chí về chất lượng, hay các quy định để giữ chất lượng phim ở mức ổn định, mà chỉ mập mờ trắng đen, khiến giới làm phim đảo lộn, cứ chạy đôn chạy đáo để phát phim mà cái cuối cùng là chất lượng chỉ có khán giả phải chịu đựng. Một sự yếu kém mang tính hệ thống từ trên xuống dưới, mà nhiều khi người ta chỉ nhìn ở phần ngọn chứ chẳng hay ở phần gốc.
Hiện nay, 10 năm đã qua đi, chất lượng phim truyền hình nội địa đã dần được cải thiện, nhưng từ thời điểm phong trào làm phim ấy dần lụi tàn để nhanh chóng theo chân những món tiền hời từ những thứ "xổi" khác, giờ đây các công ty sản xuất phim tư nhân cũng theo đó mà "quỵ" theo, ta chỉ còn thấy duy nhất một hãng phim VFC là còn hoạt động mạnh bởi sự tự cung tự cấp, tự phát triển tự giám sát chất lượng nên đầu vào lẫn đầu ra được đảm bảo nhưng cũng chỉ là con én nhỏ trong một bức tranh tổng thể còn nhiều màu đen. Nếu để ý, đôi khi ta vẫn sẽ thấy một bộ phim kém chất lượng lọt lưới, chủ yếu vẫn là vì cái cơ chế làm phim lạc hậu lỗi thời ấy vẫn còn tồn tại, và nếu không chịu thay đổi hoạch định hướng đi của phim truyền hình nước nhà về lâu dài, hẳn sẽ vẫn lặp lại một một thảm họa vượt qua cả thời gian...
@Nguyễn My