'Everyday Extraodinary' by Woody Bos, Eva Copper, Maaike Riemens
'Everyday Extraodinary' by Woody Bos, Eva Copper, Maaike Riemens
Một người bạn của tôi có một thói quen: mỗi khi có bão, cậu ta sẽ đến sở thú. Cậu ta đã làm điều đó suốt mười năm nay. Vào lúc người người nhà nhà đóng sập cửa, thiếu hụt nước dự trữ hoặc kiểm tra đài radio và đèn chiếu còn hoạt động hay không, người bạn ấy của tôi sẽ khoác chiếc áo trùm đầu rằn ri của quân phục Việt Nam, nhét vài lon bia vào túi rồi lên đường. Cậu ta sống cách sở thú khoảng 15 phút đi bộ.
Nếu xui xẻo, sở thú sẽ đóng cửa, “do thời tiết khắc nghiệt”, cánh cửa sắt sẽ đóng im ỉm. Khi điều đó xảy ra, bạn tôi sẽ ngồi xuống bên cạnh một bức tượng đá hình con sóc nằm sát bên lối vào, nốc cạn từng lon bia, xong xuôi thì đi về nhà.
Khi sở thú mở cửa, cậu ta sẽ trả phí vào cổng, rít một điếu thuốc, cho động vật ăn, từng con từng con một. Phần lớn bọn thú đã trốn trong chuồng của mình. Vài con nhìn chăm chăm vào cơn mưa. Vài con khác có sức sống hơn sẽ nhảy múa theo cơn gió. Vài con giật mình hoảng sợ khi nghe tiếng sấm; xô đẩy nhau đi vòng quanh.
Cậu bạn của tôi luôn uống lon bia đầu tiên của mình trước chuồng của hổ Bengal. (Hổ Bengal có phản ứng mạnh mẽ, thậm chí tàn bạo nhất đối với những cơn bão). Cậu ta uống lon bia thứ hai trước chuồng của khỉ đột. Phần lớn thời gian thì khỉ đột sẽ không bị những cơn bão ảnh hưởng đến tâm tình của mình lắm. Chúng bình lặng nhìn cậu bạn của tôi ngồi nhấm nháp từng ngụm bia trên sàn bê tông, và tôi có thể thề rằng bọn chúng còn cảm thấy tội nghiệp cho cậu bạn của tôi.
“Nó giống như khi cậu bị kẹt trong cái thang máy cùng với người lạ.”, cậu ấy nói với tôi.
Trừ thói quen xuất hiện khi có bão ấy, cậu bạn của tôi không khác gì với những người bình thường khác. Cậu làm việc cho một công ty xuất khẩu, bộ phận đầu tư nước ngoài. Không hẳn là một công việc ổn định, nhưng vừa đủ. Cậu ta sống một mình trong một căn hộ nhỏ một người và sẽ thay bạn gái sáu tháng một lần. Vì sao cậu ta lại muốn đổi bạn gái, và phải đổi sau khi đã quen nhau sáu tháng, tôi sẽ không bao giờ hiểu được. Những cô gái ấy trông giống nhau như đúc, như thể mỗi người là bản sao của nhau vậy. Ít nhất về phía tôi, tôi không thể tìm được điểm khác biệt giữa họ.
Cậu bạn tôi có một chiếc xe đẹp, một bộ sưu tập sách của Balzac, một bộ suit đen, cà vạt đen, và một đôi giày da đen, mọi thứ đều phù hợp để đến một đám tang trang trọng. Mỗi khi có ai đó mất, tôi sẽ gọi điện hỏi mượn cậu ấy những món đồ này, dù giày của cậu lớn hơn size tôi mang một size.
“Xin lỗi vì lại làm phiền cậu,” tôi nói vào lần cuối tôi gọi. “Lại sắp có thêm một đám tang nữa.”
“Cậu tự lấy đi. Hẳn là cậu đang cần gấp lắm.” Cậu ấy đáp. “Sao cậu không qua lấy ngay bây giờ luôn?”
Khi tôi đến, bộ suit và cà vạt được đặt ngay ngắn trên bàn, giày đã được đánh bóng, còn tủ lạnh được chất đầy bia nhập khẩu. Cậu ấy là kiểu người như vậy.
“Lần trước tớ gặp một con mèo ở sở thú.” cậu ấy vừa nói vừa khui một lon bia.
“Một con mèo?”
“Yeah, hai tuần trước. Tớ đang đi công tác ở Hokkaido nên đến ở sở thú gần khách sạn. Ở đó có một con mèo đang nằm ngủ trong một cái chuồng có đề tên là ‘Mèo’”.
“Giống gì vậy?”
“Chỉ là một con bình thường thôi. Sọc nâu, đuôi ngắn. Và béo đến khó tin. Nó chỉ nằm im một chỗ như vậy.”
“Có lẽ mèo không xuất hiện nhiều lắm ở Hokkaido.”
“Cậu đùa tớ à?”, cậu hỏi, mặt đầy kinh ngạc. “Phải có mèo ở Hokkaido chứ. Làm sao mà bất bình thường như vậy được.”
“Chà, vậy thử nghĩ theo hướng khác xem: vì sao lại không thể có mèo ở sở thú được?”, tôi nói lại. “Mèo cũng là động vật mà, đúng không?”
“Chó và mèo là những loài động vật quen thuộc với con người. Chẳng có ai rảnh rỗi lại muốn trả tiền để đi xem chúng cả. “, cậu ấy nói. “Nhìn xung quanh cậu xem, lũ mèo ở khắp mọi nơi. Số lượng của chúng cũng nhiều như chúng ta thôi.”
Khi chúng tôi hút xong điếu thuốc thứ sáu, tôi bỏ bộ suit, cà vạt và đôi giày da vào một cái bọc giấy lớn.
“Xin lỗi vì cứ mượn đồ của cậu như thế này,”, tôi nói. “ Tớ biết tớ nên mua một bộ suit cho mình, thế nhưng tớ chẳng bao giờ để ý đến điều đó. Tớ có cảm giác như nếu tớ mua một bộ đồ cho ngày tang lễ, tớ sẽ trở thành một người có thể ‘OK’ nhẹ nhàng với cái chết của người khác vậy.”
“Không sao.” cậu ấy đáp. “Tớ cũng không dùng chúng. Có người dùng chúng vẫn tốt hơn là cứ để xó chúng ở trong tủ, phải không?”
Đó là sự thật. Cậu ấy mua bộ suit này ba năm nhưng chưa từng mặc một lần nào.
“Nó khá kì quặc.” cậu ấy nói. “Kể từ khi tớ mua bộ suit đó, những người tớ quen không có một ai chết cả.”
“Mọi chuyện đều có thể xảy ra trên thế giới điên rồ này.”
“Yeah, mọi chuyện đều có thể xảy ra.”, cậu ấy đáp.
Với tôi, năm ấy là năm của tang lễ. Bạn bè và bạn của bạn bè ra đi, người này nối tiếp người khác. Tôi vừa 28. Bạn của tôi cũng ở độ tuổi như vậy - 27, 28, 29. Không phải là một độ tuổi thường thấy khi chết.
Một nhà thơ có thể chết vào năm 21 tuổi, một nhà cách mạng hoặc một ca sĩ nhạc rock thì là năm 24 tuổi. Thế nhưng sau những thứ đó thì chúng ta đều công nhận rằng mọi thứ đều đi theo quỹ đạo của mình. Bạn bật đĩa Dead Man’s Curve và băng qua đường hầm, lao thẳng xuống xa lộ - dù bạn có muốn điều đó hay không. Bạn cắt tóc; mỗi sáng đều cạo râu. Bạn không còn là một nhà thơ nữa, một nhà cách mạng hay một ca sĩ nhạc rock. Bạn không bất tỉnh trong một bốt điện thoại công cộng khi say rượu hay lăn đùng trước cửa nhà vào lúc bốn giờ sáng. Thay vào đó, bạn mua bảo hiểm từ bạn mình, uống rượu ở quầy bar khách sạn, và cầm trên tay những tờ hóa đơn đã khấu trừ thuế. Ở tuổi 28, điều đó là bình thường.
Thế nhưng đó là những gì xảy ra khi một cuộc thảm sát không lường trước được bắt đầu. Nó giống như một cuộc tấn công bất ngờ vào một ngày xuân êm ái - như thể một ai đó đang đứng trên một đỉnh đồi vô hình, cầm trên tay một khẩu súng vô hình, nả hàng loạt đạn vào chúng tôi. Một phút trước chúng tôi vẫn còn đang mặc quần áo, một phút sau, chẳng còn thứ gì vừa vặn trên người: ống tay áo chỉ còn một nửa, chỉ còn một cẳng chân trong quần, cẳng chân còn lại nằm dưới đất. Một đống hổ lốn.
Đó là cái chết. Một con thỏ vẫn là một con thỏ dù nó có ở trong một cái mũ hay ở bên ngoài một cánh đồng. Một cái lò vi sóng là một cái lò vi sóng, một cột khói đen bay ra từ ống khói cũng như vậy, là một cột khói đen bay ra từ ống khói.
Người đầu tiên tôi biết đã đi giữa hiện thực và ảo tưởng (hoặc giữa ảo tưởng và hiện thực) là một người bạn từ đại học, đang dạy tiếng Anh ở một trường cấp hai. Cậu ấy đã kết hôn được ba năm và vợ của cậu ấy đã trở về quê nhà ở Shikoku để sinh.
Một buổi chiều chủ nhật ấm áp khác thường vào tháng một, cậu ấy đến cửa hàng tiện lợi mua hai lọ kem cạo râu và một con dao Đức bảng bự có thể cắt đứt được một cái tai con voi. Cậu ấy về nhà và tắm rửa. Cậu bỏ đá vào ly đựng rượu Scotch, leo vào bồn tắm, rồi rạch cổ tay mình. Mẹ cậu ấy tìm thấy xác cậu hai ngày sau đó. Cảnh sát đến và chụp hình. Máu khô thành vệt trên bồn có màu như cà chua thiu. Cảnh sát xác định đây là một cuộc tự sát. Vì cửa khóa trong, và tất nhiên là nạn nhân tự mua con dao ấy. Thế nhưng vì sao cậu ấy lại mua hai lọ kem cạo râu dù không có ý định dùng? Không một ai biết.
Có lẽ khi còn ở cửa hàng tiện lợi, cậu ấy hoàn toàn không có suy nghĩ gì về việc vài tiếng nữa mình sẽ chết. Hoặc có lẽ cậu ấy sợ rằng người bán hàng sẽ nghĩ cậu muốn giết chính mình khi chỉ mua một con dao như vậy.
Cậu không để lại một lá thư hay di chúc nào. Trên bàn bếp chỉ có một cái ly thủy tinh, một chai rượu rỗng, một tô đá và hai lọ kem cạo râu. Trong khi cậu ấy đang chờ bồn tắm đầy nước, cậu uống hết ly này đến ly khác, nhìn vào hai lọ kem và nghĩ ‘Mình sẽ chẳng bao giờ cạo râu nữa.’.
Cái chết của một người đàn ông 28 tuổi cũng buồn bã như một cơn mưa tuyết mùa đông.
Mười hai tháng tiếp theo có thêm bốn người nữa chết.
Một người chết vì tai nạn trên một mỏ dầu ở Saudi Arabia hoặc Kuwait vào tháng ba, hai người chết vào tháng sáu - một đau tim, một tai nạn giao thông. Từ tháng bảy đến tháng mười một không có chuyện gì xảy ra, đến tháng mười hai, một người nữa cũng đi mất, nguyên nhân là do xe cán.
Không giống với người bạn đầu tiên của tôi, cậu bạn đã tự sát trong bồn tắm, những người bạn này không có thời gian để suy nghĩ rằng họ đang chết. Với họ thì cái chết giống như khi họ đang leo lên một cái thang đã leo hàng trăm hàng vạn lần, nhưng lần này cái thang ấy lại thiếu hụt mất một bậc.
“Em chuẩn bị giường ngủ cho anh được không?”, người bạn chết vì đau tim đã hỏi vợ cậu ấy như vậy. Cậu ấy là một nhà thiết kế nội thất. Lúc ấy là 11 giờ sáng. Cậu dậy vào lúc 9 giờ, làm việc trong phòng một chút, rồi nói rằng mình cảm thấy buồn ngủ. Cậu vào bếp, uống cà phê. Thế nhưng cà phê không có tác dụng. “Anh nghĩ rằng anh sẽ nằm nghỉ một chút.”, cậu ấy nói. “Đầu anh đau quá, anh có thể nghe thấy tiếng buzz buzz vang lên ở vùng sau gáy luôn này.”. Đó là những lời cuối cùng của cậu ấy. Cậu bạn của tôi nằm trên giường, nhắm mắt lại ngủ, và không bao giờ tỉnh dậy nữa.
Người bạn chết vào tháng mười một là người trẻ nhất, và là người phụ nữ duy nhất. Cô ấy 24, như một nhà cách mạng hoặc một ca sĩ nhạc rock. Một đêm mưa giá lạnh trước giáng sinh, cô ấy được tìm thấy giữa một chiếc xe tải chở hàng và một cái bốt điện thoại bên đường.
Một vài ngày sau đám tang cuối cùng, tôi đến căn hộ của cậu bạn kia để trả lại bộ suit tôi đã để ở tiệm giặt là, đồng thời mang cho cậu thêm một chai whiskey thay cho lời cảm ơn.
“Tớ cảm kích lắm.”, tôi nói.
Như thường lệ, tủ lạnh của cậu ấy đầy ắp bia lạnh và chiếc sofa êm ái ươm đầy nắng. Trên bàn cà phê là một khay gạt tàn sạch sẽ và một chậu trạng nguyên còn mới.
Cậu ấy nhận lấy bộ suit từ tay tôi - bộ suit được bọc lại trong một lớp nilong, cử chỉ của cậu nhàn nhã như một con gấu vừa kết thúc kì ngủ đông và ra khỏi hang. Cậu yên lặng cất bộ suit đi.
“Tớ hi vọng bộ suit không có mùi như một tang lễ.”
“Quần áo không quan trọng. Quan trọng là thứ ở bên trong nó kìa.”
“Ừm.” tôi lầm bầm.
“Lại thêm một đám tang dành cho cậu vào năm nay.”, cậu ấy ngồi xuống sofa và rót bia ra ly. “Vậy tổng cộng cậu phải đi mấy cái rồi?”
“Năm.”, tôi duỗi năm ngón tay trái ra. “Nhưng tớ nghĩ là cũng phải nhiêu đó.”
“Cậu chắc không?”
“Đã đủ người để chết rồi.”
“Giống như lời nguyền Ai Cập hay gì đó.”cậu ấy nói. “Tớ đã đọc nó ở đâu đó, lời nguyền sẽ tiếp tục cho đến khi đủ người để chết, nếu không thì một ngôi sao đỏ sẽ xuất hiện hoặc là mặt trăng sẽ nuốt chửng mặt trời.”
Sau khi hút thuốc, chúng tôi uống whiskey. Nắng mùa đông nhẹ nhàng lan ra khắp căn hộ.
“Gần đây trông cậu có chút ảm đạm.”, cậu ấy nói.
“Cậu nghĩ vậy à?”
“Hẳn là cậu nghĩ nhiều vào ban đêm nhỉ?”, cậu hỏi. “Tớ không nghĩ vào ban đêm nữa.”
“Làm sao cậu làm như vậy được?”
“Khi tớ có cảm giác lo âu, tớ sẽ dọn dẹp. Cả cả lúc đó là hai hay ba giờ sáng. Tớ rửa chén, lau nhà, chùi lò vi sóng, giặt khăn, sửa sang lại bàn làm việc, ủi từng chiếc sơ mi cho thẳng thớm.” cậu nói, ngón tay khuấy cục đá trong ly rượu. “Tớ dọn dẹp mọi thứ cho đến khi thấm mệt, sau đó uống một ly rượu rồi đi ngủ. Đến sáng thức dậy, mang vớ vào thì tớ chẳng còn nhớ đêm qua tớ đã nghĩ những gì.”
Tôi nhìn quanh một lần nữa. Như thường lệ, đó là một căn hộ sạch sẽ và ngăn nắp.
“Chúng ta thường nghĩ nhiều thứ vào lúc ba giờ sáng. Ai cũng như vậy. Vì vậy mỗi người đều phải tìm ra cách riêng của mình để chống lại điều đó.”
“Cậu nói đúng.”, tôi nói.
“Ngay cả động vật cũng nghĩ về nhiều thứ vào ba giờ sáng.”, cậu ấy nói, như thể vừa nhớ lại điều gì đó. “Cậu có bao giờ đến sở thú vào ba giờ sáng chưa?”
“Chưa.”, tôi đáp, dù hơi ngần ngại. “Chắc chắn là chưa bao giờ.”
“Tớ đã, một lần. Tớ có một người bạn làm việc ở sở thú, nên tớ đã xin cậu ấy cho tớ vào khi cậu ấy có ca trực đêm. Dù thực sự cậu không nên làm vậy đâu.” Cậu ấy lắc ly rượu. “Đó là một trải nghiệm kì lạ. Tớ không thể giải thích rõ, nhưng nó giống như khi cậu nhìn thấy mặt đất bỗng nhiên rung chuyển rồi tách ra làm đôi, và có một thứ gì đó từ dưới chui lên. Và rồi thứ vô hình đó đang nhe nanh múa vuốt, gầm gừ trong màn đêm. Đêm đen như thể đông đặc lại. Tớ không thể nhìn thấy nó, nhưng có thể cảm nhận được nó, động vật trong sở thú cũng như vậy. Nó khiến tớ nghĩ về con đường mình đã đi là con đường dẫn đến lõi trái đất, và lõi trái đất bấy lâu nay đã giữ cho riêng mình một lượng thời gian khổng lồ.”
Tôi không nói gì.
“Dù sao thì, tớ không muốn quay trở lại một lần nào nữa - ý tớ là quay trở lại sở thú vào ban đêm.”
“Cậu thích những ngày bão hơn à?”
“Yeah.”, cậu đáp. “Cứ cho tớ một cơn bão to vào bất cứ ngày nào cũng được.”
Điện thoại reo nên cậu vào phòng ngủ để lấy nó. Đó là cuộc gọi từ một cô bạn gái “nhân bản” của cậu ấy, và đó là một “cuộc gọi nhân bản” không có hồi kết. Thực ra tôi muốn gọi đó là “cuộc gọi một ngày”, thế nhưng cậu ấy nghe điện thoại đến “mãi mãi”. Tôi từ bỏ và bật TV lên. Đó là một chiếc TV 27 inches có màu cùng với bộ điều khiển khá hiện đại. TV có sáu bộ loa và âm thanh rất tốt. Tôi chưa bao giờ được xem một chiếc TV tuyệt như vậy.
Tôi dò các kênh trên TV hai vòng rồi chọn một chương trình để xem. Xung đột biên giới, cháy rừng, cổ phiếu lên rồi xuống, kỉ lục mới của xe nhập khẩu, hội thi bơi mùa đông, một gia đình tự sát. Những tin thời sự mới này dường như có một sự liên kết gì đó với nhau, như những bức ảnh tốt nghiệp của học sinh cấp ba vậy.
“Có tin gì hay không?”, cậu bạn tôi hỏi sau khi quay trở lại.
“Không hẳn.”
“Cậu có hay xem TV không?”
Tôi lắc đầu. “Nhà tớ không có TV.”
“Ít nhất thì TV có một thứ tốt.” cậu ấy nói sau một khoảng thời gian im lặng. “Cậu có thể tắt nó bất cứ khi nào cậu thích mà không một ai phàn nàn.”
Cậu ấy nhấn nút tắt trên bộ điều khiển. Ngay lập tức, màn hình trở về màu đen trống rỗng. Căn hộ vẫn như cũ. Nắng ở bên ngoài cửa sổ vẫn đang chiếu vào.
Chúng tôi ngồi đó suốt năm phút để uống rượu, và không có gì để nói với nhau. Điện thoại lại reo, nhưng cậu ấy vờ như không nghe thấy. Khi điện thoại ngừng chuông, cậu nhấn nút mở trên bộ điều khiển TV. Một phóng viên đang đứng trước một bảng đồ thị và giải thích về sự tăng giảm của giá dầu.
“Cậu thấy không? Anh ta không để ý đến việc chúng ta đã tắt màn hình suốt năm phút.”
“Công nhận.” tôi đáp.
“Vì sao lại như vậy?”
Khá phiền phức khi nghĩ sâu về vấn đề này. Tôi lắc đầu.
“Khi cậu tắt nó, một bên sẽ biến mất. Đó là anh ta hoặc chúng ta. Cậu lại nhấn nút, bùm, một sự kết nối được bật lên. Đơn giản vậy thôi.”
“Đó là một cách để nghĩ.”
“Có hàng triệu cách để nghĩ. Ở Ấn Độ họ trồng cây dừa. Ở Argentina có những cơn mưa phóng xạ từ những chiếc máy bay trực thăng.” Cậu lại nhấn nút tắt TV. “Tớ không muốn nói về những người khác”, cậu nói, “nhưng phải công tâm nhận xét rằng có nhiều cách chết không kết thúc trong những tang lễ. Đó là những cái chết cậu không thể ngửi thấy được.”
Tôi im lặng gật đầu. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu điều cậu ấy nói. Nhưng đồng thời tôi cũng không hiểu gì. Tôi mệt và có chút hoang mang. Tôi ngồi đó, tay vuốt dọc một chiếc lá xanh của cây trạng nguyên.
“Tớ có vài chai champagne đấy.” cậu ấy nói, “Tớ mua chúng từ lần công tác đến Pháp cách đây không lâu. Tớ không rành về champagne lắm, nhưng những chai này hẳn sẽ ngon. Cậu muốn uống không? Champagne là một liều thuốc an thần tốt sau những tang lễ.”
Cậu ấy mang ra một chai champagne cùng hai cái ly trắng, đặt lên bàn rồi nhếch miệng: “Thật ra thì champagne là thứ khá vô dụng, cậu biết không? Điều tốt nhất về nó là phần khui nắp.”
“Tớ hoàn toàn tán thành.”, tôi nói.
Chúng tôi khui nắp bật và trò chuyện một chút về sở thú ở Paris, về các con vật ở đó, Rượu champagne rất tuyệt.
Có một buổi tiệc vào cuối năm, một buổi tiệc thường niên đón năm mới ở một quán bar ở Roppongi. Có hòa tấu dương cầm ba người, và đồ ăn cùng nước uống khá ngon. Khi tôi bắt gặp một ai đó có quen biết, tôi sẽ dừng lại và trò chuyện một chút. Công việc của tôi đòi hỏi tôi phải giao tiếp nhiều. Tiệc tùng không phải thế mạnh của tôi, nhưng bữa tiệc này thì khá dễ dàng. Tôi không có gì làm vào tết đầu năm nên tôi có thể trốn vào một góc nào đó, nhâm nhi một món đồ uống và thưởng thức âm nhạc. Không có những người khó ưa, không cần làm quen với những người lạ mặt và càng không phải lắng nghe họ than phiền về chế độ ăn kiêng có thể gây ung thư suốt một giờ đồng hồ.
Thế nhưng vào đêm hôm đó có một người đã giới thiệu tôi với một người phụ nữ. Sau cuộc trò chuyện nho nhỏ, tôi lại quay trở về trong góc. Người phụ nữ ấy lại đi theo tôi, ngồi xuống ghế cùng một ly rượu trên tay.
“Tôi được hỏi để làm quen với cậu.”, cô hòa nhã nói.
Cô không giống kiểu người sẽ chủ động, dù trông cô khá cuốn hút. Cô mặc một bộ váy lụa liền thân xanh lá mắc tiền. Tôi đoán cô khoảng 32. Cô ấy có thể khiến mình trông trẻ hơn, tuy nhiên trông cô có vẻ không để tâm nhiều đến điều đó. Ba chiếc nhẫn lấp lánh trên ngón tay, cô mỉm cười dịu dàng.
“Cậu trông giống một người mà tôi quen.” cô nói. “Cử chỉ, bóng lưng, cách cậu nói chuyện, nét biểu hiện tâm trạng của cậu - mọi thứ đều tạo nên một nét thú vị kì lạ. Tôi đã quan sát cậu từ khi cậu bước vào đây.”
“Nếu anh ta giống tôi đến vậy thì,” tôi nói, “tôi khá là muốn gặp anh ta một lần.” Tôi không biết mình nên nói gì thêm.
“Cậu muốn à?”
“Tôi khá tò mò cảm giác khi gặp một ai đó giống mình như đúc.”
Nụ cười của cô sâu hơn, nhưng nhanh chóng lại dịu dàng như lúc trước. “Điều đó là không thể.”, cô nói, “Cậu ta đã chết cách đây năm năm rồi, cũng bằng tuổi cậu như bây giờ.”
“Thật à?”
“Tôi đã giết cậu ta.”
Đội hòa tấu vừa kết thúc sheet nhạc thứ hai. Quán bar vang lên một tràn tiếng vỗ tay nhỏ.
“Cậu thích âm nhạc không?”, cô hỏi.
“Tôi thích nếu đó là âm nhạc hay trong một thế giới đẹp.”, tôi đáp.
“Một thế giới đẹp sẽ không có âm nhạc hay.” cô nói, giọng cô hạ thấp như thể đang tiết lộ một bí mật lớn, “Ở một thế giới đẹp đẽ, không khí sẽ không chuyển động.”
“Ồ, tôi hiểu rồi.” tôi không biết nói gì thêm.
“Cậu đã xem bộ phim có Warren Beatty chơi piano ở một câu lạc bộ đêm chưa?”
“Chưa, tôi chưa xem.”
“Elizabeth Taylor là một khách hàng của câu lạc bộ. Cô ấy rất nghèo khó và chán chường.”
“Ồ…”
“Warren Beatty đã hỏi Elizabeth rằng cô có yêu cầu gì không?”
“Cô ấy có không?”
“Tôi quên mất rồi. Đó là một bộ phim rất cũ.” Nhẫn của cô lấp lánh khi cô đưa ly lên môi và nhấp một ngụm rượu. “Tôi ghét những yêu cầu. Chúng khiến tôi thấy bất hạnh. Giống như lúc tôi lấy một cuốn sách ra khỏi thư viện, khi tôi bắt đầu đọc nó, những gì tôi nghĩ đến là khi nào mình sẽ kết thúc nó.”
Cô kẹp một điếu thuốc giữa miệng, tôi lấy một que diêm ra và châm cho cô.
“Xem nào,”, cô nói tiếp, “chúng ta đang dừng ở người trông giống cậu như đúc.”
“Làm cách nào mà cô giết cậu ta được?”
“Tôi quăng cậu ta vào một tổ ong.”
“Cô đùa thôi, phải không?”“Ừ.”, cô đáp.
Thay vì thở dài, tôi nhấp một ngụm whiskey. Đá đã tan nên rượu whiskey không còn có vị của rượu whiskey nữa.
“Tất nhiên, về mặt luật phát tôi không phải là một kẻ sát nhân, về mặt tinh thần cũng không.”
“Về mặt luật pháp và về mặt tinh thần, cô đều không phải là một kẻ sát nhân.”, tôi không muốn, nhưng tôi vẫn lặp lại lời của cô. “Nhưng cô vẫn giết một ai đó rồi.”
“Đúng vậy.” cô gật đầu, vẻ mặt hạnh phúc. “Ai đó giống cậu như đúc.”
Giọng cười to của một người đàn ông vang khắp phòng. Những người xung quanh ông ta cũng cười to. Những ly rượu cụng vào nhau lanh canh. Âm thanh nghe thật xa vời, nhưng vô cùng rõ ràng. Tôi không biết vì sao nhưng tim tôi đang đập thật mạnh, như thể nó muốn nổ tung rồi chui ra ngoài. Tôi có cảm giác như thể mình đang đi trên mặt nước dù chân tôi đang đứng trên mặt đất.
“Tốn không quá năm giây,” cô nói, “để giết cậu ta.”
Chúng tôi im lặng một lúc. Cô đang nắm chắc thời gian của mình, nhấm nháp sự lặng im đầy thích thú.
“Cậu có bao giờ nghĩ về tự do chưa?”, cô hỏi.
“Đôi khi.”, tôi đáp. “Vì sao cô hỏi vậy?”“Cậu có thể vẽ hoa cúc không?”
“Tôi nghĩ là có. Đây có phải là một bài kiểm tra tính cách không thế?”
“Gần như.”, cô cười to.
“Chà, thế tôi có qua không?”
“Có.”, cô đáp. “Cậu ổn. Không có gì phải lo lắng. Trực giác nói tôi rằng cậu sẽ sống thật tốt.”
“Cảm ơn.”, tôi nói.
Dàn nhạc bắt đầu chơi “Auld Lang Syne”.
“11 giờ 55.”, cô nói khi nhìn vào đồng hồ vàng trên cổ tay. “Tôi rất thích ‘Auld Lang Syne’. Cậu thì sao?”
“Tôi thích ‘Home on the Range’ hơn. Về những con nai và linh dương.”
“Cậu hẳn là thích động vật lắm.” cô mỉm cười.
“Đúng vậy.” tôi nói. Và tôi nghĩ về cậu bạn có thói quen đến sở thú, và nghĩ về bộ suit đen để đến tang lễ của cậu.
“Tôi rất vui khi nói chuyện với cậu. Tạm biệt”
“Tạm biệt.”, tôi đáp.
Họ thổi tắt đèn để tiết kiệm không khí. Bóng đêm đang bủa vây. Không một ai nói chuyện. Trong đêm tối, những gì họ nghe được là tiếng nước nhỏ giọt từ trần nhà, năm giây một lần.
“OK, mọi người, cố gắng đừng thở quá nhiều. Chúng ta không còn lại nhiều không khí đâu.”, một thợ mỏ lớn tuổi lên tiếng. Ông cố giữ giọng mình thấp nhất có thể, gần như là thì thầm, thế nhưng bụi gỗ từ trên cao vẫn rung lắc va rơi lả tả xuống.
Trong bóng tối, những người thợ mỏ nắm chặt tay nhau, duỗi tai lắng nghe một âm thanh duy nhất. Âm thanh của tiếng cuốc. Âm thanh của sự sống.
Họ đã chờ hàng giờ đồng hồ. Hiện thực đang trôi dần trong bóng tối. Mọi thứ như thể đã trôi qua từ rất lâu về trước, ở một thế giới xa vời nào đó. Hay là nó xảy ra vào tương lai, cũng ở một thế giới xa vời nào đó khác?
Bên ngoài, mọi người đang cố gắng đục một cái lỗ để đến với những người bên trong. Khung cảnh như là ở trong một bộ phim.
22.03.22