Tết vui !?
Những ngày cuối tháng chạp, cả thành phố ở trong trạng thái náo nức bồn chồn. Người người tất tả ngược xuôi trên những con đường dài...
Những ngày cuối tháng chạp, cả thành phố ở trong trạng thái náo nức bồn chồn. Người người tất tả ngược xuôi trên những con đường dài và hẹp. Con đường đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh đều thay đổi, vì trong lòng đang có sự thay đổi lớn: quanh đi quẩn lại sắp tới tết.
Quanh đi quẩn lại sắp tới tết. Vâng, vẫn là câu nói muôn thuở của những người lớn mà tết đối với họ là những gánh nặng cơm áo gạo tiền hữu hình và những áp lực xã hội vô hình. Có lẽ, trái tim họ đã bị sự thô bạo của cuộc sống dày vò. Làm người lớn, chẳng mấy ai khoái tết. Chắc thế. Cơ mà, với tư cách là một đứa-trẻ-con-học-làm-người-lớn, và cũng là một người-gần-lớn-nhưng-muốn-làm-trẻ-con, mình thấy tết vui như … tết. Chẳng thiếu gì những chuyện dở khóc dở cười trong những ngày cuối năm này.
23 tháng chạp, hay còn gọi là tết ông công ông táo, khi nhang chớm tàn và đồ lễ chớm nguội, không thể thiếu bước hóa vàng. Câu chuyện hóa vàng thì báo đài ti vi, trong nhà ngoài ngõ, trên mạng dưới đường xì xào cả chục năm nay rồi, nào thì tốn kém, nào thì nguy hiểm, nào thì biến tướng, nhưng cũng chả ai thiết tha gì. Cứ đốt. Đốt mạnh. Xã hội giàu lên, phú quý sinh lễ nghĩa, rồi thì quan niệm trần sao âm vậy, nên là càng ngày càng thấy số lượng và sự đa dạng của vàng mã tăng vọt. Ngoài những vật dụng truyền thống như áo mũ, tiền vàng, còn có một loạt sáng tạo như tiền đô (vâng tiền đô có vẻ ở thế thống trị tại ngân hàng địa phủ về sự mạnh mẽ và ổn định, nhưng với tình hình lạm phát năm nay thì chưa chắc), xe hơi (những dòng xe được ưa chuộng vẫn luôn là Mẹc, Lếch xụt, Râu Roi), Iphone (nhằm hiện đại hoá âm ty thành xứ sở 4.0), đồ hiệu (nhằm phong cách hóa âm ty thành kinh đô thời trang).
Tưởng tượng cảnh các cụ, khi đã về nơi chín suối, mặc áo mũ giày theo phong tục cổ, nhưng lại lái ô tô thay vì đi ngựa, một tay xài Iphone, một tay cầm xấp tiền đô, đeo thêm vài túi xách hiệu, quả là đỉnh cao của sự giao thoa văn hóa đông tây, thực thực hư hư, kim kim cổ cổ. Khá vui.
Vẫn là ngày 23 tháng chạp. Người dân nô nức đi thả cá chép, vừa là để tiễn táo quân về trời, vừa là để phóng sinh tạo phước đức. Theo phong tục thì cần 3 con cá, ứng với hai táo ông một táo bà. Cơ mà lạ. Có nhà thả 2 con, có lẽ táo bà được ưu ái mà ngồi an vị sau xe chăng? Có nhà thả đúng 1 con, vua bếp nhà đó định kẹp 3 phỏng? Cá chép thì thượng vàng hạ cám. Có những nhà cúng cá to như bắp chân, nhìn y như nạn nhân nằm yên trong nồi nước om dưa ở quán nhậu. Có nhà thì xài cá vàng, hai vây xinh xinh cá vàng bơi trong bể nước. Có nhà chơi trội, tiễn táo quân bằng hẳn cá koi đắt đỏ.
Rồi thì đến màn thả cá. Người thì nhẹ nhàng khoan thai, nghiêng nghiêng cái hộp nhựa trên mặt nước, cá nhẹ nhàng chui ra rồi hoà vào làn giao thông lên thiên đình. Người thì chơi kiểu cực đoan hơn, cho ông táo đi một chuyến thuỷ phi cơ, tức là quăng cá cho bay một quãng rồi rơi tõm xuống sông hồ mà bơi. Có người còn quăng nguyên túi nilon nổi lềnh phềnh trên mặt sông, thật chẳng khác nào cảnh cuối trong Finding Nemo.
Thả cá xong vẫn chưa hết chuyện. Cá vừa bơi được một đoạn, đã có mấy người tay cầm vợt tay cầm kích điện chờ sẵn. Vâng công an giao thông đây, xin chào các cụ vua bếp. Mời cụ tấp vào lề, xuống xe. Xin phép tịch thu phương tiện. Nhiều con cá yếu, bị chích điện cái là lăn ra ngửa bụng ngay lập tức. Con nào sống sót thì họ lẹ làng vớt lên, phóng nhanh ra chợ, đưa những ứng cử viên hóa rồng quay về vòng tuần hoàn luẩn quẩn không lối thoát. Thế là chửi nhau inh ỏi ở ngay bờ sông bờ hồ. Cũng vui.
Nửa tháng trước tết, các chợ hoa tự phát bắt đầu mọc lên như nấm khắp hang cùng ngõ hẻm. Và thế là ngày hội nói thách lớn nhất năm bắt đầu, với đủ chiêu trò hét giá và mặc cả từ bên mua và bên bán. Nhìn cảnh mọi người mua cây mua hoa giống như đang xem một vở kịch, với một kịch bản cố hữu như sau. Đầu tiên người bán sẽ hét giá trên giời. Sau đó người mua bĩu môi chê dáng chê lá chê búp chê hoa và mặc cả xuống chỉ còn một phần ba. Rồi người bán sẽ phân bua rằng giá gốc của em thế này thế nọ, cây này em mua từ vườn nghệ nhân xịn thế lọ thế chai, hoa lá cành nó phải như này mới đúng chất thế kia thế ấy. Và vở kịch đi đến cao trào khi người mua buông lời lạnh lùng phũ phàng rằng thôi không mua nữa để đi chỗ khác, người bán hất hàm thách thức rằng chỗ khác bán đắt hơn em xin cam đoan với anh chị.
Vậy là lần cuối đi bên nhau? Không hề!
Người mua chầm chậm quay lưng rời đi, bước chậm hơn hẳn nhịp đi bộ bình thường của họ, trong đầu tha thiết mong chờ một tiếng gọi từ người bán. Người bán cố đợi tầm năm mười giây, coi như là giữ chút phẩm giá cho chính mình, rồi chạy theo níu kéo cứu vãn cuộc tình với mức giá bằng một nửa ban đầu, âu cũng là một cái giá phải chăng, đi kèm với vài lời mật ngọt rằng coi như em bán mở hàng cho anh chị thế này lấy may đấy nhé. Hai bên hoan hỉ, rổn rảng nói cười, trao nhau những ánh nhìn trìu mến và mấy đồng polyme.
Ở một diễn biến khác, nhiều người ưa chuộng chiến thuật mua đào chiều 30, ắt đẩy các tiểu thương vào đường cùng với giá bán rẻ mạt. Nhiều người vào phản đối, kêu là thất đức, không đồng cảm với người lao động, không có tinh thần tương thân tương ái. Bên còn lại thì kêu là tiền của bố, quyền của bố. Nhiều tiểu thương bị ép giá quá, con giun xéo lắm cũng quằn, chửi cả khách, bảo là đéo bán nữa, tết nhất rồi còn hãm cành cạch. Thế là lại chửi nhau inh ỏi, cả trên mạng và ngoài phố, năm nào cũng như năm nào. Vui phết.
Thời điểm các cơ quan đoàn thể cho cán bộ nghỉ làm cũng là lúc đại hội dọn nhà bắt đầu. Đặc sản của nhiều hộ gia đình nước ta là bộ bàn ghế gỗ chạm trổ. Các chú các bác có vẻ rất chuộng thú chơi nội thất hoa văn uốn lượn oằn tà là vằn, để rồi trông ai cũng như một vị vua chễm chệ trên ngai vàng trong cái vương quốc rồng phượng thần thánh. Bộ bàn ghế để cả năm, chỉ chờ tới tết là có dịp lau chùi. Ngày xuân long phụng sum vầy, nhưng xin mời long phụng đi tắm cái đã. Hội thanh thiếu niên con cháu trong nhà mặt dài thuồn thuỗn, cầm vài ba cái bàn chải bé tí mà cọ bằng sạch bộ đồ gỗ to quá khổ. Than vãn thì chỉ có nước ăn chửi, hẳn rồi. Thế là nỗi khổ tâm bí bách ấy được đem lên chia sẻ trên mạng xã hội, hàng vạn con người liền tìm được sự đồng cảm và trao nhau những lời thấm đẫm tình người và những tiếng chửi đời ngoa ngoắt. Hơi bị vui.
Khi mấy ngày tết dần đi qua, khi cỗ bàn đã vơi và rượu chè đã cạn, bắt đầu thấy những tàn tích lúc trà dư tửu hậu. Ba ngày tết không được đổ rác quả là cực hình với khứu giác của nhiều người, khi mà bao nhiêu thịt thà giò chả dưa hành thừa mứa từ mấy hôm lễ lạt bắt đầu bốc mùi. Rồi khi ngày mùng 3 qua đi và phong tục cho phép đổ rác, có thể thấy được sự ngồn ngộn của những sản phẩm thừa sau dịp sum vầy. Nào là mấy loại quả không ăn được (có lúc có cả quả ăn được nhưng chẳng ai buồn ăn) trong mâm ngũ quả, vài ngày trước nằm trang trọng trên bàn thờ, nay đã lăn lóc một xó sau khi hết công dụng. Nào là cành đào toe toét hoa lá cành. Rồi thì cây quất đã cồng kềnh lại còn thối ủng. Đống rác khổng lồ thối um được đùn ra hè phố, hòa cùng làn người trở lại thành thị, tạo thành cảnh quan chốn phồn hoa mà năm nào báo đài cũng ra rả. Chắc là vui.
Mình đọc ở đâu đó, thấy bảo rằng một trong những yếu tố quan trọng của sự buồn cười là tính bất ngờ và sự mới lạ. Mỗi tội, mấy câu chuyện này chẳng hề thay đổi sau bao nhiêu năm, và vẫn cho mình cái để cười toe toét mỗi khi tết đến xuân về.
Đúng là vui như tết =)))
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất