Người ta chết ngạt vì thiếu dưỡng khí.
Dưỡng khí là gì mà khiến người ta chết vì thiếu nó?
 "Dưỡng" không có nghĩa là nuôi nấng. Chữ "dưỡng" (氧) ở đây chỉ óc-xy,  ô-xy, ô hai, oxygen, oxygène. Người Tàu dùng chữ 氧 này để diễn tả óc-xy,  người Việt đọc là "dưỡng". Vậy thôi, dưỡng khí là khí óc-xy.
Thú vị là tuy cùng văn hóa quyển Hán văn, nhưng người Nhật Bản không dùng chữ 氧 này. Họ dùng 2 chữ 酸素 (sanso - toan tố) để diễn tả. Chữ 酸 (toan) nghĩa là acid. Chữ 素 (tố) trong "nguyên tố". Vậy 酸素 hay "toan tố", là nguyên tốc acid? Óc-xy chính là acid?
 Chữ này được học giả Lan học Nhật Bản thời Edo là Udagawa Yōan (宇田川榕菴)  sống vào thời Edo dịch trong cuốn "Xá mật khai tông" (舎密開宗). Đây là cuốn  sách hóa học đầu tiên của Nhật Bản, xuất bản năm 1837. Quan niệm:  óc-xy có tính chất acid là do nhà hóa học người Pháp là Antoine-Laurent  de Lavoisier đề xướng. Lavoisier cho rằng óc-xy có mặt trong các loại  acid và là thứ mang lại tính chất ăn mòn của loại vật chất này. Rõ  ràng là Lavoisier sai lè lặt, nhưng cho đến nay người Nhật cũng chưa  chịu đính chính mà bỏ chữ "toan tố" đi. Trong tiếng Nhật, óc-xy vẫn bị  gọi là "toan tố". Quả là oan cho óc-xy quá.



Một trường hợp khác là hydro. Người Tàu gọi khí này là 氢, người Việt đọc theo âm Hán Việt là "khinh". Ta thường nghe nói đến "bom khinh khí", ấy tức là bom hydro vậy. Thoạt nghe nói đến "khinh khí", nhiều người nghỉ đến "khí nhẹ" như helium, nhưng không phải. Chữ "khinh" ở đây không mang nghĩa "nhẹ" (trong "khinh miệt") mà chỉ là tên gọi của nguyên tố hydro. 
Còn người Nhật lại dùng 2 chữ "thủy tố" (水素) tức nguyên tố nước để chỉ hydro.  Cách gọi này cũng bắt nguồn từ cuốn sách "Xá mật khai tông" của Udagawa Yōan. Ông ta mượn 2 chữ Hán này để dịch ý từ chữ Hà Lan là "waterstof". Từ này bắt nguồn từ cách gọi của Lavoisier là "hydrogène". Cái tên này xuất phát từ tiếng Hy Lạp, từ chữ "ὕδωρ", biểu ký chữ La Tinh là "hydôr" (nghĩa là nước) và chữ "γεννεν", biểu ký chữ La Tinh là "genne" (nghĩa là sinh ra). Vậy hydrogène, hay hydrogene theo cách viết trong tiếng Anh, mang nghĩa là "thứ sinh ra nước". Thì đúng mà, nước là do 2 hi-đờ-rô với 1 óc-xy mà ra chứ đâu.
Nói thêm, chữ "xá mật" (舎密) trong tiếng Nhật phát âm là seimi, là 2 chữ Hán mà Udagawa dùng để nhại lại âm của chữ "chemie" trong tiếng Hà Lan, nghĩa là "hóa học". Các ngôn ngữ Âu châu khác cũng đều có âm tương tự để chỉ hóa học, như "chemistry" (Anh), "chimie" (Pháp), "química" (Tây Ban, Bồ Đào), "chemie" (Đức),...
Ta lại nghe nói đến "khinh khí cầu" , chẳng lẽ đây là quả cầu khí hydro à? Không. Đây là quả cầu khí helium. Từ "khinh" ở đây mới mang nghĩa là nhẹ. Nhưng có lẽ đây là từ Hán do người Việt chế, vì người Tàu gọi loại bóng bay cỡ lớn này là "nhiệt khí cầu", còn người Nhật gọi đơn giản là "khí cầu".