Về tác giả

Ted Chiang (sinh năm 1967) là một nhà văn người Mỹ chuyên về thể loại khoa học viễn tưởng. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học máy tính năm 1989 và làm nghề viết tài liệu kỹ thuật đến năm 2002. Chiang đã xuất bản khoảng mười lăm truyện ngắn và novella. Truyện ngắn đầu tay Tower of Babylon đã được đề cử Hugo Award và giành giải Nebula Award năm 1991. Năm 2016, tác phẩm Story of Your Life được chuyển thể thành phim Arrival và đạo diễn bởi Dennis Villeneuve.
Truyện ngắn "Hơi thở" (Exhalation) được xuất bản lần đầu năm 2008 trong tuyển tập Eclipse 2: New Science Fiction and Fantasy và giành giải Hugo Award cho truyện ngắn xuất sắc năm 2009.
https://www.syfy.com/sites/syfy/files/styles/1200x680/public/2017/07/TedChiang.jpg
- - -
Từ xưa chúng tôi đã nói rằng không khí (mà số khác gọi là argon) là nguồn của sự sống. Điều ấy thật ra không chính xác, và tôi khắc những lời này để kể lại rằng tôi đã hiểu ra chân nguồn mạch sự sống bằng cách nào. Và từ đó luận ra cái cách mà sự sống sẽ kết thúc.
Trong suốt cả quá khứ, lời tuyên bố rằng chúng tôi hút sinh lực từ không khí quả là hiển nhiên, đến mức không phải xác nhận lần nữa. Ngày nào chúng tôi cũng tiêu thụ hai bình phổi đầy ự không khí; ngày nào chúng tôi cũng tháo những bình đã cạn khỏi lồng ngực và lắp vào đó bình đầy. Nếu có ai thành ra bất cẩn và để mức không khí của anh ta xuống quá thấp, anh ta sẽ cảm thấy sự nặng nề của các chi và nhu cầu cấp bách phải tiếp khí. Cực kỳ hiếm khi một người không lấy được ít nhất một phổi thay thế trước khi bình của anh ta cạn đáy; trong những lần không may đó - khi một người bị kẹt và không thể cử động, mà không có ai quanh đó để giúp đỡ - anh ta chết chỉ trong vòng vài giây.
Nhưng trong cuộc sống thường nhật, nhu cầu không khí không làm ai bận tâm cả, và chắc chắn nhiều người sẽ nói rằng việc đáp ứng nhu cầu ấy là phần nhỏ nhặt nhất của việc đi đến trạm bơm. Bởi trạm bơm là điểm hẹn hò xã giao, là nơi để hút lấy chất dinh dưỡng cho cơ thể và cả tinh thần của chúng tôi. Ai cũng dự trữ ở nhà một bộ phổi đầy, nhưng khi chỉ có một mình, việc mở lồng ngực ra và thay phổi là vặt vãnh. Vậy mà khi ở bên những người khác, nó trở thành một hoạt động tập thể, một niềm vui chung.
Nếu ai đó quá bận bịu hay cảm thấy khó chuyện trò, anh ta chỉ lắp một bộ mới, và cất bộ đã dùng hết vào bên kia căn phòng. Nếu anh ta có vài phút, một cử chỉ lịch sự là nối bộ đã hết vào một máy bơm và bơm đầy bình phổi cho người tiếp theo. Nhưng hầu như mọi người nán lại và tận hưởng thời gian với bạn bè, người quen, thảo luận tin tức thường nhật; và khi thoảng mang một bộ phổi mới bơm đầy cho người đang trò chuyện cùng mình. Cho dù đây không giống như việc chia sẻ không khí theo nghĩa nghiêm ngặt nhất của từ này, vẫn có tình thắm thiết được gầy dựng từ ý thức rằng toàn bộ không khí của chúng tôi đều chảy từ một nguồn, bởi các máy bơm chỉ là đầu cuối để lộ khỏi mặt đất của các ống dẫn khí, các ống này nối đến tận bể chứa sâu dưới lòng đất, lá phổi vĩ đại của thế giới, nguồn cội nuôi dưỡng tất cả chúng tôi.
Nhiều bộ phổi được trả về cùng trạm bơm vào ngày hôm sau, nhưng cũng rất nhiều bộ khác được luân chuyển sang các trạm khác khi mọi người đến thăm các khu lân cận; tất cả các bộ phổi đều y sì đúc, các bình xi lanh bằng nhôm nhẵn nhụi, nên người ta không thể biết nó đã luôn ở gần nhà hay đã đi một quãng đường xa xôi. Và cũng như phổi được chuyền từ người này qua người kia, từ khu này qua khu nọ, thì tin tức và chuyện phiếm cũng đi theo. Bằng cách ấy người ta có thể biết tin từ những vùng sâu vùng xa, thậm chí cả những nơi sát tận cùng thế giới mà không cần rời nơi mình ở, nhưng bản thân tôi lại thích đi đây đi đó. Tôi đã lên hành trình tới tận cùng thế giới, và đã thấy bức tường crôm dày đặc dựng từ mặt đất đến trời cao vô tận.
Lời đồn tôi lần đầu nghe ở một trạm bơm đã thúc giục tôi đi nghiên cứu và đưa tôi đến sự khai sáng sau này. Nó bắt đầu một cách bâng quơ, với một nhận xét từ người rao tin ở khu của tôi. Vào buổi trưa trong ngày đầu tiên của năm mới, theo truyền thống người rao tin sẽ đọc một đoạn thơ, một bài ca ngợi đã được viết từ ngày xưa dành riêng cho dịp này hàng năm, và sẽ mất đúng một tiếng đồng hồ để hoàn thành nó. Anh ta bảo rằng trong lần trình diễn gần đây nhất, đồng hồ trên tháp đã đổ chuông ngay trước khi anh ta kết thúc, một điều chưa từng xảy ra trước kia. Một người khác nhận xét rằng đây quả là trùng hợp, vì anh ta vừa quay về từ khu kế bên mà người rao tin ở đó đã phàn nàn về một điều y hệt.
Không ai nghĩ nhiều về sự kiện ấy, người ta chỉ mặc nhiên xác nhận nó đã xảy ra. Nhưng chỉ đến vài ngày hôm sau, khi có lời qua tiếng lại về sự sai lệch giữa người rao tin và đồng hồ ở một khu thứ ba, thì người ta gợi ý rằng đây có thể là bằng chứng cho một sự hỏng hóc trong bộ máy chung của tất cả các tháp đồng hồ, mặc dầu vẫn bất thường khi chúng lại chạy nhanh hơn thay vì chậm hơn. Các chuyên gia đồng hồ đến điều tra những chiếc bị nghi vấn, nhưng khi kiểm tra họ không thấy chỗ nào sai sót. Mà thật ra, khi đối chiếu với đồng hồ bấm giờ dùng cho thao tác căn chỉnh, người ta thấy các tháp đồng hồ vẫn tiếp tục chạy giờ chuẩn xác.
Bản thân tôi thấy vấn đề này có phần thú vị, nhưng lúc ấy tôi quá tập trung vào nghiên cứu của mình mà không tơ tưởng đến chuyện bên ngoài. Tôi vốn là nghiên cứu sinh về giải phẫu học, và để cho độc giả nắm được bối cảnh của những hành động tiếp theo của tôi, sau đây tôi xin tường thuật ngắn gọn về quan hệ của tôi với chuyên ngành.
May cho chúng tôi, cái chết không thường thấy, vì cơ thể chúng tôi vững bền và rủi ro chết người thì hiếm. Nhưng vì vậy giải phẫu học trở nên khó khăn, nhất là khi những tai nạn dẫn đến tử vong cũng làm di hài người đã khuất quá hư hại để có thể nghiên cứu. Nếu bình phổi bị thủng khi đang đầy, lực nổ có thể phá tan cơ thể, xé toạc lớp vỏ titan dễ như thiếc mỏng. Thời xưa, các nhà giải phẫu tập trung sự chú ý vào tay và chân vì đó thường là những chỗ còn nguyên vẹn. Trong bài giảng về giải phẫu đầu tiên tôi đến nghe một thế kỷ trước, thầy giáo đã cho chúng tôi xem một cánh tay đứt rời, vỏ ngoài đã tháo để lộ ra một khối các tay đòn và pít-tông bên trong. Tôi nhớ như in cái cách mà ông ấy, sau khi kết nối các vòi động mạch vào một bình phổi lắp trên tường phòng thí nghiệm, đã điều khiển được các tay đòn đâm ra từ cái đế nát tả tơi của cánh tay, và bàn tay hồi đáp bằng cách xòe ra và cuộn lại thành nắm đấm.
Trong những năm sau này, chuyên ngành của chúng tôi đã phát triển đến mức các nhà giải phẫu có thể sửa chữa các chi bị hỏng, và đôi lúc nối lại được một chi đã đứt rời. Cùng lúc ấy chúng tôi có thể nghiên cứu sinh lý học của người đang sống; tôi đã đứng giảng lại một phiên bản của bài học đầu tiên, mà trong đó tôi mở nắp vỏ của chính cánh tay mình và gợi sự chú ý của các sinh viên tới những tay đòn đang co duỗi khi tôi ngọ nguậy các ngón tay.  
Bất chấp những tiến bộ ấy, ở trung tâm của ngành nghiên cứu vẫn tồn lại một bí ẩn to lớn chưa thể tìm ra: vấn đề ký ức. Trong khi chúng tôi biết chút ít về cấu trúc não, sinh lý học của bộ não lại cực kỳ khó hiểu bởi thiết kế đặc biệt tinh xảo của nó. Điển hình trong một tai nạn chết người, khi hộp sọ bị thủng, bộ não người ta nổ tung thành một đám mây toàn vàng, gần như không còn gì có ích để mổ xẻ ngoại trừ những sợi tơ và lá mỏng bị xé vụn. Trong nhiều thập kỷ, lý thuyết phổ thông nhất về ký ức là tất cả những trải nghiệm của một người được khắc ghi trên những tấm lá bằng vàng; chính những tấm đó, khi bị xé tan bởi lực của cú đâm va, đã để lại các vụn cốm sau vụ tai nạn. Các nhà giải phẫu thu thập những miếng vàng ấy - mỏng đến độ ánh sáng chiếu xuyên qua chúng - và dành ra nhiều năm cố gắng ghép lại thành tấm ban đầu, với hi vọng sẽ giải mã các biểu tượng khắc ghi những trải nghiệm của người đã khuất.
Tôi không ủng hộ lý thuyết này - còn được gọi là thuyết khắc ghi, bởi lý do giản đơn rằng nếu mọi trải nghiệm của chúng tôi được ghi lại, thì tại sao ký ức của chúng tôi không đầy đủ? Những người theo thuyết khắc ghi đưa ra một giải đáp cho chứng quên - rằng theo thời gian các lá vàng lệch dần khỏi đầu kim dùng để đọc ký ức, cho đến khi chiếc lá cũ nhất trượt hoàn toàn tiếp xúc khỏi đầu đọc - nhưng tôi chưa bao giờ thấy nó thuyết phục cả. Dù sao sức cuốn hút của lý thuyết thật dễ thấy; bản thân tôi cũng đã dành nhiều giờ nghiên cứu các vụn vàng dưới kính hiển vi, và tưởng tượng ra sự thỏa mãn khi xoay xoay núm chỉnh và thấy các biểu tượng hiện lên rõ nét.
Hơn nữa, phải tuyệt vời biết bao nhiêu khi giải mã được ký ức xa xưa nhất của một người, những kỷ niệm mà bản thân anh ta có lẽ đã quên? Không ai trong chúng tôi có thể nhớ xa hơn một trăm năm về quá khứ, và các bản viết - những thứ chúng tôi đã khắc ghi nhưng hầu như không có ký ức về việc ấy - chỉ mới vài trăm năm trước đó. Chúng tôi đã sống bao nhiêu năm trước khi lịch sử chữ viết bắt đầu? Chúng tôi đến từ đâu? Chính lời hứa rằng câu trả lời sẽ được tìm ra trong chính bộ não làm cho thuyết khắc ghi có sức hút mãnh liệt như thế.
Tôi vốn là người tiên phong của trường phái đối lập, rằng ký ức của chúng tôi được lưu trữ trong một phương tiện mà quá trình tẩy xóa cũng trơn tru như quá trình ghi lại: có lẽ trong vòng quay của bánh răng, hay vị trí của bộ chuyển mạch. Lý thuyết này có ngụ ý rằng mọi thứ chúng tôi quên đã hoàn toàn mất đi, và những gì chứa trong bộ não của chúng tôi cũng không xa xưa hơn những gì có trong thư viện của chúng tôi. Một lợi thế của lý thuyết này là nó có thể giải thích tốt hơn, tại sao khi bình phổi được lắp lại cho những người tử vong vì thiếu khí, anh ta hồi phục hoàn toàn nhưng mất sạch ký ức: bằng cách nào đó cú sốc đã đặt tất cả bánh răng và nút chuyển về vị trí ban đầu. Những người theo thuyết khắc ghi thì tuyên bố cú sốc chỉ làm lệch tấm lá vàng, nhưng không ai dám giết chết một người đang sống, kể cả một tên đần độn, để giải quyết tranh cãi này. Tôi đã dự tính một thí nghiệm sẽ cho phép tôi đưa ra kết luận chính xác, nhưng đó là việc rất liều lĩnh, và cần nhấc lên đặt xuống thật kỹ trước khi tiến hành. Tôi phân vân hơi lâu, cho đến khi nghe thấy sự kiện chiếc đồng hồ.
Tin tức lan truyền từ một khu xa hơn rằng người rao tin ở đó cũng thấy tháp đồng hồ đánh chuông trước khi đọc xong bài thơ năm mới. Đáng chú ý là đồng hồ ở khu này hoạt động dưới một cơ chế khác, mà thời gian được đánh dấu bằng thủy ngân chảy vào một bình chứa. Đến đây thì sự không đồng nhất không còn giải đáp được bằng lỗi máy móc. Nhiều người nghi rằng đây chỉ là một mánh lừa đảo, một trò dựng nên bởi những kẻ thích đùa. Tôi nghi ngờ có một sự thật tăm tối hơn mà tôi không thể nói ra, nhưng nó đã thúc đẩy cho hành động của tôi; tôi sẽ tiến hành thí nghiệm của mình.
Dụng cụ đầu tiên mà tôi dựng nên rất giản đơn: trong phòng thí nghiệm tôi cố định bốn lăng kính vào các kẹp trên khung đỡ, và sắp thẳng các lăng kính này sao cho đỉnh của chúng tạo thành bốn góc của hình chữ nhật. Với sự sắp xếp này, một chùm sáng chiếu vào một lăng kính dưới thấp sẽ được phản xạ hướng lên trên, sau đó hướng ra sau sau, rồi xuống dưới, và lại hướng ra trước thành một vòng lặp hình bốn cạnh. Do đó khi tôi ngồi xuống và đặt tầm mắt ngang với lăng kính đầu tiên, tôi có được một tầm nhìn trọn vẹn phía sau đầu. Chiếc kính tiềm vọng để tự soi này này là nền tảng cho mọi thứ sẽ đến sau đó.
Một thiết kế bốn cạnh vuông góc với các tay đòn cho phép thao tác được truyền đi giống như cách tầm nhìn được truyền đi bởi các lăng kính. Hệ thống tay đòn có kích cỡ lớn hơn so với chiếc kính tiềm vọng, nhưng vẫn tương đối đơn giản về thiết kế; ngược lại, bộ phận lắp vào cuối hai hệ thống này phức tạp hơn rất nhiều. Ở chiếc kính tiềm vọng, tôi gắn thêm một ống nhòm hiển vi dựng trên một phần cứng chuyển động được lên xuống và sang hai bên. Ở bộ tay đòn tôi gắn thêm một hàng ma-níp chính xác, dù tên gọi này không xứng tầm với tuyệt tác sáng tạo của người thợ máy đã làm ra chúng. Phối hợp sự khéo léo của nhà giải phẫu và cảm hứng đến từ cấu trúc cơ thể mà họ nghiên cứu, những ma-níp cho phép người sử dụng thực hiện mọi thao tác anh ta có thể làm với chính bàn tay mình, nhưng trên một phạm vi nhỏ hơn.
Lắp ráp tất cả các thiết bị trên mất nhiều tháng, nhưng tôi không có khả năng lơ là trong công việc này. Khi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, tôi có thể đặt hai bàn tay trên một bộ các núm chỉnh và cần gạt để điều khiển một đôi ma-níp đặt sau đầu, và sử dụng chiếc kính tiềm vọng để theo dõi thao tác của chúng. Lúc ấy tôi có thể tiến hành mổ não của chính mình.
Chỉ ý nghĩ thôi đã tưởng như quá điên rồ, tôi biết điều ấy, và bất kỳ đồng nghiệp nào nghe thấy chuyện này chắc chắn đã cản tôi lại. Nhưng tôi không thể yêu cầu ai khác liều mạng sống của mình cho ngành giải phẫu, và bởi tôi đã mong ước được đích thân tiến hành mổ, tôi sẽ không thỏa mãn với việc chỉ là một đối tượng bị động của ca phẫu thuật đó. Tự mổ là lựa chọn duy nhất của tôi.
Tôi đem theo một chục bộ phổi đã bơm đầy, và nối chúng với một hệ thống ống dẫn. Tôi cố định hệ thống này bên dưới bàn làm việc nơi tôi ngồi, và lắp một vòi bơm thẳng tới cuống phổi trong lồng ngực. Tất cả không khí này sẽ đủ cho sáu ngày. Để phòng cho khả năng thí nghiệm không được hoàn thành trước thời hạn, tôi đã đặt lịch hẹn với một đồng nghiệp sẽ đến thăm vào ngày cuối cùng. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng nếu không hoàn thành được phẫu thuật trong thời gian đó tức là tôi đã gây ra cái chết của chính mình.
Photo by Garett Mizun on Unsplash
Tôi bắt đầu bằng cách tháo tấm vỏ uốn sâu làm nên phần gáy và đỉnh đầu; sau đó đến các tấm uốn nông hơn ở hai bên. Chỉ còn lại tấm làm mặt, nhưng nó đang được khóa vào một chiếc khung kẹp và tôi không thể nhìn thấy phía trong của nó từ điểm nhìn hiện tại của chiếc kính tiềm vọng; thứ mà tôi đang thấy là bộ não hở ra của chính mình. Bộ não được tạo nên bởi một chục các cụm lắp ráp, vỏ bọc được đúc tinh xảo;  khi chiếu kính tiềm vọng gần những khe hẹp giữa chúng, ánh nhìn tôi bị cuốn hút bởi một bộ máy tuyệt diệu. Thậm chí với một phần nhỏ mà tôi tận mắt nhìn được, tôi đã biết đó là cỗ máy cầu kỳ nhất tôi từng chiêm ngưỡng, vượt xa mọi sản phẩm con người đã xây dựng và không thể phủ nhận nguồn gốc thần linh. Cảnh tượng vừa thích thú vừa choáng váng, và tôi vội thưởng thức trên niềm đam mê thuần mỹ học trước khi tiếp tục cuộc thám hiểm của mình.
Người ta đặt ra giả thuyết chung rằng bộ não được chia làm hai phần: một cỗ máy đặt ở trung tâm thực hiện các hoạt động tư duy, và xung quanh là một hàng phụ tùng nơi lưu trữ ký ức. Điều mà tôi đã chứng kiến có nhất quán với giả thuyết, bởi những cụm lắp ráp bên rìa trông giống nhau, trong khi phần ở trung tâm hiện ra khác hẳn, không đồng nhất và có nhiều bộ phận chuyển động hơn. Tuy nhiên vì các phần phụ đặt san sát nhau nên tôi khó nhìn thấy hoạt động của chúng; nếu muốn nghiên cứu kỹ, tôi cần một điểm nhìn gần hơn.
Mỗi cụm lắp ráp có bể chứa khí riêng, được cấp khí bởi một ống dẫn từ bộ điều áp ở dưới đáy của bộ não. Tôi ngắm kính tiềm vọng vào cụm lắp ráp xa nhất về phía gáy, và điều khiển các ma-níp từ xa để nhanh chóng ngắt ống dẫn và thay vào đó một ống dài hơn. Tôi đã thực hành thao tác này rất nhiều lần sao cho có thể thực hiện nó trong tích tắc; nhưng vẫn e sợ có thể không làm kịp trước khi cụm lắp ráp bị rút cạn không khí. Sau khi đã hài lòng với thao tác không bị gián đoạn, tôi mới xê dịch chiếc ống dài để có tầm mắt tốt hơn tới khe hẹp ẩn sau phần phụ: thêm nhiều ống dẫn khác nối nó với các cụm lắp ráp liền kề. Sử dụng tay ma-níp mảnh nhất để vươn vào vị trí chật hẹp ấy, tôi dần thế chỗ từng chiếc bằng các ống dẫn dự phòng dài hơn. Cuối cùng, tôi đã xử lý được xung quanh cụm lắp ráp và thay thế mọi kết nối giữa nó và bộ não. Giờ đây tôi có thể nhấc nó ra khỏi khung đỡ và lôi cả bộ phận khỏi đầu tôi.
Tôi biết có khả năng mình đã làm hư hại khả năng tư duy mà không nhận ra, nhưng làm thử mấy bài số học cơ bản cho thấy tôi không bị hỏng hóc gì. Với một cụm lắp ráp đang treo trên giàn, tôi đã có tầm nhìn tốt hơn vào cỗ máy tư duy ở trung tâm bộ não, nhưng không đủ chỗ đưa cả ống nhòm hiển vi vào để quan sát kỹ hơn. Để nghiên cứu toàn bộ cơ chế của não, tôi cần dời chỗ ít nhất nửa tá cụm lắp ráp.
Một cách cực kỳ cẩn thận và cố gắng, tôi lặp lại quy trình thay ống dẫn với các cụm khác, xếp chúng một chiếc xa hơn về phía sau, hai chiếc về đằng trước, và hai chiếc về hai bên, cả sáu chiếc treo trên giàn trên đầu tôi. Khi đã hoàn thành, bộ não tôi trông như một vụ nổ đang ngừng lại một phần vô hạn của một giây sau khi phát nổ, và tôi lại chóng mặt khi nghĩ đến cảnh ấy. Nhưng cuối cùng cả cỗ máy tư duy đã được bày ra; nó được đỡ bằng một bó ống dẫn và tay đòn kéo xuống tận ngực. Tôi cũng đủ chỗ để xoay kính hiển vi đủ ba trăm sáu mươi độ, và lia mắt vào mặt trong của các cụm lắp ráp vừa dỡ ra. Thứ mà tôi thấy là cả một vũ trụ tí hon của máy móc bằng vàng, một địa hạt những rô-to và trục pít-tông thu nhỏ.
Ngắm nhìn khung cảnh này, tôi thắc mắc, cơ thể của tôi ở đâu? Những phương tiện giúp truyền thị giác và hoạt động của tôi quanh căn phòng cũng không khác về nguyên tắc với những phương tiện truyền tín hiệu từ mắt và bàn tay đến bộ não. Trong suốt quá trình thí nghiệm, chẳng phải các ma-níp thực chất cũng là bàn tay? Chẳng phải các thấu kính phóng đại của kính tiềm vọng thực chất cũng là đôi mắt? Tôi là một người lộn từ trong ra ngoài, với cơ thể nhỏ xíu và rời từng mảnh, đặt giữa một bộ não hở toang. Chính ở trong hình trạng vô lý này mà tôi bắt đầu khám phá bản thân mình.
Tôi hướng kính hiển vi tới một trong những cụm lưu giữ ký ức, và bắt đầu nghiên cứu cấu tạo của nó. Tôi không ao ước có thể giải mã ký ức của mình, mà chỉ mong suy luận được phương thức mà chúng được ghi lại. Như tôi đã dự đoán, không hề thấy những tệp lá vàng, nhưng ngạc nhiên thay cũng không có những hàng bánh răng hay bộ chuyển mạch. Thay vào đó, phần phụ này hầu như chỉ gồm một hàng ống khí nhỏ xíu. Qua kẽ hở giữa chúng tôi thoáng thấy những đợt lăn tăn nhấp nhô chạy qua phía bên kia.
Sau khi xem xét kỹ với độ phóng đại lớn hơn, tôi nhận thấy các ống khí rẽ nhánh thành các mao dẫn đan vào một lưới bện dày đặc có gắn lá vàng. Dưới tác động của không khí thoát ra từ mao dẫn, các lá vàng được giữ ở một số vị trí riêng biệt. Đây không phải là thiết bị chuyển mạch theo nghĩa thông thường, vì chúng không thể ở nguyên vị trí nếu không có luồng khí giữ chúng lại, nhưng tôi ngờ rằng đây chính là thiết bị chuyển mạch tôi đang tìm kiếm, là phương tiện qua đó ký ức của tôi được ghi lại. Những đợt nhấp nhô tôi thấy lúc trước chắc hẳn là hoạt động gợi nhớ, vì một chuỗi vị trí các tấm lá được đọc và gửi về cỗ máy tư duy.
Nắm chắc hiểu biết mới này, tôi liền xoay kính hiển vi tới cỗ máy tư duy. Ở đây tôi cũng thấy lưới bện dày đặc, nhưng trên đó không gắn các lá vàng đứng yên; thay vào đó các tấm lá lật qua lật lại với tần suất mà mắt tôi gần như không bắt kịp. Thật ra dường như cả cỗ máy đang ở trạng thái vận động, với nhiều lưới hơn là mao dẫn, và tôi tự hỏi làm sao luồng khí có thể thổi tới toàn bộ các lá vàng một cách nhất quán. Tôi theo dõi kĩ các tấm lá nhiều giờ liền, cho tới khi nhận ra bản thân chúng cũng đóng vai trò mao dẫn; những lá vàng tạo thành mạch và van trong khoảnh khắc đủ lâu để hướng luồng khí tới các lá vàng khác rồi biến mất hẳn. Đây là một cỗ máy đang trải qua sự biến đổi không ngừng nghỉ, quá trình tự điều chỉnh là một phần trong sự vận hành của nó. Lưới bện không hẳn là một cỗ máy, mà là trang giấy nơi đó chính cỗ máy được viết nên và không ngừng tự viết nên.
Ý thức của tôi có thể nói là được mã hóa trong vị trí của những tấm lá nhỏ xíu này, nhưng sẽ chính xác hơn khi nói rằng nó được mã hóa trong cấu trúc luôn luôn biến đổi của luồng khí thổi qua chúng. Quan sát sự dao động của các lá vàng, tôi nhận ra rằng không khí không hẳn, như chúng tôi đã đinh ninh, chỉ cấp năng lượng cho cỗ máy tạo nên tư duy của chúng tôi. Không khí chính là chất liệu của tư duy. Bản chất của chúng tôi chỉ là cấu trúc của luồng khí. Ký ức của tôi được khắc ghi, không phải qua đường rãnh trên lá hay vị trí của bộ chuyển mạch, nhưng bởi dòng chảy bền bỉ của argon.
Trong khoảnh khắc khi tôi đã nắm được bản chất của cơ chế lưới này, sự thấu hiểu ồ ạt liên tục xâm chiếm ý thức của tôi. Điều đầu tiên và cơ bản nhất là giải thích tại sao chỉ có vàng, kim loại dễ dát mỏng và dễ uốn nhất, lại được sử dụng làm chất liệu cho bộ não của chúng tôi. Chỉ có lá vàng mỏng nhất mới chuyển động đủ nhanh cho một cỗ máy như vậy, và chỉ có các sợi vàng mảnh nhất mới có thể làm bản lề cho chúng. Các vụn đồng rơi ra đầu cây viết khi tôi khắc ghi những dòng này và quẹt ra ngoài khi viết xong, khi nhìn lại cũng thô ráp và nặng nề như phế liệu. Đây thật sự là chất liệu trên đó quá trình ghi lại và tẩy xóa có thể thực hiện nhanh chóng, hơn mọi vị trí bánh răng hay bộ chuyển mạch.
Điều tiếp theo được thông suốt là tại sao việc lắp bình phổi đầy vào một người đã tử vong do thiếu khí lại không làm người đó sống lại được. Những lá vàng trên lưới được giữ thăng bằng bởi nệm luồng khí thổi không ngừng. Cách sắp đặt này cho phép chúng lật qua lại nhẹ nhàng, nhưng cũng có nghĩa rằng nếu dòng khí có ngừng lại, tất cả sẽ mất đi; các tấm lá sẽ đồng nhất chúc thẳng xuống, xóa sạch hình ảnh và ý thức mà nó tạo nên. Hồi phục nguồn cấp khí không thể tái tạo những gì đã phai mất. Đây là cái giá của tốc độ; một cơ chế ổn định hơn để duy trì các cấu trúc sẽ làm cho ý thức của chúng tôi chậm chạp hơn.
Khi ấy tôi nhận thức được câu trả lời cho vụ việc chiếc đồng hồ. Tôi thấy rằng tốc độ dịch chuyển của các tấm lá phụ thuộc vào luồng khí đỡ chúng; nếu đủ không khí, chúng có thể hoạt động gần như không có ma sát. Nếu chúng dịch chuyển chậm hơn, đó là vì ma sát mạnh hơn, điều ấy chỉ xảy ra khi lớp nệm khí mỏng đi, và luồng khí thổi qua tấm lưới yếu dần.
Không phải tháp đồng hồ đang chạy nhanh hơn. Sự thật là bộ não của chúng tôi đang chậm dần. Tháp đồng hồ hoạt động nhờ nhịp độ bất biến của quả lắc, hay bằng dòng chảy liên tục của thủy ngân. Nhưng não chúng tôi nhờ cậy vào không khí, và khi dòng khí chậm đi, tư duy của chúng tôi cũng trì trệ, làm cho đồng hồ dường như chạy nhanh hơn.
Tôi đã sợ điều này sẽ xảy ra, và chính viễn tượng ấy đã thúc đẩy tôi thực hiện công việc tự giải phẫu. Nhưng lúc trước tôi còn đinh ninh rằng cỗ máy tư duy - dù lấy năng lượng từ không khí - sau cùng vẫn có bản chất cơ học, và sự biến dạng vì ăn mòn ở một phương diện nào đó của cấu trúc máy là nguyên nhân chính cho sự chậm chạp này. Điều ấy cũng kinh khủng không kém, nhưng ít ra chúng tôi còn có hy vọng sửa chữa để hồi phục tốc độ xử lý ban đầu của bộ não.
Nhưng nếu tư duy của chúng tôi không đến từ chuyển động của các bánh răng mà đơn thuần là cấu trúc luồng khí, thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn, vì do đâu mà không khí thổi qua não bộ của mọi người đều giảm lưu lượng? Chắc chắn không phải sự giảm áp suất của các ống dẫn trong trạm bơm; áp suất trong buồng phổi chúng tôi cao đến nỗi cần hạ xuống bằng một loạt van điều áp trước khi đến não bộ. Sự giảm áp suất này, như tôi hiểu ra, phải đến từ chiều ngược lại: khí áp xung quanh chúng tôi đang tăng dần.
Sao điều ấy xảy ra được? Ngay khi câu hỏi được đưa ra, câu trả lời hợp lý duy nhất trở nên rõ ràng: bầu trời của chúng tôi không cao vô tận. Ở nơi nào đó ngoài tầm mắt, bức tường crôm bao vây thế giới của chúng tôi hẳn phải tụ lại thành một mái vòm; vũ trụ của chúng tôi là một căn buồng kín thay vì đáy giếng mở. Và không khí đang tích tụ trong căn buồng đó, cho tới khi áp suất ở bể chứa bên dưới đi đến cân bằng.
Đó là lý do khi mở đầu bản ghi này, tôi đã nói không khí không phải nguồn gốc của sự sống. Không khí không thể được tạo ra hay hủy diệt; khối không khí của toàn vũ trụ là bất biến, và nếu chúng tôi chỉ cần không khí để sống, chúng tôi sẽ không bao giờ chết đi. Nhưng sự thật là nguồn gốc sự sống được tạo nên bởi chênh lệch áp suất không khí, dòng chảy từ nơi mật độ cao đến nơi mật độ thấp. Hoạt động của não bộ, sự vận động của cơ thể chúng tôi và tất cả máy móc chúng tôi tạo nên có được là nhờ chuyển động của không khí, lực tác động khi áp suất chênh lệch tìm cách cân bằng nhau. Khi khí áp trên toàn vũ trụ giống hệt nhau, không khí sẽ ngừng vận động, và vô dụng hoàn toàn; một ngày nào đó chúng tôi sẽ bị bao vây bởi bầu khí quyển trơ lỳ và không thể chuyển hóa được bất kỳ lợi ích nào từ nó.
Chúng tôi không hề tiêu thụ không khí. Lượng khí tôi rút được mỗi ngày từ bộ phổi mới bằng chính xác lượng thoát ra khỏi các khớp chân tay và mối hàn khung vỏ của tôi, bằng chính xác lượng mà tôi cấp cho bầu khí quyển bao quanh tôi; mọi thứ tôi làm là chuyển đổi không khí từ áp suất cao thành thấp. Với mọi chuyển động cơ thể, tôi đóng góp vào sự cân bằng khí áp của vũ trụ. Với mọi ý nghĩ mà tôi có, tôi đẩy nhanh sự tiến tới trạng thái cân bằng và tiến tới cái chết.
Nếu tôi thấu hiểu điểu này ở bất kỳ hoàn cảnh nào khác, tôi đã có thể nhào lên khỏi ghế và chạy ra ngoài đường, nhưng ở tình cảnh hiện tại - cơ thể mắc kẹt, não treo lơ lửng quanh phòng thí nghiệm - điều ấy là bất khả thi. Khi thấy những suy nghĩ căng thẳng của mình làm các tấm lá trong não lật phật nhanh hơn, tôi lại càng nhức nhối vì bị kiềm chế và bất động. Hoảng loạn có thể dẫn tới tử vong, một cực điểm kinh hãi khi dần dần mất bình tĩnh mà không thể cựa quậy, khi tôi giành giật chống lại trạng thái mắc kẹt cho tới khi cạn không khí. Vừa tình cờ vừa có chủ ý mà tay tôi đã chỉnh cần gạt để hướng kính tiềm vọng khỏi hệ thống đan lưới, nên tôi chỉ thấy bề mặt của bàn làm việc. Không còn phải nhìn và phóng đại chính trí óc của mình, tôi dịu xuống dần dần. Khi đã lấy lại đủ bình tĩnh, tôi khởi động việc tái lắp ráp, một quá trình dài hơi tốn sức. Sau cùng tôi phục hồi bộ não về hình trạng gốc gọn nhẹ, gắn lại các tấm vỏ trên đầu, và giải thoát mình khỏi chiếc khung kẹp.
Ban đầu các nhà giải phẫu không tin khi tôi nói với họ những gì tôi đã phát hiện ra, nhưng trong nhiều tháng sau lần tự mổ đầu tiên của tôi, càng nhiều người bị thuyết phục. Các nghiên cứu trên não người được tiến hành, nhiều cuộc đo đạc áp suất khí quyển được thực hiện, và tất cả kết quả đều xác nhận những gì tôi đã nói. Khí áp nền của vũ trụ quả thật đang tăng dần, và do đó làm chậm tư duy của chúng tôi.
Sự hoang mang đã dấy lên trong những ngày sau khi sự thật được công bố, khi người ta lần đầu tiên nghĩ tới việc cái chết là không tránh khỏi. Nhiều người kêu gọi hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động để hạn chế tối đa mật độ khí quyển tăng lên; những lời buộc tội phí phạm không khí gây nên xô xát ầm ĩ, và ở nhiều quận, còn dẫn đến giết người. Phải đến khi những cái chết xảy ra với nguyên nhân đáng hổ thẹn ấy, cùng với lời nhắc rằng phải nhiều thế kỷ nữa khí quyển trên mặt đất mới cân bằng với bể chứa dưới sâu, mà cơn hoang mang mới dịu xuống. Chúng tôi không biết rõ phải mất bao nhiêu thế kỷ nữa; những cuộc đo đạc và tính toán đang được tiến hành và thảo luận. Trong thời gian này, sẽ có rất nhiều tranh luận trong chúng tôi về việc làm cách nào để sống nốt những năm còn lại.
Một nhóm người hết lòng theo đuổi mục tiêu đảo ngược sự cân bằng khí áp, và tìm được cho mình nhiều người xin gia nhập. Những tay thợ cơ khí ở đó chế tạo một động cơ hút không khí xung quanh và nén lại cho thể tích nhỏ hơn, một quá trình mà họ gọi là "cô đặc." Động cơ này khôi phục không khí về áp suất ban đầu ở trong bể chứa, và hội Đảo ngược này hồ hởi thông báo rằng nó sẽ làm nền tảng cho một trạm bơm kiểu mới, mà với mỗi một lá phổi được bơm đầy, không chỉ cá nhân được nuôi dưỡng mà cả vũ trụ cũng no đủ. Vậy mà, khi đem ra nghiên cứu kỹ người ta phát hiện thấy lỗ hổng nghiêm trọng. Động cơ này chạy bằng chính không khí lấy từ bể chứa, và với mỗi lá phổi đầy được sản xuất ra, nó tiêu thụ không chỉ bằng đúng một lá phổi, mà tốn hơn một chút. Nó không hề đảo ngược sự cân bằng, mà như mọi thứ khác trên thế giới này, giúp đẩy nhanh quá trình đó hơn.
Dù một số hội viên rút lui vì thất vọng sau trở ngại này, cả hội Đảo ngược không nao núng, và họ bắt đầu phác thảo những mô hình cải tiến mà trong đó bộ phận cô đặc chạy bằng lò xo hay vật nặng. Kết quả không hề khá hơn. Mỗi khi lò xo nén lại là không khí thoát ra từ người làm nhiệm vụ lên dây; mỗi khi vật nặng đặt trên cao là không khí thoát ra từ người làm nhiệm vụ bê vác. Không tồn tại một nguồn năng lượng trong vũ trụ mà không khởi nguồn từ chênh lệch khí áp, và không tồn tại một cỗ máy mà khi vận hành sẽ không làm giảm sự chênh lệch đó.
Hội Đảo ngược tiếp tục công cuộc của mình, đinh ninh rằng một ngày họ sẽ kiến tạo một động cơ làm cô đặc không khí nhiều hơn lượng nó tiêu thụ. Một nguồn năng lượng vĩnh cửu có thể trả lại cho vũ trụ sức sống đang mất dần. Tôi không dự phần vào sự lạc quan của họ; tôi tin rằng quá trình cân bằng là không tránh được. Sau cùng, tất cả không khí trong vũ trụ sẽ được san đều, không đặc hơn cũng không loãng hơn ở bất kỳ điểm nào, không thể đẩy pít-tông, xoay rô-to, hay lật một tấm lá vàng nữa. Đây sẽ là tận cùng của áp suất, tận cùng của năng lượng, tận cùng của tư duy. Vũ trụ sẽ đạt cân bằng tuyệt đối.
Có người thấy một sự mỉa mai khi một nghiên cứu não bộ không cho chúng tôi thấy những bí mật của quá khứ, mà mở ra những gì sẽ đợi chúng tôi ở cuối con đường. Dù vậy, tôi khẳng định rằng chúng tôi đã học được đôi điều về quá khứ. Vũ trụ đã khởi đầu bằng một hơi thở dài vĩ đại. Ai biết được tại sao, nhưng tôi vẫn mừng vì điều ấy đã xảy ra, bởi do đó mà tôi mới hiện hữu. Mọi niềm mong mỏi và trăn trở của tôi không hơn và không kém dòng chảy cuồn cuộn sinh ra từ hơi thở chậm rãi của vũ trụ. Và ý nghĩ của tôi sẽ sống tới ngày hơi thở ấy kết thúc.
Để cho chúng tôi có thể tư duy càng lâu càng tốt, các nhà giải phẫu và thợ máy đang thiết kế phụ tùng thay thế cho bộ điều áp của não, để tăng dần khí áp trong não bộ và giữ nó cao hơn khí áp môi trường. Khi những phần này đã được lắp, tư duy của chúng tôi sẽ hoạt động bình thường trong khi không khí xung quanh dần ép lại. Nhưng không có nghĩa sự sống cứ tiếp tục như thế. Đến một lúc hiệu giữa các áp suất sẽ giảm tới mức chân tay chúng tôi yếu đi và cử động trở nên uể oải. Tới đó chúng tôi có thể cố hãm tư duy để bù cho sự đù đờ thể xác, tuy các quá trình ngoài môi trường sẽ tăng tốc từ điểm nhìn của chúng tôi. Đồng hồ sẽ rít lên trong khi quả lắc đung đưa hối hả, các vật rơi thẳng xuống đất như bật lò xo, sóng chạy vun vút dọc đường cáp như cây roi quất trong không khí.
Đến một thời điểm mọi chi sẽ ngừng hoạt động. Tôi không chắc về thứ tự các sự kiện gần những ngày cuối, nhưng tôi hình dung một viễn cảnh mà ý thức sẽ tiếp tục, nên chúng tôi vẫn còn tỉnh nhưng cơ thể đóng băng, im như tượng. Có lẽ chúng tôi vẫn nói được một thời gian, vì thanh quản dùng hiệu khí áp nhỏ hơn các chi, nhưng nếu không đến thăm trạm bơm được nữa, mỗi lời nói ra sẽ chiếm mất phần không khí còn lại cho tư duy, và đẩy chúng tôi đến thời khắc ngay cả ý nghĩ cũng ngừng lại. Liệu nên giữ im lặng để kéo dài tư duy, hay nói chuyện đến phút cuối cùng? Tôi không rõ.
Có lẽ vài người chúng tôi, trong những ngày trước khi ngừng chuyển động, sẽ kết nối bộ điều áp trực tiếp vào các ống của trạm bơm, nghĩa là thay thế bộ phổi của mình bằng lá phổi lớn của thế giới. Nếu thế, những người ấy sẽ tỉnh táo đến tận khi tất cả áp suất cân bằng. Một chút khí áp cuối cùng sẽ được dành ra cho ý nghĩ của một người duy nhất.
Và sau đó, cả vũ trụ sẽ ở trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối. Toàn bộ sự sống và tuy duy ngừng hẳn, cùng với nó là thời gian.
Nhưng tôi có một hi vọng mong manh.
Cho dù vũ trụ của chúng tôi khép kín, có lẽ nó không phải buồng khí duy nhất được bao bọc bởi bức tường crôm vô tận. Tôi đoán rằng ở đâu đó có một buồng khí nữa, một vũ trụ bên ngoài chúng tôi có thể tích còn lớn hơn. Liệu có khả thi rằng vũ trụ giả thuyết này có áp suất bằng hoặc lớn hơn chúng tôi, nhưng giả sử ở đó áp suất thấp hơn, hay thậm chí là chân không?
Photo by Scott Webb on Unsplash
Bức tường crôm ngăn cách chúng tôi với vũ trụ giả thuyết này quá dày và chắc chắn để chúng tôi đâm xuyên qua, vậy nên không có cách để với tới họ, không thể xả bớt khí quyển thừa ở đây và giành lại năng lượng bằng cách đó. Nhưng tôi tưởng tượng vũ trụ hàng xóm này cũng có cư dân, với năng lực vượt xa chúng tôi. Nếu họ có thể dựng nên một đường dẫn giữa hai vũ trụ, và lắp các van điều áp để xả bớt không khí từ phía bên này thì sao? Họ có thể dùng vũ trụ này làm bể chứa, chạy đường ống để lấp đầy bình phổi của chính họ, và dùng không khí của chúng tôi để phát triển nền văn minh của mình.
Tôi vui mừng khi nghĩ rằng không khí đã từng cho tôi sống có thể dùng cho những người khác, hơi thở giúp tôi khắc ghi những dòng này có thể chảy qua cơ thể của họ. Tôi không tự đánh lừa rằng đây sẽ là cách tôi sống lại lần nữa, vì tôi không phải là không khí, tôi là hình ảnh nhất thời mà nó làm hiện lên. Hình ảnh của tôi, của cả thế giới mà tôi đang sống, sẽ ra đi vĩnh viễn.
Nhưng tôi còn có một niềm tin mong manh hơn nữa: những cư dân ấy không chỉ dùng vũ trụ của chúng tôi làm bể chứa, nhưng khi đã rút cạn không khí ở đây, một ngày họ có thể mở lối đi và bước vào vũ trụ của chúng tôi với tư cách những kẻ khai phá. Có lẽ họ sẽ bước trên những con phố, nhìn những cơ thể đóng băng, xem xét đồ đạc của chúng tôi, và ngẫm nghĩ về cuộc đời mà chúng tôi đã sống.
Đó là lý do tôi viết nên những dòng này. Tôi mong rằng bạn chính là kẻ khai phá ấy. Tôi mong bạn sẽ tìm thấy bảng chữ bằng đồng này và giải nghĩa những gì khắc trên đó. Và dù bộ não của bạn có cùng dòng khí ngày xưa đã chạy qua tôi hay không, qua việc đọc những lời của tôi, hình ảnh tạo nên tư duy của bạn sẽ mô phỏng theo hình ảnh của tôi. Và bằng cách đó tôi sẽ sống dậy, trong trí tưởng tượng của bạn.
Những người khai phá khác sẽ tìm đọc những cuốn sách chúng tôi đã để lại, và bằng trí tưởng tượng chung của tất cả các bạn, nền văn minh của chúng tôi sẽ sống lại lần nữa. Khi các bạn đi trong khu phố lặng yên, hãy hình dung chúng như xưa; với đồng hồ trên tháp điểm giờ, các trạm bơm đông người đang chuyện trò, người rao tin đọc thơ trên quảng trường và nhà giải phẫu giảng bài trong phòng học. Hãy hình dung tất cả những điều ấy khi ngắm nhìn thế giới đóng băng khắp xung quanh, và trong tâm trí của bạn, nó sẽ chuyển mình và tràn đầy sức sống.
Tôi chúc bạn mạnh khỏe, nhưng tôi băn khoăn: Số phận xảy đến với tôi có đang chờ bạn không? Tôi buộc phải nghĩ nó là chắc chắn, rằng xu hướng quay về cân bằng không phải đặc tính chỉ có ở vũ trụ của chúng tôi nhưng gắn liền với mọi vũ trụ. Phải chăng đó là một rào cản trong tư tưởng của tôi, biết đâu các bạn đã khám phá một nguồn áp suất vĩnh cửu. Nhưng tôi đã đoán mò đủ rồi. Tôi sẽ cho rằng một ngày tư duy của các bạn cũng ngừng lại, cho dù tôi không biết bao lâu nữa. Sự sống của các bạn sẽ tắt hẳn, cũng như chúng tôi, cũng như tất cả mọi người. Sau bao lâu đi nữa, cuối cùng trạng thái cân bằng cũng sẽ tới.
Tôi hi vọng bạn không buồn khi nhận ra điều ấy. Tôi hi vọng chuyến đi của bạn có mục đích nhiều hơn việc khai phá các vũ trụ các để làm bể chứa. Tôi mong động lực của bạn là khao khát hiểu biết, là niềm mong mỏi được thấy điều gì có thể sinh ra từ hơi thở của vũ trụ. Bởi cho dù ta tính toán được tuổi thọ của vũ trụ, ta không thể biết được sự đa dạng của sự sống nảy sinh bên trong nó. Những tòa nhà chúng tôi dựng nên, tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc và thơ ca mà chúng tôi sáng tác, cả cuộc đời mà chúng tôi đã sống: không một điều gì có thể tính trước, bởi không điều gì trong đó là tất yếu. Vũ trụ của chúng tôi đã trượt vào trạng thái cân bằng trong khi thở ra một hơi nhẹ nhàng. Thật là một phép màu khi nó đem lại sự sống phong phú đến thế, hệt như như phép màu đã xảy ra ở vũ trụ của bạn.
Dù tôi đã chết khi bạn đọc những dòng này, tôi vẫn xin chào tạm biệt. Hãy ngắm nhìn kỳ công của hiện hữu, và hãy vui mừng vì bạn vẫn sống để chiêm ngưỡng nó. Tôi cảm thấy mình có vinh dự được nhắn nhủ cho bạn, vì khi đang khắc những lời này, tôi cũng đang làm như vậy.
- - -
Dịch: abresolute