Là trích dẫn từ bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được tổng thống Thomas Jefferson tuyên bố 1776. Lời bất hủ ấy cũng được Hồ Chí Minh dẫn dắt trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tuyên bố trước công chúng năm 1945.

Liệu chúng ta có thực sự bình đẳng hay không?

Trước hết tôi xin bàn về một chủ đề tôi mới đọc được trên vnexpress khá thú vị:
Lợi thế của 'con nhà giàu' không chỉ ở tiền
Và đây là một trích dẫn từ bài viết:
“Nhiều tiền tức là giàu, ít tiền tức là nghèo. Thế nhưng, sự khác biệt lớn nhất giữa giàu và nghèo đôi khi không nằm ở đồng tiền mà ở những thứ đồng tiền mang lại một cách gián tiếp như cơ hội, kiến thức, tư tưởng, lối sống...”.

Về phía cá nhân tôi

Khi sinh ra trong một ra đình nghèo – và sống ở miền núi khó khăn, không bàn đến những nhu cầu cơ bản của đời sống như: ăn, mặc, vui chơi, giải trí, cơ sở hạn tầng…chỉ bàn đến việc học trong suốt các giai đoạn trung học rồi đến đại học: để đủ giáo viên còn khó huống gì là có giáo viên ngoại ngữ, giáo viên giỏi…Bắt đầu cấp hai (Năm 2006) chúng tôi mới được học ngoại ngữ: tiếng Pháp, học được một năm thì khi đó Bộ Giáo dục quyết định chương trình dạy ngoại ngữ bậc trung học toàn quốc là tiếng Anh, sau đó tôi thấy có một số giáo viên tiếng Anh mới về trường (khoảng 2 người- lâu lắm rồi nên tôi không còn nhớ rõ số lượng). Vâng - “và thế là hết” - với số lượng giáo viên như vậy chỉ đủ dạy cho lớp 6 (hình như là 5 lớp) khi này tôi lên lớp 7 đồng nghĩa với việc tôi chẳng được học ngoại ngữ nữa. Tôi buồn lắm chứ, không tiếng Anh thì thôi, sao lại nỡ lòng nào cướp đi “Madam yêu dấu của tôi”, hơn nữa tôi mới chỉ học un, deux, trois, quatre, cinq, six, sept, huit…Bonjour! Salut ! …Madam chủ nhiệm dạy tiếng Pháp rất cưng tôi nữa chứ, than ôi buồn ơi là sầu…ngày cô chào tạm biệt cũng là lúc chúng tôi đang trong tiết học nhạc cuối cùng ở căn phòng vách đất bên trên là mái tranh (cả trường còn duy nhất 1 phòng như này), lúc cô rưng rưng "Aurevoir", chẳng may gót giầy của cô mắc vào kẽ 2 viên gạch, đầu gối cô khụy xuống, người cô xoắn vặn, mặt cô hướng về phía lớp, bàn tay đang chào giờ đây "vẫy" hoảng loạn hơn bao giờ hết, rồi cô xô về phía bờ tường cement đất-rơm – gần nơi cửa ra vào - làm gì có cánh cửa để mà giữ cô lại- thế là cô ngã xoài ra khỏi lối ra, tay cô đập vào trụ cửa làm cả căn phòng rung lên chao đảo, một chiếc lá mái tranh rớt xuống cắm vào tóc cô trông mới “đẹp” làm sao!. “Cut! Diễn hay lắm”- đấy là tôi bịa thôi, không có cảnh tượng đấy thật đâu! Nhưng phòng học mái tranh vách đất là có thật.
Tiếp câu chuyện nào: thế là những giáo viên tiếng Pháp không ở trường nữa, khoảng 1 năm sau tôi thấy họ xuất hiện- với vai trò là dạy tiếng Anh cho lớp 6, 7- khi này tôi lên lớp 8. What the hell? Vâng – tôi ổn- 4 năm cấp 2 của tôi vô “ngoại ngữ”. Trường tôi học chẳng có thư viện chứ đừng nói đến mẩu sách, báo tiếng Anh hay Từ điển, nhà tôi không có máy tính và tất nhiên làm gì có tiền cho tôi học tiếng Anh ở ngoài, mà có học thì cũng phải đi cả chục cây số…có vài đứa bạn của tôi nhà có điều kiện đã đi học kiểu vậy. Cứ tiếp tục như vậy cho đến cấp 3, cuối cùng tôi cũng thấy môn “tiếng Anh” xuất hiện trong chương trình học của mình- đương nhiên là tiếng Anh lớp 10- 11-12, chả nhẽ lại lớp 1,2,3.
Không máy tính, không internet, không smartphone, gia tài thiết bị thông minh mà tôi có là máy tính Casio Fx500, điện thoại cục gạch của mẹ truyền lại (năm lớp 12 mới có nha). Tôi lại không thông minh, cũng chẳng hứng thú tiếng Anh (làm gì có nền tảng mà hứng với chả thú, bố mẹ làm nông đầu tắp mặt tối đâu biết nó có cần thiết cho con sau này hay không- mà giả sử có biết thì cũng biết làm sao!), 3 năm cấp 3 học tiếng Anh như sấm đánh vào tai, nghe bạn cùng lớp đọc mà rợn người- thằng này giỏi thế, mình đến thứ ngày còn chả biết đọc làm sao (sau đó hỏi mấy đứa giỏi khác mới biết thằng đó đọc tào lao). Vâng- tôi nào có biết. Giai đoạn này vẫn chưa có gì đặc biệt, chỉ có nỗi buồn nhè nhẹ vậy đó. Mục tiêu là đậu đại học, và tôi may mắn có được nó một cách trọn vẹn- đậu vào trường –ngành như đã đăng ký coi như là một phần thưởng cho nỗ lực của mình (không học thêm case này case kia, tài liệu duy nhất chỉ là sách giáo khoa và bột bộ đề thi môn sinh bạn in cho), tâm lý vẫn tốt nha, chỉ có mỗi thích một đứa mà không dám thổ lộ- rồi “sầu riêng” thôi.
Câu chuyện trở nên kịch tính hơn khi tôi bước vào đại học- nỗi sợ bắt đầu chiếm lấy: bạn cùng lớp toàn dân trường chuyên, trường điểm, thi quốc gia này nọ, tuyển thẳng...Môi trường mới, cách học mới: làm PowerPoint, thuyết trình, dịch tài liệu chuyên ngành (tài liệu gốc chuyên ngành chủ yếu là tiếng Anh), trình bày trước đám đông- tôi chưa bao giờ... Một đứa tính cách hướng nội chiếm phần đa, ngoại ngữ không, tin học đương nhiên rồi, kỹ năng mềm- tôi còn lạ lẫm, đến cả cách gọi “Anh văn” nghe thật xa xỉ…tất cả những gì tôi có là toán, hóa, sinh…Vấn đề ở đây không còn là tôi giỏi hay kém nữa mà thực sự tôi không có những kỹ năng đó đủ để phục vụ trình độ học hiện tại. Thế là tôi trong tâm thế lo sợ, phải làm thế nào để mình cải thiện những kỹ năng đó đây- ít nhất là có thể rút ngắn khoảng cách quá xa đó - để phục vụ cho việc học- loay hoay để cải thiện mới là một quá trình nan giản, và khiến tôi trầm cảm khoảng 2 năm. Hầu hết trong thời gian này tôi thức dậy với trạng thái mình còn dang dở điều gì đó, tim đập nhanh, có khi lên tới >100 (và có thời gian tôi phải uống thuốc chẹn β).
Sau tất cả, điều khủng khiếp nhất tôi phải trải qua trong suốt thời đại học là "sức khỏe tinh thần”.

Internet- vị cứu tinh:

Internet là công cụ giúp tôi rút ngắn được khoảng cách mơ hồ này, và dần những điều đó không còn là nỗi sợ của tôi nữa, tôi đã có đủ khả năng để phục vụ việc học của mình, sức khỏe tinh thần của tôi đương nhiên là cải thiện rồi.
Sau những ngày lang thang trên internet tìm kiếm tài liệu học tập tôi tìm thấy: http://libgen.rs/, https://sci-hub.mksa.top/, https://sciencedirect.com/...Như là vị cứu tinh giúp tôi có thêm kiến thức chuyên môn của những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ở đây tôi sẽ không bàn đến Luật bản quyền- Luật sở hữu trí tuệ vì nó nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi chỉ muốn nói: những cuốn Textbook, tạp chí chuyên ngành (là cơ sở của mọi giáo trình ở khoa tôi đều được tìm thấy ở đây- đương nhiên giáo trình mà chúng tôi có đã quá cũ- chưa được cập nhật). Nếu không có những trang web này có lẽ phải chục năm sau tôi mới có thể chạm tay đến một cuốn textbook, hay tập tạp chí chuyên ngành (chúng rất đắt). Và hơn hết chúng là kho tàng tri thức hấp dẫn tôi học Anh văn, nếu không có nó có lẽ việc học Anh văn của tôi vẫn còn dậm chân ở đâu đó, có khi chứng trầm cảm sẽ kéo dài và trở nên trầm trọng. Nếu truy cập vào https://sci-hub.mksa.top/ bạn sẽ thấy:
Tri thức tới tất cả
Chúng tôi đấu tranh cho sự bất bình đẳng trong truy cập tri thức trên toàn thế giới. Tri thức khoa học nên có giá trị cho tất cả mọi người bất kể thu nhập của họ, tình trạng xã hội, vị trí địa lý..vv. Sứ mệnh của chúng tôi là loại bỏ mọi cản trở ảnh hưởng đến sự phân phối tri thức rộng nhất có thể trong xã hội loài người.
Alexandra Asanovna Elbakyan (người tạo ra trang sci-hub), Aaron Swartz …là hai nhân vật đấu tranh cho sự bất bình đẳng về tiếp cận tri thức khoa học, trong suy nghĩ của tôi họ là điển hình cho sự mong manh giữa đúng và sai.

Đại dịch covid-19 và bất bình đẳng:

Gần đây – chúng ta có thể thấy sự bất bình đẳng rất rõ ràng qua đại dịch Covid 19, theo Wold Economic Forum, Covid - 19 làm tăng bất bình đẳng theo 4 cách: 1.    Những người lao động được trả lương cao hơn thường có thể dễ dàng làm việc ở nhà, trong khi những người lao động chân tay thường không có lựa chọn này:
2.    Tỉ lệ những người lao động được trả lương thấp trong các ngành dịch vụ thiết yếu như y tá, cảnh sát, giáo viên, dọn dẹp, quét rác, nhân viên cửa hàng, v.v. cao hơn. Đây cũng là những ngành tiếp xúc với nhiều người, và tăng khả năng nhiễm bệnh.
3.    Những người lao động thu nhập thấp cũng chiếm tỉ lệ cao hơn trong những ngành phải tạm dừng hoạt động do Covid như khách sạn, nhà hàng, và dịch vụ du lịch.
4.    Đại dịch đang làm gia tăng tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng giữa các nước giàu và các nước nghèo. Chính phủ của các nước giàu có khả năng cứu trợ các doanh nghiệp và trợ cấp an sinh xã hội cho người dân, trong khi các nước nghèo không có nguồn lực để làm vậy.
Điển hình nhất là bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/8 hối thúc 20 người có quyền lực trên thế giới đảo ngược tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu trước tháng 10 tới.

Kết lại vấn đề

Tôi xin trích dẫn một số đoạn trong cuốn sách yêu thích nhất của mình “To Kill A Mockingbird” của tác giả Harper Lee, đây là lời biện hộ của Luật sư Artticus với tư cách là luật sư bên bị đơn - Tom Robinson:
Chúng ta biết rằng tất cả mọi người sinh ra không bình đẳng theo nghĩa mà một số người muốn chúng ta tin- một số người thông minh hơn những người khác, một số người có cơ hội hơn bởi họ sinh ra có sẵn điều đó, một số người kiếm được nhiều tiền hơn những người khác, một số người phụ nữ làm bánh giỏi hơn những người khác- một số người sinh ra với tài năng thiên bẩm và sự thông minh vượt xa mức bình thường của hầu hết mọi người
Vâng thực sự tất cả mọi người sinh ra không bình đẳng, nhưng chúng ta đều có quyền nỗ lực, đấu tranh để rút ngắn sự bất bình đẳng đó:
Đơn giản bởi vì cho dù chúng ta đã bị đánh bại 100 năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố gắng.

Tham khảo thêm: