Mất độ cong sinh học xương cùng cụt, mình không rõ bệnh lý này có phải rất hiếm gặp và nguy hiểm hay không. Nhưng mình biết căn bệnh này cướp đi tiết thể dục suốt 2 năm cấp 3 của mình, và gần như 1/3 cuộc đời không được chạy, nhảy, và vui chơi quá sức như các bạn cùng trang lứa. Bên cạnh đó là hệ lụy mất đi khả năng sinh sản tầm 60 tới 70%.
Chưa kể đến vì cơ thể thiếu sức đề kháng nên rất dễ bệnh, và dị ứng rất nhiều thứ. Cho đến năm 23 tuổi, mình vẫn nghĩ bản thân cũng chỉ là một con búp bê thủy tinh trong một chiếc lồng kính, chỉ biết nhìn người khác vui chơi chạy nhảy. Và rồi mình gặp một người.
Bạn ấy bị chấn thương mắt từ năm lớp 8, một vết sẹo dài trong mắt, phải, là TRONG mắt. Tất cả mọi người xung quanh cậu ấy luôn nghĩ chấn thương này sẽ khiến cậu ấy mất đi khả năng để chơi các bộ môn thể dục, thể thao. Nhưng sự thật chứng minh hoàn toàn ngược lại, cậu ấy chơi rất giỏi cầu lông, và là một trong những tuyển thủ trong nhóm fighter của Muay Thái. Tôi rất nhiều lần thắc mắc cậu ấy, khi không có kính, và khi ở khoảng cách gần như vậy, cậu ấy không sợ bị người ta tổn thương đến mắt mình nữa sao? Thì câu trả lời mình nhận được là cậu ấy sợ chứ. Chẳng có một người bình thường nào mà không bị chấn thương tâm lý, sau khi bị một mảnh thủy tinh đâm thẳng vào mắt, phải phẫu thuật suốt mười mất tiếng đồng hồ mà không có thuốc mê.
Nhưng sợ thì sao chứ? Sợ thì không có nghĩa là không làm được nữa. Mắt không tốt, thì chúng ta dùng cảm nhận, dùng trực giác, dùng kĩ năng, và rèn luyện mắt. Chẳng có gì là không thể làm được, chỉ cần biết giới hạn để đừng tổn hại đến những vết thương cũ là được.
Tôi cũng chẳng mấy tin vào câu chuyện này lắm, bởi vì, bệnh lý và tật bẩm sinh thì rất khó để có thể như một người bình thường. Nhưng bệnh của tôi cũng không phải quá nặng, và cơ thể tôi cũng không quá khó để có thể làm quen với tập luyện thể dục thể thao tần suất thấp. Và, tôi bắt đầu đăng ký học Muay Thái.
p/s: Đây là chỗ mình tập nè, bạn Châu Á ở giữa là người mình nhắc tới đó !
Lớp tập thì cũng khá nặng cho những người ít tập thể thao, nhưng quen dần thì cũng ổn. Nỗi sợ lớn nhất của những người mới tập những môn thể thao như thế này chính là “ ngại “. Cực kì, cực kì ngại. Vì tập Muay Thái, hay kick boxing cũng đều là tập 1vs1 với rất nhiều người khác xung quanh. Chúng ta e ngại vì lần đầu tập có thể sai động tác, chúng ta ngại vì những cú đấm của bạn tập có thể trúng vào người khiến chúng ta đau đớn, và chúng ta ngại phải đứng múa may quay cuồng như một đứa hề.  
Ai coi phim hành động thì những màn võ thuật đẹp mắt hầu như chỉ là những màn múa biểu diễn trước ống kính nghệ thuật. Võ thuật chân chính thì động tác rất khác biệt và cực kì khó. Những người mới tập sẽ còn loay hoay rất lâu mới có thể đánh ra một đòn đẹp mắt. Thế nên, chúng ta sẽ ngại, sẽ sợ, và sẽ mệt, nên thôi, khi khác lại tập. Kéo dài, kéo dài mãi thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta có một khóa học bài bản. Đó là tôi trước khi bước vào một lớp tập Muay Thái đàng hoàng.  
Sau khi học một năm, vì lưng rất dễ bị đau nên không thể tập liên tục với cường độ cao, nhưng nếu bạn có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần học tập nghiêm túc. Tôi tin bạn nhất định sẽ có những động tác đẹp mắt còn hơn cả trên phim, và võ thuật thì ra đường bất kì đâu cũng có thể sử dụng được. Vừa tăng cardio, vừa có cơ thể đẹp mắt, vừa có một thú vui hữu ích để giảm đi những áp lực trong cuộc sống.
Việc đầu tiên tôi tưởng chừng một đứa vừa bán tật, vừa bệnh đủ thứ, và yếu xìu như cọng bún thiêu như tôi không làm được, thì tôi cũng đã làm được.
Việc thứ hai, là leo núi giả.
Thật ra nói cho hoa lệ, chứ nó chỉ là một khu leo núi giả dành cho trẻ em ở nước ngoài. Nhưng cái gì cũng có bước cơ bản, muốn lên nâng cao thì phải qua vòng cơ bản. Về mặt giáo dục, thì ở Việt Nam chúng ta chưa bao giờ được làm quen với những mô hình thể thao như thế. Nên chúng ta cũng sẽ rất sợ.
Sợ độ cao, sợ té, sợ đau cơ, và sợ tất cả mọi thứ về nó. Nhìn từ góc độ của một người chỉ xem người khác leo núi, chúng ta sẽ trầm trồ và cũng muốn thử sức bản thân. Một số trong chúng ta sẽ nghĩ “ Mình không sợ độ cao “, số còn lại thì ngược lại. Nhưng thực tế mà nói, khi chúng ta thật sự trải nghiệm cái gọi là độ cao, trong lòng đều có một nỗi sợ vô hình. Ví như, không sợ độ cao thì khi leo được lên tầng cao nhất sẽ sợ nhảy xuống. Sợ độ cao, thì ngay cả leo đến nấc thứ 4, 5 sẽ mau mau đi xuống.
No description available.
Hình mình leo núi này
Nhưng sự thật chứng minh, chúng ta đều có thể làm quen được với điều đó. Tôi không sợ độ cao, nhưng khi leo đến một độ cao nhất định, tôi lại sợ phải buông hai tay ra để nhảy xuống bên dưới, mà thứ giữ mình lại chỉ là một sợi dây bé tẹo. Ừ thì nhìn cũng có vẻ chắc chắn, nhưng đó là nhìn, chứ không phải cảm giác của tôi lúc đó. Cảm giác khi đã lơ lửng trên cao như kiểu chỉ cần buông tay mình nhất định sẽ rơi tự do xuống dưới, đập người vào tường và nhất định bị thương. Đó là cơ chế phòng vệ cơ bản nhất của con người, nên không thể trách não bộ của chúng ta được. Thứ chúng ta có thể làm là tập quen dần, bằng cách leo thấp, rồi từ từ nhảy xuống để quen với dây bảo hộ. Nhanh thì một hai lần, chậm thì 5 6 lần, nhưng nhất định chúng ta sẽ dần quen với cảm giác của sợi dây bảo hộ và tự tin bay từ trên cao xuống.
Còn với người sợ độ cao? Thì quay lại với anh bạn Muay Thái của tôi nhé, cậu ấy cực kì sợ độ cao. Sợ đến mức chỉ cần lên cao là chân tay bủn rủn, mồ hôi đổ đầy người. Nhìn là biết cậu ấy đứng còn không vững nói gì là leo, là trèo, là nhảy. Lần đầu tiên tôi cùng cậu ấy đi leo núi giả, cậu ấy thậm chí còn không leo nổi đến nửa bức tường. Nhưng lần hai, lần ba, thì cậu ấy leo còn nhanh hơn cả tôi.
Việc thứ hai tôi tưởng chừng cả đời không thể làm được vì cái lưng đau nhức này thì tôi cũng đã làm được.
Và bài học tôi rút ra được từ những việc trên, và từ cậu bạn trẻ tuổi này, là chúng ta đều có nỗi sợ. Nỗi sợ rất lớn đến từ tâm trí, đến từ vết thương cũ, đến từ những chứng bệnh của mình. Nhưng không có gì là chúng ta không làm được, nghe thì như đa cấp ý, nhưng đó là sự thật. Khi chúng ta quyết tâm làm một điều gì đó, cả vũ trụ nhất định sẽ giúp chúng ta hoàn thành nó. Và khi chúng ta có nỗi sợ, thì chứng minh là chúng ta đang sống, đã sống thì nhất định phải sợ hãi, phải lo âu, phải có đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Trọn vẹn như thế mới chứng minh được sự tồn tại của chúng ta.
Và cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ của mình, chính là đối mặt với nó. Tôi biết sẽ có rất nhiều khó khăn và vất vả trên con đường chúng ta vượt qua nỗi sợ của mình, nhưng bởi vì số phận không thể là một đường thẳng. Nên từng bước, từng bước chúng ta nhất định có thể dõng dạc đối mặt với nỗi sợ của mình, và nói rằng mình làm được.
Quãng đường của tuổi trẻ luôn trải đầy gai nhọn chờ ta dẫm lên, nhưng không phải vì sợ đau mà lùi bước, mà sau khi đau đớn chúng ta sẽ rèn luyện cơ thể của mình thêm rắn chắc. Rồi đến khi nhìn thấy gai nhọn lần nữa trên đường đời, thì ta dẫm đạp lên nó chứ chẳng để nó làm đau mình nữa.
-Lâm Hảo-