Tập làm văn - tại sao lúc nào cũng là giáo viên có lỗi?
[Mình sẽ nói trọng tâm vào vấn đề văn học nhé. Ở đây mình sẽ nói về phần cảm thụ văn học, vì phần nghị luận xã hội thường các em học...
[Mình sẽ nói trọng tâm vào vấn đề văn học nhé. Ở đây mình sẽ nói về phần cảm thụ văn học, vì phần nghị luận xã hội thường các em học sinh "chém" rất ghê, và giáo viên chấm bài nhiều khi cũng chỉ biết mỉm cười chua chát mà cho điểm thôi =)) (tin mình đi, mình chứng kiến nhiều lắm rồi.) Tất nhiên, lỗi thì cả 2 phía đều có lỗi. Nhưng lỗi của giáo viên, người ta đã nói quá nhiều, đến nhàm, và mình không muốn nói lại. Nên mình chủ yếu nói về lỗi của học sinh.]
Mẹ mình là giáo viên dạy văn THPT, và mình hay đọc bài lũ học sinh của mẹ. Thú thực, cái mà các bạn hay bảo là "làm theo quan điểm của bản thân", thường đọc rất tức cười. Mình không bảo đặt quan điểm cá nhân vào là sai, nhưng cách diễn đạt và dẫn chứng thuyết phục cho quan điểm đó, 10 bài "sáng tạo" kiểu ấy thì 6 bài rất lủng củng, không có định hướng, đọc lan man và chả ra đâu vào đâu. 3 bài viết hoàn toàn sai, phá hết hàm ý của tác giả. May ra được 1~2 bài viết ổn.
Phân tích một tác phẩm văn học, ta phân tích 2 khía cạnh: Nội dung và Nghệ thuật. Để làm được điều này, với học sinh thực sự cực kì khó, vì các em còn nhỏ, chưa đủ nhận thức và sự trải đời để hiểu những điều mà tác giả muốn truyền đạt, chưa kể những điều ấy còn được ẩn giấu dưới nhiều tầng nghệ thuật. Vì thế, sự có mặt của giáo viên là tối quan trọng. Và cũng vì thế, giáo viên văn, đặc biệt là những người càng già, càng từng trải thì dạy lại càng hay.
Các bạn bảo giáo viên rập khuôn, bắt các bạn phải viết theo đúng ý (nhất là tiểu học). Vậy mình hỏi ngược lại các bạn...
Câu hỏi thứ nhất: Tại sao toán, lý, hóa,... các bạn cứ phải làm theo đúng công thức, sao cứ phải làm theo các bước tuần tự? Các bạn bảo vì toán, lý, hóa là môn khoa học, và phải chính xác? Văn cũng là môn khoa học đấy, khoa học xã hội! Như các môn khoa học khác, nó cũng cần những nền tảng, những cái bất di bất dịch, cũng cần chính xác. Tương tự giải toán phải có các bước, phải làm nháp, làm văn cũng cần dàn ý, cần cái sườn để bám vào, để không sa đà viết lan man! Mục đích của dàn ý là vậy, chứ không phải là cái để các bạn bê nguyên vào bài. Mình thử hỏi, có bạn nào bê nguyên bài nháp toán vào bài thi không? Và nếu có thì điểm có cao không? Cứ thế mà suy ra với văn, nhé.
Câu hỏi thứ hai: Nếu đã cùng là khoa học, tại sao các bạn không sáng tạo khi làm văn như khi làm toán, lý, hóa,...? Sao? Sáng tạo của toán, lý, hóa,... là làm theo cách mới chứ không phải nghĩ ra cái mới á? Ờ nhỉ, thế sao khi làm văn các bạn không làm theo cách mới, diễn đạt theo cách mới, thay vì bóp méo hàm ý của tác giả? Sáng tạo, là viết đúng ý rồi từ đó phát triển lên, cộng thêm những cách dẫn dắt và diễn giải mới mẻ, chứ không phải bẻ ngoắt 180* hàm ý của tác giả. Các bạn nghĩ các bạn hiểu tác phẩm đúng hơn những văn nghệ sĩ vĩ đại của nước nhà, hơn những người đã biên tập quyển sách giáo khoa? KHÔNG! Các bạn chỉ đang biện minh mà thôi. Các bạn bảo đấy là ý kiến riêng, cảm nhận riêng của bản thân? Được, sao trong giờ học văn không ý kiến và cùng nhau thảo luận? Mình tin rằng nếu các bạn nêu ra ý kiến trong giờ học, các thầy cô chắc chắn sẽ rất mừng và tận tâm giải thích, chỉnh lý nếu quan điểm của bạn chưa đúng, và tán thưởng, nêu gương nếu quan điểm đó mới mẻ, hay. Nhưng hỡi ôi, được mấy học sinh như thế? Toàn thấy ngủ gục, nghịch điện thoại, nói chuyện riêng. MÌnh thấy đa số mấy đứa học sinh ngồi thì không chịu học, không chịu nghe, không chịu góp ý xây dựng bài, đến lúc thi cứ bạ đâu viết đó rồi bảo "ý kiến bản thân", "sáng tạo",... bó tay. Sáng tạo là làm mới, làm hay, chứ không phải làm hỏng.
Một kiểu cãi nữa, các bạn học sinh lại bảo "Xin lỗi, tôi chỉ cảm nhận được thế thôi." (trích lời JV trong một Vlog thời trẻ trâu). Ừ, phải, có chịu nghe, chịu trao đổi với giáo viên đâu mà đòi hiểu, đòi cảm nhận. Lỗi tại ai?
Tổng kết, mình cho rằng cái lỗi lớn nhất về phía học sinh là sự lười biếng, sự thiếu tích cực trong học tập văn học. Dĩ nhiên, khi nền giáo dục nước nhà còn đè lên đầu các em những quyển sách toán, lý, hóa,... với một đống công thức trên trời, cộng với kiểu thi đại học truyền thống thì việc "lơ" các môn không thi là dễ hiểu. Tuy vậy, đó là lựa chọn của các em, các em đã chọn bỏ môn văn, chọn không học nó, thì khi bị điểm kém, hãy dũng cảm thừa nhận lỗi của mình, thay vì bao biện bằng mấy câu cãi như trên. Kết lại, mong mọi người hiểu đúng, đừng đổ hết lỗi lên đầu những người thực sự tâm huyết đang ngày ngày rát cổ bỏng họng trên bục giảng, còn bên dưới, lũ học sinh để những tâm huyết ấy chui vào tai này rồi lại ra tai kia!
Tái bút: Mình cũng khuyên những bạn đọc bài này mà còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì tranh thủ học văn đi, đọc nhiều sách, nhiều truyện vào. Các cụ dạy "văn học là nhân học" không sai đâu. Sau này ra ngoài, nói chuyện với nhau vài ba câu là biết đứa nào học văn, đứa nào không học ngay.
/quan-diem-tranh-luan
- Hot nhất
- Mới nhất