Tập Lắng Nghe Để Trở Thành Một Người Đáng Tin Tưởng
Khi nói đến chuyện làm sao để cải thiện các kỹ năng giao tiếp, chúng ta thường nói nhiều đến việc làm sao thuyết trình cho hay, làm...
Khi nói đến chuyện làm sao để cải thiện các kỹ năng giao tiếp, chúng ta thường nói nhiều đến việc làm sao thuyết trình cho hay, làm sao cho tự tin hơn, nói như thế nào để đi vào lòng người – tuy nhiên chúng ta lại bỏ quên mất một kỹ năng cực kỳ quan trọng đó là: Lắng Nghe Chủ Động. Kỹ năng này ngày càng được nhiều các vị lãnh đạo và những người thành công nhắc đến nhiều hơn.
Lắng nghe chủ động không chỉ quan trọng trong những mối quan hệ thường ngày và nó cũng rất cần trong việc làm việc nhóm ở công ty nữa. Lắng nghe chủ động sẽ giúp bản thân mình tạo được sự tin tưởng với người đối diện, khuyến khích người ta mở lòng chia sẻ nhiều hơn và thật hơn, cũng như tránh được việc hiểu nhầm ý của nhau. Lắng nghe chủ động tốt còn làm cho tâm trạng mình trở nên tốt hơn nữa.
Lắng nghe chủ động có thể hiểu đơn giản là bạn hoàn toàn chú tâm, cả sự chú ý, dùng cả não, cả thân mình, cả trái tim để lắng nghe một người nói. Nghe bình thường là nghe những lời người khác nói ra, nghe chủ động là ta nghe và cảm nhận những cảm xúc trong đó, quan sát và nhận biết được những ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu trong khi nói của người nói. Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 70% ý nghĩa của một cuộc trò chuyện đến từ các ngôn ngữ không phải lời nói đó (cách ngồi, giọng điệu, ánh mắt, vân vân).
Khoan khoan hãy nói
Khi giao tiếp hay trao đổi ý kiến với một người, dù là ở công việc hay với bồ, nếu người đó có một ý kiến khác với chúng ta, chúng ta thường có xu hướng muốn chứng minh cho ý kiến của mình bằng cách phản biện hoặc đưa ra các bằng chứng để bảo vệ ý kiến của mình. Chính vì nôn nóng muốn chứng minh như thế, nên khi người kia chưa nói xong, hoặc họ vừa nói xong là chúng ta đã phản biện ngay bằng một đống những luận điểm mới. Có thể bạn sẽ thắng trong cuộc tranh cãi đó, người kia sẽ đuối lý và không cãi được bạn, nhưng ngay trong thời điểm đấy bạn đã thua trong việc lấy lòng tin của người ta rồi. Bạn sẽ không còn được người ta thoải mái chia sẻ nữa đâu.
Vậy nên, một trong những bí kíp đầu tiên của việc lắng nghe chủ động là kiềm chế lại cái sự ham muốn của bản thân trong việc đối đáp lại ngay lập tức hoặc suy nghĩ về điều cần nói khi đang nghe người khác nói. Khi đang nghe người khác nói, bạn làm sao để cho não mình trống rỗng, đừng nghĩ xem mình cần phải nói gì để đáp lại, chỉ đơn giản là lắng nghe và chú tâm hoàn toàn vào điều họ đang nói thôi. Như vậy thì mới có được sự tôn trọng và niềm tin của người kia.
Học cách đọc ngôn ngữ cơ thể
Theo mình biết, phụ nữ giỏi hơn đàn ông ở chuyện đọc ngôn ngữ cơ thể – vì nhìn chung phụ nữ để ý những chi tiết kỹ hơn đàn ông, đàn ông thì thường nhìn mọi thứ rộng hơn (đấy cũng là lý do mà phụ nữ đi xe quan sát không tốt bằng đàn ông – các bạn có thể tìm đọc thêm một số nghiên cứu về vấn đề này). Tuy nhiên, ngôn ngữ cơ thể là một cái học được, ai cũng có thể học được hết.
Như mình đã chia sẻ ở trên, có tới 70% ý nghĩa cuộc trò chuyện có thể không đến từ ngôn từ một người nói ra. Nó sẽ đến từ những chuyển động của cơ thể, tông giọng, ánh mắt, vân vân. Một người tinh tế hoặc được học có thể thông qua những nét ngôn ngữ cơ thể này để hiểu sâu hơn về tâm trạng hay điều mà người đối diện muốn truyền tải.
Khi nói về chuyện đọc ngôn ngữ cơ thể, bạn cần hiểu rằng ngôn ngữ cơ thể chỉ truyền tải đúng nếu bạn đọc một cụm (nhiều ngôn ngữ cơ thể cùng một lúc) và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Vì vậy không nên đánh đồng một hành động với một cảm xúc. Ví dụ khi bạn nói một người ngáp, có thể vì họ chán nội dung bạn nói, nhưng cũng có thể vì tối qua họ thiếu ngủ nên hôm nay họ mệt mà thôi.
Dưới đây là một số ngôn ngữ cơ thể thường gặp, bạn có thể tham khảo thôi nhé:
- Khoanh tay hoặc vắt chéo chân khi trò chuyện. Thể hiện rằng đối phương còn đang phòng thủ, chưa thực sự thoải mái mở lòng với mình.
- Đặt tay lên cằm hoặc lên má. Thể hiện rằng người này đang tập trung suy nghĩ một vấn đề gì đó. Khi bạn nghe người khác trò chuyện, bạn cũng có thể làm điệu bộ này để cho người ta thấy rằng mình đang tập trung.
- Nghịch các ngón tay, bẻ tay, vân vân. Có thể người này đang mất kiên nhẫn, có thể bạn đã nói quá nhiều chăng?
- Chạm vào mũi. Có thể người này đang không trung thực với những gì mà người ta đang nói.
- Bàn tay ngửa ra, hướng về phía trước. Thể hiện sự thoải mái, mở lòng, trung thực của người nói. Bạn cũng có thể làm điệu bộ này khi trò chuyện cùng người khác.
Cá nhân mình giới thiệu tới các bạn cuốn sách tên là Ngôn Ngữ Cơ Thể – Body Language của tác giả Allan & Barbara Pease, các bạn có thể tìm đọc và thực hành, rất là hữu ích.
Tập hỏi và khơi gợi câu chuyện
Một cuộc trò chuyện sẽ đi vào bế tắc và trở nên chán ngắt nếu hai bên nói được dăm ba câu và không ai biết nói gì nữa. Một khoảnh khắc im lặng thật đáng sợ.
Nếu bạn là một người có kiến thức xã hội rộng, chắc sẽ có rất nhiều chủ đề bạn trò chuyện được. Tuy nhiên nếu chưa có nhiều kiến thức xã hội, bạn vẫn hoàn toàn có thể sử dụng kỹ năng lắng nghe chủ động để khơi gợi thêm nhiều nội dung hơn từ đối phương trong cuộc trò chuyện. Nguyên tắc nói chuyện tốt hơn đấy là:
- giữ eye-contact (ánh mắt) thật tốt, cố gắng nhìn người khác khi nói
- không nghịch điện thoại hay làm các việc khác trong lúc trò chuyện
- tập đặt câu hỏi để khơi gợi thêm chủ đề (dựa trên các gợi ý về 5W+H là What, Where, Which, When, Who, Why, How).
Ví dụ một người bạn mới kể về việc ở gần nhà bạn ấy của một người mới bị cách ly vì virus Corona, là một người lắng nghe chủ động, mình có thể sử dụng thông tin đó để trò chuyện và đặt ra các câu hỏi tiếp theo như:
- nhà cậu đã làm gì để phòng dịch rồi?
- cậu cảm thấy thế nào khi có người bệnh như thế?
- cậu có biết mỗi ngày có bao nhiêu người mắc bệnh mới không?
- vân vân
Có một bài thơ bản thân mình rất tâm đắc khi học về Kỹ năng lắng nghe trong chương trình tư vấn hướng nghiệp cá nhân. Xin trích ra đây tặng các bạn:
XIN LẮNG NGHE
Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,
Bạn bắt đầu khuyên bảo đủ điều,
Không thèm nghe tôi nói.
Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,
Bạn bắt đầu tuôn ra lí lẽ.
Tôi cảm thấy bạn không nên như vậy,
Bạn giày xéo lên những cảm xúc của tôi.
Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,
Bạn cho rằng bạn phải làm gì đó
Để giải quyết vấn đề của tôi.
Bạn làm tôi thất vọng.
Nghe như thế có vẻ lạ.
Nhưng xin hãy lắng nghe,
Đó là tất cả những gì tôi muốn.
Đừng nói hay làm gì cả, chỉ cần lắng nghe
Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,
Bạn bắt đầu khuyên bảo đủ điều,
Không thèm nghe tôi nói.
Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,
Bạn bắt đầu tuôn ra lí lẽ.
Tôi cảm thấy bạn không nên như vậy,
Bạn giày xéo lên những cảm xúc của tôi.
Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,
Bạn cho rằng bạn phải làm gì đó
Để giải quyết vấn đề của tôi.
Bạn làm tôi thất vọng.
Nghe như thế có vẻ lạ.
Nhưng xin hãy lắng nghe,
Đó là tất cả những gì tôi muốn.
Đừng nói hay làm gì cả, chỉ cần lắng nghe
(Nguồn: sách Kỹ năng tư vấn cá nhân VVOB)
Các bài viết khác của Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/articles/
Kênh YouTube của Tuấn Anh: https://www.youtube.com/channel/UCyu0PYB-Mjwfz8tfQH4owlw/
Chương trình tư vấn tìm việc: http://bit.ly/tuvan-anhtuanle
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất