nguồn artwork: adsoftheworld.com
(bài viết đc lấy cảm hứng & phỏng theo bài của cuốn "Ý tưởng này là của chúng mình" của Huỳnh Vĩnh Sơn.
Mình chỉ thêm vào 1 số vd minh họa để cho bạn dễ mường tượng hơn.)


Xin chúc mừng! Bạn đã trở thành sinh viên thời kỳ cuối!
Điều này có nghĩa là, nhà trường đã hết chữ cho bạn, thầy cô cũng chai mặt bạn rồi. Chuẩn bị chuyển lên ”tuyến trên” để “thăng hoa” thôi.
“Tuyến trên” là gì ấy hả?
Là trường đời, là một công ty quảng cáo thật sự, là nơi bạn sẽ giáp mặt và trải nghiệm những giai thoại trước giờ chỉ nghe truyền miệng. Bạn sẽ được sờ tận tay day tận mặt chuyện tình (hình) trong một công ty quảng cáo nó tròn méo ra sao.
Bạn hỏi thăm xa gần để biết đường đi nước bước, ở đó "thổ địa" là ai, có tuyệt chiêu gì không, gái có xinh không, trai thẳng hay cong…rồi bạn xúng xính và phong độ đến phỏng vấn, và được chấp thuận, và về nhà hồi hộp lẫn phấn khích đợi ngày đi làm đầu tiên. Chắc chắn rằng tâm trạng của bạn nêm đậm đà ‘hy vọng’. Chứ sao!
Chả gì thì bạn cũng được bạn bè xung quanh khen là sáng tạo, là "khùng", là "quái", là "lắm chước nhiều chiêu". Chả gì thì những ý tưởng của bạn khi đi học thường được đánh giá cao. Chả gì thì sức học của bạn cũng không đến nỗi tệ. Bạn hay nhìn những quảng cáo quanh mình, nghĩ ra ý tưởng của riêng mình rồi cười hi hi vì tự đắc. Nói tóm lại, bạn háo hức được viện Pasteur kiểm nghiệm và chứng nhận bạn yêu quảng cáo và quảng cáo cũng yêu bạn.
Rồi ngày đó cũng đến. Bạn bước vào công ty, đi chào hỏi mọi người, nhận một góc làm việc be bé. Bạn khoái chí tận hưởng không khí làm việc độc đáo mà khó thể tìm thấy ở đâu khác, nơi mọi người tự nhiên và tự hào bộc lộ cái khùng của mình, rồi thì đi làm trễ, rồi thì ăn mặc thoải mái. Nói chung, 89% mọi việc giống như bạn tưởng tượng.
“Một vài chi tiết trên quảng cáo sẽ không giống với sản phẩm thật” 
11% còn lại là những khái niệm mới khó nhằn và những tình huống "dở khóc dở cười" mà lúc ngồi ghế nhà trường bạn vẫn chưa được truyền thụ:

- Brief:
Thay vì nhận được yêu cầu quen thuộc như khi còn đi học như "...em hãy design một cái poster/banner/packaging/web layout..." thì bạn sẽ nhận đc một tờ giấy be bé (hoặc nó được mail cho bạn) có những dòng chữ hết sức dễ thương đại loại như:
"...Nhãn hàng A sắp sửa ra mắt sản phẩm Z, định vị của Z sẽ là..., khách hàng mục tiêu là..., sản phẩm này sẽ được truyền thông trên các kênh..."
===> hãy nghĩ ra concept cho campaign này của sản phẩm Z & visual thể hiện concept đó..."
Nói tóm lại nó là những thứ mà "đọc vào là nhũn não ngay" & tiếp theo đó là "đứng hình toàn tập" vì bạn không biết phải làm gì hay bắt đầu từ đâu. Ấy vậy mà chỉ chưa tới 24h sau là cả đám phải lôi nhau vào brainstorm cho ra bằng được một đống con-sếp (concept) thỏa mãn những gì có trong cái brief kia.
Mà để làm được điều đó bạn phải tìm hiểu xem những người thành đạt, lớn tuổi đang phải đối mặt với vấn đề gì trong cuộc sống khi bạn làm cho một sản phẩm sữa bổ sung cho người lớn tuổi. Hoặc bạn phải tìm xem đàn ông từ 24-28 tuổi thích gì, đi đâu, làm gì… cho sản phẩm làm đẹp của nam. Hoặc bạn phải giải quyết vấn đề cho một thương hiệu mạng di động muốn tung ra dịch vụ mới vốn không mới trên thị trường. Hoặc bạn lại phải tìm ra cách thức thay đổi nhận thức của mọi người về việc dùng thẻ tín dụng. Không có một mô hình chuẩn nào có thể áp dụng và giải quyết cho những vấn đề đó.
Giả dụ rằng bạn & cả team "qua cửa" đc những thứ ở trên thì cũng còn thêm 1 chặng "thập tử nhất sinh" nữa đang chào đón cả bọn: "Dùng visual (hình ảnh) nào để thể hiện concept ở trên 1 cách tốt nhất." trước khi mang nó present với Client.
===> Bạn vẽ đẹp, sử dụng các phần mềm thiết kế rành rẽ hay sử dụng phím tắt trên photoshop nhoay nhoáy tới độ không cần chuột là chưa đủ. Kiến thức marketing và truyền thông quảng cáo mới là những thứ giúp bạn "vượt khó".

- Deadline:
Hãy cứ tưởng tượng thế này: bạn đang có hứng vẽ ra những cảm xúc hiện có trong bạn. Bạn đang vui thì tranh của bạn sẽ đầy sắc màu tươi sáng và những hình vẽ nhí nhảnh. Ngược lại nếu bạn buồn thì tranh của bạn sẽ là hai màu đen trắng. Hoặc đang vẽ giữa chừng mà "tuột mood" thì bạn có thể ngừng vẽ và bỏ đi chơi cái khác cho tới khi hứng có trở lại rồi vẽ tiếp.
Nhưng trong công việc thì không được thế!
Deadline cho bạn 2 ngày thì sau 2 ngày dù cho mưa gió bão bùng, cúp điện gì đó thì bạn vẫn phải hoàn thành công việc được giao. Không có "...tại vì...bởi...nhưng...nên...". Chính vì vậy mà bạn sẽ được trực tiếp "nếm mùi" hoặc ít nhất cũng chứng kiến những "mảng tối" của ngành quảng cáo như:
· Mang máy vào bệnh viện, vừa làm thâu đêm cho kịp cái pitching vừa canh chừng mẹ. Phải làm layout thật ngầu, thật ấn tượng cho một nhãn bia trong không gian đầy phốt pho và những tiếng ho rũ rượi.
· Chân gác lên 2 túi đồ to, những gì tặng nàng trong suốt 5 năm quen nhau được gởi trả lại cách đây vài giờ đồng hồ, chưa mang về nhà kịp. Phải nghĩ ra concept hay ho, ngọt ngào nào đó dành cho các cặp đôi có và gắn đc nó với sản phẩm của nhãn hàng N sắp tung ra vào ngày Valentine tới.
===> Đằng sau câu nói "Professional is no accident!" ("Chuyên nghiệp thì ko đc phép có trục trặc khách quan!") luôn có "cái giá" phải trả nhất định của nó.


- "Hay là anh/em/bạn...cứ làm thử xem sao nhé!":
Sợ nhất câu nói này! Có một dạo nhận được yêu cầu làm một cái banner động nhưng phải hướng dẫn được người xem down cái app game, quét code được in trên sản phẩm, chơi cái game ra sao, thắng thì trúng thưởng gì.
Email lẫn ngồi giải thích trực tiếp một thôi một hồi với bạn marketing bên khách hàng rằng người xem sẽ không đủ kiên nhẫn để xem hết 5-7 giây hình ảnh chuyển động của một cái banner web nhỏ xíu đâu.
Và hơn nữa sau khi họ click vào cái banner này thì cũng sẽ dẫn đến một link web có đầy đủ hướng dẫn chi tiết về cái app game này rồi nên việc "cố" nhét càng nhiều nội dung vào một cái banner chỉ là dư thừa và cũng không mang lại mục đích truyền thông như mong muốn.
Bạn marketing sau khi nghe giải thích xong thì gật gù hiểu ý và....phán:
"Nhưng mà anh cứ làm thử đi ạ!".
 Và rồi sau đó bạn vẫn phải làm hoặc nếu ko trực tiếp làm thì cũng phải thuyết phục cho bằng được designer (giả dụ bạn đang ở vai trò Art Director :) ) "chịu" làm dù biết rằng sau đó nó sẽ bị xếp xó vì đúng những lý do như bạn vừa giải thích ở trên. 
Và đúng là sau khi "sếp lớn" của bên đó xem thì nó đã bị xếp xó thật :)
===> Tất nhiên bạn hiểu rõ câu nói "Client is King!" ("Khách hàng là Thượng Đế!") & họ có quyền nói câu "Please me! I pay you, remember?" nhưng nghĩ đến việc mất tgian làm ra rồi sau đó không xài thì dù sao cũng...


- Pitching:
Những cuộc pitching phá sức khủng khiếp. Đã quắn đít lên với những việc hàng ngày từ các nhãn hàng đã có của Agency, nay thêm cái đấu thầu ý tưởng trên trời rớt xuống nên việc nhiều lên gấp bội. Thường thì pitching là lý do chính khiến dân quảng cáo bỏ cha bỏ mẹ, giăng mùng trải chiếu ở công ty.
Nhưng đó là lúc lũ sáng tạo thích nhất vì được tự do tối đa với ý tưởng của mình. Là dịp để tung ra những gì mình có, ém bấy lâu nay, chưa xả được trong những job hàng ngày. Mọi người bỗng sinh động hơn hẳn, sáng ý hơn hẳn. Vì có thêm tính ăn thua.
Không phải creative-er nào cũng thích pitching vì 99% các ý tưởng trong pitching sẽ không được biến thành sự thật. Bản brief cho pitching thường tương đối tổng quát, rộng rãi cho sáng tạo để phía nhãn hàng đo được thú tính sáng tạo và lòng ham hố muốn hầu hạ cho nhãn hàng của các Agency đến đâu. Khi Agency giành được con mồi và bắt tay làm thiệt thì mới biết đá biết vàng, ý tưởng cũng gãy cánh ít nhiều.
===> trích nguyên xi câu nói của đại ca để diễn tả về pitching:
"Mẹ nó, anh thấy làm cả ngày mệt gần chết, đến tối lục đục lôi pitch ra làm, thắng rồi sao chứ, mớ idea đó cũng vứt hết, Account nào qua brief pitching nữa là anh đá đít!"
Còn nhiều, nhiều & nhiều những tình huống oái ăm & những thứ mà "ko có trường design nào dạy bạn" mà bạn sẽ phải gặp nữa.
Tất cả gộp lại đều dẫn bạn đến một suy nghĩ: " Ủa có chọn lộn nghề không vậy, nghề gì cực như thú, làm đêm hôm vậy hoài chắc teo não chết quá!"

Hỏi lại lần cuối: "Bạn có sẵn sàng chưa?" ;)