''Tận nhân lực, tri thiên mệnh''
Tận nhân lực nghĩa là gì, làm sao để biết ta đã tận lực với một công việc nào đó chưa.
Mình biết đến câu nói này như một lời khuyên đúng đắn về thái độ sống/ làm việc cho mọi chuyện, có thể hiểu đơn giản là: làm việc gì thì đều phải hết mình, hết sức lực, hết bổn phận, hết lương tâm (tận nhân lực) . Phần còn lại, thành bại đến đâu thì còn do ý trời (thiên mệnh) nữa. Hiểu là như vậy nhưng việc áp dụng vào thực tế thì không đơn giản chút nào.
Vì khi áp dụng vào thực tế thì hay gặp phải những bối rối như: Thế nào là tận lực? Là phải làm việc thật nhiều tiếng trên ngày còn làm việc ít hơn, thảnh thơi hơn thì sẽ xem là lười biếng và bị trừng phạt hay sao? Làm sao để biết mình đã tận lực với một việc nào đó hay chưa? Dùng thước đo nào để đo được? Thiên mệnh thì sẽ thế nào? Có những việc mình đã tận lực rồi nhưng trời vẫn cho bại HOẶC có những việc thấy chưa hết sức mấy mà lại thành, vậy mình sẽ đối mặt với những chuyện đó ra sao?
Những thứ bối rối đó, nếu không thể trả lời rốt ráo thì rất có thể bản thân sẽ rơi vào các trường hợp: dằn vặt bản thân vì thấy mình không tận lực, lúc khác thì lại huyễn hoặc mình đã tận lực rồi, rồi lo lắng và sốt ruột vì không biết sắp tới ý trời thế nào. Thật khó để thoát ra khỏi những cảm giác đó.
Vậy nên, hiểu như thế nào là tận lực là bước đầu tiên để sống/ làm việc theo cách tận lực. Với mình thì cái tận lực là một cái điểm giao giữa ba thứ: hết mình, bền bỉ và thong dong. Hết mình và bền bỉ là nói đến độ dày và độ dài của sức lực dành cho công việc, mỗi công việc đều cần một sự tích lũy cả về lượng và chất trước khi nó chuyển biến. Còn thong dong là một thái độ ''nhẹ nhàng'', ''dịu dàng'' của cái tâm. Cái tâm rất cần được thả lỏng và bớt dính mắc vào kết quả, bình thản đón nhận vì suy cho cùng, chúng ta đâu biết được ý trời thế nào.
Một cái tận lực hoàn hảo là một sự cân bằng, hài hòa giữa hết mình, bền bỉ của sức lực và thong dong của cái tâm. Có thể ở một thời điểm nào đó, chúng ta bị nghiêng ngả về một phía thì cũng là lúc những bất ổn có thể xuất hiện. Chúng ta dồn hết sức mình và mải miết chạy theo rồi quên đi việc chăm sóc cái tâm thì cái tâm sẽ èo uột và yếu đuối, nó suốt ngày mơ tưởng và đắm đuối vào những kết quả tốt đẹp rồi lại ngã quỵ khi ý trời lại không theo nó muốn.
''Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên'', ''Nhân toán bất như Thiên toán'' (người tính không bằng trời tính). Tôi nghĩ rằng: nếu người nào đó hiểu thế nào là tận nhân lực và biết sống tận lực rồi thì sẽ rất thoải mái và vui vẻ, tức là hiểu những gì mình có thể làm rồi vừa hết mình, bền bỉ vừa thong thả với nó, không luống cuống, không hối thúc, không sốt ruột và cũng không lười biếng. Còn chuyện thành bại hay ý trời gì đó thì tôi tin vào một điểm rằng: mọi chuyện xảy đến đều có ý nghĩa của nó. Những chuyện thành thì mình được động viên, khích lệ; những chuyện trầy trật, loay hoay mãi thì là trời muốn mình rèn sự kiên nhẫn và chịu đựng; những chuyện bại thì chắc là nó cũng cần dừng lại rồi, cố chấp làm chi. Bình thản mà đón nhận thôi.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất