Tản mạn về việc nghiên cứu văn học, từ một kẻ ngoại đạo
Định lập một danh mục các hồi ký, tự truyện, nhật ký của các tác giả VN từng sống trong thế kỷ 20, mà vừa đọc 1 bài tổng hợp của Nguyễn...
Định lập một danh mục các hồi ký, tự truyện, nhật ký của các tác giả VN từng sống trong thế kỷ 20, mà vừa đọc 1 bài tổng hợp của Nguyễn Vy Khanh xong hết muốn làm tiếp. Chỉ tính riêng những tác giả ở hải ngoại cũng đã quá nhiều.
Bỗng tò mò muốn biết Nhị Linh (N.L.) nghĩ gì về Nguyễn Vy Khanh thì ông này còn chê Nguyễn Vy Khanh dựa trên 1 cuốn sách về Nguyên Sa. Đại ý là cái cuốn Một bông hồng cho văn nghệ được in ở Sài Gòn không có để tên tác giả là Trần Bích Lan như Nguyễn Vy Khanh nói, kèm theo ảnh chụp bìa lấy từ sachxua.net; đồng thời, chỉnh thêm tên của nhà xuất bản là Trình Bầy chứ không phải Trình Bày.
Đây thật ra không phải một lần. Có đợt N.L. chê cuốn Nguyễn Văn Vĩnh là ai do Nguyễn Lân Bình chủ biên, thông qua việc lật ra ngay một trang trong đó có nói trước tác của ông Vĩnh bao gồm hai cuốn Những người Khốn khổ và Ba chàng Ngự lâm pháo thủ. Nhưng vấn đề là ông Vĩnh không có dịch tựa của hai cuốn này như vậy, mà dịch là Những kẻ khốn nạn và Ba người ngự-lâm pháo-thủ. Thấy kinh không?
Những chi tiết rất nhỏ nhưng phản ánh được mức độ khắt khe của một nhà nghiên cứu. Nhưng có lẽ không nhiều người chịu nhẫn nại với những yêu cầu nghiệt ngã của library science, hoặc chấp nhận nhìn nhận cuốn sách trước hết với tư cách một món đồ có một lịch sử. Tức là, cầm lên một cuốn sách, chẳng hạn như cuốn Dưới mắt tôi của Trương Chính, rất cần thiết phải phân biệt được vai trò của Tao Đàn là gì và vai trò của nhà xuất bản Hội Nhà Văn là gì; tái bản lần thứ mấy và qua mỗi lần tái bản thì có những chỉnh sửa, hiệu đính gì; năm mà tác giả viết xong với năm in thì nên lấy năm nào khi trích dẫn tài liệu, vân vân. Đó chỉ mới là những cuốn có thể chạm tới được, chứ còn ở Việt Nam có truyền thống “phần thư khanh nho”, nên sách tan tác cả thôi.
Tôi không phải nhà nghiên cứu, nhưng tôi cảm thấy nghiên cứu là một công việc rất khắc nghiệt. Chính N.L. cũng nói công việc này chẳng mấy liên quan đến thành tựu, và là một công việc đặc biệt buồn tẻ. Và nó “là gì nếu không phải là tổng cộng của vô số thời điểm, những thời điểm không hề được đặc trưng bằng sự tìm thấy mà bằng sự không tìm thấy.”
Và do đó, cũng nên đọc với không một ý muốn tìm kiếm điều gì hết. Thường khi làm luận, người ta sẽ có một cái đề tài, rồi họ tìm những tài liệu xoay quanh đề tài đó để đọc, trích ra những cái có liên quan đến đề tài đó. Nhưng như vậy thì có lẽ cũng đã bỏ qua rất nhiều thứ tưởng chừng không liên quan nhưng lại rất liên quan. Chẳng hạn, trong một cuốn tiểu thuyết lịch sử lại có hai trang vô cùng quan trọng giúp người ta có một cái nhìn khác hẳn hoàn toàn những cái nhìn đã biết về một nhân vật nào đó. Hoặc, tự truyện Yêu và sống của Lê Vân lại cũng có một số chi tiết về vụ NV-GP. Hơ, thế nên người ta bảo đọc không cốt để nhớ mà cốt để quên cũng phải. Vì đến lúc cần một cái gì đó, thì ký ức sẽ ném thứ đó ra cho mình, lắp vào một mảnh ghép còn thiếu.
Yes, if a memory, thanks to forgetfulness, has been unable to contract any tie, to forge any link between itself and the present, if it has remained in its own place, of its own date, if it has kept its distance, its isolation in the hollow of a valley or on the peak of a mountain, it makes us suddenly breathe an air new to us just because it is an air we have formerly breathed, an air purer than that the poets have vainly called Paradisiacal, which offers that deep sense of renewal only because it has been breathed before, inasmuch as the true paradises are paradises we have lost.PROUST, Marcel (1927). Time Regained, tr. by Stephen Hudson.
Những thứ đó, mọi sự đọc trong tâm thế tìm kiếm, intensive reading, đều rất có thể sẽ bỏ qua. Chỉ có những nhà nghiên cứu đã "ăn dầm nằm dề" với cái lĩnh vực mà họ trót gắn với đời mình mới tìm thấy.
Nên cái chính yếu của nghiên cứu không phải là tốc độ, mà là sự kiên trì. Và những gắng sức không chỉ thuần túy là nỗi đau, mà có thể mang đến một niềm vui, một khoái cảm.
Trong khi cách nghĩ chung là, chúng ta sẽ có một thời điểm mà mình sẽ ra quyết định theo đuổi một cái gì đó, rồi từ đó về sau trong cuộc đời họ chỉ có cái đó thôi; tôi nghĩ rằng, một số người chọn nghiên cứu một cái gì đó không phải như một commitment, mà là một thứ rớt lại sau tất cả mọi lựa chọn. Tức là, khi họ không còn biết làm gì khác nữa, họ sẽ làm cái đó, vì nó mang lại cho họ một ý nghĩa sống, một niềm vui nào đó.
Cái kinh khủng của một số người là, họ có thể đóng cửa tu luyện đến hàng chục năm trời, chỉ đến 1 thời điểm mà họ cảm thấy là kiệt cùng rồi, đủ rồi, thì họ mới đặt dấu chấm hết, và cho người khác đọc. Sao họ có thể làm được như vậy nhỉ? Điều đó là quá sức chịu đựng với cá nhân tôi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất