Hiện tại có rất nhiều phản ánh về nền giáo dục Việt Nam, rằng giáo dục Việt Nam lạc hậu, lý thuyết và gây nhiều áp lực cũng như chán nản cho người học. Tôi không có ý định bác bỏ hay ủng hộ ý kiến này, vì với tôi thay đổi vốn là điều tất yếu. Nhưng với tư cách là người đã trải qua nền giáo dục cũ của Việt Nam, tôi khẳng định là mình lớn lên cũng ổn. 
    Tôi thấy người ta nói, không nên để trẻ em Việt Nam phải học quá nhiều thứ, chỉ nên tập trung vào những môn mà đứa bé đó thích. Đúng, vừa học vừa chơi, đừng bắt tụi nhỏ học quá nhiều và học những thứ mà tụi nó chán. Nhưng có lẽ vì phù hợp với đứa ham biết cái mới mà cái hồi cấp 2, môn nào tôi cũng muốn học, môn nào cũng thích. Chỉ mong các cô cứ dạy như thế để cái gì mình cũng biết, cái gì mình cũng được nghe. Có thể tôi may mắn vì mình vừa vặn phù hợp với nó.
    Tôi thấy người ta nói nền giáo dục Việt Nam nặng lý thuyết. Có vẻ đúng vì tôi chán môn Hóa thực sự, lúc đó, tôi chưa từng nhìn thấy hay cảm nhận được Hóa trong cuộc sống của tôi. Nhưng với tôi, cũng chưa đúng lắm. Một đứa khoái các môn tự nhiên như tôi, cũng cực kỳ khoái các môn xã hội. Tôi không phải nói ra đây để khoe khoang mà chỉ muốn bênh vực cô giáo của mình. Còn nhớ, hồi cấp 2, điều cô giáo Văn làm trong buổi học đầu tiên không phải là ôn lại kiến thức cũ hay học kiến thức mới, mà buổi học đầu tiên, cô kể chuyện cười dân gian Việt Nam cho chúng tôi nghe. Những câu chuyện mà giờ nghe lại đôi khi thấy nhạt nhẽo lắm, nhưng lúc đó cả lớp tôi đứa nào cũng hào hứng, còn đòi cô kể thêm chuyện khác. Cô có cách để biến mọi thứ thật nhẹ nhàng, có cách biến đứa khô khan như tôi thành đứa cao hứng viết ra vài vần thơ con cóc (mà hôm nay dọn nhà tôi đã đọc lại được.) Và nếu có nhã hứng thì: 
Trắng trong, tròn trịa, xinh xinh
Thân em chiếc bánh trôi hình tròn to
Em đây tấm lòng son đỏ
Với bột gạo nếp làm vỏ trắng tinh
Không bao giờ em lặng thinh
Nhảy nhót vui đùa tính tinh trong nồi
Ra ngoài có nước tắm thôi
Để rồi vào đĩa cùng mời người ăn.
    Cái gì cũ, không còn hợp với hiện tại thì phải thay đổi: loại bỏ những cái xấu và giữ lại những thứ tốt đẹp. Nhưng có lẽ trước khi loại bỏ nó hoàn toàn thì nên dành lời cảm ơn và sự tôn vinh cho người tạo ra nó vì nó đã giúp rất nhiều thế hệ lớn lên, thế hệ mà trước đây nó đã từng phù hợp. Tôi có chút hoài niệm vào bảo bọc quá khứ nên nhiều khi còn không rõ mình đúng hay sai.