“Hạnh phúc” vốn dĩ là một từ mơ hồ. Khái niệm về hạnh phúc không dễ để định nghĩa. Mỗi người là một bản thể khác nhau, thế giới quan và nhân sinh quan khác nhau, bởi vậy quan niệm về hạnh phúc của mỗi người cũng là khác nhau.
Liệu chúng ta có hạnh phúc khi buồn đau không? Mình nghĩ là câu trả lời là có. Theo một cách nào đó thì nỗi đau là một phần thiết yếu của hạnh phúc. Nếu không có những nỗi đau thì làm sao ta có thể trân trọng hạnh phúc.
Ai trong chúng ta mà không mong muốn được cảm thấy hạnh phúc, dù ta là ai, giàu hay nghèo, trẻ hay già, người lao động hay người tri thức. Nếu coi chỉ số hạnh phúc là điều kiện tiên quyết để xác định chất lượng sống của mỗi người thì dĩ nhiên là ta nên hiểu hạnh phúc có nghĩa là gì. Nhưng điều đó có thực sự cần thiết như vậy không?
Hạnh phúc thì sao, không hạnh phúc thì thế nào? Với mình, hạnh phúc là một thứ vô hình mà mình không thể muốn giữ nó lại thì giữ, muốn thả ra là thả. Hạnh phúc vốn có muôn hình vạn trạng, hạnh phúc tồn tại ở khắp nơi. Có đôi khi, niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là được thở, được sống.
Vậy không cần tìm hạnh phúc có được không? Mình nghĩ là không vấn đề gì cả, có những người vẫn sống rất hạnh phúc khi mà họ không cần quan tâm tôi sống thế này có phải là hạnh phúc không, chỉ đơn giản là họ sống hết mình, sống có ý nghĩa và thỏa mãn với cuộc sống mà thôi.
Khi mình tìm kiếm từ khóa “Hạnh phúc”, Google trả về khoảng 146.000.000 kết quả trong 0.53s với các từ khóa liên quan như “Thế nào là hạnh phúc”, “hạnh phúc là gì”, “khái niệm của hạnh phúc”, ...
Vậy khoa học và phật giáo định nghĩa hạnh phúc ra sao?
Hạnh phúc theo Phật giáo là gì?
Theo quan niệm của Phật giáo, hạnh phúc là một ý thức sâu sắc về sự thanh thản và mãn nguyện.
Hạnh phúc mà Đức Phật muốn dạy con người là đạt đến cảnh giới Niết bàn tại tâm. Có nghĩa là từ bỏ sự “tham ái, chấp trước”, không vướng bận bất kỳ hoàn cảnh nào. Ở trong khổ đau vẫn thấy an vui và hạnh phúc, ở trong cám dỗ hay bất công vẫn thấy tự tại.
Các nghiên cứu khoa học về hạnh phúc cũng có chung quan điểm về hạnh phúc với Phật giáo.
Hạnh phúc dưới góc nhìn khoa học
Theo nghiên cứu khoa học, hạnh phúc là sự kết hợp giữa tâm trạng thỏa mãn cuộc sống và cảm giác tốt đẹp bạn đang có hàng ngày.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng có ba yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc bao gồm: yếu tố di truyền (50%), môi trường (10%), các hoạt động có chủ ý (40%).
Như vậy, có 40% hạnh phúc là do chủ động mà có. Các hoạt động có chủ ý này bao gồm các mối quan hệ (người thân, gia đình, bạn bè, quan hệ xã hội), công việc, thói quen, suy nghĩ, hành động của bạn.
Trong một nghiên cứu về hoạt động của vỏ não trước trán đã chỉ ra rằng, những người có nhiều hoạt động hơn ở phần vỏ não trước trán bên phải sẽ buồn phiền, lãnh đạm hơn, họ không thể hiện nhiều tình cảm tích cực; Đối diện là phần vỏ não bên trái có xu hướng vị tha hơn, hạnh phúc, tò mò, ... hơn. Nếu bạn xem phim hài, hoạt động này sẽ kích hoạt phần vỏ não trước trán bên trái. Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc về một điều gì đó, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán bên trái nhiều hơn. Ngược lại, nếu bạn buồn phiền, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán bên phải.
Bạn có nghĩ rằng người trúng xổ số sẽ hạnh phúc hơn người bị tai nạn không? Chắc hẳn chúng ta đều sẽ nghĩ rằng đương nhiên người trúng số sẽ hạnh phúc hơn rồi. Sự thật có phải như vậy không?
Philip Brickman và cộng sự của ông đã thực hiện nghiên cứu chỉ số hạnh phúc của 22 người trúng số độc đắc với 22 người đối chứng, sau đó so sánh với một nhóm 29 nạn nhân tai nạn bị liệt. Thực tế chỉ ra rằng hai nhóm có mức hạnh phúc tương đương nhau sau một năm xảy ra sự kiện đặc biệt này. Có thể diễn giải rằng, nhóm những người trúng số đã trải qua một cảm giác hạnh phúc tột độ, do đó họ không còn cảm thấy hạnh phúc quá nhiều với những thú vui thông thường nữa.
Vậy hạnh phúc có thể tích lũy hay luyện tập không?
Martin Seligman, cha đẻ của nhánh tâm lý học tích cực đã chỉ ra năm nhân tố thiết yếu là động lực thúc đẩy hạnh phúc.
P.E.R.M.A – Lý thuyết hạnh phúc
Mô hình PERMA là viết tắt của năm yếu tố:
- P (Positive emotion): Cảm xúc tích cực bao gồm hy vọng, quan tâm, vui vẻ, tình yêu, lòng trắc ẩn, niềm tự hào, sự thích thú và lòng biết ơn.
- E (Engagement): “Phiêu” với việc bạn đang làm giống như thời gian ngừng trôi và bạn tập trung cao độ vào nhiệm vụ trước mắt.
- R (Relationships): Các mối quan hệ tích cực bao gồm tất cả các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội khác.
- M (Meaning): Ý thức rõ thế mạnh và sử dụng chúng để phục vụ cho một điều gì đó lớn lao hơn bản thân. Con người theo đuổi cuộc sống ý nghĩa theo những cách khác nhau, có thể thông qua nghề nghiệp hay các hoạt động cộng đồng. Tìm ra mục đích sống giúp các cá nhân tập trung vào những gì thực sự quan trọng với bản thân họ. Niềm tin vào những việc làm có giá trị giúp bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn.
- A (Accomplishments): Cảm giác tự hào khi đạt được những thành tựu nhất định góp phần mang lại hạnh phúc.
Ứng dụng PERMA vào cuộc sống hàng ngày
Bạn hãy nuôi dưỡng cảm xúc tích cực bằng việc dành thời gian cho những người bạn thực sự quan tâm.
Gia tăng sự gắn kết bằng việc tham gia các hoạt đông yêu thích.
Dành thời gian mỗi ngày để nhìn lại, suy ngẫm về những điều mà bạn cảm thấy biết ơn trong cuộc sống hàng ngày.
Quan sát những điều tốt đẹp đang diễn ra mỗi ngày.
Xác định và tìm hiểu thế mạnh của bản thân, sau đó bạn có thể nghĩ tới việc sử dụng niềm đam mê của bạn để giúp đỡ người khác.
Suy ngẫm về những thành công trong quá khứ và đặt ra mục tiêu mới để theo đuổi. Những mục tiêu đó tốt nhất là thực tế, cụ thể, có thể đo lường được và có thời hạn rõ ràng.
Tạm kết
Mỗi người có một ngưỡng hạnh phúc khác nhau, không ai giống ai cả. Hạnh phúc đến từ trong chính bản thân mỗi người chứ không cần phải đi tìm ở đâu xa xôi cả.
Xuân Quỳnh
Bài viết có sử dụng các nguồn tham khảo dưới đây:
Philip Brickman et al., “Lottery winners and accident victims: Is happiness relative?”, Journal of Personality and Social Psychology, 1978
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất