Khi nữ không chỉ là giới tính sinh học
Một ngày, mình nhận ra "nữ" không chỉ là con chữ điền vào mục giới tính mà còn nhiều câu chuyện khác.
1. Quan niệm từ xưa đến nay, đàn bà gắn với tính nữ. Có một mẫu số chung những từ dành riêng cho phụ nữ: hiền thục, nết na, nấu ăn, chăm con...
Ngắn gọn trong câu nói của mẹ tôi: con gái không biết nấu ăn sao mai này lấy chồng.
(Còn với đàn ông thì chắc là không có sự nghiệp sao lấy vợ).
Xã hội tiến bộ hơn, người ta thừa nhận đàn bà và đàn ông bình đẳng với nhau. Phụ nữ có quyền tham gia vào đời sống chính trị - xã hội: bỏ phiếu bầu cử, tự ứng cử. Ít nhất về hình thức, phụ nữ không còn bị từ chối với lý do 'là phụ nữ'...
Người phụ nữ hiện đại "giỏi việc nước đảm việc nhà".
Câu tuyên ngôn này là thực trạng người phụ nữ hiện đại nếu có sự nghiệp riêng thì phải cùng lúc gánh vác hai trách nhiệm.
Tôi vẫn còn nhớ một nhận xét thế này: Trong ngôi nhà khi mà cả vợ và chồng đều theo đuổi sự nghiệp, ngôi nhà đó rất thiếu sự ấm áp của tính nữ.
Ta thừa nhận về thiên chức của người phụ nữ. "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", tính âm - tính dương. Đó là nguồn cơn của hai gánh nặng trên vai người phụ nữ, vì thiên chức này được hiểu là không thể chuyển giao cho đàn ông. Tất nhiên, đàn ông vẫn có thể nuôi dưỡng con, nhưng ta sẽ phải đồng tình với nhau rằng, đây không phải thế mạnh của họ nếu so với một người phụ nữ.
2. Trong chuyện yêu đương, 'mất giá' thường ám chỉ đến con gái.
Các chị em phụ nữ cứ dạy bảo nhau là làm đàn bà phải có giá chứ. “Có giá” tức là không được nói yêu trước, không được nói nhớ nhung trước, không được hẹn gặp trai trước, không được tỏ tình trước, không được chủ động cầm cưa, không được nhắn tin gọi điện trước, không được quan tâm trước, không được xin lỗi trước, không được đến chỗ hẹn trước... (Trích "Yêu Đi Đừng Sợ", Kim Oanh)
Trong khi đó, con trai thì gắn với vai trò "chinh phục", "người đi săn".
"Để lâu dài, ta cần cần sự đầu tư cân bằng từ hai phía, nhưng ta vẫn cần một người tha thiết hơn. Và theo kinh nghiệm là, một khi phụ nữ đã phải chủ động rất nhiều, dường như đó chỉ là mối quan hệ một chiều". (Trích bài viết của một người đàn ông)
Một cách ám thị, người viết mấy dòng này có quan điểm chinh phục là thuộc về đàn ông. Bạn cũng chỉ có ý tốt vì bạn hiểu tâm lý phái nam. Nếu họ thích một người, họ sẽ không để cô gái ấy phải cố gắng vì mình. Và rất tiếc vì đa số đều nghĩ về việc theo đuổi, tán tỉnh là dành cho con trai. Còn con gái chủ động quá nhiều định sẵn là thua cuộc.
Từ đó, sẽ sinh ra kinh nghiệm:
Đ̶̶à̶̶n̶ ̶ô̶̶n̶̶g̶ ̶k̶̶h̶̶ô̶̶n̶̶g̶ ̶c̶̶h̶̶ủ̶ ̶đ̶̶ộ̶̶n̶̶g̶ ̶t̶̶h̶̶à̶ ̶b̶̶ỏ̶ ̶l̶̶ỡ̶ ̶c̶̶ò̶̶n̶ ̶h̶̶ơ̶̶n̶
Nhưng định kiến đó khiến con gái không dám thực hiện vai trò chủ động. Mình đã viết một bài "Tán tỉnh: là con gái phải giữ giá". Vì mình nghi ngờ bản thân thật sự có vấn đề khi khác mọi người chung quanh. Tại sao phụ nữ không thể đóng vai người đi tìm thay vì ngồi chờ? Tại sao phụ nữ chủ động tìm kiếm hành phúc lại không được trân trọng?
Một người đàn ông chủ động rất nhiều thì được gọi là si tình. Còn đàn bà thì là mất giá.
Ý của mình là, mình mong rằng chuyện tán tỉnh sẽ đơn thuần là chuyện giữa hai con người, giữa hai con tim. Và giữa hai cái đầu bớt định kiến về vai trò của giới khi tán tỉnh.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất