Tản mạn triết học về bộ phim Soul
Ngày nay có rất nhiều người phủ nhận sự tồn tại của linh hồn, họ coi cảm xúc và động cơ của con người chỉ đơn giản là một chức năng...
Ngày nay có rất nhiều người phủ nhận sự tồn tại của linh hồn, họ coi cảm xúc và động cơ của con người chỉ đơn giản là một chức năng của các Nơron thần kinh. Bộ phim đạt giải Oscar phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2021 của Pixar, Soul, dường như là chọn đi ngược lại với quy luật của sự phát triển này.
Bộ phim theo chân Joe Gardner, một nghệ sĩ chơi nhạc jazz đầy tham vọng, một người đang mắc kẹt trong cuộc sống hàng ngày với công việc là một giáo viên dạy nhạc bán thời gian ở một trường trung học cơ sở. Ở ngay đầu phim, Joe bất ngờ gặp một tai nạn khiến anh lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Người xem được quan sát linh hồn của Joe tách khỏi thể xác và bắt đầu cuộc hành trình tới “The Great Beyond”.
Trong Soul, còn tồn tại một “The Great Before” là nơi các linh hồn tồn tại từ trước khi hoá thân ở trần thế, cũng chính là nơi Joe gặp một linh hồn, chính là 22, sẽ cùng theo anh trong chuyến phiêu lưu tìm cách trở lại trái đất. Ở đoạn này có vẻ Pixar lựa chọn theo quan điểm “thrownness” của Heidegger (1889 - 1976) rằng chúng ta không có quyền kiểm soát cũng như lựa chọn trong việc “bị ném” vào thế giới này. Theo Heidegger, chúng ta không thật sự có một điểm xuất phát, chúng ta đơn giản là ở đó (ở trần thế). Và chính điều này đã đưa cho chúng ta sự tự do và cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình. Với sự tự do đi kèm với trách nhiệm cũng chính là điều khiến chúng ta có thể trở nên lo lắng. Chúng ta có thể trở nên hoảng sợ trước chính những cánh cửa của những triển vọng và khả năng cuộc đời mở ra mà chúng ta chọn cách trốn tránh thế giới. Hoặc chúng ta có thể mở rộng vòng tay mà đón nhận lấy sự tồn tại của chúng ta trên thế giới này và những cơ hội mà cuộc sống này đem lại. Trong phần lớn bộ phim, 22 và Joe đang chọn cách đóng mình lại với thế giới bằng việc nhìn nhận niềm đam mê chỉ là một trong những cách để 22 có thể lấy được “Earth badge” ( điều kiện để một linh hồn được hoá thân xuống trần thế). Vì thế mà 22 đã không được trải nghiệm cuộc đời theo một cách đúng đắn để được nhìn thấy hết những vẻ đẹp mà cuộc đời đem lại. Còn trong trường hợp của Joe, cả cuộc đời mình anh chỉ tập trung vào sự nghiệp mà khiến anh quên mất đi những điều đẹp đẽ khác trong cuộc sống của mình.
Theo Heidegger, mở vòng tay đón nhận cuộc đời hay đóng mình với thế giới phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng (moods) của chúng ta và theo ông, đây cũng chính là cách chúng ta trải nghiệm cuộc đời. Chúng ta cảm nhận cuộc đời qua nỗi sợ, trật tự (order) hoặc niềm vui (joy). Niềm vui cũng chính là cảm xúc chúng ta nhìn thấy ở 22 khi cô tận hưởng sự khoái lạc từ những điều rất đơn giản từ cuộc sống - từ việc ăn một miếng pizza khi đói cho đến việc ngắm lá vàng rơi trên phố. Còn Joe, sau khi cuối cùng cũng thực hiện được ước mơ được chơi nhạc với thần tượng của mình trên sân khấu, anh cứ tưởng mình sẽ cảm nhận khác đi mà cuối cùng chỉ là một cảm giác trống rỗng. Theo một cách nào đó, Joe đã đóng mình với thế giới bằng việc giới hạn cách nhìn nhận của mình với sự tồn tại trên thế giới này đã khiến anh thậm chí còn không hề nghĩ rằng hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời có thể tồn tại ngoài ánh đèn sân khấu.
Cuối cùng sau trải nghiệm là một linh hồn, Joe nhận ra mình sẽ trân trọng sự tồn tại của mình trên trái đất bằng cách tận hưởng từng khoảnh khắc còn lại trong cuộc sống trần thế của mình. Và 22 đã chấp nhận những giá trị của sự tồn tại, bất chấp những rủi ro và hạn chế trong chính sự tồn tại ấy.
Đây cũng chính là một trong những ý tưởng nổi tiếng từ các triết gia hiện sinh và lãng mạn của thế kỷ 19 và 20. Friedrich Schleiermacher (1768-1834) chế nhạo khái niệm về sự bất tử cá nhân (personal immortality), với ông, một ước muốn được duy trì mãi sự tồn tại đầy đau khổ của mình là một ước muốn hết sức nực cười. Thay vào đó, ông đưa ra ý tưởng về sự bất tử trong chính khoảnh khắc này (immortality in this moment). Bài học mà Joe nhận ra và thông điệp mà Pixar mong muốn gửi gắm tới chúng ta từ hành trình giữa sự sống và cái chết của Joe trong Soul cũng khá gần với ý tưởng này của Schleiermacher.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất