Biên Niên Ký Một Mùa Hè (1961) là bộ phim tài liệu Pháp được quay vào mùa hè 1960 tại Paris. Hai đạo diễn là nhà xã hội học Edgar Morin và nhà làm phim Jean Rouch, họ bắt tay cùng nhau để tạo nên tác phẩm mà sau này trở nên tiêu biểu cho dòng phim tài liệu hiện thực - cinema verite.
Cấu trúc của bộ phim bao gồm phần truyện độc lập của nhiều nhân vật khác nhau. Bộ phim cho thấy họ thay đổi qua thời gian thế nào, quan điểm sống ra nào và rồi sao rốt, cho thấy chính họ nhận định thế nào về bản thân mình.
Xem hết, tôi nhận ra cinema verite là câu chuyện của việc nhìn nhận hiện thực.
Tôi cho rằng hai đạo diễn của bộ phim muốn “tìm ra sự thật” bằng một phương pháp tương đối khoa học: Khảo nghiệm. Chúng ta thấy họ quay diễn tiến đầu-cuối của con người, và rồi cho họ nhìn nhận lại hành vi của chính mình. Qua đó sẽ tìm ra một sự tự giác ngộ (?) hoặc nhìn nhận - đó có thể là hiện thực.
Tuy nhiên, đến cuối, hai đạo diễn vẫn lững thững xoa đầu. Rốt cục họ đã tìm ra gì, hay thực chất là không tìm ra gì cả?
Tôi vô tình nhận ra điểm tương đồng trong mục tiêu của cinema verite với giáo lý nhà Phật. Cinema verite đi tìm “sự thật tối hậu” - cái khách quan cực điểm vượt ngoài tầm với của con người. Đó là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, cách thời điểm cinema verite ra đời 2500 năm tại Ấn Độ, Đức Phật dường như có giải pháp cho mục tiêu này. Ngài bảo con người sống cho hiện tại. 
Thực tế, chúng ta bị chi phối bởi quá khứ và tương lai. Chúng ta ưu phiền vì những gì đã qua, và lo lắng cho những gì có thể xảy ra. Chính sự quan tâm chủ quan này đã vô thức bẻ cong sự thật tối hậu khi đặt vạn vật dưới góc nhìn cá nhân. Trong cuốn Đức Phật Đã Dạy Những Gì, học giả Walpola Rahula đưa ra một giả thuyết siêu tưởng để mô tả cho hành trình tìm “sự thật tối hậu”: Hãy tưởng tượng ngay khoảnh khắc chúng ta thực hiện điều gì đó, dù là hỉ nộ ái ố, sẽ có một ta khác đứng nhìn ta cùng lúc. Lúc đó, chính sự thật mà người song trùng của chúng ta cảm nhận mới là sự thật khách quan. Hành trình tu tập mà Đức Phật giảng dạy cũng là hành trình tách bản thân ra khỏi vạn vật, kể cả bản thân, để có thái độ trung dung nhất.
Một cảnh rất đẹp trong Biên Niên Ký Một Mùa Hè.
Một cảnh rất đẹp trong Biên Niên Ký Một Mùa Hè.
Theo đó, Biên Niên Ký Một Mùa Hè như phép thử dài hạn của giả thuyết này. Các nhân vật được mời gọi soi chiếu lại bản thân qua những ký ức và trải nghiệm quá khứ, và rồi soi chiếu thêm một lần nữa ở buổi chiếu phim cuối cùng. Có những ý kiến trái chiều bùng lên về nội dung bộ phim và về quyết định của các nhân vật. Song do thời gian nhìn nhận cách xa thời điểm hành vi xảy ra, những sai số là tương đối lớn. 
Tuy nhiên, phép thử phản tư của Biên Niên Ký Một Mùa Hè đã đề ra là phương pháp thú vị để đến gần hơn với sự thật của Chúa. Nó mở ra hàng loạt câu hỏi và khả năng cho các nhà làm phim: Liệu chúng ta có thể áp dụng phương pháp quán tưởng của Phật Giáo để hiện thực hóa cinema verite? Chúng ta có thể tồn tại độc lập với máy quay và ý đồ để chỉ sử dụng máy quay như một công cụ quán chiếu không? Khát khao tìm kiếm sự thật khi làm phim có phải là cục tạ kéo người làm phim càng xa rời hiện thực? Thật tuyệt vời khi tìm thấy sự tương đồng giữa các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, hay thú vị hơn nữa, của những nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. 
Đây là bộ phim cinema verite đầu tiên tôi xem. Chắc chắn tôi sẽ tìm xem thêm một số phim khác. Có thể trong quá trình đó, tôi sẽ lại đi thêm một bước nào đó để phát triển các khả năng tìm ra sự thật tối hậu, hay tìm ra liệu sự thật đó có tồn tại không.
Thật ra, có Chúa mới biết được.