Cứ vào khoảng thời gian này trời bắt đầu nóng dần, nắng đổ lửa, nắng xuyên thấu qua những tán lá cây, kết thành những vùng chói lóa xóa ôm trọn bầu trời trong xanh, nắng như trút vào đầu, nắng giết chết đám cỏ non ẩn mình dưới góc điệp, nắng chết cụ những thằng cô hồn đi vòng quanh xóm rình rập trộm chó.
Vào mỗi dịp thế này, phượng bắt đầu nở, gió hiu hiu thổi bay những ý nghĩ trong đầu về cuộc đời làm người, làm tiền và làm tình. Tản bộ trên con đường dài dài, hàng cây thẳng thẳng, chẳng biết có từ bao giờ, chỉ nghe loáng thoáng Ông Năm Bưởi bảo rằng: lâu lắm rồi, từ hồi tao còn ở truồng leo cây điệp vơ vơ bẻ trái ăn. Một sự yên bình về những con đường không có những tiếng rao: “vơ chai bén đi”, “thuốc diệt chuột, diệt muỗi, kiến, gián, một sản phẩm của công ty hóa dược”.
Tôi nhớ về cái thời học cấp 2, hồi chuyển cấp may mắn lọt vào một trong vài trường có tiếng. Trường có tiếng nhất nhì tỉnh, cũ nhất, dễ sập nhất, học sinh đánh lộn hằng ngày nhiều nhất,...Nói vậy thôi chứ không biết bao lớp người đã trưởng thành từ ngôi trường này.
Chuyện kể ngày xưa có trên con đường đi học có ông câm bán bong bóng. Chẳng ai biết ông là ai, họ tên gì, làm việc chi, từ đâu đến, chỉ biết mỗi ngày cứ dạo 9h sáng lại thấy bóng dáng gầy gầy, cao cao trên chiếc xe đòn dông cũ cũ. Ông chạc tầm 50 mấy, tóc có vài vệt trắng do sương gió phủ kín, da nhăn nheo, miệng hóp lại, khi cười lộ ra mấy cây răng súng. Dạo lúc ấy, cứ mỗi sáng chủ nhật tôi lại ra đứng đợi ông. Có lần tôi tự hỏi chẳng biết vì sao tôi làm thế, chỉ biết phải đứng nhìn thấy ổng một phen rồi mới vào làm bài.  Có lẽ đó là thói quen trong gần ấy năm cấp 2.
Lại kể về chuyện bán bong bóng. Ông có một thứ tôi tạm gọi là USP trong bán hàng. P1 của ông cũng chẳng có gì đặc biệt, cũng đủ loại, đủ màu, đủ hình thù, từ con công, con thỏ, cho tới thằng hề. P2 thuộc tệp cạnh tranh, khi xưa một con thỏ tầm 1 ngàn rưỡi. P3 được ông tự thực hiện trên chiếc xe theo suốt quãng đời làm nghề. P4 có lẽ là thứ cần phải học hỏi nhiều nhất. Nếu xét về mặt thương hiệu, ông dám xưng số 2 có lẽ chẳng ai xưng số 1. Ông bị khiếm khuyết về giọng nói nhưng lại được món nghề điêu luyện.
Một con thỏ nếu tính toán từ lúc bơm hơi cho đến khi tạo hình xong độ tầm 3 phút. Trong kinh doanh, thường bàn về khoảng “tiếng rao”, phần âm thanh truyền đi thông điệp của thương hiệu được lập đi lập lại băng băng qua các nẻo đường nhỏ nhỏ. Người ta bảo ông trời công bằng, không lấy của ai thứ gì và cũng chẳng cướp đi của ai điều chi. Tôi đảm bảo khoảng 96% khi một ai đó nhìn thấy phương pháp bóp kèn và điệu bộ tay của ông sẽ phải chú  ý và thầm nghĩ: “ông này bóp kèn ngộ nhỉ, cứ như nhạc trưởng ấy”.
Động tác tay điêu luyện, có thể ví von như công việc có sử dụng đến hành động tịnh tiến tay của các bạn nam hằng ngày. Tôi nhớ ngày xưa mình vẫn hay suy nghĩ về việc ông đã từng là một nhạc trưởng trong một nhóm nhạc có tuổi nào đó. Cứ mỗi tiếng bíp vang lên, tay trái của ông lại đưa lên ngang vai, tiếng bíp thứ hai lại chuyển sang phải và cuối cùng là xuống dưới và bắt đầu lại một vòng lặp mới. Nếu đệm guitar có thể chơi điệu 3/4 vào nghe cũng hay hay phết đấy...  
Và trong một lần “lùi bước về sau để thấy ông rõ hơn”, tôi bắt gặp ông đứng bên kia đường, đang cố xoay xoay vặn vặn ra một con rắn nhỏ cho thằng con trai kháu khỉnh của bà 8 trên chợ. Tôi cố nhìn, vẻ mặt như kiểu một tên học lớm món nghề ấy. Chợt ông nhìn sang, trông thấy một thằng bé mặt ngố ngố, dáng gầy gầy, lùn lùn. Ông băng sang đường, trên tay cầm một con thỏ màu trắng trắng, hay chân vàng vàng đưa cho tôi. Tôi bảo:
  • “ Con không mua bác ơi!”
  • Ông đưa và xua tay vẩy vẩy, kiểu hoa hậu hay chào đồng bào
  • “Thế bác không lấy tiền à”
  • Ông lắc đầu và ra hiệu “a, ớ, ắ”
Từ đó, trong tôi lại có một hình ảnh đẹp, đẹp một cách kỳ lạ như thanh xuân của bao đứa trẻ khác về những giấc mơ hoạt hình của chúng nó. Về một người đàn ông bán bong bóng, về một người đầy nếp nhăn trên mặt, về một “người lạ ơi cho tôi một con thỏ màu trắng”
---------------
#Steven Nguyễn