Ở một nơi chốn vô danh miền xa xôi, có đứa cháu hỏi ông: "Ông ơi, hạnh phúc là gì hả ông?" Ông nó nhìn lên thấy con chó, bèn ví von: “Hạnh phúc là cái đuôi con chó đấy cháu à. Nếu cháu cứ mải chạy theo hạnh phúc, cháu sẽ chẳng thể nắm giữ được nó. Nhưng nếu cháu đừng quan tâm đến nó, nó sẽ tự động theo cháu thôi”
Nhưng ở đây - năm 2060 sau công nguyên - khi thằng cháu hỏi ông Andy: “Ông ơi, hạnh phúc là gì hả ông?”, ông đáp: “Mẹ mày, mày không biết tự Foogle à (tập đoàn thông tin hệ mặt trời, sáp nhập của Facebook và Google ngày xưa). Ông mày còn bao việc”. Nói rồi Andy thui thủi xuống bếp nhặt rau nấu cơm.
Thời đại mới, công nghệ đã thay thế toàn bộ những lao động nặng nhọc của con người. Phụ nữ, với sở trường buôn chuyện của họ, chiếm lại ưu thế trong việc cập nhật và nắm giữ thông tin, từ đấy lúc nào chẳng hay lấy lại vị thế của một xã hội mẫu hệ.
Căng!
Căng!
Nhưng nói thui thủi là vậy, chứ hoàn cảnh ông Andy đâu đã phải là đau khổ cùng cực gì. Như ngay nhà hàng xóm thôi, có ông VA, đã mang tiếng đảm đang lại còn tài hoa đàn ca sáo nhị, thế mà vớ phải cô vợ tuổi Dần, thỉnh thoảng nó lại lấy con robot Dùi ra nó dần cho (thời bây giờ không đánh nhau tay bo nữa, mỗi người có một con robot: của nữ thì gọi là Dùi, của nam thì gọi là Lỗ. Vì dưới chế độ mẫu hệ nên Dùi cơ bắp hơn còn Lỗ dẻo mỏ van xin hơn). Đấy, cứ mỗi lần buồn tủi, ông lại nhìn sang nhà hàng xóm, thế là nguôi ngoai (mà đấy, người ta cứ nói nào là peer pressure là xấu, nào là cứ mãi so sánh thì sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc, đâu phải lúc nào cũng đúng đâu. Chỉ tại con người bình thường thì chẳng mấy khi nhìn lên, thế mà chả hiểu sao cứ lúc so sánh là lại nhìn lên bằng được mới chịu ấy thôi)
Thực ra, những năm đầu khi xã hội đổi thay, khá là khó để cánh mày râu chấp nhận sự thật về việc mất vị thế này. Một cậu em thân thiết có hôm nói dối vợ đi mua đồ rồi mang rượu sang nhà ông Andy ngồi giãi buồn, thấy ông cứ bình chân như vại chẳng tỏ ra thất vọng gì, mới hỏi: “Bác Andy, bác không thấy sống thế này hèn à?” (Đến thời điểm những năm 2060 này, khi ngồi nghĩ lại, ông mới thấy mấy thằng hồi ấy nghĩ sống thế là hèn, giờ đều xanh mả cả rồi. Nhưng chẳng phải tại các bà ngấm ngầm thủ tiêu hay gì gì, các bạn đừng quá Hollywood hóa mọi chuyện, mà chỉ tại mấy thằng đấy không cam chịu, đâm hận đời, chẳng mấy mà sinh tâm bệnh, không thì cũng chìm xuống trong rượu chè rồi ung thư gan sớm mà thôi). Nhưng ở thời điểm bữa nhậu ấy, khá là khó giải thích, vậy nên ông Andy chẳng nói gì, chỉ cúi gằm mặt xuống một lúc, rồi mới nhìn lên, rồi cầm lấy chén rượu mà cụng với cậu em, làm phát hết chén, rồi thở một cái thật dài - cái tuồng của mấy ông bợm nhậu khi muốn tỏ ra mình có cả một bầu tâm sự chẳng thể nói ra trong lòng. Nhưng thực ra, lúc nào ông cũng tâm niệm: “An thời xử thuận. Đến Trang Tử mà còn chấp nhận làm con rùa rúc đầu, ngoáy đuôi dưới ao dìa, thì tính chi đến cái sống cỏn con của thằng Andy này”.
***
Lo cơm nước xong xuôi, ông mới lên nhà, bế thằng nhỏ cho nó ngồi vào lòng, với tay bật cái màn hình lên để hai ông cháu cùng xem. Foogle hiện ra ngay câu hỏi của thằng cháu, nhưng thế quái nào, thay vì những câu trả lời chắc như đinh đóng cột, chỉ toàn nào là: “100 định nghĩa sát nhất về hạnh phúc” hay “Sự khác biệt giữa hạnh phúc và phê cần” vv. Ơ thế hóa ra ngay cả đến Foogle mà cũng chịu cơ à.
Đành cười ngượng, ông xoa đầu thằng nhỏ, rồi trầm ngâm nhìn ra đường và hồi tưởng lại nửa đời phiêu bạt năm châu bốn bể, nay đây mai đó ngày nào ...
Sóng dâng, sóng tràn Trùng trùng dương dương ngỡ như vạn ánh sao Kiếp nhân sinh, đầy biến động Rồi cũng xuôi theo dòng chảy về Đông ... Từng khóc, từng cười Trần ai tha thiết giữa trăm vạn đắng cay Như hồng hạc chợt vỗ cánh bay Trong chớp mắt có ai thấy được không ... Yêu em hận em, em biết hay chăng? Như dòng suối ái tình chảy mãi Qua trăm ngàn núi, cuốn tới muôn phương Cùng hòa vào nhịp sóng giữa trời mây ... Đường nhân thế dài vô tận Ngàn xưa ai nói chí cao chẳng cô liêu Ngày nào đó hiểu thấu được Đời nhục vinh cuối cùng cũng thành không..."