Những ngày còn mài ghế ở trường có một môn học tôi rất yêu thích là Hành vi tổ chức trong đó có trình bày và phân biệt một số lỗi nhận thức cơ bản khiến tôi cứ phải mồm chữ a chữ ô. Trong một lần thuyết trình giữa khoá, nhóm tôi chọn đề tài này để mở rộng thêm và đó là dịp tôi quan sát và suy ngẫm về một số hành vi thường gặp trong cuộc sống có thể cũng được gọi là lỗi nhận thức.
1. Tôi tạm gọi nó là “lỗi nhận thức 1/2”
Trong một lần tiệc cưới, có một chị đồng nghiệp khều tôi và bảo rằng “không phải chị nhiều chuyện hay có ý chê bai gì đâu nha, nhưng sao đám cưới con mình mà mẹ cô dâu lại ăn bận như vậy...thiệt không hiểu nổi”.
Hay trong một lần lướt Net tìm tư liệu về thiền sư Osho, tôi đọc được một comment thế này “Ông ta đã chết. Tôi không có động cơ riêng tư gì để chỉ trích ông ta cả. Tôi chỉ làm một việc đơn giản: Góp phần dọn dẹp được chút nào hay chút ấy cái đống rác vĩ đại mà ông ta để lại, đã dẫn lạc biết bao nhiêu người ham học nhưng không có phương tiện tìm hiểu chính xác sự việc.”
Tâm trí vẫn thích chơi chữ như thế. Đâu đó trong những tình huống tương tự, chúng ta đã cảm thấy hoặc nhận thấy những gì chúng ta sắp nói đó chính là phê phán, là chỉ trích,... nhưng chúng ta tự nhủ rằng ờ thì chỉ cần nghĩ khác đi thì bản chất có thể không phải như thế. Chúng ta sẽ không tệ khi nói ra một điều tệ, chỉ cần nếu chúng ta nghĩ rằng nó không tệ.
2. Nếu có “lỗi nhận thức 1/2” thì cũng có cái gọi là “lỗi nhận thức đầy đủ”
Có một câu chuyện vui rằng một người bạn đến thăm bạn mình là một nhà chủ nghĩa duy vật và thấy trên cửa nhà bạn mình có treo một cái móng ngựa biểu tượng của may mắn thì ông phá lên cười và nói rằng, này bạn già tôi ơi, đừng nói với tôi là ông tin cái móng ngựa này sẽ đem lại may mắn cho ông đấy nhé. Nhà chủ nghĩa duy vật điềm tĩnh trả lời, tất nhiên là tôi không tin rồi nhưng người ta bảo vật đó sẽ vẫn đem lại may mắn cho tôi dù tôi có tin hay không.
Và tôi cũng từng chứng kiến cô bạn tôi khi ly hôn với chồng đã gào lên rằng, cô đã hy sinh ước mơ du học và rất nhiều cuộc vui với bạn bè chỉ để ở cạnh bên chăm sóc chồng cô. Cô bảo cô hầu như không hề đòi hỏi chồng cô làm gì lớn lao cả, chỉ mong chồng cô chung thuỷ. Lúc đó tôi nghĩ, trong đời sống hôn nhân liệu còn có đòi hỏi nào lớn lao hơn điều cô mong muốn - Thuỷ chung?
Đâu đó chúng ta dường như không nhận ra được rằng chúng ta đang làm ngược lại với suy nghĩ mà chúng ta đã và đang nghĩ. Hoặc là chúng ta hiểu lầm, hoặc có thể chúng ta không hề nhận thức được điều đó và rơi ngay vào trường hợp “thỏ mắng mèo lắm lông”.
3. Thiên vị bản thân
Đây là hiện tượng mà khi thành công (theo định nghĩa của mỗi người) hoặc khi được khen ngợi chúng ta có xu hướng cho rằng đó là do chúng ta tài giỏi. Ngược lại, khi thất bại hoặc bị phê phán thì chúng ta lại có xu hướng đẩy trách nhiệm cho ngoại cảnh.
Tất cả cảm xúc của chúng ta hỷ, nộ, ái, ố đều do chúng ta tạo ra. Không hề do bất cứ cá nhân hay ngoại cảnh nào có thể khiến chúng ta như thế nếu chúng ta không cho phép (ơ mà chúng ta thường xuyên cho phép điều đó xảy ra mỗi ngày). Jean Paul cho rằng “Hell is other people” nhưng đến đây chắc các bạn cũng nhận ra “hell or heaven is ourselves”.
4. Cái này quan sát thấy nhưng chả biết gọi là gì
Hẵng một số bạn còn nhớ Nguyễn Ánh 9 trong một lần trả lời phóng viên đã có một vài nhận xét về các ca sĩ nổi tiếng trong đó ông không đánh giá cao giọng hát của Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm...và tất nhiên, chuyện gì đến thì ai cũng biết là chuyện gì đấy. Cả một lực lượng fan hùng hậu tức giận, trách móc Ông. Lúc đó tôi tự hỏi tại sao các fan lại tức giận như thể Nguyễn Ánh 9 đang phê phán chính họ vậy? Nhận xét của Ông rõ ràng rất ít liên quan đến các fan, nhưng fan đã khiến điều đó trở nên rất liên quan. Liệu phản ứng đó có vô nghĩa? Họ bảo vệ thần tượng hay chỉ muốn bảo vệ chính họ; khẳng định rằng niềm tin, cảm nhận của họ về ca sĩ họ yêu thích là không hề sai lầm.
5. Tôi nhớ đến ý nghĩa của “ngón tay chỉ trăng”
Tôi đã có một thử nghiệm trong buổi thuyết trình hôm ấy. Trong một slide, tôi đã trình bày một phát biểu về lỗi nhận thức (tất nhiên là do tôi định ra, nhưng có pha chút tạp chất cao siêu và hợp lý), tên người phát biểu là Nebrouel - biệt danh của tôi - và tất nhiên, trong lớp không ai biết về biệt danh này. Chỉ thêm một vài ba hoa tâng bốc về “tác giả” của phát biểu trên thì cả lớp đều cho rằng phát biểu này rất hợp lý và đáng tin. Tôi hạ màn và cả lớp cười ồ.
Trong một slide khác, tôi lại đưa một phát biểu khác. Lần này chính xác là của một nhà tâm lý học nổi tiếng nhưng tôi vẫn để biệt danh của mình là tác giả của phát biểu đó. Lần này, cả lớp hầu như không còn chắc chắn về tính hợp lý của phát biểu nữa. Hạ màn và cả lớp lại cười.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường chú trọng đến “ai” phát biểu ý kiến hơn là xem xét tính hợp lý và cái hay từ điều họ nói. Ngay khi chúng ta nhìn vào điều họ nói nhưng sẽ vẫn dễ chấp nhận câu nói ấy nếu đó là từ một vĩ nhân hơn là một người không tên tuổi. Có câu người khôn nói 10 câu cũng có câu trật, người dại nói 10 câu cũng có câu trúng. Chính vậy, ai phát biểu không quan trọng bằng việc họ nói cái gì. Nhưng có lẽ chúng ta thường thích xăm soi ngón tay nào chỉ trăng hơn là ngắm nhìn trăng ngà.
Ai trong chúng ta không ít thì nhiều đều bị đan xen các lỗi nhận thức nêu trên trong cuộc sống thường nhật. Điều đó rất bình thường và rất cần ở chúng ta một tinh thần tỉnh táo; luôn canh gác mọi luồng tư tưởng, tâm tư để tránh phải rơi vào cái bẫy của lỗi nhận thức mỗi ngày.