Thành thật đi, bạn đang học vì cái gì?
Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình, rốt cuộc tại sao mình lại phải học tập?
“Học, học nữa, học mãi” dường như là một câu khẩu hiệu được rao giảng hàng ngày để thôi thúc chúng ta trên con đường học vấn. Nhưng cuối cùng, “học nữa, học mãi” như vậy, để làm gì?
Chán nản với việc học, có phải do chúng ta đều sai mục đích ngay từ đầu?
Có vẻ đúng là như vậy. Dường như chẳng có trường lớp nào dạy cho ta mục đích của việc học trước khi bắt đầu dạy chúng ta học. Tất cả những gì còn đọng lại trong đầu chúng ta về mục đích cao cả của học tập chỉ là những câu nói bâng quơ từ nhà trường, gia đình: “Học để thi điểm cho cao”, “Học để sau này kiếm cái bằng”, “Học thì sau này sẽ có lương cao, mọi người nở mày nở mặt ra được đôi chút”. Những câu nói vô thưởng vô phạt, chẳng có gì để có thể làm động lực để ta cố gắng từng ngày. Điểm cao, bằng giỏi, những xấp giấy bạc dày cộm,… có thể là mẫu số chung của thành công, và cũng là những điểm đến mơ ước sau những tháng ngày dày công đèn sách. Nhưng tất nhiên, nếu không có những động cơ rõ ràng, cụ thể, xung quanh chỉ toàn xì xào những câu nói gọn lỏn như vậy, thì liệu chúng ta có biết cách sử dụng kiến thức để đạt tới những gì ta mong muốn? Không phải cứ vùi vào học là sẽ điểm cao, sẽ có tấm bằng đỏ chói, và những thành tích, tiền tài, địa vị, chưa chắc đã luôn luôn là cái đích cuối cùng của việc học.
“Học để thi điểm cho cao”…
Thực ra điều này không hề sai. Việc học để đạt điểm số mơ ước hoàn toàn là một mục đích chính đáng. Sẽ chẳng có gì đáng chê trách nếu một cô cậu học trò nào đặt ra mục tiêu đỗ thủ khoa, đứng nhất lớp, nhất trường hay đạt giải nhất nhì trong kỳ thi học sinh giỏi. Có thể nhiều người sẽ ném ra những cái lườm không mấy thiện cảm nếu như những cô cậu học trò đó công khai chia sẻ với mọi người xung quanh về những mục đích ấy của mình, cho rằng họ tham vọng, cầu toàn, hám sĩ diện,… Nhưng chí ít, những học trò đó cũng đã xác định được một mục tiêu dù là nhất thời cho việc học của mình. Nếu như một ngày, tất cả học sinh trên đất nước này đều biết đặt ra những mục tiêu về điểm số, kết quả cho việc học của mình, đó chẳng phải là một điều đáng mừng hay sao? Nói đến đây, có thể nhiều người sẽ cho rằng đây là một triệu chứng của căn bệnh thành tích, nhưng thực ra, căn bệnh thành tích chỉ tái phát khi học trò bị những yếu tố bên ngoài áp đặt các mục tiêu của mình. Thật đáng buồn thay khi những mục tiêu về học tập không đến từ bản thân của những cô cậu học trò, mà lại đến từ thầy cô, gia đình - những người thân cận đã tự cho mình quyền quyết định thay việc học cho họ, như những người chủ đang ép doanh số đối với nhân viên của mình. “Kỳ này không được học sinh giỏi thì chết với tao”, “Đầu tư cho ăn học đủ thứ rồi mà đi thi chẳng giật được cái giải nào”. Rõ ràng, việc đạt điểm cao, giành được những giải thưởng cao quý trong các kỳ thi không phải là điều mà tất cả mọi đối tượng học sinh đều hướng đến. Có thể sẽ có những học sinh mong ước đạt điểm số chót vót, nhưng cũng có những học sinh đặt ra mục tiêu đạt điểm trung bình, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, sức học và thậm chí là cả những định hướng xa hơn trong tương lai. Chúng ta không hướng tới việc tất cả học sinh đều đạt những điểm số cao, những giải thưởng vinh dự theo tiêu chuẩn của gia đình, nhà trường; chúng ta cần hướng tới việc tất cả học sinh biết mình đang học vì điều gì, đang học cái gì, đang đặt ra những mục tiêu phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân như thế nào.


Xây dựng được mục tiêu cho việc học của mình đã là một tín hiệu đáng mừng, nhưng làm thế nào để biến những mục tiêu đó thành hiện thực vẫn là một vấn đề nan giải. Cụ thể, với mục tiêu “Học để lấy điểm cao”, nhiều học sinh dù đã hoạch định ra điều đó trong đầu nhưng chưa chắc đã biết cách học để lấy điểm cao, và xa hơn nữa, điểm cao đó sẽ dùng để làm gì. Để đạt điểm cao theo một cách hiệu quả nhất thì chắc chắn bạn không nên ngồi ôm quyển sách và cố nhồi nhét từng con chữ vào đầu rồi. Ghi chú cô đọng, vẽ sơ đồ tư duy,… là những công cụ mà chúng ta đều ít nhiều đã từng nghe qua, nhưng để áp dụng thật hiệu quả thì cần một quá trình làm quen và thích nghi với những phương pháp học tập tiên tiến này bởi trường lớp chưa chú trọng đến việc dạy ta những cách thức học kiểu mới. Hơn nữa, để tối đa hóa hiệu suất học tập mà vẫn đạt điểm như mong muốn, việc lắng nghe các thầy cô giảng bài cả tiết học trên lớp là chưa đủ, mà bạn cũng cần nắm kỹ những từ khóa, những cách cô đọng bài giảng sao cho thật dễ nhớ và thậm chí, cả những nội dung sẽ kiểm tra. Với mục tiêu về điểm số, điều này thật sự cần thiết bởi bạn không phải là một tỉ phú thời gian để học hết tất cả mọi kiến thức trong sách vở, bạn chỉ có thể học kỹ những phần sẽ được hỏi đến trong bài kiểm tra mà thôi, quỹ thời gian còn lại bạn dùng để đầu tư cho những mục tiêu khác của bản thân. Những gì bạn đang cần là những con điểm đúng với mục tiêu đã đề ra, có thể là để phục vụ cho một mục tiêu khác lớn hơn, nên có lẽ, bạn không cần phải trở thành một chuyên gia quá xuất sắc trong môn học đó, nên đừng quá tốn công sức để nhồi nhét những thứ không cần thiết mà chỉ học để đảm bảo đạt được mục tiêu. Tất nhiên, việc bạn có thể “vượt chỉ tiêu” là một điều tốt, nhưng hãy cân nhắc để nó không ảnh hưởng nhiều đến các mục tiêu khác. Nếu bạn cảm thấy mình quá dư dả thời gian thì điều đó không thành vấn đề, bạn cứ việc vượt chỉ tiêu bao nhiêu tùy thích. Nhưng nếu quỹ thời gian của bạn eo hẹp và bạn còn có những mục tiêu khác cũng quan trọng không kém ngoài việc học, thì bạn hãy tạm thời gác việc vượt chỉ tiêu qua một bên, để đảm bảo tất cả các mục tiêu đều được thực hiện trọn vẹn nhất.
Nắm được con đường đến với mục tiêu là chưa đủ. Để làm chủ được việc học tập cũng như công việc, bạn cần phải biết điều gì đang chờ đợi bạn nơi cuối con đường ấy. Khi đã đề ra mục tiêu “học để lấy điểm cao” hay “học để thi chuyên, thi học sinh giỏi”, hãy nghĩ đến những lợi ích mà những con điểm cao đó mang lại cho bạn. Điểm cao có thể giúp bạn giành một suất học bổng, có thể cho bạn một tấm vé đến với môi trường học tập mà bạn mơ ước bấy lâu, có thể là một yếu tố đóng góp vào bộ hồ sơ du học của bạn,... dù thế nào thì đó đều là những mục đích thiết thực, đáng trân trọng bởi nó phản ánh sự cố gắng, sự nghiêm túc và thậm chí cả sự trưởng thành, chín chắn của bạn trên từng bước đi của cuộc đời. Tất nhiên, ở đời sẽ luôn luôn có những chữ “ngờ” mà không ai có thể lường trước được, việc mọi thứ không như chúng ta mong muốn đôi khi cũng không hoàn toàn là do chúng ta. Chúng ta không thể đảm bảo mọi thứ sẽ luôn đi theo đúng lộ trình đã vạch sẵn, nhưng vẫn có thể có những lựa chọn khác phù hợp hơn trong những tình huống như vậy nếu như chịu khó quan sát, suy ngẫm và dành thời gian lập kế hoạch trước khi bắt tay vào làm. Việc đạt điểm cao chưa chắc đã giúp bạn hoàn toàn đạt được mục đích ban đầu, nhưng nó có thể sẽ mở ra nhiều lối đi khác cho bạn: điểm cao chưa chắc đã có thể giúp bạn đi du học bởi hồ sơ của bạn còn là sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác, nhưng biết đâu những con điểm ấy lại có thể giúp bạn trúng tuyển vào một trường đại học danh tiếng khác ở trong nước. Với nhiều đích đến như vậy, cố gắng để đạt điểm cao có lẽ cũng sẽ trở thành một mục tiêu đáng giá. Việc chúng ta cứ lao đầu vào những gì chúng ta không thể thấy được tương lai thật sự là một sự đánh cược, mặc dù nhiều người quan niệm rằng cứ cố gắng hết sức thì sẽ thành công hay “cứ đi rồi sẽ đến”, nhưng hãy luôn nhìn vào thực tế bởi chẳng ai đảm bảo với chúng ta rằng nếu cứ cố gắng thì sẽ thành công cả, nhất là đối với những con đường không có tương lai rõ ràng. Bạn cứ đi mà không biết rằng mình đang đi đến đâu, và ở đó sẽ có điều gì đang chờ đợi bạn, thì liệu bạn có đủ can đảm để dấn thân không? Đi mà chẳng biết đích đến, thì có khác gì mù đường nhưng vẫn lao đầu bước đi để rồi lạc giữa dòng đời chơi vơi?

“Học vì đam mê, vì khát khao được khám phá thế giới”
Nếu bạn có được mục đích học tập như vậy thì xin chúc mừng! Tìm thấy được niềm đam mê của mình có lẽ là sự may mắn lớn nhất của một cuộc đời rồi. Dường như đây chính là mục đích học tập lớn lao nhất mà mỗi học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh hay thậm chí cả những giáo sư, học giả có thể theo đuổi. Nếu bạn học vì đam mê, thì động lực học hành, nghiên cứu, tìm tòi của bạn sẽ lớn hơn bao giờ hết. Và bạn cũng sẽ tìm thấy nhiều niềm vui, sự thích thú hơn trên hành trình học hỏi của mình. Một học sinh yêu thích vật lý hay hóa học chắc chắn sẽ thấy sung sướng biết bao mỗi khi thực hiện thành công một thí nghiệm; một giáo sư đã dành gần như cả cuộc đời cho lĩnh vực nghiên cứu của mình chắc chắn sẽ thấy tự hào biết bao nếu như những công bố khoa học mình đã dày công tạo nên có thể giúp ích được cho nhiều người. Khi đó, việc học, đối với bạn, đã mang trong nó những giá trị thật khác biệt. Học không chỉ còn là cho bản thân bạn, cho công cuộc mưu cầu hạnh phúc cá nhân, mà còn là cho cộng đồng, cho xã hội.
Dĩ nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng bắt buộc phải có những mục tiêu cao cả như vậy. Chúng ta không sinh ra chỉ là để tạo ra những giá trị lớn lao, không ai muốn chúng ta đều phải trở thành những vĩ nhân; mà chúng ta sinh ra là để làm điều mình yêu thích, hoặc chí ít, là làm điều mình có khả năng làm. Chẳng ai có thể bắt chúng ta phải trở thành nhà toán học trong khi chúng ta có khả năng viết lách trời phú hay một trí tưởng tượng phong phú. Mọi sự ép buộc như vậy đều là phản khoa học, thậm chí đi ngược lại quy luật của tạo hóa. Một trong những lý do để chúng ta tồn tại trên cõi đời này chính là để khám phá bản thân, bởi thực sự, để hoàn toàn hiểu rõ về bản thân bạn không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Chúng ta cần phải có những trải nghiệm nhất định đối với nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi tìm ra niềm đam mê của mình. Hồi còn học tiểu học, trong khi nhiều người bạn của tôi đã có định hướng thi vào các trường cấp hai chuyên, chọn ngay từ năm lớp 3, 4, thì tôi vẫn mông lung, mơ hồ về bản thân mình, chỉ đến khi bắt đầu học cấp 2 tôi mới nhận ra niềm yêu thích đối với ngoại ngữ và quyết định thi vào một trường cấp 3 chuyên Anh. Việc khám phá ra đam mê, khả năng của bản thân là cả một cuộc hành trình, nhưng có lẽ, nó cũng không nhất thiết phải là một cuộc đua. Bởi vậy, bạn không cần phải đặt nặng việc mình phải về đích sớm trên cuộc hành trình ấy, mà hãy đi những bước đi cẩn trọng, hãy tạo cho mình những trải nghiệm thật đầy đặn, hãy cứ chậm mà chắc, rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê của bản thân, sẽ khai phá những khả năng mà trước đây bạn chưa từng biết. Điều quan trọng nhất là bạn sẽ tìm ra được những gì phù hợp nhất với bản thân mình. Học, không chỉ là để hiểu biết về thế giới xung quanh, mà còn là để hiểu được chính mình.



Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Chúng ta ngày ngày than vãn, kêu ca về hệ thống giáo dục của đất nước. Không chỉ có học sinh, sinh viên, mà ngay cả các bậc phụ huynh hay thậm chí là các giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục cũng đều đôi lần bày tỏ sự thất vọng về việc học tập, giảng dạy…
“Học sinh bây giờ toàn phải học nhồi nhét mấy cái đâu đâu, chẳng có tác dụng gì, sau này rồi cũng quên hết.”
“Học sinh bây giờ cứ học ngày học đêm, chẳng như mình ngày xưa, cứ chiều chiều đi học về là sang nhà đứa hàng xóm chơi cả tối, hôm sau lại ung dung vác cặp đi học mà chẳng phải lo lắng kiểm tra, thi cử gì bởi vì lớp cũng có đứa nào học bài đâu.”
“Giáo dục chỉ toàn những tiêu cực, chương trình học quá nặng, không thực tiễn. Sinh viên đại học học xong thất nghiệp tràn lan, toàn đi chạy xe ôm công nghệ, chứ mấy ai ra trường làm được đúng ngành đúng nghề đâu?”
… nhưng hãy nhìn xem, những học sinh, sinh viên, những bậc phụ huynh hay bất cứ những người có nhu cầu lĩnh hội tri thức nào, liệu có sẵn sàng ở trong tâm thế đón nhận kiến thức hay không?
“Thầy cô trông chặt nhưng kiểu gì chẳng có cách giở phao.”
“Lên đại học nhàn lắm các em ạ! Ngủ trong giờ chẳng ai biết vì lớp mấy trăm đứa, gặp giảng viên gắt quá thì cứ nhờ đứa nào điểm danh hộ. Thi cuối kỳ, giữa kỳ học trước vài ngày vẫn qua môn, thi xong thì vứt hết xong lại học môn mới chứ có ai đả động đến mấy cái đấy nữa đâu.”
“Khổ thân cái lũ khóa sau! Từ năm sau trở đi là trường bắt đầu đưa phần mềm Turnitin vào quét đạo văn rồi, chúng nó sẽ sống sót ra trường thế nào được đây?”
Phải công nhận một thực tế rằng, nền giáo dục hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Chương trình học ở phổ thông, so với một số quốc gia khác trong khu vực, cũng tương đối bài bản, có hệ thống và chưa phải là quá nặng, nhưng chưa khơi gợi được sức sáng tạo của học sinh. Còn chương trình ở bậc đại học, sau đại học, về mặt kiến thức cơ bản thì vẫn có thể đáp ứng được cho mục đích làm việc, tuyển dụng, song điều kiện thực hành, thực tập vẫn còn hạn chế. Những tồn tại kể trên, mặc dù vẫn còn là sự thiếu sót lớn của nền giáo dục, nhưng cũng không phải là không có cách khắc phục, chí ít là trong thời điểm hiện tại. Có lẽ, hiệu quả của việc giáo dục phụ thuộc vào niềm đam mê, khả năng truyền cảm hứng của người dạy và thái độ nghiêm túc, cầu tiến, mong muốn được tiếp thu kiến thức của người học nhiều hơn là những mớ chữ khô khan trên giấy. Sách giáo khoa, giáo trình chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản nhất, còn việc vận dụng các kiến thức đó vào học hành, thi cử hay làm việc nằm ở bản thân mỗi chúng ta. Mặc dù kiến thức của môn toán, đặc biệt là ở cấp 3, không giúp ích gì nhiều cho cuộc sống của chúng ta sau này, nhưng việc học toán đã rèn luyện cho chúng ta tư duy nhạy bén, logic để phục vụ cho các bậc học cao hơn. Một giáo viên dạy lịch sử giỏi, yêu nghề vẫn có thể thu hút được những học sinh yêu thích lịch sử bằng những câu chuyện lịch sử hấp dẫn ngoài những dòng chữ khó nuốt trong sách giáo khoa, mặc dù lịch sử từ trước tới nay vẫn luôn bị coi như một môn học khó nhằn với số điểm dưới trung bình khá nhiều trong kỳ thi tốt nghiệp. Còn đối với bậc đại học, nếu như bạn cảm thấy học đại học “nhàn” hơn nhiều so với bậc phổ thông thì có lẽ, bạn đang không học đại học theo đúng nghĩa đen của nó. Chúng ta đều phải tốt nghiệp phổ thông thì mới có thể học đại học, nêu nếu ta cho rằng học đại học dễ hơn, nhàn hơn phổ thông thì đó là sự phi logic. Học đại học chính là cơ sở cho công việc, sự nghiệp sau này, ở đó, kiến thức của chúng ta phải luôn bắt kịp với những xu thế, đòi hỏi của thị trường lao động, vậy nên chẳng phải chúng ta sẽ còn phải học nhiều gấp bội so với hồi học phổ thông hay sao? Việc học ở đại học không chỉ gói gọn trong những con điểm ở trường, mặc dù điểm cao tất nhiên vẫn luôn là một điều tốt, nhưng để chuẩn bị cho chặng đường sau tốt nghiệp, chúng ta cần một vốn kiến thức sâu rộng hơn thế. Rất nhiều người trẻ hiện nay coi việc học đại học chỉ như một sự đối phó, có lẽ là do sự ảnh hưởng của cách học thụ động ở bậc phổ thông, cùng với định kiến sâu sắc rằng “kiến thức học xong cũng chẳng áp dụng được gì, chỉ đem vứt xó”. Ở phổ thông, sẽ luôn có những môn học là sở trường của chúng ta, mà cũng có những môn học chúng ta không thể ngấm nổi, vì thế nên mức độ lĩnh hội kiến thức sẽ khác nhau, chúng ta không thể học đều hết tất cả các môn. Nhưng học đại học, học ngành học gì, học môn gì chính là sự lựa chọn của chúng ta chứ không còn là sự bắt buộc như ở phổ thông, nên chúng ta không có quyền biện minh rằng “không thể học hết tất cả mọi thứ” như ở phổ thông bởi đây chính là nơi chúng ta phát huy thế mạnh của mình. Nhiều người trẻ học đại học chỉ để qua môn, thậm chí còn quan niệm “không rớt môn không phải là sinh viên”, chỉ bắt tay vào học một buổi tối trước kỳ thi với tâm thế đầy tự tin “thức trắng một đêm là qua môn” và sau khi thi xong thì không bao giờ xem lại các kiến thức đó nữa vì “có bao giờ thi lại nữa đâu”. Thậm chí, như đã nói ở trên, nhiều sinh viên còn coi việc trường đại học ráo riết chống đạo văn là một sự bất hạnh. Tất cả những quan niệm ấy dường như đã tạo ra một sức ì cố hữu trong nhiều thế hệ sinh viên khi nhiều người chỉ muốn học cho xong đại học, chỉ quen dựa dẫm, ăn sẵn, không có ham muốn khám phá, đào sâu tri thức, phản biện để tìm ra cái mới. Và hậu quả là sau 4 năm, kiến thức của họ hổng lỗ chỗ, thậm chí mất căn bản vì tâm lý học cho có, học cũng không áp dụng được, chứ chưa nói đến việc nghiên cứu thêm sách vở, tài liệu bên ngoài hay xin gặp gỡ, trao đổi riêng với các giảng viên, các doanh nghiệp để nâng cao vốn hiểu biết - một điều đáng lẽ phải có ở một sinh viên có ý thức học tập. Đến khi thất nghiệp, họ liền đổ lỗi cho giáo dục đại học, cho rằng 4 năm đại học chẳng dạy họ được cái gì. Tôi cũng đồng ý rằng cơ hội thực hành, áp dụng kiến thức ở đại học hiện nay chưa phải là dồi dào, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể tự tìm cho mình những suất thực tập quý giá. Ngoài các đợt thực tập bắt buộc của nhà trường, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay, điển hình như các công ty kiểm toán Big 4, còn tổ chức các đợt thực tập, trải nghiệm riêng biệt cho sinh viên đại học. Những cơ hội tốt vẫn luôn hiện diện xung quanh chúng ta, nhưng để nắm bắt được những cơ hội ấy, cần một sự đầu tư nghiêm túc, thái độ cầu tiến, chăm chỉ đối với việc học tập của mỗi cá nhân. Tất nhiên, một môi trường giáo dục tốt là cần thiết, nhưng điều quyết định vẫn nằm ở khát khao học hỏi, khám phá tri thức của chúng ta. Nếu bạn thực sự có đam mê, cảm hứng trong học tập, những cánh cửa tri thức, những cơ hội tốt sẽ luôn mở ra với bạn và thậm chí sẽ có thể đưa bạn tới những môi trường học tập tốt hơn trong tương lai để bạn phát huy hết khả năng của mình.


Học đến bao giờ là đủ?
Có lẽ nhiều người trong chúng ta thừa biết câu trả lời, nhưng lại không có đủ can đảm để thực hiện câu trả lời ấy. Chúng ta đều biết rằng học không bao giờ là đủ, chứ đừng nói là thừa, nhưng hầu hết chúng ta, đến một thời điểm nào đó trong đời, vì cho rằng mình không còn có khả năng học tập nữa, đã tự đóng cửa tâm hồn mình lại với thế giới tri thức. Ngày còn bé, không ít người đã từng nghe người thân của mình nói rằng: “Học là sướng nhất rồi, có mỗi việc học thôi mà làm không xong nữa thì vứt đi.” Tôi không nghĩ như vậy, bởi việc học, nếu đúng theo ý nghĩa của nó, chưa bao giờ dễ dàng đến vậy. Nó là cả một quá trình, một chặng đường chắc chắn sẽ đầy những khó khăn, thử thách mà chúng ta có đi đến hết cuộc đời cũng chưa chắc đã hoàn thành được bởi kiến thức là bao la, mênh mông. Cho dù chúng ta không thể đi đến cuối con đường, nhưng những quả ngọt chúng ta tận hưởng trên từng chặng của con đường ấy chắc chắn sẽ không để chúng ta thất vọng. Dù không đi hết được, nhưng càng đi nhiều, bạn càng gặt hái được nhiều.
"Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc ." Ngạn ngữ Gruzia