Sau tháng Giêng, tháng 3 âm lịch là một trong những tháng quan trọng nhất đối với người Việt Nam. Khoảng thời gian này mùa xuân đến, đất trời đâm chồi hoa lá là thời điểm của rất nhiều lễ hội, ngày giỗ tổ Vua Hùng. Nhưng trước đó, ta có Tết Hàn Thực-  Tết Thanh Minh. 
Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết. Tết thanh minh (清明) - hay còn gọi là tết hàn thực, tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Từ “thanh” (清), trong thanh lọc, thanh khiết, mang nghĩa là "sạch sẽ" hay "trong lành", khác với từ "thanh" (青) mang nghĩa là "màu xanh lam". Còn từ “minh” (明) có nghĩa là “sáng”, nên Tết thanh minh là khoảng thời gian mà khí trời quang đãng, thanh khiết nhất của mùa xuân. Vào thời điểm này, thời tiết ở miền Bắc đã ấm dần lên, bớt nồm ẩm mưa phùn, trời cũng trở nên trong sáng, dễ chịu hơn bao giờ hết trước khi mùa mưa ập tới. Vậy nên người ta hay tranh thủ những ngày này để cùng gia đình, con cháu sửa sang mộ phần, làm chút mâm cúng thắp hương cho tổ tiên. Từ là người Kinh xa xứ cũng cố thu xếp về "tảo mộ", hay đồng bào các dân tộc miền núi cũng tranh thủ "slan mạ" hay "slan phằn". Tuy việc cúng bái còn tuỳ thuộc vào từng gia đình, nhưng vào ngày này đi ngang qua các vùng đồi núi cũng sẽ thoảng mùi khói hương. Từ xa xa đã thấy người ta nối đuôi nhau sửa sang khu mộ gia đình, dọn cỏ phát quang, các ông bà đốt vàng tiền cúng bái, mấy đứa trẻ được bố mẹ bồng bế chưa biết rõ ý nghĩa nhưng cũng tập cúi lạy theo mọi người để tỏ lòng kính trọng trước gia tiên.
Ở đây mạn phép lậm bàn chuyện lịch sử. Theo vài nguồn nghiên cứu, phong tục đón Tết Thanh minh của các nước châu Á chịu ảnh hưởng từ nền văn hoá Trung Hoa cổ đại. Theo lịch sử ghi chép kể rằng, vua Tấn Văn Công của nước Tấn lúc bấy giờ gặp loạn phải bỏ nước đi lưu vong, hết trú nước Tề rồi đến nước Sở. Ấy vậy, một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi bèn lập kế nhằm giúp đỡ vua. Trong hành trình chạy nạn, Giới Tử Thôi đã phải hy sinh cắt một miếng thịt đùi mình để nấu rồi dâng lên cho vua khi chợt thấy lương thực dần bị cạn kiệt. Vua ăn xong mới biết vì sao có miếng thịt đó nên đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua suốt 19 năm, trải qua bao nhiêu gian truân và nguy hiểm. Khi Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu, quay trở về làm vua nước Tấn và phong thưởng cho những ai có công. Tuy nhiên, vua lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi và Giới Tử Thôi cũng không oán trách, vì ông cho rằng đó là nghĩa vụ của mình nên đưa mẹ già vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Về sau, vua mới chợt nhớ đến công lao của Giới Tử Thôi, nên cho người đi tìm nhưng ông không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng. Vì thế, vua bèn hạ lệnh đốt rừng để gây sức ép cho ông xuất hiện nhưng lại vô tình thiêu chết cả hai mẹ con Giới Tử Thôi. Thương xót, vua quyết định lập miếu thờ và hạ lệnh cho dân chúng lúc bấy giờ phải kiêng đốt lửa trong 3 ngày (từ 3/3 - 5/3 âm lịch hằng năm) và chỉ ăn đồ nguội để tưởng niệm. Sự kiện này còn gọi là ngày Tết hàn thực, và là một ngày nằm trong Tiết Thanh minh để nhớ ơn những người có công đã khuất.  (Nguồn: khoahoc.tv)
Sau này, Tết Hàn Thực được du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Lý, tiếp thu và biến đổi cho phù hợp với tâm lý, cuộc sống cũng như phong tục của chúng ta. Tết Hàn Thực của người Việt vẫn nấu nướng bình thường, không cần kiêng lửa, kiêng ăn đồ nóng. Đồ cúng thì tuỳ nhà tuỳ vùng mà lựa, nhưng sẽ có thêm thức ăn nguội tượng trưng cho Hàn Thực là bánh trôi, bánh chay. Người vùng núi Cao Bằng như Tày, Nùng, nghe nói nhân dịp này sẽ sắm sửa lễ có xôi, thịt gà thịt lợn, bánh kẹo vàng mã, xôi ngũ sắc tượng trưng cho Âm Dương Ngũ Hành... dâng lên tổ tiên. Cũng nghe đồn, người ta mải tranh cãi rằng đây là lễ của người Hoa hay người Việt. Thôi thì chuyện lịch sử thì mình chẳng đủ thâm sâu để bàn. Chỉ biết dù không phải ngày lễ lớn, Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt Nam, dạy cho con cháu biết nhớ  đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết nhớ ơn người đi trước. Cái gì tốt thì mình tiếp nhận, còn lựa sống cho tốt và truyền đạt cho lớp trẻ để duy trì và phát huy. 
"Thanh minh trong tiết tháng 3"
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh"
Cái hay của Truyện Kiều, là dù thích hay không thì khi đã đọc một lần, kiểu gì cũng sẽ nhớ về chẳng thể quên được. Hồi còn nhỏ nhắc đến lễ Thanh Minh hay Hàn Thực, mình chỉ nhớ về hai câu thơ này. Cứ bị bắt phân tích văn chương dài cả trang giấy như học thuộc rồi copy từ bài này qua bài khác thì sao mà không nhớ cho được. Mà câu chữ thì rỗng không, vì cuộc sống ngày đó khổ quá, trẻ con mà biết được bữa ăn đã may mắn lắm rồi nào dám mơ xa gì đến việc được dắt đi tảo mộ, cúng bánh trôi để biết không khí Tết Thanh Minh. Cũng may, ở thành phố bé tí xiu ngày xưa cũng có phiên bản bánh trôi nước đường gừng hay gọi là sủi dìn. Thi thoảng được điểm cao hay giải viết chữ đẹp thì được mẹ dẫn đi ăn mùa đông cho ấm bụng. Ngày đấy gần nhà có một bà bán cháo gà ở trong con hẻm, cháo gà bà nấu bằng củi thơm lừng, quẩy giòn tan. Húp một bát cháo với trứng trần tươi rói rói, rồi qua cô bán sủi dìn để được ăn đúng 6 viên chè trôi không nhân rắc dừa tươi thơm nức nở. Có lẽ, đấy là một trong những kỉ niệm hạnh phúc hiếm hoi mình nhớ được sau chuỗi ngày tăm tối ấy. 
Tiếc là sau này bà bán cháo gà lẫn cô bán sủi dìn không còn bán nữa. Mình cũng chẳng còn mặn mà với bánh trôi. Ấy vậy mà ngày đầu tán người yêu cũ, mình lại hứng lên làm thử bánh trôi lần đầu, rồi bị chê tơi tả :))) Được một lần không thêm lần hai nữa. Đến mãi dịp Tết rồi bùng dịch phải ở nhà, hai mẹ con tự dưng ôn lại chuyện cũ rồi rủ nhau nhào bột làm bánh. Có lẽ vì được làm với cái tâm, nên thành phẩm không đến nỗi tệ. Nó khiến mình nhận ra một giai đoạn nào đấy, tự dưng mình nghĩ nếu ngoại cảnh không khiến mình cảm nhận được thì hãy cố gắng tự cải tạo ngoại cảnh cho mình để cảm nhận. Bận rộn không thể về quê, ở Sài Gòn chẳng mấy bạn bè biết tết Hàn Thực cũng chẳng vấn đề gì. Quan trọng là nhà có cây hoa sắp nở bung cánh, có trà thơm, có bàn thờ vẫn luôn được lau dọn mỗi ngày. Còn thiếu đĩa bánh trôi, thôi thì không khéo tay cũng gắng tự nặn. Chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước, sáng hôm sau chỉ cần cho vào luộc, thêm một đĩa chè, vậy là xong một mâm giản dị để thắp nén hương. 
Truyền thống nhất đối với mọi người vẫn là bánh trôi bánh chay trắng. Bánh trôi thì nhân đường thẻ, bánh chay thì có nhân đậu xanh. Nhưng mình thì hay gọi chung là bánh trôi, bởi bản thân bánh trôi đã chia thành 2 loại, loại khô nhân đường mật mía và loại bánh trôi tàu - dùng nóng với nước đường. Bánh trôi khô hay dùng để cúng Thanh Minh, còn bánh trôi tàu thì ăn cho ấm người vào mùa đông miền Bắc. Bánh trôi tàu có nhiều loại nhân, phổ biến nhất là vừng/ mè đen và đậu xanh dừa. Loại này còn được gọi là sủi dìn, sủi zìn (湯圓) tuỳ vùng. Quê mình cũng gọi vậy, nhưng có loại không nhân mà mình thích ăn nhất, ăn chung với nước đường gừng là vừa đủ ngọt thanh tao. Đấy là ngày xưa. Còn giờ thì bánh trôi có nhiều loại nhiều nhân lắm rồi. Tham gia những group yêu bếp vào ngày này liền thấy ngay đủ loại đủ hình thù. Có bánh trôi nhân mặn, bánh trôi ngũ sắc nhiều màu, bánh trộn thêm khoai, đậu phụ... Vừa cưng lại vừa rộn ràng. Mình thì chẳng khéo tay như người, nên thôi, nhà có sẵn gì thì dùng vậy. Thiếu này kia đủ loại, may nguyên liệu chính vẫn có đủ. Bỏ thêm chút công sức là xong.
Chiếc bánh trôi siêu cute của chị Esheep. 
Nhìn qua thì bánh trôi trông đơn giản. Nhưng món ăn Việt Nam thì càng đơn giản lại càng phải tinh tế ngay từ khâu nguyên liệu. Ngon nhất vẫn là tự làm bột nếp tươi từ gạo nếp cái hoa vàng, nước dùng để làm bột thì phải dùng nước mưa, nước giếng, các loại nước có tính kềm cao, hoặc nhà nào có máy tạo kềm thay thế cũng ổn. Ngâm bằng nước này thì hạt gạo mới ngọt và nở. Bánh có độ giòn và cứng thì cũng phải trộn thêm bột gạo tẻ loại ngon. Các mẹ siêu nhân thì toàn tự xay ướt gạo nếp gạo tẻ ra, sau đó buộc vải treo lên qua đêm, để bột lắng hết nước, khô hẳn mới dùng bột đó để làm bánh. Làm cách này thì đúng kiểu truyền thống nên bột sẽ có mùi thơm. Nhà nào cầu kì hơn thì hãm nước nóng với hoa nhài, hoa bưởi, rồi mới dùng nước đó để trộn bột cho vị thơm thanh nhẹ rất riêng. Đường nhân và đường nấu nước dùng phải là đường vàng Hoa Mai cho vị ngọt dịu dàng đặc trưng của đường mía. Mà nhất thiết phải có một bó nếp đun đường cùng để có hương nếp vốn nổi tiếng trong các món chè của người Việt. Rồi còn nhân đậu xanh phải ngâm qua đêm, hấp chín nghiền mịn, sên nhân vừng đen, chọn gừng làm sao cho ngon và thơm nồi nước... Chừng đó thôi cũng đủ để toát mồ hôi. Thế mới thấy các bà các mẹ ngày xưa đúng thật siêu nhân, vừa chăm lo việc nhà vừa thoăn thoắt làm ra nồi bánh vừa ngon vừa đẹp. Như bà ngoại mình vừa quán xuyến việc bán hàng mà vẫn thoăn thoắt giã tay, nặn chả mực, lát sau đã thấy cả nồi xôi, nồi chè. 
Còn mình thì chẳng phải siêu nhân tí hon. Nhân để thơm thì ngoài đậu xanh phải có thêm hạt sen, bánh chay nhất định phải dùng đường phên mật... Mấy cái này nhà thì không có, thôi sẵn có cái gì thì làm. Những đứa em ở công ty của mình không thích nhân đường, vậy nên làm không nhân ăn cùng nước đường gừng mía. Bột nếp 9 phần, trộn với bột gạo tẻ 1 phần cùng một chút muối, sau đó dùng nước nóng vừa tay để nhồi. Nước nóng già dễ làm chín bột, khiến bột bị nhão khó tạo hình, lại nóng quá không thể nhồi tay. Nước lạnh thì dễ làm bột bị vón. Đổ nước thành nhiều lần, mỗi lần chỉ một chút ít rồi nhào thật đều. Làm sao để bột chỉ vừa dính tay, không bị nhão quá, không bở quá là đạt. Trong lúc nhào tuỳ tình trạng bột mà cho thêm bột khô hay nước nếu cần, mình cũng toàn tự căn chỉnh chứ chẳng dựa theo công thức bao giờ vì mỗi loại bột sử dụng sẽ có độ hút nước khác nhau. 
Nhào xong thì phủ khăn ẩm lên để bột nghỉ. Trong lúc đó tranh thủ hấp chín đậu xanh đã ngâm qua đêm, trộn với đường và ít muối, miết thật mịn, tranh thủ lúc ấm thì viên tròn. Lại chuẩn bị ít lạc bằng nồi chiên không dầu, vừa tiện vừa chẳng lo canh lửa kẻo cháy lạc. Lỡ ngâm nhiều đậu xanh thì tiện vừa quấy luôn nồi chè. Đun lửa nhỏ để chè nở bung. Lúc này quay sang nấu nước đường. Đường mía bỏ vào nồi nước cùng gừng, đậy vung đun nhỏ lửa cho đường tan hoàn toàn và ra hết ngọt, nhớ vớt bọt để nước đường được trong. Quan trọng nhất là nêm thật nhiều nước bưởi cho thơm. Bưởi chỉ có độc một mùa, chưng được chai nước cất vừa để nấu ăn vừa bôi thơm tóc. Hương thì dìu dịu không đậm như hương nhài, nhưng ăn vào thì có cái mùi thơm man mát, xua được mùi bột công nghiệp vốn không thơm. 
Bánh mình làm, thiếu nhiều thứ nhưng thôi quan trọng ở tấm lòng :)))
Chuẩn bị xong xuôi bột cũng đã nghỉ đủ, lúc này ngắt ra, nặn thành hai loại. Nếu nặn loại có nhân, bạn nhớ gói kín để bột bánh bám khít vào nhân, không cho không khí lọt vào sẽ dễ bị vỡ bánh lúc luộc. Vừa nặn bánh, vừa đun nước sôi để luộc, nặn đến đâu thì thả luôn bánh vào. Bánh nổi khoảng 2-3 phút thì vớt ra, thả vào bát nước lạnh. Bước này là để giúp bánh không bị dính vào nhau khi cất hộp hay bày trên đĩa. Ngâm bánh cho vừa đủ nguội, vớt ra rồi thả tiếp vào nồi nước đường, để lửa liu riu cho nước đường ngấm vào bánh. Nếu ăn ở nhà luôn, bạn có thể bỏ qua bước ngâm bánh với nước lạnh mà thả thẳng vào nồi nước đường. Bánh múc ra rắc ít lạc giã, mè đen, dừa sợi tuỳ thích, biến tấu bằng cách thêm chút trân châu trắng cũng rất ngon. Bạn cũng có thể nặn nhiều, rồi để riêng từng viên trên đĩa, phủ khăn cất ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút cho viên bột khô, sau đó trữ đông trong tủ. Lúc ăn luộc lên vẫn ngon như thường. Hoặc luộc sẵn rồi, ngâm nước lạnh cất ngăn mát, hôm sau mang ra đun lại với nước đường vẫn mềm và ngon. 
Lụi cụi trộn đất cả tiếng, vừa trộn vừa cầu cho cây nhài mới mang về sống khoẻ còn ra hoa. Không ngờ 2 ngày sau hoa đã chúm chím trên cành rồi. Mừng như nuôi được con vậy :)))
Luộc bánh, chưng đường, múc nồi chè đã nở bung ra, bày biện xong thắp hương cũng thấy mình.... dư thời gian buổi sáng :))) Từ dạo dậy sớm, mình bỗng đâm ra thấy hứng thú chăm lo cho căn nhà bằng những điều nho nhỏ, như xông trầm ngóc ngách, lau dọn bằng nước mùi già. Cũng chẳng biết từ đâu ra, vì vốn dĩ trước đây những ngôi nhà mình sống đều cho mình cảm giác xa cách và tạm bợ. Chuyển nhà nhiều khiến mình xa cách dần với sợi dây mang tên chốn về. Có cũng được, không có thì cũng được, không màng đến, không cưỡng cầu. Nhưng có lẽ từ tận thâm tâm, đứa trẻ trong mình vẫn luôn cố gắng tìm kiếm một chốn bình yên. Và khi mệt quá chẳng còn muốn tìm kiếm nữa, cô bé ấy lại ngồi xuống và nhận ra muốn tự mình xây lấy một ngôi nhà. Bắt đầu từng bước nho nhỏ như trồng cái cây, mua vài bông hoa, để tâm đến những vật dụng mình có và cố gắng khiến mình dễ chịu. Một khởi đầu không tệ, cô bé ấy bảo. Dù mình định đi đâu, tìm kiếm khởi đầu mới, thì cái nhà đã hiện diện trong tâm mình. Để cho sau này có bước tới những vùng đất xa lạ, sống một mình không gia đình bên cạnh, đối diện với mệt mỏi phong ba, mình cũng sẽ có mái hiên che mưa che nắng. Và quan trọng nhất là để khi đứng trước vực thẳm đấu tranh với bản thân giữa việc tự để mình rơi tự do hay nhảy xuống, mình cũng sẽ nhớ rằng mình có nơi để trở về. 
Thắp hương ra ban công tưới cây đã thấy mấy bông nhài sắp nở, chuẩn bị thu hoạch phơi khô để pha nước trà. Ngồi nhìn danh sách đồ cần mua để ngâm ít mật ong rosemary mới nhớ ra mùa mận hậu, chắc để lấy ít động lực ngâm rượu chanh, rượu mận. Chẳng biết duy trì được kiểu sống tích cực này bao lâu, nhưng thay vì lo lắng thì cứ tận hưởng hiện tại là được. Sống an yên cũng là một kiểu hạnh phúc rồi.
Một vài công thức bánh trôi cơ bản bạn có thể tham khảo dưới đây. Rảnh rỗi rủ gia đình mình cùng nặn bánh, gói nem, vừa được ăn ngon lại gắn kết thêm tình cảm. Nhà có trẻ con cũng tập cho các bé thói quen vào bếp và trân trọng món ăn của cha mẹ. Hồi đó mình ghét nấu ăn vì không ai chỉ cho nấu, sau này tự học tự biết thấy đứng bếp cũng hay hay Mà nghĩ đến lại càng trân trọng công sức của người nấu gửi gắm tâm tư tình cảm để cho mình có bữa ăn ngon.
- Bánh Trôi Bánh Chay của Savouryday
- Công thức bánh trôi tàu - Lục Tào xá - Chí mà phù của Khaitamrua
- Công thức làm bột nếp tươi của Esheep
Chúc mọi người một Tết Hàn Thực đủ đầy.