Tản Mạn 1 xíu về Vinaman
Cách đây vài ngày, nữ diễn viên/đạo diễn kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã tuyên bố kế hoạch làm một bộ phim siêu anh hùng thuần Việt...
Cách đây vài ngày, nữ diễn viên/đạo diễn kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã tuyên bố kế hoạch làm một bộ phim siêu anh hùng thuần Việt mang tên Vinaman. Dù đây không phải là dự án phim siêu anh hùng đầu tiên của Việt Nam (Lôi Báo, siêu nhân X), dự án của Ngô Thanh Vân đã gây được sự chú ý vì cái tên có phần “sến”.
Tại sao người Việt chúng ta lại cười chê cái tên này, trong khi đâu đó ở phương Tây, có một gã tư xưng là “Đại Úy Mỹ”, khoác là cờ của nước hắn trên ngực để rồi thực thi công lý một cách trái phép ở nước khác lại được tung hô?
Mình nghĩ sự khác biệt giữa Captain America và Vinaman đó là thời điểm ra mắt của nhân vật. Captain America ra mắt vào năm 1941, mục đích tồn tại của gã là để mang tính chất tuyên truyền với người dân Mỹ rằng những người lính Mỹ tuyệt vời hơn các nước khác và chính là vị anh hùng thực sự của đệ nhị Thế Chiến. Điều này có phải là sự thật hay không, mình sẽ không bàn tới.
Yếu tố mình vừa nói trên đã được thể hiện rất rõ trong phim Captain America: The First Avenger. Trong bộ phim này, Captain America sau khi được tạo ra thì chỉ có đi diễn show, đóng phim, bán cổ phiếu, trở thành nhân vật truyện tranh mang tính chất tuyền truyền... chứ không được phép làm một anh hùng thực thụ.
Việc Marvel đã thừa nhận ngay trong phim rằng Captain America chỉ là sản phẩm tuyên truyền và Steve Roger đã tìm cách thoát ra khỏi cái bóng đó đã khiến cho chúng ta bớt cảm thấy cái tên “Captain America” bớt sến súa.
Trở lại với cái tên Vinaman, vì Việt Nam chúng ta đang ở thời bình, không còn chiến tranh nữa (tranh chấp biển đảo mang tính chất chính trị, và mình không muốn mang vấn đề chính trị vô bài), mình và chắc hẳn là nhiều người cảm thấy rằng việc tạo ra một siêu anh hùng có cái tên Việt Nam chỉ để tung hô sức mạnh của người Việt tuyệt vời không thua kém các nước khác như cách Captain America được sinh ra vào năm 1941 là điều không cần thiết.
Nếu là mình có cơ hội làm một bộ phim về siêu anh hùng, mình sẽ tạo ra một anh hùng không cần phải mang màu cờ sắc áo dân tộc. Mình sẽ để sức mạnh và kỹ năng mà nhân vật mình có khẳng định tên tuổi với thị trường phim ảnh thế giới. Mình nghĩ điều đó sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn là việc trong tên của siêu anh hùng có chữ “Việt Nam”
Ví dụ rõ nhất của điều này chính theo mình nghĩ chính là Spider-Man do Tobey Maguire thủ vai vào năm 2002.
Ở thời điểm này, số lượng người Việt biết Marvel là gì, DC là gì không nhiều, khái niệm truyện tranh "comic" vẫn là một thứ lạ lẫm. Thế nhưng tất cả mọi đều có ấn tượng rất tốt với bộ phim này. Gần 20 năm trôi qua và vẫn còn nhiều người tin rằng đây là một trong những bộ phim siêu anh hùng hay nhất mọi thời đại. Spider-Man thành công là vì câu chuyện, nhân vật và tất nhiên là kỹ xảo. Spider-man thành công lớn mà không có quốc kỳ trên ngực hay tên của quốc gia.
Suy cho cùng thì đây chỉ là một bài viết ngắn, được viết lúc 2h sáng bởi một đứa mất ngủ để phân tích vì sao giới trẻ chúng ta đem cái tên “Vinaman” ra làm trò đùa. Nếu sau này dự án của Ngô Thanh Vân vang dội và tạo ra một vũ trụ điện ảnh ngang tầm với Marvel hoặc DC, mình vẫn sẽ cảm thấy rất vui vì điều đó cho thấy Ngô Thanh Vân đã đưa điện ảnh Việt Nam vươn ra tới tầm thế giới dù có khởi đầu không hoàn hảo.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất