Tâm trạng khi ốm
Khi biết mình bị ốm. Từ trước đến giờ tôi luôn là đứa lì và thích trì hoãn nên dù có bị ốm đến đâu đi chăng nữa cũng sẽ để tự khỏi...

Khi biết mình bị ốm.
Từ trước đến giờ tôi luôn là đứa lì và thích trì hoãn nên dù có bị ốm đến đâu đi chăng nữa cũng sẽ để tự khỏi thay về đi bênh viện để khám. Đó là lý do cho đến khi 31 tuổi mình chưa từng đến bệnh viện để khám bệnh và rất tự hào về điều đó. Cho đến một ngày đầu tháng 2 lúc đi xe bus vô tình phát hiện một điều gì đó không ổn nhưng sẵn với sự tự tin vốn có và những lý do chính đáng như Covid hay lười nên điều không ổn đó vẫn bên mình suốt nhiều tháng mà không hề có sự can thiệp nào. Cho đến ngày 29.9 mình mới lần đầu tiên đến bệnh viện để khám bệnh, một bệnh viện rất là lớn đó nha. Lúc này mình mới nhận ra năng lực khóc và bắt chuyện vô hạn của bản thân. Đi khám mà khóc ngon lành ở phòng nội soi, sau này tinh thần khóc khi khám nội soi của mình được phát huy liên lục bất chấp cả sự dỗ dành, dọa nạt và đẹp trai của bác sĩ. Mình bắt chuyện luôn với một chị đưa chồng đi khám bệnh, chị trấn an mình là em béo tốt là em béo tốt thế này thì không ốm đâu. Mình tin lời chị mãnh liệt luôn, tin đến nỗi bác sĩ nói mình bị ốm mình không tin lắm, bác sĩ khuyên “Cháu nên nhập viện để điều trị”, mình vô cùng lạc quan nói với bác sĩ là thôi để cuối năm chứ bây giờ cháu hơi bận, may mà bác sĩ không hỏi bận gì nếu mình nói cháu bận đi chơi chắc ông ấy xông lên bóp cổ mình mất.
Nhập viện lần 1
Tuy vậy mình cũng rất ngoan, 2 ngày sau nhập viện rồi, trước khi nhập viện còn chụp 1 bộ ảnh rất tươi ở hồ Tây và Phan Đình Phùng. Mình nhất quyết phải chụp bộ ảnh ấy vì có lẽ thời gian sau này sẽ chẳng cười hớn hở như vậy được. Bộ ảnh đó cũng là bước đầu tiên trong hành trình chấp nhận việc bị ốm của mình, một em gái tuyệt vời đã chụp cho mình bộ ảnh này. Mình nhập viện ngày 2.10, thú thực không ai hồn nhiên như mình, người ta nhập viện là đi từ sáng sớm còn mình 10h sáng mới đến bệnh viện, ban đầu định đi một mình nhưng may mắn là một người chị thân thiết đã đến và giúp mình nhập viện. Quá trình nhập viện không đơn giản như mình nghĩ, đặc biệt là các thủ tục hành chính, đã bao giờ mình làm những việc này đâu, mấy cô y tá thì cô nào cũng dữ và mình thì sợ hãi, không hỏi thì không biết làm mà hỏi thì bị mắng. Điều đó làm mình hoảng loạn và muốn bỏ về, may mà có chị bên cạnh, chị hỏi giúp và làm thủ tục cùng mình. Cứ như vậy buổi chiều mình cũng được nhập viện. Khoảng thời gian ở bệnh viện này khá là vui và nhẹ nhàng, mình nói thật, chắc do tinh thần lạc quan bất diệt nên đi viện mà trông mình như đi chơi, ngày ngày đi dạo, đọc sách như đi nghỉ dưỡng. Phòng bệnh của mình toàn là các cô trung tuổi và lớn tuổi nên mình hay đùa rằng cháu là người trẻ và đẹp nhất phòng, hí hí, các cô cười rất ủng hộ và mình thì rất vui. Trong thời gian này mình nhận ra là mình tìm chồng thì khó nhưng tìm mẹ chồng thì tiềm năng vô cùng, ở viện chưa đến 10 ngày mà đã gọi đến 5 cô là mẹ chồng rồi. Sau vài câu chuyện là các cô nhận mình làm con dâu, cháu dâu và… em dâu còn mình gật đầu với tất cả các cô. Cứ hỏi mày có về nhà cô làm dâu không là mình gật đầu hết, mẹ chồng thì nhiều nhưng chưa gặp được anh chồng nào. Các cô đều rất tốt với mình, các cô thương mình đến bệnh viện một mình, còn trẻ và hay cười. Có một chú (người nhà bênh nhân) còn nói con bé này cười nhiều thế thì không cần chữa cũng khỏi bệnh, mình khoái chí lại càng cười nhiều. Các cô cho mình nhiều đồ ăn, cô còn cho mình cả hộp sữa bột rất đắt tiền. Đi bệnh viện lần đầu tiên thấy niềm tin vào hôn nhân tăng vù vù, phòng bệnh nữ nên mình thấy các chú, bác đi chăm vợ rất chu đáo, không chỉ về ăn uống mà còn chăm sóc cả về tinh thần, có chú mua kem dưỡng da cho vợ, đùa rằng mua đồ làm đẹp cho công chúa của chú. Thấy ấm áp đến lạ lùng. Thời gian này mình cũng nhận ra là đời không như phim. Khi xem TV Show của Mỹ về y khoa như Good doctor, Grey's Anatomy hay New Amsterdam sẽ không thiếu nhưng buổi hội chẩn giữa bác sĩ và bệnh nhân, nó khá gần gũi và quan trọng là khá đầy đủ thông tin và bênh nhân có quyền lựa chọn đối với phương pháp điều trị. Hội chẩn Việt Nam rất khác nhé, mình hay đùa rằng màn hội chẩn của mình là 1phút30 giây, vì nó diễn ra rất nhanh, nhanh đến mức không kịp nhìn rõ bác sĩ có đẹp trai hay không. Mọi thứ được bác sĩ quyết định trước khi mình có thể bình tĩnh để đưa ra câu hỏi hay nghĩ sâu hơn về tình trạng của mình. Lúc ra khỏi phòng hội chẩn mình cũng chưa định hình được điều gì sẽ xảy ra. Buổi sáng ngày lên bàn mổ mình mới gặp bác sĩ sẽ mổ cho mình, ông đã giải thích về ca mổ và những nguy cơ. Mình không hề run hay lo lắng trước chuyện này với một niềm tin mãnh liệt rằng mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp và nó đã tốt đẹp thật, ít ra là mình nghĩ thế. Lúc gặp bác sĩ trước phòng mổ vẫn còn kịp đùa rằng “cháu chưa lấy chồng và muốn mặc bikini nên bác sĩ khâu đẹp cho cháu nhé”! Bác sĩ gây mê đã chào mình bằng câu “Xinh xắn thế này mà chưa có người yêu”. Thế là tự nhiên thích đi mổ (đoạn này đùa nha, không thích đâu). “Vâng em không hiểu sao em xinh mà chưa có người yêu, haha”. Mình vẫn tếu táo đùa với các bác sĩ vài câu là em chỉ cần tìm một người là đàn ông, còn sống và thích phụ nữ là lấy được rồi nhưng tìm mãi không được ai. Mình thấy mổ đơn giản lắm hít 3 hơi thì tỉnh - vậy là mổ xong, thấy đang nằm ở phòng hồi sức, ban đầu còn tưởng chưa mổ, sau này thấy đau do ống thở mới biết đã tỉnh sau gây mê, nhưng hít 3 hơi cũng mất 4 tiếng đó, lên bàn mổ lúc 11h và 3h chiều mới tỉnh lại trong phòng hồi sức. Mình hồi phục sau mổ khá tốt, chỉ 4 ngày sau mổ là được xuất viện rồi, thực ra là xin ra viện. Sau đó mình về nhà thôi. Ban đầu mình tưởng tượng về nhà sẽ rất vui, sẽ được nghỉ ngơi, được chăm sóc, được thoải mái nhưng cái gì tưởng tượng đều có thể không đúng với thực tế lắm. Khi về nhà mình chốn ở trong phòng, mình sợ ra ngoài và sợ nói chuyện với cha mẹ về bệnh tật. Vì mình không biết nói gì cả, thông tin về bệnh của mình rất ít ỏi, tên của bệnh và nguyên nhân vẫn chưa có. Cứ như vậy mình ở nhà 3 tuần trong tình trạng im lặng và khép kín.
Nhập viện lần 2
Tháng 11 mình nhập viện lần 2 để tìm nguyên nhân của bệnh, lần này có kinh nghiệm hơn nên không còn hoảng như lần trước, tuy nhiện mình mất 2 ngày để làm lại khá nhiều xét nghiệm vì bác sĩ có nghi ngờ chẩn đoán trước đó. Thời điểm đó mình đã hi vọng chẩn đoán trước kia là nhầm, trong phim cũng hay có tình tiết như vậy mà. Sau đó vẫn nhập viện thôi, lần này không vui như lần đầu. Mình được chỉ định bác sĩ điều trị, điều trị ngoại trú nên mình đến viện ban ngày và trở về vào buổi tối. Nhìn chung trong đợt nhập viện lần 2 này là quãng thời gian đến bệnh viện, lấy số, chờ gặp bác sĩ và đi làm xét nghiệm. Đây là khoảng thời gian để bác sĩ giúp tìm ra nguyên nhân của bệnh và đưa ra phương án điều trị. Bệnh viện có bao nhiêu xét nghiệm thì mình cũng đi hết vòng. Bây giờ rành về bệnh viện lắm, phòng ban nào cũng đã đi qua rồi. Lần nhập viện này với mình khó khăn hơn về cảm xúc, có những hôm mình đã bật khóc khi chờ cả ngày mà không thể gặp bác sĩ (đến lượt gọi đến số của mình là bác sĩ đi đâu đó, mất mấy tiếng không về), mình không mệt mỏi vì bị ốm, mình mệt mỏi vì sự chờ đợi dài, mệt mỏi vì mọi xét nghiệm đều không có kết quả, biết là ốm nhưng không biết ốm như thế nào. Trong các xét nghiệm mình cần thực hiện có một test rất quan trọng, là một chẩn đoán hình ảnh tạm coi là hiện đại nhất hiện nay và nó bị hoãn vô thời hạn vì thiếu thiết bị y tế. Hoãn đến khi nào thì cũng không biết vì thiết bị y tế này là nhập từ nước ngoài, nhà máy của họ bị hỏng. Lúc này thì mình hết chịu đựng nổi, cảm giác giống như mình đã làm gì sai sao? Mọi chuyện đều không thuận lợi. Sau đó mình chán, bỏ về nhà để nghỉ ngơi vì kiệt sức. Được khoảng 1 tuần thì bác sĩ gọi cho mình, lúc nhận điện thoại nghĩ mình sắp thành bệnh nhân VIP rồi, thế là con bé lại khăn gói quay lại viện. Dưới sự tổng hợp của các xét nghiệm trước đây, bác sĩ điều trị đã quyết định chuyển mình đến một khoa khác để hội chẩn và trong tháng tới mình sẽ phải thực hiện một ca mổ tiếp theo. Cuộc đời mình từ khi sinh ra đến 30 tuổi chưa một lần đến bệnh viện vậy mà trong 2 tháng lại lên bàn mổ những 2 lần, ca mổ này sẽ phức tạp hơn ca mổ trước. Nên mình đang lo lắng.
Có một kỷ niệm rất vui khi đi viện là mình luôn được bảo vệ hỏi “Cháu là bệnh nhân hay người người nhà” con bé mình hùng dũng trả lời “cháu là bệnh nhân ạ”, bác nhìn mình từ đầu đến chân từ chânrồi từ chân lên đầu kiểu ủa mày bệnh nhân chỗ nào? (Ở bệnh viện mình đang điều trị các bênh nhân đều khá mệt mỏi và có chút gầy và lo lắng) còn mình thì vừa mập, đi viện mà cười te tởn nên bị hỏi là đúng thôi. Mình được hỏi vài lần như vậy, không cảm thấy bực, thấy vui thôi, vui vì mình không bị xơ xác nhiều. vẫn rất xinh.
Những con người đặc biệt
Trên hành trình này mình đã lựa chọn đi một mình nhưng may mắn là cuộc sống đã đưa cho mình những người bạn đã cùng mình đi qua quãng thời gian này, đặc biệt là trước đây mình không hề quá thân, thậm chí chưa từng quen biết họ nhưng trong những thời khắc khó khăn ấy, họ đã ở đó.
Đầu tiên là một người chị - chị là người giúp mình nhập viện lần đầu tiên, là người chăm sóc mình nhiều nhất, chị đến thăm mình nhiều và đưa mình đi ăn, chị luôn dành trả tiền, lúc này mình nhận ra chỉ cần cho mình ăn no là mình vui ngay. Dù chị có con nhỏ và ở xa lắc nhưng luôn dành thời gian mỗi khi mình cần, cách chị quan tâm mình luôn khiến mình dễ chịu, chị cũng không bao giờ hỏi quá nhiều về bệnh tật của mình, chỉ đơn giản là mua đồ ăn và nghe mình nói, từ tận sâu trong tim mình biết ơn rất nhiều.
Cơ duyên nữa là ngôi nhà tên là “ Nhà chữa lành” và thực sự nó khiến mình được che chở. Họ đã chăm sóc theo một cách rất đặc biệt và mình yêu cách họ làm điều đó, họ chưa bao giờ nhìn mình với ánh mắt thương hại hay lo lắng, không hỏi mình thấy thế nào rồi. Các bạn ấy đã đối xử với mình như một người bình thường, để cho mình làm gì mình muốn, ăn gì mình thích, tạo không gian để mình thoải mái, nhờ có ngôi nhà ấy mà mình không phải chịu cảnh sống trong những phòng trọ chật trội như nhiều cô bác bệnh nhân khác.
Một người khác cũng rất quan trongh trong thời gian này có Một cô em gái khác là người tiếp theo mình muốn ơn là cô bé có mái tóc ngắn và nụ cười lí lắc, em ấy đã giúp mình thực hiện bộ ảnh trước khi nhập viện, em cũng là người đưa mình đến nhà chữa lành. Có điều gì đó rất đặc biệt ở em khiến mình rất dễ để chia sẻ với em, mình chia sẻ về những khó khăn khi tìm chỗ ở, tổn thương cảm xúc và sự cô đơn. Em đã giúp mình từng bước vượt qua những khó khăn ấy. Cảm ơn em
Tâm trạng với bệnh tật
Để đảm bảo vệ cảm xúc của bản thân nên mình rất cứng rắn trong việc dừng những cuộc nói chuyện mà mình cảm thấy bị tổn thương, điều đó khiến nhiều người bạn của mình buồn. Mình hiểu sự quan tâm của mọi người nhưng những câu hỏi dồn dập hay thông tin chi tiết về bệnh tật hoặc khích lệ để lạc quan bất chấp cảm xúc thật của mình khiến mình kiệt sức. Đó là lý do mình không liên lạc với nhiều người trong thời gian này. Mình biết có rất nhiều bạn bè và người quen quan tâm đến mình nhưng không phải lúc nào mình cũng có thể tiếp nhận sự qua tâm đó, nhiều sự quan tâm khiến mình bị tổn thương cảm xúc một cách sâu sắc. Mình không có câu trả lời và cũng không có câu trả lời cho các câu hỏi là bị bệnh gì ? Như thế nào rồi? Bác sĩ nói sao? Nếu có 2 người hỏi thì mình có thể kiên nhẫn giải thích rằng bệnh mình vẫn đang quá trình tìm nguyên nhân, bác sĩ chưa có phác đồ nhưng đến người thứ 5 thì mình không thể kiên nhẫn để giải thích. Mình cũng nhạy cảm với những từ như “cố gắng lên, lạc quan, chiến đấu với bệnh tật”. Khi nghe những lời cổ vũ như vậy mình không nhận thấy động lực mà chỉ thấy áp lực và mệt mỏi, xin đừng ai bảo mình cố gắng, mình đã rất mệt rồi. Mình nhận ra mọi người quan tâm và cố vũ mình nhưng cảm nhận của mình là mệt mỏi vô cùng khi nghe như vậy. Bây giờ mình mới thấu hiểu cảm giác tủi thân của những người bị bệnh, mình cũng hiểu tại sao họ không thoải mái khi chia sẻ về bệnh tật, ranh giới chạm đến sự tổn thương và hoảng sợ sâu khi phải nói về bệnh tật, Nó là hỗ hợp của cảm xúc buồn, bất lực, tổn thương và mệt mỏi. Có thể mô tả như thế này, những câu hỏi hay sự tò mò về việc mình ốm giống như đang quất roi vào một vết thương đang chảy máu của mình, vết thương đang chảy máu, mỗi lần có ai đó hỏi đến là một lần chảy máu, rất đau và mình sợ đau. Với mình chỉ cần mua đồ ăn cho mình và nói chuyện như một người bạn là mình vui lắm. Tâm trạng của người ốm cực kỳ mong manh và rất dễ tủi thân, ngày trước mình không hiểu, giờ thì hiểu sâu sắc rồi. Với ca nhân Ngần điều mình sợ nhất khi bị ốm không phải là việc bị ốm mà là cảm giác trở thành gánh nặng cho gia đình cả về tài chính và cảm xúc. Bênh tật khiến mình dừng lại nhiều ước mơ và kế hoạch, mất đi mục tiêu trong cuộc sống, hành trình đi cùng bệnh tật của mình khá cô độc, mình chủ động lựa chọn sự cô độc này để giảm bớt cảm giác là gánh nặng. Có nhiều sẽ nói mình vô lý không ai coi mình là gánh nặng nhưng trong hoàn cảnh bị ốm mới hiểu. Trong lần nhập viện thứ 2 mình cảm nhận sâu bệnh tật tàn phá cảm xúc như thế nào. Các cô chú và người nhà của họ đã ở viện 3,4 tháng, có người ở được nửa năm. Sự lạc quan và vui vẻ dần biến mất thay vào đó là khuôn mặt hốc hác vì đau đớn, lo lắng và mệt mỏi. Một cô ngồi cạnh trong lúc chờ khám nói với mình là đã cùng chồng đến đây 3 tháng rồi, ngoài tiền thuốc phải trả tiền nhà trọ rồi tiền ăn, thôi cũng cố gắng, ánh mắt cô xa xăm về phía cánh của phòng bác sĩ. Nếu như lần nhập viện đầu tiên khiến mình tin vào hôn nhân thì lần nhập viện thứ 2 này khiến mình nghĩ về hôn nhân theo chiều hướng màu xám hơn.
Hành trình của mình đang diễn ra như vậy. Bài viết dành cho các bạn quan tâm đến tình trạng của mình. Các bạn không cần để lại bình luận gì cả, mình thích thả tim thôi. Mình xin phép không trả lời trước những câu hỏi như : Bị làm sao thế ? Bị gì vậy ? Bị bệnh gì?
Mãi yêu!!!
Cảm ơn mọi người

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất