Những ngày cận tết Quý Mão, cảm giác háo hức khi nghe Tết sắp đến đã tan biến từ lúc nào, thay vào đó là những ngày dài nhàm chán nối tiếp nhau. Cũng phải cảm ơn vì đã đọc được ‘Totto-chan bên cửa sổ’ trong khoảng thời gian này vì với thời tiết ảm đạm, khí trời lành lạnh thì thật thích hợp để sống lại những ngày tháng tuổi thơ. Tôi đã dành ra khoảng thời gian 1 tiếng mỗi ngày, mất 4 ngày để hoàn thành xong cuốn sách.
Trang bìa sách 'Totto-chan bên cửa sổ'
Trang bìa sách 'Totto-chan bên cửa sổ'
Những câu chuyện hồi tiểu học của Totto-chan (tên thật là Kuroyanagi Tetsuko, là một diễn viên và người dẫn chương trình truyền hình rất nổi tiếng tại Nhật Bản) tại ngôi trường Tomoe với lối dạy sáng tạo đã đem đến cho tác giả cũng như tôi biết bao nhiêu hoài niệm, cảm xúc. Với phương châm giáo dục của thầy Kobayashi: “Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra ‘phẩm chất tốt’ ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính.”. Thầy đã để lại rất nhiều ký ức tươi đẹp trong đầu tác giả cùng với các học sinh tại trường Tomoe năm ấy.
Có những hành động tuy được xem là nhỏ nhặt của thầy nhưng đã thay đổi cả một con người, đã phát triển rất đúng phẩm chất trong từng đứa trẻ tại trường Tomoe. Totto-chan bị đuổi học ở trường cũ vì nghịch ngợm, nhưng theo lời của thầy Kobayashi thì ‘Totto-chan là một cô bé ngoan’. Mặc dù là một cô bé ngịch ngợm, nhưng khi nghe người khác bảo mình là một cô bé ngoan thì Totto-chan tin mình là một đứa bé ngoan và đã hành xử như một cô bé ngoan, đúng là cô là một cô bé ngoan, nhưng không vì sự nghịch ngợm của cô mà cha mẹ, thầy của cô lại gán cái mác nghịch ngợm làm cho Totto đánh mất đi bản chất tốt đẹp sâu thẳm trong lòng và tin rằng mình thật sự là một đứa bé nghịch ngợm.
Những kí ức chắp nối của tác giả ở ngôi trường độc lạ Tomoe cùng với những sự kiện diễn ra trong đời sống khoảng thời gian theo học ở trường làm cho chúng ta cũng nhớ về khoảng thời gian thơ ngây, vui tươi ấy của riêng mỗi chúng ta. Tuy không được học trong ngôi trường đặc biệt giống như tác giả, nhưng chúng ta ai ai cũng từng qua khoảng thời gian này, khoảng thời gian tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh. Ngạc nhiên, trầm trồ khi phát hiện một điều mới lạ, thương cảm, xót xa với những điều xa xót, đáng thương.
Cũng qua những dòng kể chuyện của tác giả, chúng ta thấy được sự rập khuôn của giáo dục hiện đại bây giờ. Họ thúc ép những ca sĩ, bác làm vườn, người khám phá,… xoay vòng với những công thức loằn ngoằn, với những khổ thơ mà tác giả không hề nghĩ như thế khi viết chỉ để hướng chúng ta đến một công việc ổn định, một cuộc sống rập khuôn. Để rồi những ước mơ khi thuở bé cũng phai dần đi theo thời gian.