Tâm tình sách | Giết con chim nhại
Bước vào đời sống ở hạt Maycomb, Abalama, nằm sâu trong miền nam nước Mỹ trong thập niên 1930 qua lời văn của Jean Louise “Scout”Finch,...
Bước vào đời sống ở hạt Maycomb, Abalama, nằm sâu trong miền nam nước Mỹ trong thập niên 1930 qua lời văn của Jean Louise “Scout”Finch, ta thấy được cuộc sống đời thường cộng với đôi chút khác biệt diễn ra xung quanh đời sống của cô bé. Với góc nhìn của một đứa bé chỉ 8-9 tuổi, ta thấyđược sự ngây ngô và trong sáng trong từng lời văn. Thắc mắc về từng sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, nhất là nỗi tò mò đối với người hàng xóm Boo Radley – người đã bị nhốt ở trong nhà suốt hai mươi mấy năm vì một lỗi lầm thuở bé.
Là một cô bé nhưng tính tình lại không giống với một ‘quý cô’ chút nào. Đánh nhau ở trường không ngán bố con thằng nào, mặc quần liền áo và dính với anh trai Jeremy Atticus ‘Jem’ Finch như hình với bóng. Mẹ mất sớm cộng với sự nuôi dạy tự do của bố Atticus, điều đó làm Jem có vai trò rất quan trọng trong việc ảnh hưởng lên tính cách của Scout. Với những tai tiếng đồn thổi trong nhà Radley, làm cho 2 anh em nhà Finch rất sợ khi phải đi ngang qua nhà của người hàng xóm này. Sau đó, với sự xuất hiện của Dill – cháu trai của một người hàng xóm, cả 3 cô cậu đã bày đủ trò để cho kẻ từng bị đồn ăn thịt mèo sống trong nhà Radley lộ diện. Nhưng mọi trò báo của 3 cô cậu đều vô ích với mục đích của mình. Và đến cuối cùng, người hàng xóm tội nghiệp lại là người cứu mạng hai cô cậu nhà Finch.
Với sự lớn dần qua từng ngày, cô bé dần hiểu ra nhiều điều xung quanh mình, cho chúng ta thấy được sự xấu xa trong xã hội lúc bấy giờ. Đỉnh điểm là nạn phân biệt chủng tộc. Bên cạnh đó còn có cả sự phân biệt giới tính, phân biệt nông thôn, thành thị. Là một luật sư và cũng là một con người chân chính, bố Atticus đã bị gọi là ‘kẻ yêu mọi đen’ vì nhận bào chữa cho một người da đen hiền lành Tom Robinson mặc dù trước đó ông là một người vô cùng đáng kính trong mắt mọi người. Tom Robinson bị người nhà Edwell vu oan cho tội hiếp dâm người chị cả trong nhà – nhà Edwell là những người ất ơ trong xóm, không có việc làm ổn định, sống thoi thóp sau bãi rác cùng với những đống trợ cấp của hạt.
Trong tòa án – nơi được cho là có quyền bình đẳng nhất cho tất cả mọi người, với những lời lẽ đanh thép đánh thẳng vào bồi thẩm đoàn và lòng trắc ẩn của mọi người xung quanh, nhưng cuối cùng chân lý chẳng là gì so với định kiến. Một người da đen tốt bụng tử tế vẫn luôn là mọi đen trong mắt của mọi người, mặc dù là nạn nhân của một gia đình Edwell – một gia đình da trắng sống lỗi vãi luôn. Dù biết trước được kết quả, nhưng bố Atticus đã làm cho bồi thẩm đoàn mất hơn 2 tiếng để bầu được kết quả cuối cùng cho phán quyết (trước đó lâu nhất chỉ là 5 phút). Việc bố Atticus vẫn kiên trì bào chữa cho Tom Robinson mặc dù biết trước được kết quả cho thấy bên cạnh những thứ bất công trong cuộc sống, vẫn có những con người (đại diện là bố Atticus) kiên cường đứng lên để bảo vệ cho những điều đúng, điều phải. Ta có thể phớt lờ nó, để cuộc sống xung quanh cứ trôi thong thả, nhưng làm sao ta có thể sống với chính mình đây, làm sao ta có thể răng dạy các con phải sống tự do, yêu thương người khác khi chính ta còn đang phải đấu tranh với chính mình.
Sự xuất hiện của bà Alexandra cho chúng ta thấy bên cạnh sự phân biệt chủng tộc tột cùng, còn những những sự phân biệt khác len lỏi trong đời sống của người dân Maycomb. Ngấm ngầm bên trong họ, đàn ông thì luôn được tôn trọng hơn phụ nữ, dân thành thị thì luôn đẳng cấp hơn kẻ nông thôn. Song hành với sự phân biệt đó là những định kiến, con gái phải thế này thế nọ, đàn ông thì phải thế này thế kia… và những định kiến đó vẫn còn lưu dấu đến tận ngày nay.
Dolphus Raymond, người cưới một người phụ nữ da đen và có những đứa con lai, bên mình luôn là chiếc bình (người ta cho là rượu), sống tự do buông thả, điều này làm mọi người xa lánh, gièm pha và xem ông như kẻ xấu. Nhưng khi ông cho Dill thử thứ nước trong bình, hóa ra nó chỉ là Coca. Dù chỉ uống Coca, sống một cuộc đời tự do vui thú, nhưng ông phải giả vờ mình là kẻ nghiện rượu, vì mọi người tin rằng như thế. “Nó không trung thực nhưng hữu ích cho người ta. Bí mật nghen cô Finch, ta không phải kẻ say sưa, nhưng cô thấy là họ không thể nào, không thể nào hiểu rằng ta sống theo kiểu đó bới vì đó là cách ta muốn sống” – trích lời ông Raymond. Bí mật của ông nhưng ông lại tiết lộ cho hai đứa bé và lý do của ông rất đơn giản “Bởi vì các cháu là trẻ con và các cháu có thể hiểu nó”, “mọi chuyện chưa bắt nhịp với bản năng của cậu này. Cứ để cậu ta lớn thêm chút nữa thì cậu ta sẽ không phát bệnh và khóc lên. Có lẽ cậu ta sẽ thấy mọi chuyện như chúng vốn dĩ là thế… Không hẳn thế, chẳng hạn, nhưng cậu ấy sẽ không khóc, khi cậu ấy lớn thêm được vài tuổi cậu ấy sẽ không khóc nữa.”
Trẻ con có thể hiểu được những điều bất công, gian xảo đó còn người lớn thì không ư! Không hẳn thế, người lớn có rất nhiều thứ để lo khi làm một điều gì đó, họ che đậy mình trong một xã hội khuôn mẫu vì sợ mình khác biệt, sợ mình bị xa lánh. Nên khi đứng dậy cho một điều gì đó đúng với ý thức của bản thân, họ sợ những sự chỉ trích từ những giáo điều của số đông. Trẻ con không như thế, chúng đứng lên vì những gì chúng cho là sai và bảo vệ những thứ mà chúng tin là đúng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất