Tâm thế mùa Covid
Nghe bảo hình như đã năm covid thứ 5 rồi - mình cũng chẳng biết nữa, vì lâu rồi mình không còn đếm. Nếu tính theo thời gian thực thì...
Nghe bảo hình như đã năm covid thứ 5 rồi - mình cũng chẳng biết nữa, vì lâu rồi mình không còn đếm. Nếu tính theo thời gian thực thì đã 1 năm 7 tháng chúng ta sống cùng Covid rồi cơ đấy.
Trải qua nhiều đợt dịch lớn nhỏ, những câu chuyện vui, buồn, động viên nhau cùng vượt qua mùa dịch này đến mùa dịch khác, những lần kêu gọi hướng về Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hồ Chí Minh, tình nghĩa đồng bào dâng cao, gắn kết. Chưa bao giờ trở thành một công dân tốt lại dễ đến thế, rồi Slogan mùa dịch ra đời, có lẽ nó cũng chính là slogan được viral nhanh nhất mà không tốn chút tiền quảng cáo nào: Ở nhà là yêu nước.
Những đợt dịch bùng lên ngày càng lớn, truy tìm F0 ngày càng khó, những kẻ nhởn nhơ dần co mình vì sợ, ý thức được hình thành trong mỗi người. Khẩu trang, nước rửa tay, giãn cách từ lúc nào đã ăn nhập với cuộc sống của chúng ta. Đã lâu rồi chẳng còn nhớ tâm trạng tắc đường của mình là gì, chúng ta có thấy lạ lẫm nếu ngày mai mọi thứ trở lại bình thường. Chắc chắn là có đó!
Đợt dịch lần này là lần dịch lớn nhất từ trước đến nay, mình là đứa thường không dám xem những video hay đọc những bài viết về số phận, nhưng vì đợt dịch này lớn, lại kéo dài liên tục từ tỉnh này sang tỉnh khác, người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề, không phải còn trên báo đài mà cận kề xung quanh mình đấy rồi.
Ta sẽ chẳng biết ngày mai ra sao, bỗng mất dấu F0, F0 trong cộng đồng, căn bệnh không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà là cả cộng đồng, quá nhiều nỗi sợ cho một tâm hồn mỏng manh. Mỗi lần dịch bùng tâm
thế lại một khác, có người lo lắng hơn, có người đã quen thì thấy nhẹ nhàng hơn trong suy nghĩ. Mình hay nghe mọi người trêu nhau là: “Dịch rồi còn chưa làm gì thì làm luôn đi, muốn ăn gì thì ăn hết đi”… Ở mấy cuốn sách người ta thường viết “Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng được sống” để sống một ngày thật ý nghĩa. Giờ thì đời giống trong sách rồi đó.
Hiện nay, Hồ Chí Minh mỗi ngày lại một kỷ lục, kỷ lục đau buồn của toàn xã hội. Hà Nội theo đó cũng khó khăn theo, mình chưa được đón cái tết nào ở Hà Nội nhưng có lẽ tết covid này làm mình cũng mường tượng ra tết Hà Nội như thế nào. Khi mà ngày qua ngày, không một bóng người ngoài đường, hàng quán đóng cửa yên ắng. Đôi khi ta phải nhìn dịch theo một cách lạc quan, có những người coi đó như một dịp để nghỉ ngơi sau nhiều năm làm việc vất vả, cho những ngày mẹ môi trường được thanh lọc khi loài người không hoạt động. Trời Hà Nội
trong xanh hơn, chất lượng không khí ở mức tốt cho sức khỏe. Có ai đó còn ví trời Hà Nội mùa này trong xanh bầu trời Hà Giang.
Với một vài người khác thì lại không được may mắn vậy. Mình được bạn kể và share vài câu chuyện khó khăn trong mùa dịch, thực sự rất buồn. Dưới chung cư nhà mình có một chú bảo vệ rất tốt bụng, dễ mến, ai trong tòa nhà cũng yêu quý. Hôm vừa rồi có được nghe chuyện về gia đình chú, ảnh hưởng của covid tới cuộc sống. Vì gia đình hoàn cảnh, vợ bị mắc bệnh nan y phải nằm viện đã nhiều năm, một mình chú phải nuôi con học đại học, sáng làm bảo vệ tối đi bốc vác thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng từ hồi covid, mọi hoạt động đều cắt giảm, cả nhà chú chỉ duy trì bằng lương bảo vệ hiện rất khó khăn.
Mình biết không chỉ chú, mà còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, không có dịch đã khó khăn rồi, thêm ảnh hưởng của dịch khó khăn gấp 10. Một tâm thế lo sợ đến đáng buồn.
Hôm vừa rồi mình có đọc cuốn “Để yên cho bác sĩ hiền 2 – Nhật ký covid và những chuyện chưa kể”. Chúng ta thì khổ vì xoay sở cho cuộc sống của mình, có những người không chỉ riêng cuộc sống của họ mà còn phải chiến đấu vì rất nhiều người khác, vì cộng đồng. Tâm thế của những người anh hùng.
Trước nay mình cũng không phải một người hoang phí, nhưng từ đợt dịch lại càng ý thức được những tác động của con người lên trái đất và môi trường sống xung quanh. Dù nguồn gốc của bệnh dịch vẫn đang là một dấu chấm hỏi, nhưng theo ý kiến của mình chắc hẳn sự tàn phá trái đất cũng là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh này. Việc bảo vệ môi trường, động vật hoang dã, từ những việc như sử dụng đồ dùng, thức ăn, nước uống, giấy cũng nên ở tiết kiệm. Dù đương nhiên lượng tiêu thụ lớn cũng là một cách đẩy nền kinh tế nước nhà, nhưng hi vọng là nó đúng hướng với một trái đất xanh.
Tâm thế của mình là nhìn lại mọi thứ và sống có ích thêm mỗi ngày dù ngày mai có ra sao. Chẳng cần vội vã làm gì, vì vội thì chắc hẳn cũng giảm phần nào ý nghĩa.
Mong mọi người giữ được an toàn và sớm kết thúc những năm Covid.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất