Một bài nói chuyện lan man, hòng mua vua cho được một vài trống canh.


Một

Con người ta sinh ra trên đời, đã có 6  căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) và 6 trần (sắc, thanh, hương, vị,  xúc, pháp), nhưng tựu trung thứ tác động nhiều nhất đến con người thường  thấy chỉ là 2 căn: nhãn, nhĩ và tương ứng với nói là 2 trần: sắc,  thanh. Làn suy nghĩ con người chỉ ở một trang hai dạng: hình ảnh hoặc âm  thanh. Ta nghĩ đến ai đó, là hình ảnh người đó hiện lên trong đầu. Ta  suy tính điều gì đó, ta nghe đâu có thanh âm vang bên tai về những điều  ấy.
Hiếm khi nào thấy suy nghĩ ở dạng cảm  thụ khác. Thú vui giải trí ngày nay đa dạng hơn xưa, khoa học kỹ thuật  cũng phát triển hơn xưa, nhưng tựu trung chỉ chỉ khai thác ở 2 yếu tố là  hình ảnh và âm thanh. Một bộ phim thường chỉ dừng lại ở mức phục vụ con  mắt và lỗ tai của người xem. Có lẽ những thứ khác, như mùi hương, hay  cảm giác tiếp xúc da thịt, là còn khó quá vậy.

Hai


Thi nhân Đỗ Phủ đời Đường có viết:
Đăng ảnh chiếu vô thụy
Tâm thanh văn diệu hương
(Tạm dịch: bóng đèn soi không ngủ, lòng trong nghe hương nhiệm mầu)
Trong  cái tĩnh lặng của đêm khuya, dưới ánh đèn leo loét thì ông quên cả ngủ.  Nhưng điểm đáng nói ở đây là câu sau, khi tâm đạt đủ độ thanh vắng thì  bỗng "nghe" thấy mùi hương diệu kỳ. Nghe mùi hương như nghe bằng lỗ tai.  Mùi hương diệu kỳ như chạm vào dây tơ đàn, phát ra âm thanh. Có lẽ khi  đạt đến mức độ nào đó thì con người ta không còn bị ràng buộc bởi giới  hạn vật lý nữa. Tự do tự tại có phải là đây?

Ba

Người Nhật Bản nổi tiếng chu đáo, cầu  toàn. Phàm thứ quỷ sứ gì nhỏ nhặt nhất của cuộc sống, họ cũng đều nâng  nó lên cao được. Và thường kèm theo một chữ "đạo" phía sau: thư đạo, hoa  đạo, kiếm đạo, nhu đạo, hiệp khí đạo,... Ấy nhưng mà còn một thứ đạo  khác mà ít người biết: hương đạo (香道 - Kōdō). Nói nôm na là thú thưởng thức mùi hương. Theo tôi, đó là  một thú chơi quý tộc. Không nói nghĩa quý tộc một cách vật chất (tiền  mua hương, mua trầm khá tốn kém), nó còn đòi hỏi tính quý tộc ở cốt  cách. Người chơi phải biết. Phải tinh tế. Vì vậy mà nó khó. Hạng bình  dân, phàm phu vũ cốt khó lòng tiếp cận.
Việc thưởng thức mùi hương trong hương đạo, được gọi bằng thuật ngữ: văn hương (聞香 - monkō), nghĩa là "nghe (bằng tai) mùi hương". Cũng giống Đỗ Phủ.  Mùi hương không còn là đối tượng của mũi để ngửi, mà phải lắng tâm để  nghe, để cảm nhận mùi hương từ trong tâm. Đó là cách thưởng thức hương  trọn vẹn nhất.

Bốn


Lại chuyện bên Nhật. Thời cổ có mảnh  trầm hương to trôi dạt vào bờ. Người dân nhặt được đem tiến bề trên. Bề  trên trân quý, đặt tên là "lan xa thể" (ranjata) và đem cất kho không  cho ai ngửi. Công thần lập quốc các thứ to to lắm cũng chỉ được tặng một  miếng gỗ xẻo từ khúc trầm ấy. Từ đó các bề trên tranh giành quyền lực  đều coi miếng gỗ trầm ấy là biểu tượng của quyền lực. Ai giữ khúc trầm  hương ấy, xứng đáng làm chủ thiên hạ. Giá trị khúc trầm hương to như cả  cái nước Nhật.

Năm

Một kinh điển Phật giáo Đại Thừa là kinh  Duy Ma Cật, có ghi câu chuyện về một cõi nước ở phương xa, tên là cõi  nước Chúng Hương. Vị giáo chủ ở đó là đức Phật Hương Tích. Điểm đặc biệt  ở cõi nước đó là, tất cả mọi thứ, đền đài, đất đai, cỏ cây,... hết thảy  đều là mùi hương. Phật Hương Tích ở cõi ấy cũng không dùng lời nói, chữ  nghĩa văn tự để thuyết pháp như Phật Thích Ca ở cõi chúng ta. Ngài dùng  mùi hương để thuyết pháp. Chúng sinh ở cõi ấy nghe được mùi hương liền  được tâm thanh tịnh, xa lìa phiền não.
Thật vi diệu. Ở cõi chúng ta, chúng sinh  ưa lời nói nặng. Phải dùng lời nói nặng nề mới nghe thủng. Như cha mẹ  ưa quát nạt con cái vì chúng quá lỳ lợm. Còn ở cõi Chúng Hương, chúng  sinh chỉ cần nghe mùi hương là biết vâng lời. Quả thật là với não trạng  bị ràng buộc trong thế giới vật chất của cõi người thì thật khó mà hình  dung được một cõi nước được cấu thành từ mùi hương là ra sao.
Nhất điểm mai hoa nhụy
Tam thiên thế giới hương
(Hoa mơ một chút nhụy, ba nghìn thế giới thơm)
(Trích "Thiền lâm cú tập", Nhật Chiêu dịch)