Tổng quan về câu chuyện

Chuyện là có bài viết ẩn danh của một học sinh lớp 12 được đăng trên trang confessions của trường. Trong cái bối cảnh nhà trường ra quy định đóng cổng trước khi đánh trống 5p.
Nội dung bài viết thì đại loại là không đồng tình với việc vào học sớm hơn 5p như thế. Điều đó gây sức ép rất lớn đối với học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Vừa phải học đến nửa đêm, sáng dậy còn phải dọn dẹp, nấu ăn,... Thực sự là 5p đó rất quý giá.
Có nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là xuất hiện hàng loạt bài viết phản bác ý kiến của bạn này. Và thực sự các ý kiến đó cũng chỉ là tâm sự góp ý thôi chứ hiếm khi thay đổi được gì lắm.

Các ý kiến đồng tình

Có lẽ nhiều học sinh cũng đồng ý với ý kiến của bạn này, nhưng vì phần bình luận không ẩn danh nên nhiều người sợ. Bản thân mình cũng hết sức ủng hộ quan điểm của bạn này.
Từ đâu chui ra cái việc đóng cổng trước 5p chứ. "Để ổn định"? Một lý do vô lý đùng đùng. Cấp 3 rồi chứ có phải nhỏ nữa đâu mà cần nhiều thời gian ổn định như thế, chưa kể tiết sinh hoạt 15p đầu giờ còn chưa đủ hay sao. 5p buổi sáng đối với học sinh nó quý giá biết bao.
Nhiều người bảo là để rèn luyện kỉ luật? Kỉ luật cái gì, đi học muộn thì phạt chứ ép người ta đi sớm để làm gì, có thay đổi được gì không? Để rồi số người đi học muộn còn nhiều hơn nữa. Thật nực cười!

Các ý kiến trái chiều

Có muôn vàn ý kiến trái chiều, thậm chí còn có nhiều bài viết phản bác, nêu ra lợi ích của việc đi học sớm hơn. Như là được dậy sớm, rèn luyện tính kỉ luật, chín chắn,...
Mình nhận thấy không hề có bất kì một trong số các ý kiến ấy đến từ phía học sinh trong trường cả. Đa phần đến từ cựu học sinh hoặc từ các giáo viên.
Trước hết từ việc dậy sớm, có lẽ không ai chịu đọc kĩ. Chủ bài viết có bảo là lớp 12 phải ôn bài đến tận khuya, sáng còn phải dọn nhà, rồi chuẩn bị đi học (bố mẹ bạn ấy đi làm xa).
Về vấn đề đi muộn, rất nhiều giáo viên có ý kiến. Nhưng chính các thầy cô lại là người đi muộn, điều này không thể đổ cho việc gia đình được.
Một số ý kiến còn nhắc về vấn đề làm quen với áp lực, họ nói như thể họ là người trong cuộc. Chẳng phải cứ là học sinh thì áp lực nhẹ hơn hả? Chỉ có người lớn mới phải chịu áp lực nặng như thế à? Bản thân mình cũng từng đi làm công nhân, gần như không có mấy áp lực lắm, làm các công việc trí thức thì áp lực cũng có lớn hơn. Ở đây, không thể lấy sức ép từ cơm áo gạo tiền ra để so sánh được, nó thuộc lĩnh vực khác. Làm việc trung bình một ngày cũng chỉ 8 tiếng, trong khi đối với học sinh, thời gian đi học có khi còn nhiều hơn thế. Sáng học chính khóa, chiều học thêm, chiều tối lại có lớp học thêm khác, rồi bài tập chất đống làm đến xuyên đêm vẫn chưa xong, chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là ngủ gục trên bàn học, hoặc là leo lên giường trong sự bất an.
Ra trường rồi, có bao nhiêu người còn nhớ được những bất cập trong trường. Gần như rất hiếm, có chăng cũng chỉ là một số kỉ niệm xấu đến mức đủ hằn lên tâm hồn một vết hằn sâu mà thôi. Những gì chúng ta nhớ và viết lại được chỉ là những kỉ niệm đẹp tuổi học trò. Đó là cách giáo dục của xã hội. Người ta tung hô những điều tích cực, cố gắng tấy chay hoặc phớt lờ những thứ tiêu cực, thứ vẫn luôn hiện hữu ở đó, và không bao giờ được giải quyết.
Đó là lý do một phần ý kiến phản đối đến từ các anh chị khóa trước. Họ chê thế hệ trẻ hay than vãn, lười biếng, không chịu khó học hành. Trong khi họ còn không biết rõ hiện trạng trong trường. Thật đáng buồn.
Nhiều vụ học sinh tự tử cũng chỉ là do chịu áp lực kém ư?

Kết

Dù sao thì, đây không phải là lần đầu tiên nhà trường ra cái luật vô lý đùng đùng như thế. Nhưng cũng mong nhà trường thường xuyên lắng nghe ý kiến của học sinh hơn, một cách thực tế chứ không chỉ trên khẩu hiệu.