#LýBạch #thơ #thanhbinhdieu #nhạc #cổCầm
Hôm nay, tớ tình cờ nghe được một bài hát rất hay trên nền nhạc Cổ Cầm. Mặc dù không biết tiếng Trung nhưng không hiểu sao khi nghe một thứ ngôn từ xa lạ lại thấy rất xúc động. Mò mẫm một hồi, thì ra bài hát được phổ cho bài thơ "Thanh Bình điệu " của Lý Bạch.
Nghe rồi sẽ hiểu tại sao, anh hùng khó qua ải mỹ nhân.

Mê một tiếng hát
Say một tiếng đàn
Cả đời không thôi nhung nhớ
Dẫu núi sông cách trở
Ôi, nước chảy đá mòn
Cố ngăn nước mắt chảy ngược
Ngắm xuân hồng lơ phơ tà áo
Chốn Dao Đài trăng in bóng nước
Đợi ngày gặp gỡ chốn thề non
(đây là bài tớ viết đó)

***
Thanh bình điệu  1 
清平調其一
- Lý Bạch -

雲想衣裳花想容, 
春風拂檻露華濃。
若非群玉山頭見,
會向瑤臺月下逢。

Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm, lộ hoa nùng.
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng.

Dịch nghĩa:

Nhìn mây nhớ đến xiêm áo, thấy hoa nhớ đến dung nhan,
Gió xuân thổi nhẹ qua hiên, sương hoa nồng nàn.
Nếu không phải người ở mé núi Quần Ngọc,
Thì cũng là thấy ở dưới trăng chốn Dao Đài.

Dịch thơ của Trần Trọng San: 

Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây, 
Hiên sương phơ phất gió xuân bay. 
Nếu không gặp gỡ trên Quần Ngọc, 
Dưới nguyệt Dao Đài sẽ gặp ai.

Dịch thơ của Ngô Tất Tố:

Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng, 
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong. 
Ví chăng non ngọc không nhìn thấy, 
Dưới nguyệt Dao Đài thử ngóng trông.

 ***
Thanh bình điệu kỳ 2
清平調其二 
  
一枝紅艷露凝香,
雲雨巫山枉斷腸。
借問漢宮誰得似,
可憐飛燕倚新粧。
 
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.
Tá vấn Hán cung thuỳ đắc tự,
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang.
 
Dịch nghĩa

Một cành màu hồng diễm lệ thơm hương ngưng chỉ
Chuyện mây mưa ở Vu Sơn chỉ luống đau lòng
Xin hỏi thử trong cung thời Hán có ai giống được như vậy
Thương thay nàng Phi Yến phải tô điểm (mà không biết có đẹp bằng không)
 
Dịch thơ của Trần Trọng San: 
 
Một nhánh hồng tươi, móc đọng sương,
Mây mưa Vu giúp uổng sầu thương.
Hỏi nơi cung Hán ai người giống?
Phi Yến còn nhờ mới điểm trang.
 
Dịch thơ của Ngô Tất Tố:
 
Hương đông mọc đượm một cành hồng,
Non Giáp mây mưa những cực lòng.
Ướm hỏi Hán cung ai màng tượng,
Điểm tô nàng Yến mất bao công.

 ***
Thanh bình điệu kỳ 3
清平調其三 
 
名花傾國兩相歡,
長得君王帶笑看。
解釋春風無限恨,
沉香亭北倚闌幹。
 
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
Trường đắc quân vương đới tiếu khan.
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can.
 
Dịch nghĩa
 
Danh hoa và khuynh quốc hai bên cùng tươi cười với nhau
Làm cho quân vương đứng nhìn mỉm cười
Bao nhiêu sầu hận trong gió xuân đều tan biến
(Khi thấy nàng) dựa lan can đứng ở mé bắc đình Trầm Hương
 
Dịch thơ của Trần Trọng San: 
 
Hoa trời, sắc nước thảy đều vui,
Luôn được vua trông với nụ cười.
Mối hận gió xuân bay thoảng hết,
Bên đình, thơ thẩn tựa hiên chơi.
 
Dịch thơ của Ngô Tất Tố:
 
Sắc nước hương trơi khéo sánh đôi,
Quân vương nhìn ngắm những tươi cười.
Sầu xuân man mác tan đầu gió,
Cửa bắc đình Trầm đứng lả lơi.
 
***

Cùng đọc qua một chút về hoàn cảnh ra đời bài thơ nhé:

Năm 743,
Thanh bình điệu là một điệu nhạc danh tiếng được mọi người ái mộ dưới đời Đường. Theo Nhạc sử, trong năm Thiên Bảo, khi Lý Bạch ở toà Hàn Lâm, trong cung mới bắt đầu trồng một loài hoa mẫu đơn rất quý, được gọi là mộc thược dược. Tại đình Trầm Hương, người ta trồng bốn loại quý nhất vừa mới tìm ra. Ngày hoa nở đầu tiên, Đường Minh Hoàng đưa Dương Quý Phi đến thưởng hoa. Ban nhạc do nhạc trưởng Lý Quý Niên điều khiển, toan cất tiếng hát, Đường Minh Hoàng ngăn lại và nói: “Thưởng danh hoa, đối phi tử, sao lại dùng những bài hát cũ?” Rồi Minh Hoàng truyền Lý Quý Niên cầm giấy hoa vàng đòi Lý Bạch đến, bảo Lý Bạch làm ngay ba bài Thanh bình điệu. Bấy giờ Lý Bạch còn say rượu (có nơi nói Dương Quý Phi phải phun nước lạnh vào mặt mới bàng hoàng tỉnh lại) liền vung bút viết ngay ba bài.
Giai thoại này còn thêm một biến cố nhỏ. Cũng trong thời gian được vua yêu chuộng, một hôm trong lúc say rượu, Lý Bạch đã đưa chân cho Cao lực sĩ tháo giày cũ thay giày mới vừa được vua ban sủng ái, Cao lực sĩ đành phải làm nhưng trong lòng căm giận, liền nhân bài hát này, dèm pha với Dương Quý Phi rằng Lý Bạch có ý ngạo mạn khi ví Dương Quý Phi với nàng Triệu Phi Yến (kỳ 2), một phi tần thất sủng của vua Thành Đế nhà Hán. Vì thế mà nhiều lần Minh Hoàng muốn phong quan chức cho Lý Bạch nhưng vẫn không thành, vì Dương Quý Phi cản trở. Lý Bạch không tiến thân được ở Trường An, phải xin vua trở về quê, rồi đi ngao du, vui với danh lam thắng cảnh của miền trung và nam Trung Hoa.
Thanh bình điệu quả là một bài thơ định mệnh. Được quân vương sủng ái, đãi ngộ như tân khách cũng nhờ nó, mà công thành dở dang cũng vì nó. Nhưng có lẽ tiền định cả. Trời cao đã không để cho Lý Bạch say men chính quyền hay nhẹ bước đường mây. Bắt Lý Bạch phải say rượu, say thú phong lưu, say văn chương thi phú, phải dang dở trên đường tiến thân, thì hậu thế mới được thưởng thức mấy ngàn bài thơ trác tuyệt, văn học sử Trung Hoa mới có nhà thơ tiên của vạn đời.
Nếu có quên, mình có thể đọc lại một chút về cuộc đời của ông này. ^^
Lý Bạch (701 - 762), Tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, sinh ở Tứ Xuyên. Ông xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, học ca múa. Lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thủy 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua Hồ Động Đình, lên Sơn Tây Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật (sáu người ẩn dật trong khe trúc).
Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Tràng An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thủy. Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn "vong niên" (bạn "quên tuổi tác", không coi trọng tuổi tác - Đỗ Phủ nhỏ hơn Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương Nam.
Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lô Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ (An Huy) là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên (ông tiên trong làng thơ), Trích tiên (tiên giáng trần), Tửu trung tiên (ông tiên trong làng rượu)...