TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI THỰC HÀNH TRIẾT (BÀI DỰ THI GỬI SPIDERUM)
Vài dòng tự sự về thực hành Triết Học...
Chà, tôi nên bắt đầu từ đâu nhỉ?
Đã lâu quá rồi, tôi không có viết những bài chia sẻ Triết học tới cộng đồng, đặc biệt là ở trên diễn đàn ngập tràn sự năng động này, quá lâu rồi. Thực ra, tôi cũng cố gắng viết một vài bài về triết học đại chúng trên fanpage riêng của mình, tuy nhiên, tôi không thực sự chú tâm lắm bởi những gì mà một triết gia ấp ủ có lẽ không phù hợp để phơi bày trên mạng xã hội. Nói là triết gia thì cũng hơi đề cao mình quá và dễ dàng dẫn đến một sự ngộ nhận, thế nên, tôi tạm gọi mình là một người thực hành Triết vậy. Và hôm nay tôi xin được chia sẻ với mọi người một góc nhìn cá nhân về Triết học, quá trình suy tưởng Triết Học và cái đạt được trong quá trình ấy.
Nói về Triết học, ta nên bắt đầu từ nguồn cội của nó nhưng tôi không có ý định trình bày một bản lịch sử của triết học ở đây mà đơn giản chỉ là quá trình Triết học xuất hiện và luôn chuyển trong bản ngã của tôi mà thôi. Triết học đến với tôi giống như cách mà 2 cụ Platon và Aristotle từng nói:
“Triết học khởi nguồn từ sự ngạc nhiên” – “L’étonnement est le commencement de la philosophie”
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên được tiếp xúc với Triết học, đó là tiết Triết học Marx-Lenin tại trường đại học đầu tiên của tôi. Mặc cho những bạn bè xung quanh đã ngủ gục xuống bàn, tôi cũng rất muốn vậy nhưng đâu đó trong lời giảng của thầy gợi lên trong tôi những suy tư về những vấn đề mà tôi chưa từng nghĩ tới.
Trước đây tôi là một người say mê toán học, trong bộ não của tôi bấy giờ chỉ toàn là những bất đẳng thức, phương trình bậc 3 bậc 4 hay những quy luật hình học,… Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi có mối suy tư nghiêm túc về khởi nguồn của thế giới, sự tự do và những quy luật phổ biến. Tiết học đó đã gây cho tôi một sự ngạc nhiên cực độ và tôi quá đỗi tò mò để tìm hiểu thêm những gì diễn ra sau Thales, Pythagore – những nhà toán học kiêm triết gia mà tôi vô cùng yêu mến.
Sự thôi thúc đó khiến tôi quyết định bỏ dở ngành học bấy giờ và theo đuổi triết học tại một trường đại học hàng đầu tại Hà Nội. Và từ đây, cuộc sống thực hành triết của tôi mới thực sự bắt đầu.
Tôi bắt đầu được học sâu hơn về Platon, Aristotle cho tới Descartes, Lebnitz, Kant, Hegel và nhiều hơn thế. Mỗi triết gia lại gây cho tôi một sự bất ngờ tột độ, tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác xuyên suốt các môn lịch sử triết học. Và điều đặc biệt là sự ngạc nhiên ấy chẳng bao giờ kết thúc cả dù số lượng các môn lịch sử triết học đã kết thúc. Mỗi khi tôi tin vào một triết gia nào đó thì lập tức một triết gia khác lại chứng tỏ tôi quá thơ ngây và điều này cứ diễn đi diễn lại trong dòng chảy suy tư triết học của tôi.
Có thể nói, với tôi, triết học xuất phát từ sự ngạc nhiên, tò mò và chuyển hóa trong tôi bằng cách đưa tôi đi từ sự ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác và chưa có điểm dừng, tôi mong là điểm dừng sẽ sớm đến bởi vì tôi thực sự quá mệt mỏi rồi.
Câu chuyện trên chính là điểm xuất phát của triết học trong cá nhân tôi. Bây giờ, tôi sẽ mô tả cho các bạn rõ hơn về triết học, nó thực sự là gì? Là những học thuyết hàn lâm? Là những ngôn từ đao to búa lớn? Là yêu mến sự thông thái? Hay là trang sức cho những học "giả" ? Có lẽ, tất cả đều đúng tùy theo cách thức bạn phản ứng với Triết học.
Sẽ không có một nội hàm nào có đủ khả năng bao trọn thực tại cho một định nghĩa bất kỳ, một cách tuyệt đối, bởi trong cái tồn tại như cái “một” của khái niệm bao gồm nhiều yếu tố bản chất đứng độc lập và dửng dưng với nhau. Đối với khái niệm “Triết học”, quãng thời gian 6 năm nghiền ngẫm đủ cho tôi nghiệm ra rằng, một trong những yếu tố bản chất của Triết học được biểu hiện ra như là một sự tự thực hành của chủ thể suy tư.
Không một triết gia nào lại không thực hành học thuyết của họ cả và những công trình của họ giống như lời mời gọi độc giả tham gia thực hành tư tưởng của họ mà thôi. Socrates tự nguyện uống thuốc độc bằng toàn bộ lòng tự trọng của mình, Descartes tự chiêm nghiệm cái tôi tư duy, Kant mời gọi mọi người thực hành mệnh lệnh nhất quyết, Hegel bằng toàn bộ tâm trí bão bùng của mình, tự trải nghiệm và dắt tay đưa chúng ta tới vùng đất của tri thức tuyệt đối hay Marx với khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại” và còn rất nhiều triết gia khác nữa, mỗi học thuyết triết học không có mục đích gì khác là kêu gọi mọi người nhập thế với tư tưởng của học thuyết ấy.
Như vậy, với tôi, nguyên nghĩa của từ “Triết học” đã bao gồm sự tự thực hành bên trong đó rồi và chỉ có sự tự thực hành mới khiến tâm trí tôi liên tục thay đổi mỗi khi tự cảm thấy mình ngây thơ. Chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn nữa với câu hỏi: Sự thực hành ấy diễn ra như thế nào? Và quan trọng hơn, mục đích của nó là gì?
Nếu như Marx từng gọi “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” thì với tôi, Triết học chẳng khác nào liều morphine của những người thích suy tư cả. Miền đất của những người thích suy tư triết học tồn tại đầy rẫy những vấn đề từ thiết thực cho tới tối hậu. Và mỗi vấn đề ấy luôn khiến người ta phải dằn vặt, nhức nhối, thậm chí là cả đau khổ trong tâm hồn. Trong cơn bức bối về những câu hỏi hóc búa, những học thuyết triết học cụ thể xuất hiện như một liều thuốc làm dịu tâm trí, tạm thời làm thỏa mãn sự tò mò của người suy tư. Nói một cách ngắn gọn, mục đích của triết học trước hết là làm thỏa mãn những suy tư của con người.
Sự thực hành triết học, đơn giản là tới một ngày nào đó, bỗng dững cá nhân chúng ta đặt ra những câu hỏi mà mình chẳng thể giải quyết được. Rồi chúng ta bắt đầu tìm hiểu, có thể bắt đầu bằng một vài từ khóa trên Google, để rồi lạc vào thế giới triết học. Trong thế giới ấy, chúng ta tìm được những học thuyết trả lời một cách cặn kẽ cái câu hỏi của mình, nó thôi thúc chúng ta nhìn nhận vấn đề bằng lăng kính tuyệt hảo ấy, từ đó sự bức bối trong chúng ta được giải tỏa. Mỗi lần trả lời được một câu hỏi như vậy, là chúng ta đang thực hành triết học.
Đó là cách thức nguyên thủy, cơ bản và dễ dàng nhất mà tôi cho rằng là sự tự thực hành triết học. Tuy nhiên, tôi chợt nhớ tới một câu nói nổi tiếng, cũng là của Marx trong luận cương về Feuerbach: “Các triết gia đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới.”
Ở đây, Marx đưa ra một mục đích cao cả hơn về việc thực hành triết học. Sự thực hành không chỉ trong việc thay đổi nhận thức mà còn là thay đổi thế giới xung quanh. Tôi cũng rất hâm mộ cái lý tưởng này của ông cụ, tuy nhiên, trên thực tế, việc cải tạo thế giới bằng triết học là điều cực kỳ khó khăn và thử thách, có chăng chỉ có tầm vĩ nhân mới có thể thực hiện được. Tôi chẳng thể chia sẻ nổi bất kỳ điều gì về nhiệm vụ xuất nhượng triết học cả. Nếu như mọi người có những đề án nào đó để thực hành triết học theo nghĩa như vậy, tôi xin được tham khảo và tiếp thu. Còn giờ đây, tôi xin trải lòng về những “trái ngọt” mà chúng ta nhận được trong quá trình tự thực hành triết học.
Chúng ta thực sự đạt được gì khi thực hành triết học?
Sự hạnh phúc? An ủi? Bình yên?
Quả thực nếu bạn có chủ đích muốn tìm những cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu và dễ chịu như ba tính từ kể trên thì chắc chắn Triết học không phải là một nơi chốn thích hợp dành cho bạn. Chẳng cần một dịch bệnh hay biến cố nào cả, ngay từ khi chúng ta đến với triết học nó đã là một sự đau khổ rồi. Chỉ khi bạn thực sự “sốt” với những câu hỏi của bản thân thì bạn mới tìm đến triết học và thực hành nó một cách ráo riết. Và xuyên suốt quá trình tìm thuốc hạ “sốt” ấy , chủ thể suy tư cũng quá đỗi là khổ sở.
Đó là những đêm trắng nghiền ngẫm những trang sách khó nhằn mà đôi khi đọc mãi, đọc mãi mà chẳng hiểu gì cả. Đó còn là những màn to tiếng cãi vã giữa chúng ta và những người ốm khác đang “ho khụ khụ” ra từng con chữ. Thậm chí, đôi khi trong bản thể của chính mình xuất hiện một sự tự mâu thuẫn như muốn xé đôi tâm hồn. Và khi may mắn tìm ra được những câu trả lời thỏa đáng, nó sẽ làm tâm hồn ta nguội đi một chút nhưng cũng chỉ là một điểm dừng tạm thời trước khi một chu trình tương tự lại diễn ra với một câu hỏi khác.
Kết quả thu được trong quá trình suy tư triết học, đối với tôi, chẳng có gì ngoài những ký ức bão bùng và sự đau khổ cả. Cái bản ngã của mình chẳng thể được an ủi mà thay vào đó là sự biến dịch không ngừng từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Vì vậy, nếu bạn muốn tìm thấy sự lạc quan, khoái lạc hay an nhiên trong tâm hồn thì tôi có lời khuyên rằng: Xin đừng chạm chân tới triết học. Nếu đã lỡ, bạn chỉ nên dừng lại trước thềm của mảnh đất ấy. Hãy ngắm nhìn, thưởng ngoạn thay vì thực hành nó. Bởi sau cái vẻ đẹp lung linh, lấp lánh như những món trang sức, triết học thực sự là một hành trình tồi tệ, một nỗi đau khổ day dứt.
15:21/12/08/2021 - Trietgiadota
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất