Tâm ma của mình
Bên ngoài mình là một người ít nói. Ban đầu mình nghĩ là do mình thích như vậy hoặc do khi là người lớn thì càng như vậy. Nhưng giờ...
Bên ngoài mình là một người ít nói. Ban đầu mình nghĩ là do mình thích như vậy hoặc do khi là người lớn thì càng như vậy. Nhưng giờ mình nhận ra rằng đây gần như là yếu điểm chí mạng của mình.
Giống như câu cái gì nhiều quá cũng không tốt.
Đợt trước mình cũng đặt câu hỏi là tại sao mình ít nói như vậy, thì câu trả lời gồm nhiều yếu tố như: dù nói ra cũng không thay đổi được gì, sợ người khác đánh giá thông qua lời nói, sợ sẽ nói sai gây ảnh hưởng không tốt cho người khác,...
Đôi khi mình vẫn có chia sẻ và nói nhiều với một vài người thân thiết. Tuy nhiên từ một người đã ít nói vì những lý do trên, thì để tháo hết hàng rào không phải chuyện dễ dàng. Có thể là những lúc trò chuyện sâu, ngồi lúc về đêm sẽ chia sẻ được ít góc nào đó nhưng ít khi có dịp như vậy. Không những vậy mà mỗi ngày, mỗi tháng nó lại thêm nhiều hàng rào được xây nên.
Mình là người lớn, mình là đàn ông, mình là người có trách nhiệm,... Dần dần nó hình thành lên một cái tôi méo mó mà mình không hề biết. Và đó là tâm ma của mình.
Nếu mọi chuyện tốt đẹp thì không sao, nhưng khi xảy ra vấn đề thì để nhìn nhận lại thì đó đều là lỗi của mình.
Mình đã quá đắm chìm vào thế giới do tâm ma sinh ra. Do mình là người lớn, là người có trách nhiệm,... nên mình nghĩ là được quyền đòi hỏi từ người khác.
Để rồi khi họ không đáp ứng được những nhu cầu đó mình lại có cái nhìn sai lệch về họ, rồi dẫn đến nhiều vấn đề khác khó giải quyết được. Dần dần mất kết nối với họ để rồi mình đi đến những quyết định sai.
Cái thế giới của mình vẽ lên đó là từ suy nghĩ và trải nghiệm của chính bản thân mình chứ ít khi có được sự đối chiếu với thực tế. Điều kiện để có được sự đối chiếu này là cần phải có giao tiếp thường xuyên với người xung quanh.
Nó giống như một vòng lặp, khi mình ít nói thì mình tự tạo tâm ma và mình dùng cái tâm ma đấy để tự đưa ra hành động đối với sự việc/con người xung quanh, rồi khi nó không dẫn đến kết quả tốt lại bồi dưỡng cho việc ít nói đi của mình vì sợ nói ra sai thêm nữa. Rồi cứ vậy cứ vậy.
Ngày xưa có câu im lặng là vàng. Tuy nhiên mình nghĩ rằng nó nên được đặt đúng bối cảnh như lúc cãi nhau ai thắng ai thua, nói dối để được lòng, chia bè kéo phái để nói xấu người khác,...
Hầu hết các vấn đề sinh ra đều từ mối quan hệ giữa người với người trong công việc, người thân hay chuyện tình cảm. Và hầu hết các quyết định của mình đều bị ảnh hưởng bởi một trong những vấn đề đó.
Nhưng bản chất là những vấn đề không được nhìn nhận thực tế mà chỉ là những sự dán nhãn từ chính bản thân mình. Do mình nghĩ là, mình cho là, mình như này như kia,... Tức là cuộc giao tiếp chưa được diễn ra mà nó đã đi đến kết luận ngay trong suy nghĩ của mình rồi. Thành ra lúc giao tiếp thật sự chỉ là nói lên quyết định của nhau dựa trên sự tưởng tượng chứ không phải thực tế.
Mình sợ chính bản thân mình.
-
Để nhận ra được tâm ma của mình thì do mình may mắn gặp được những người thẳng thắn. Họ sẵn sàng dành nhiều thời gian để nói chuyện với mình, để chỉ ra lỗi lầm của mình, để cho thấy rằng mình đang đưa ra quyết định sai,... Thực sự mình rất biết ơn những người đó.
Để mình nói kỹ hơn chút đoạn này tại sao mình lại thấy biết ơn.
Khi mình càng lớn thì càng mang nhiều lớp vỏ để bảo vệ chính sự yếu đuối bên trong. Lớp vỏ đó có thể là cái tôi, sự trưởng thành, sự điềm tĩnh, ít nói. Đúng những điều này là cần thiết khi chúng ta sống trong một xã hội đầy sự cạnh tranh và hơn thua.
Nhưng cũng chính lớp vỏ đó vô tình gây tổn thương chính mình. Khiến mình sợ bị mất lòng, bị đánh giá, bị nói xấu. Nếu quy chiếu theo bản năng sinh tồn thì điều này là đúng khi mình sợ không còn phù hợp với cộng đồng xung quanh nữa.
Và nỗi sợ đó dần khiến mình trở nên vô cảm, sợ sống là chính mình, sợ được nói lên chính kiến. Để tự vượt qua được đối với mình không phải điều dễ dàng.
Nhưng vì có những người dám thẳng thắn với mình đã giúp mình dần mở lòng hơn, nói chuyện nhiều hơn với người khác, ngay cả về những góc tối.
Liệu khi mình nói nhiều hơn thì người khác có tổn thương không? Có và không.
Người khác sẽ tổn thương bởi vì họ sẽ thấy bản thân họ sai, điều mà họ đang muốn giấu đi không muốn ai biết. Tuy nhiên nếu lời nói đó chứa đựng sự chân thành và không có chứng kiến của người thứ 3 thì họ sẽ cảm thấy đó là sự quan tâm chứ không phải chỉ trích.
Nhưng kết quả còn tốt hơn thế khi cởi mở thì chúng ta mới thật sự tin tưởng được lẫn nhau và những vấn đề sẽ được giải quyết từ nguyên nhân gốc rễ chứ không phải đưa ra giải pháp hời hợt dựa trên trí tưởng tượng của mình.
Có một điều thú vị mà mình nghĩ bạn cũng biết đó là khi mình cởi mở thì người khác mới cởi mở với mình và ngược lại.
-
Tuy mình viết khá nhiều nhưng khả năng giao tiếp của mình còn rất yếu và mình nghĩ điểm yếu này mình cần phải khắc phục. Điều đầu tiên đó là nói nhiều hơn haha.
Có thể có người sẽ bảo rằng bảo vệ bản thân là điều nên làm ở xã hội này. Tuy nhiên với những gì mình trải qua thì một cái tâm sáng với người mình tin tưởng thì đó hoàn toàn là điều nên làm. Dù biết mới đầu sẽ có sự gượng gạo nhưng thoải mái rồi thì bạn sẽ thấy rằng các vấn đề bắt đầu trở nên ít dần đi trông thấy.
Mình nghĩ giao tiếp không phải là kỹ năng, mà nó là bản năng sinh tồn của con người khi sống trong cộng đồng. Giống như một số câu chuyện đi ra nước ngoài không biết gì về ngôn ngữ của họ, nhưng thông qua hành động cũng có thể giải thích được. Tức là đôi khi lời nói không phải phương tiện duy nhất để giao tiếp.
Việc kết nối giữa người với người ở thời đại hiện nay dần dần trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi ai cũng bận rộn, ai cũng phải mang vác rất nhiều trách nhiệm cùng một lúc, ai cũng muốn mọi vấn đề được giải quyết ngay tức khắc. Để rồi dần dần mất đi tiếng nói chung - thứ mà mình thấy quan trọng nhất lúc bấy giờ.
Việc ngồi lại nói chuyện hay cởi mở với nhau không hề dễ dàng và cần rất nhiều sự lắng nghe, kiên nhẫn, thấu hiểu.
Có 1 câu mà một người anh có nói với mình đó là giờ chúng ta thường đi giải quyết các vấn đề chúng ta tự tạo ra.
Riêng chuyện không dành đủ thời gian để giao tiếp với nhau cũng đã tạo ra rất nhiều vấn đề rồi. Có thể lúc đó mình bảo bận đang làm việc quan trọng hơn, nhưng mình không biết rằng chính quyết định đó lại gây ra việc tốn rất nhiều thời gian để đi giải quyết các vấn đề trước đó. Như vậy đã bận lại còn bận hơn nhiều.
Bản thân mình giờ sẽ thay đổi đôi chút. Cởi mở với những người xung quanh hơn, nói chuyện nhiều hơn, chia sẻ thật lòng điểm yếu hơn, nhờ sự giúp đỡ của người khác nếu cần, giúp đỡ người khác khi họ cần,...
Không sợ bản thân mình còn yếu kém, dặn mình chỉ là người bình thường và đang học cách để sống vui hơn.
Mình hy vọng bạn có được điều gì đó tích cực sau khi đọc bài này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn đọc các bài viết khác của mình tại đây nhé:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất