Mùng 3 tết, hơi chán một chút, Levi mở youtube ra, vào mục Explore, thấy phim Hẻm cụt của Trấn Thành đã ra đến 3 tập, và tập 3 đang ở top 1 trending. Mình không bất ngờ lắm, vì cá nhân mình thấy anh Trấn Thành giỏi, ngoài ra cũng là người tốt. Cá nhân mình thấy sao thì cảm nhận vậy, cho dùng có nhiều thứ thông tin bên lề, thì mình vẫn muốn nhìn vào mặt tích cực hơn, còn để đưa ra cảm nhận thực sự, chỉ có gặp trực tiếp, cơ mà chắc Levi không có được cơ hội này.
Levi cũng nghe đến phim Hẻm cụt trước đó và có xem tập 1, xong, cá nhân mình lại không thích câu chuyện của series này lắm. Nếu về khía cạnh nghệ thuật, như một khán giả, Levi thấy hình bóng đâu đó của ông Sang, ông Thanh (những vai trung niên trước đó Trấn Thành đóng). Từ dáng đi, đến cách nói chuyện rồi tính cách lại có chút bao đồng của Sang. Rồi kịch bản, nội dung cũng dễ đoán, xây dựng tuyến nhân vật cũng hơi nhạt nhòa, chưa có đặc trưng, chiều sâu thực sự. Levi vẫn thấy các nét riêng của từng nhân vật, song, nó được xây dựng nơi vồ vập, chưa thật duyên dáng, tinh tế. Có thể là do có quá nhiều nhân vật chăng? Hay do Levi kì vọng hơi lớn từ Trấn Thành. Song, nhìn chung Levi vẫn thấy đây là một series tạm ổn, không quá bùng nổ, cũng có thông điệp, nhẹ nhàng - phải nếu đây chình là ý "nhẹ nhàng" mà anh Trấn Thành đã trả lời phỏng vấn - để cho mọi người có cái thưởng thức trong dịp Tết năm nay. Liệu cụm "không quá bùng nổ" có thật phù hợp cho một series phim nhiều triệu view như này? (tập một tại thời điểm mình viết bài là 21tr) Levi xin phép nói sâu thêm một chút ở đây. Có lẽ, bùng nổ hay không thì nên được cõi kĩ xem là hệ quy chiếu ở đây là gì? Nếu với Trấn Thành trước web dramma Bố Già, thì đây có thể là một sự bùng nổ nhẹ, bởi lúc đó với sức hút của anh ấy, và một nội dung phim như Hẻm cụt, bấy nhiêu thành tích thì vẫn còn trong tầm với, nhưng đây là thời điểm sau web dramma Bố Già và điện ảnh Bố Già thì cái hệ quy chiếu nó đã khác nhiều rồi, vậy nên dùng cụm "không quá bùng nổ ở đây", Levi cho là hợp lý.
Tại sao Levi lại phải lan man như vậy về một bộ phim trong một bài viết mà chủ đề có vẻ không liên quan mấy. Đó là vì, sau khi thấy tập 3 của Hẻm Cụt, trên top trending, như phản ứng của bao youtube users khác khi đang hơi chán và chưa biết xem gì, Levi chọt đại vào chiếc clip đó. Levi xin phép tóm lược nội dung một chút, anh Trấn Thành, lần này trong vai ông Ngọt, sau khi đã bị F0, đi cách ly điều trị về, bị xóm làng xa lảnh nên quyết định về quê (một Vùng Xanh) và cũng bị xa lánh, tình cờ bắt gặp câu chuyện ép hôn cậu con trai là gay của gia đình chị ruột mình và thế là ổng chõ mũi vào. Vẫn như Levi đã đề cập ở trên, cũng không có gì quá đặc sắc về mảng miếng hài cũng như tình tiết, đối với mình, trong cả tập phim. Song điều làm Levi ấn tượng là ở một đoạn thoại giữa ông Ngọt và anh vợ do bác Việt Anh trong lúc say, mình xin trích y nguyên:
Ông Ngọt: "Rồi tôi hỏi anh nhá... Cha mẹ cho con nhiều hơn hay con cho cha mẹ nhiều hơn?"
Anh vợ: "Cha mẹ cho con chứ con lấy cái gì mà cho cha mẹ? Cha mẹ là sinh ra này, lo lắng ăn uống cho nó, quần áo cho nó, cho nó lớn, dạy dỗ nó, giờ còn đi cưới vợ cho nó nữa, muốn gì nữa?"
Ông Ngọt: "Nhưng đó là suy nghĩ của những thằng đàn ông ích kỷ, là bởi vì không thấy được những gì người khác làm cho mình. Thế con không cho cha mẹ sao?"
Anh vợ: "Con cho cái gì? Nó có cái gì mà nó cho?"
Ông Ngọt: "Nó cho anh biết vui mừng khi anh mang nó trong bụng. Nó cho anh biết sự nhẫn nại chờ đợi nó 9 tháng 10 ngày. Nó cho anh sự cẩn trọng khi giữ gìn nó dưới hình dạng bào thai. Nó cho anh biết đau, biết vui mừng khi thấy nó ra đời. Nó dạy cho anh phải biết hy sinh, nó dạy cho anh phải biết nhẫn nhịn. Nó cho anh nhiều chứ, sao anh không thấy mà anh chỉ thấy anh cho nó vậy?"
Câu thoại này mang rất nhiều ý nghĩa, và qua đó, Levi cảm nhận được một triết lý mà bản thân Levi cũng chỉ mới nhận ra. Đó là "nhiều khi chúng ta đã quá chú trọng những giá trị vật chất bề ngoài, theo đuổi không biết mệt những thước đo thực dụng mà coi nhẹ nhiều bản chất, giá trị cốt lõi"
Ai cũng nói: "Sức khỏe là trên hết" nhưng nếu để đổi một buổi chạy bộ lấy một giờ làm thêm, hay một buổi tập gym với một tăng ăn uống nhậu nhẹt liệu có nhiều người đành không? Hay người ta có thể sẵn sàng ăn chơi thỏa thích từ trưa tời chiều để chợt nhận ra mình còn deadline, hà, thôi không sao, tối nay làm vẫn kịp, nghỉ một buổi tập yoga cũng chẳng sao. Ah mà quên, mình đang ăn thô mà lại đi đập phá thế này liệu có nên?. Thôi chắc không sao, thi thoảng ăn cũng được.
Phải, chúng ta khó có thể thực sự đề cao những giá trị như sự hạnh phúc, phút yên bình, sức khỏe, tính kiên trì ... vì sao? Vì chúng ta quá chú trọng vào kết quả. Vậy nên mới làm thêm để có thêm tiền, mới ăn uông nhậu nhẹt để được phê pha. Chứa còn chạy bộ, tập gym, biết bao giờ mới có được cơ, biết bao giờ mới ra đến múi. Cái kết quả của tập gym và chạy bộ nó đến quá lâu, mà nhiều khi nó đến mà ta cũng khó nhận ra được. Rồi tại sao lại phải ốm rồi thì mới biết chú trọng sức khỏe hơn? Phải trầm cảm rồi mới biết sống từ tốn hơn? Vì quan tâm kết quả nên phải "Nằm trong quan tài, đóng nắp lại rồi, sắp đắp thành mộ đến nơi mới biết đổ lệ"
Trở lại với câu nói của ông Ngọt, những điều con cái cho mà ông Ngọt kể ra đều là những giá trị cốt lõi mà nếu chú trọng kết quả thì không bao giờ nhìn ra được. Sẽ thích thú hơn nhiều khi thấy con mình được giải này thưởng nọ. "Sổng khỏe vui thì tốt, nhưng tôi vẫn thích con tôi phải có Thành tích học tập tốt." Mà trong khi nhưng điều ông anh vợ kể ra cũng chỉ toàn là những giá trị vật chất, nào cho ăn nào cho mặc, nào cưới vợ, những giá trị phông bạt mà cũng chẳng phải những thứ cốt lõi mà cha mẹ dành cho con.
Chính vì quá chú trọng kết quả, nên không thể nhận ra được mình nhận được gì từ con cái, mà cũng khó có thể cho con cái đúng những gì nó cần. "Bố đã mua cho mày cả đống đồ chơi mày còn mè nheo gì nữa?" Đâu biết rằng đứa con chỉ cần ông bố chơi với nó mỗi buổi tối. "Mẹ đã mua cho con những thứ con thích, sao con không chịu nín vậy?" Đứa bé muốn ăn đồ ăn mẹ nấu kìa. "Tao đã dạy đi dạy lại mày như thế, sao mày vẫn cứ không tiếp thu, mày còn muốn cái gì nữa?" "Con không cần gì cả, con cũng rất muốn tiếp thu, chỉ khổ nỗi hơi ngu, ba có thể kiên nhẫn hơn được không. Con muốn ba kiên nhẫn hơn với con."
Xin hết.