*Đôi lời: Bài viết đã có sự tham khảo từ các phim tài liệu khoa học, cũng như các tài liệu được ghi chép sau hàng trăm năm nghiên cứu của các nhà khoa học về nơi nổi tiếng với những vụ mất tích bí ẩn trên có cả nguồn tiếng anh lẫn tiếng việt. Cảm ơn các bạn vì đã ghé thăm.

Phần I: Tam giác quỷ Bermuda và những câu chuyện huyền thoại li kì.

1)Sơ lược về vị trí địa lí:

Tam giác quỷ Bermuda từ lâu đã luôn là một bí ẩn cực kì kích thích trí tò mò của nhiều người, các nhà khoa học không phải là ngoại lệ.

(nguồn:google.com)
Với sự phát triển của internet, những con người thích tìm tòi như mình và một bộ phận giới trẻ có lẽ không lấy gì là xa lạ với những vụ mất tích bí ẩn tại nơi này. Tuy vậy đôi khi những câu chuyện mất tích bí ẩn về tam giác Bermuda lại khiến cho bản thân chúng ta quên mất rằng nơi này nằm ở đâu trên vùng biển Đại Tây Dương rộng lớn. 
Trước hết mình sẽ nói về vị trí địa lý tại ba đỉnh của tam giác trước nhé, như ta thấy trên hình, một đỉnh của nó nằm ở thành phố Miami thuộc tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Đỉnh còn lại nằm ở vùng quốc hải Hoa Kỳ có tên là Puerto Rico trên biển Caribbean. Và đỉnh cuối cùng nằm ở vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh tại Bắc Đaị Tây Dương mang cái tên là Bermuda. 
Cái tên "tam giác quỷ Bermuda" chủ yếu nói về vùng Bermuda vì đa số các vụ mất tích thường nằm gần vùng lãnh thổ hải ngoại này. 
Trái với những hình ảnh có phần u tối mang hơi hướng bí ẩn thì nơi đây thật sự rất tuyệt đẹp từ quang cảnh tới độ trong xanh của nước biển.
(nguồn:Bermuda travel)
(nguồn:Bermuda travel)







Nhưng đừng để nó đánh lừa bạn, tuy nơi này có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ đây lại là nơi xảy ra rất nhiều vụ mất tích bí ẩn mà phần sau mình sẽ giải đáp.

2) Bí ẩn mang tầm lịch sử:

Hãy cùng mình lược lại vài vụ mất tích nổi tiếng nhé.

a) Câu chuyện về Mary Caleste: 

Câu chuyện bắt đầu với một con tàu bị mắc kẹt trên biển sau khi bắt đầu hành trình từ New York đến Genova, Ý.
Có 7 thành viên thủy thủ đoàn cùng thuyền trưởng Benjamin Briggs, vợ và con gái 2 tuổi của ông ở trên tàu, tại thời điểm này con tàu chứa đầy rượu. Nhưng vào tháng 12/1872, một con tàu của Anh đã tìm thấy Mary Celeste ngoài khơi quần đảo Azores, gần tam giác quỷ với mọi thứ hầu như nguyên vẹn, ngoại trừ toàn bộ thủy thủ đoàn đã biến mất cùng với thuyền cứu sinh. 

b) Câu chuyện về Ellen Austin:

Năm 1881, tàu Ellen Austin dài 64m đang trên đường từ London đến New York và tiến gần tam giác quỷ Bermuda thì phát hiện ra một con tàu không người lái đang trôi dạt phía trước.
Thuyền trưởng Baker của Ellen Austin yêu cầu quan sát kỹ lưỡng con tàu vô chủ này trong 2 ngày để đảm bảo đây không phải là một cái bẫy của bọn cướp biển. Sau đó, ông cùng thủy thủ đoàn của mình vào trong con tàu bị bỏ rơi và tìm được một lô hàng được đóng gói cẩn thận nhưng không tìm thấy dấu vết của thủy thủ đoàn. Ý định của thuyền trưởng là kéo con tàu này đi theo Ellen Austin, do vậy ông đã cử một nhóm thủy thủ đoàn sang để điều khiển tàu, nhưng sau đó vài ngày khi cả 2 đang di chuyển trên vùng nước yên tĩnh, con tàu vô chủ tự nhiên tách ra và đột ngột biến mất. 
1 tuần sau, thuyền trưởng Baker lại tình cờ phát hiện ra con tàu đang trôi dạt phía xa một cách vô vọng một lần nữa. Sau nhiều giờ nỗ lực, Ellen Austin đuổi kịp con tàu và bàng hoàng phát hiện ra nhóm thủy thủ đoàn của ông đã mất tích.
Nhưng nỗ lực để đưa con tàu trở về với đất liền lại kết thúc với số phận tương tự trước đó. Người ta cho rằng con tàu bị nguyền rủa, nhiều báo cáo cho thấy con tàu vô chủ được thay đổi thủy thủ đoàn nhiều lần và lần nào nó cũng xuất hiện trống rỗng với sự mất tích của toàn bộ thủy thủ đoàn.

c) Câu chuyện về phi đội số 19 của không quân Hoa Kỳ:

Ngày 5-12-1945, 14 phi công trên 5 oanh tạc cơ ngư lôi TBM Avenger cất cánh từ căn cứ không quân hải quân Lauderdale, bang Florida để tham gia diễn tập.
Sau khi hoàn thành nội dung diễn tập và bay trở về căn cứ qua khu vực Bermuda, một phi công phát tín hiệu cấp cứu, thông báo họ không thể xác định phương hướng và mọi thứ trông rất khác thường, kể cả đại dương. Sau đó, phi đội trưởng Charles Taylor gửi thông điệp cho biết phi đội hoàn toàn mất phương hướng, nhận định họ đang cách căn cứ 360 km về phía Tây Bắc.
4 tiếng sau khi Phi đội số 19 xuất phát, căn cứ Lauderdale nhận được thông điệp cuối cùng của Taylor tới các máy bay khác, yêu cầu họ giữ đội hình sát nhau và sẵn sàng hạ cánh xuống biển khi hết nhiên liệu. 
Sau khi xác nhận Phi đội số 19 mất tích, hải quân Mỹ triển khai lực lượng tìm kiếm cứu hộ trên không và trên biển. Một thủy phi cơ PBM Mariner mang theo 13 người cũng mất tích trong chiến dịch cứu hộ này. Báo cáo nhận định một vụ nổ đã xảy ra trên chiếc PBM, khiến nó đâm thẳng xuống biển.
Tuy vậy kết luận điều tra của hải quân Mỹ đưa ra một số kịch bản dẫn tới vụ mất tích của Phi đội số 19, nhưng không thể xác định nguyên nhân thực sự gây ra tai nạn.
Không chỉ dừng lại trong quá khứ: 
Ngày  31/10/2015, Cơ quan an toàn hàng không Mỹ (NTSB) thông báo đã tìm thấy xác tàu el Faro, bị đắm trong trận bão Joaquin một tháng trước. Toàn bộ 33 thành viên thủy thủ đoàn có thể đã bị chết cóng trong tai nạn này.
Theo NTSB, xác con tàu được phát hiện ở độ sâu hơn 4.500 mét tại vùng biển quanh khu vực tàu el Faro bị đắm nằm ở khu vực Bermuda.
Với hải trình từ bang Florida, Mỹ, đến Puerto Rico, tàu El Faro mất liên lạc từ sáng 1/10 (giờ địa phương) sau khi gặp sự cố động cơ khi đi vào vùng ảnh hưởng của bão Joaquin.

Phần II: Khi khoa học vào cuộc.

*Lời giải thích thứ nhất : những vấn đề liên quan tới la bàn.
Nhắc tới la bàn người ta sẽ nhắc tới từ trường trái đất. Để hiểu rõ từ trường trái đất ảnh hưởng thế nào đến sự hoạt động của la bàn trên biển thì hãy xem xét sơ qua hình ảnh dưới đây:
(nguồn:vatly11.com)
Theo Wikipedia định nghĩa:
Từ trường Trái Đất là trường từ của Trái Đất, xuất hiện do tính chất từ của vật chất Trái Đất hợp thành tạo ra. Từ trường Trái Đất tồn tại từ trong lòng Trái Đất đến không gian rộng lớn bao quanh Trái Đất.
Từ trường được tạo ra từ trong lõi của trái đất nơi có lượng sắt và kền nóng chảy khổng lồ di chuyển liên tục. Chính vì kim la bàn bị nhiễm từ nó sẽ luôn bị hút về phía cực nơi có từ trường mạnh hơn mà trong trường hợp ở này nó lại là Cực Nam Cực. Do đó đã gây nên sự hiểu lầm vì Cực Nam Cực gần với Cực Bắc Địa lý cái mà chính chúng ta hay thấy trong bản đồ.
Bản chất của la bàn là dường như luôn hướng về cực bắc nhưng thực ra nó lại đang phản ứng với từ tính của cực nam cực. 
Thế nhưng không phải lúc nào cực từ cũng đứng yên, chúng luôn dịch chuyển theo thời gian, nhiều lần trong quá khứ khoa học đã ghi nhận việc các cực đã bị đảo ngược. Sự khác biệt ta nói đến ở đây là sự khác biệt giữa Cực từ trái đất  và cực địa lý còn được gọi là độ từ thiên. Cũng giống với cực từ, độ từ thiên cũng di chuyển theo thời gian. Trên hình ảnh ta thấy chúng lệch với nhau là 11,3 độ nhưng ở một số nơi độ lệch có thể lên đến 20 độ.
Như những bộ phim viễn tưởng đã tiêm vào đầu của chúng ta, hình ảnh la bàn chạy loạn xạ sẽ khiến cho chúng ta nghĩ các thủy thủ đi vào đây gặp phải trường hợp kim la bàn không đứng yên một chỗ. Thế nhưng vào thế kỷ 19, khi mà những vụ mất tích bí ẩn trở nên nổi tiếng thì khoa học đã ghi nhận khu vực tam giác Bermuda không có từ thiên, tức là trong khu vực này la bàn sẽ đứng yên chứ không phải chạy loạn xạ. Trên thực tế đã có nhiều chứng minh về việc một số nơi trên trái đất kim la bàn chỉ chỉ hoàn toàn về cực bắc.
*Lời giải thích thứ 2: liên quan đến các hiện tượng tự nhiên.
Theo mình tìm hiểu thì, các nhà khoa học chia các hiện tượng tự nhiên ảnh hưởng tới các vụ mất tích bí ẩn thành 2 loại.

1) Các hiện tượng tự nhiên trực tiếp tạo ra các vụ tai nạn máy bay, đắm tàu: 

Thiên nhiên ban tặng cho khu vực này những kì vĩ về cảnh sắc tuy vậy không quên đem theo sự tàn phá khốc liệt lên vùng biển này vì bản chất nó nằm trên Đại Tây Dương.

a)Những cơn bão nhiệt đới tạo thành các bão lốc lớn càng quét.

(nguồn :Một bức ảnh vệ tinh chụp ngày 15/9/ 2020 cho thấy 5 cơn bão cùng lúc. Từ trái qua: bão Sally trên vịnh Mexico, bão Paulette ở Bermuda, tàn tích của bão Rene và bão Teddy & Vicky. Ảnh: AP)



Chính vì nằm trên vùng biển Đại Tây Dương chuyện xuất hiện các cơn bão nhiệt đới đối với vùng tam giác quỷ Bermuda này xảy ra rất thường xuyên.
Và các hiện tượng cực đoan đi kèm với nó có thể kể đến như:

b)Vòi rồng trên biển:

(nguồn:baovietgiaitri.com hình ảnh của một trận vòi rồng gồm 6 cái đang tung hoành trên biển vào năm 2020)

Chúng rất giống với những hiện tượng xoáy xảy ra trên mặt đất nhưng thay vì đó chúng xảy ra trên mặt nước biển.
Nếu đặt giả thiết vận tốc của một chiếc vòi rồng nước đạt tới 100km/h và hiện tượng nhiều vòi rồng xuất hiện cùng một  lúc tại trên một vùng biển sẽ tạo ra các vụ tai nạn từ hàng hải vừa.
Các nhà khoa học đã đưa nó trở thành một trong những nguyên nhân tạo ra các vụ tai nạn, đặc biệt với những tàu thuyền có kích cỡ vừa và nhỏ. Tuy vậy nó không hẳn là tác nhân chính. Nó dẫn chúng ta đến hiện tượng tiếp theo.


c) Bom mưa:

Các định nghĩa và tìm hiểu về bom mưa mình sẽ sử dụng nguồn để giúp mọi người tìm hiểu chính xác hơn.
"Bom mưa là hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm giông bão. Chúng được tạo ra bởi bão xoáy hút không khí từ trên cao xuống, hình thành luồng gió lao xuống bề mặt đất hoặc mặt nước với vận tốc có thể đạt tới 170mph. Sức tấn công và phá hủy của nó đủ để quật ngã bất cứ cây cổ thụ hay công trình kiến trúc kiên cố nào.
Theo tổ chức Hiệp hội khí tượng Mỹ (American Meteorological Society) hiện tượng này có thể bao phủ một khu vực rộng tầm 4km2 với tốc độ gió cực đại trong 2-5 phút cuối.
Trong quá khứ, hiện tượng khí tượng này đã tạo nên không ít vấn đề nghiêm trọng đối với ngành hàng không. Một số tai nạn máy bay trong lịch sử có liên quan tới hiện tượng này. Do đó, công tác huấn luyện phi hành đoàn ngày nay bao gồm luôn cả cách đối phó với bom mưa." (kenh14.vn) 
(nguồn:kenh14.vn)
(nguồn:kenh14.vn)







Có thể thấy từ tính chất của bom mưa, nó có gây nên các vụ tai nạn hàng không, và những tai nạn hàng hải và hàng không lớn. Với sức mạnh của mình việc tạo ra những cơn sóng cao hơn 3 mét là chuyện rất bình thường.
Thế nhưng các hiện tượng trên mới chỉ tạo ra các thảm họa hàng hải và hàng không liên quan đến thời tiết. Bản chất trong lòng đại tây dương cũng hiểm họa vô cùng. Các con tàu đi vô vùng biển Bermuda sẽ phải vượt qua rất nhiều các chướng ngại vật cho dù am hiểu về kiến thức địa lý cũng không thể  tránh khỏi. Ta hiểu được rằng khoa học giờ đây rất hiện đại nhưng cũng chưa thể khám phá hết lòng đại tây dương thì nói gì về các thủy thủ,thuyền trưởng  của thế kỷ trước.

d) Các rặng san hô ngầm nghìn năm tuổi:

(nguồn:google)
(nguồn:google.com)
Chúng cứng tới mức có thể phá hủy boong tàu hiện đại.
Nhưng hiện nay khi đã có sự tham gia của công nghệ hàng hải, việc đối mặt với nguy hiểm cũng giảm bớt. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng chúng không liên quan đến những vụ đắm tàu trong quá khứ.
Một hiện tượng thú vị nữa thường xuyên xảy ra trên biển:

e) Sóng độc:

Theo bách khoa toàn thư Wikipedia định nghĩa:
"Sóng độc hay còn gọi là sóng sát thủ (tiếng Anh: rogue wave, freak wave hoặc monster wave) là một loại sóng xuất hiện bất ngờ và đơn độc trên biển với kích thước khổng lồ, chiều cao có thể hơn 20-30 mét. Với chiều cao này, sóng độc trở thành mối hiểm họa không thể lường trước ngay cả với những tàu biển có trọng tải lớn."
Sóng độc không phải sóng thần. Sóng thần cũng gồm những con sóng lớn nhưng chúng được tạo ra từ những con địa chấn có thể do núi lửa ngầm phun trào hoặc do sự di chuyển của các mảng địa chất.
Sóng độc to lớn, có thể xuất hiện trong vài giây và nhấn chìm bất cứ thứ gì nằm trong vùng chúng hoạt động. Thế nhưng khi khoa học chưa phát triển nhưng cơn sóng độc này chỉ tồn tại dưới dạng truyền thuyết qua hàng thế kỉ.
(nguồn:google.com)
Thế nhưng "Sóng thần" không phải không xuất hiện tại vùng biển Bermuada.
Từ năm 1690-1946 đã ghi nhận 6 đợt sóng thần lớn xảy ra tại nơi này.
Và để kết thúc cho chuỗi hiện tượng tự nhiên gây nên trực tiếp các vụ tai nạn hàng hải, hàng không ta không thể không nhắc đến:

f)hố xanh đại dương:

(nguon:kenh14.vn)
Được coi là một hang động dưới nước với trần hang lủng nó trở thành một cái hố với độ sâu lên đến hàng trăm mét. Nó còn có các đường hầm thông với các hang động sâu khác. Tùy vào các dòng chảy cực mạnh sẽ đi qua những đường hầm này, và khi lên đến bề mặt miệng hố chúng sẽ gây hư hại cho tàu bè đi ngang.


2) Các hiện tự nhiên gây ra các vụ mất tích:

Thường mà khi nhắc đến biển chúng ta sẽ nhớ đến một loại mà tôi đôi khi cũng nhức đầu với nó trong môn địa lý trên trường, đó là các dòng biển lạnh và dòng biển nóng hay còn gọi chung là : Các dòng hải lưu.

    Có rất nhiều vụ việc động vật dưới biển bị lạc do di chuyển theo dòng hải lưu. Điều đó dẫn đến giả thuyết về các xác của phi hành đoàn hoặc những thứ mà không thể tìm thấy có kích cỡ vừa và nhỏ như những mảnh vỡ có thể được đưa đi khắp nơi ở đại dương trôi xa hàng trăm cây số. Mọi người biết đấy khi có một tai nạn xảy ra trên biển, các công tác tìm kiếm cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận, có khi mất hàng tháng trời. Tuy nhiên các dòng hải lưu không bao giờ ngừng chuyển động nó góp phần cho việc giải thích tại sao lại không thể tìm thấy bất kì xác của thủy thủ đoàn khi tiếp cận hiện trường tai nạn.
Một điểm nữa ở vùng biển Bermuda thường có rất nhiều thứ được gọi là Rãnh đại dương.
Những rãnh đại dương có độ sâu rất lớn lên tới hàng nghìn mét chúng rộng khoảng 1,9 đến 2,5 dặm ( tương đương từ 3 đến 4km). Tại Đại Tây Dương theo ghi nhận các chuyên gia phát hiện ra hai rãnh đại dương khá nổi tiếng nhưng hãy kể đến rãnh đại dương Puerto Rico có độ sâu được đo lên tới 8.605 mét.
Thế nhưng việc tiếp cận với nó là một điều hết sức khó khăn khi ta biết được rằng càng xuống sâu áp suất càng tăng, cơ thể của con người gặp khó khăn rất lớn khi áp lực chỉ chịu được ở mức giới hạn. 
Điều đó cho thấy thêm có khả năng những vụ mất tích xác tàu, hoặc các thủy thủ liên quan đến các rãnh đại dương sâu rộng này.
Thế nhưng ở vùng biển Bermuda các nhà khoa học cũng ghi nhận một hiện tượng khá thú vị đó là Băng Cháy.
Để mọi người hiểu rõ mình đã tìm ra nguồn định nghĩa bằng tiếng việt sau đây:
"Băng cháy (còn gọi là đá cháy), có tên khoa học là natural hydrate hoặc gas hydrate, hình thành từ các loại khí thiên nhiên như methane, ethane, propan và nước trong điều kiện áp suất cao (trên 30 atm) và nhiệt độ thấp (dưới 0°C). Băng cháy thường tồn tại ổn định trong điều kiện thềm biển sâu ít nhất từ 300 m trở lên, các đảo ngầm đại dương và ở các vùng băng vĩnh cửu, dưới dạng thể rắn giống như những trái banh tuyết nhỏ. 
Băng cháy là nguồn năng lượng khổng lồ, cứ 1 m3 băng cháy giải phóng khoảng 164 m3 methane (cao gấp 2 - 5 lần khí thiên nhiên, lại sạch, không gây ô nhiễm môi trường vì là hydrate đông lạnh, ít tạp chất). Băng cháy có nhiều màu khác nhau như trắng, vàng, nâu, đỏ, xám hay xanh da trời. Có hơn 90 quốc gia trên thế giới có trữ lượng băng cháy. Các nước có trữ lượng băng cháy lớn nhất là Canada, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc.Băng cháy cũng có mặt trái của nó. Được hình thành ở nhiệt độ thấp và áp suất thấp, nên chỉ cần thay đổi áp suất hoặc nhiệt độ tăng lên khoảng 1°C-20°C sẽ làm băng cháy phóng thích methane gây nên thảm họa nhà kính toàn cầu, gây sóng thần do các thềm lục địa đổ ập xuống. Đặc biệt, trong tình trạng biến đổi khí hậu dang diễn ra nhanh chóng, dễ làm băng cháy phóng thích năng lượng. Chính vì vậy băng cháy rất khó khai thác.
Cũng có giả thuyết cho rằng băng cháy có thể là nguyên nhân gây nên những vụ mất tích máy bay, tàu thuyền bí hiểm bởi năng lượng của chính băng cháy được giải phóng bất ngờ." (trích Baothanhnien).
Băng cháy dễ dàng nuốt chửng những con tàu có kích cỡ lớn khi đi vào vùng nó xuất hiện. Dưới đây là hình ảnh bản đồ phân bố các tích tụ băng cháy do Canada công bố dựa trên dữ liệu từ Kvenvolden và Rogers.

Phần III: Tổng kết

Những dẫn chứng trên là mình đã cố gắng thu lượm, tìm tòi từ cả nguồn trong nước và quốc tế.
Tam giác quỷ Bermuda sau khi được khoa học bóc mẽ liệu nó còn bí ẩn nữa chứ? 
Câu trả lời rằng có thể những bí ẩn tuy đã được giải đáp nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của nó đối với nhiều nền văn hóa khi mà truyền thông, internet liên tục lan truyền về những sự kiện thú vị xảy ra, các thuyết giả tưởng tại vùng tam giác thú vị này.
P/s: Đây có thể là một bài tổng hợp.
Xin cảm ơn các nguồn đáng tin cậy cùng với bộ phim tài liệu "Science and history with Felipe Castanhari." đã giúp mình hoàn thiện bài viết này.