Con viết những dòng này khi biết rằng mọi thứ đã quá muộn rồi.
Con biết rằng bố không quan tâm, và con cũng không quan tâm nữa. Cả tuổi thơ và tuổi trẻ đã là một vết thương chẳng lành. Thì hôm nay con sẽ chọn tỏ bày vết thương ấy.
23 năm để chấm dứt một mối quan hệ ruột thịt cũng là thời gian quá dài.
Trong thời gian ấy, cũng có khi do sự ngây thơ, non nớt của trẻ con mà con thấy tin tưởng và vui ở bên bố.
Có một thời gian mỗi sáng bố đưa con đến trường, bật những băng đĩa hay và ăn ở những quán vỉa hè ngon nhất. Gọi món trứng vịt lộn, con chỉ ăn lòng đỏ, bố cũng dành hết cho con. Bố dẫn con đi mua đĩa phim Chúa Nhẫn, con thích đến nỗi ngày nào cũng bật xem suốt mùa hè.
Bố thích khi nhà mình nuôi chó, nuôi thỏ, nuôi gà, và luôn nhận xét đúng rằng trẻ con chơi với động vật thì tốt hơn nhiều so với đồ chơi.
Bố cũng biết vào bếp và chế ra các món kỳ lạ, ví dụ mỳ Ý với canh cá, nhưng vị ngon tới giờ con vẫn không quên.
Bố là người tháo vát trong công việc, dạy con những bí quyết khéo léo, như dùng móng tay để kẻ dòng trên giấy trắng sao cho viết thẳng hàng mà giấy vẫn sạch, hay một danh sách tên dù ngắn đến mấy thì luôn viết theo thứ tự bảng chữ cái cho khoa học. Nghề tay trái của bố cũng là nghề tay trái ra tiền của con bây giờ.
Nhưng lớn lên và bây giờ con hiểu rằng mình đã sống như thế nào.
Bố đánh mẹ. Không nguy hiểm nhưng liên tục. Hai tới ba ngày một lần. Ròng rã nhiều năm, ít nhất từ khi con biết nhận thức. Chọn vài vị trí không để lại dấu vết, như trán và đầu, hoặc có vết nhưng không nghiêm trọng, lành nhanh, như má và mặt. Một tràng đánh thường năm sáu cái liên tiếp và dừng ngay, không để ai chứng kiến ngoại trừ gia đình, không kịp để nạn nhân hô hoán.
Hành động đó lặp lại khi bố và mẹ cãi vã, hầu như sau giờ cơm tối. Con cảm thấy bố có một chiến lược trong chuyện này. Bố có cách để một tình huống tiêu cực được leo thang và chọn đúng thời điểm ra đòn. Mỗi lần như vậy mẹ đều vô cùng giận, còn con thì đau đớn. Con cầu xin bố, con lao vào đẩy bố ra. Con chỉ biết dùng sức mình để xô đẩy bố vì con biết bố rất khỏe. Khi con 9 tuổi, một tay bố có thể bóp cổ con nhấc lên mà không tốn sức. Con không biết cầu cứu, con không biết ai sẽ cứu con. Vài lần con đã thấy những ánh mắt ái ngại của người qua đường, nhưng chỉ có thế.
Bố dạy con các câu chửi thề từ khi khi con tập nói, và luôn lấy làm vui vì điều đó. Con đã sửa được rất nhiều nhưng chưa dứt hẳn, đến bây giờ chửi thề vẫn là phản ứng tự động của con khi cảm thấy căng thẳng hay giận dữ.
Bố dạy con rằng thế giới bên ngoài là một nơi tàn ác. Nhân vật bí hiểm trong câu chuyện của bố có tên "người đời". Rằng bởi vì bố chiều con quá, khi con ra ngoài sẽ bị "người đời" "vả vào mặt", "đánh đến chết". Con đã lớn lên với sự thiếu tin tưởng, lạc lõng và bơ vơ trong tâm hồn. Mỗi cảm giác kết nối với người khác đều mang lại cảm xúc khốn khổ mà con không thể miêu tả được. Quặn đau ở bụng và bóp nghẹt ở trong tim. Con tưởng như ai ai cũng là ác quỷ, nhưng thật ra ác quỷ là bố mà thôi. Mất nhiều công sức con mới tạm bước ra khỏi nỗi kinh hoàng ấy, nhưng sự đau đớn vẫn bám lấy con, dai dẳng.
Cũng có khi con muốn trở thành con quỷ mà bố đã gieo rắc trong con. Con muốn xả cơn thèm bạo lực trên những người yếu hơn mình, hòng lấy lại kiểm soát. Con chưa thực hiện điều ấy, nhưng con nghĩ đến nó rất nhiều. Con đã thấy nét mặt hài lòng nhẹ nhõm của bố sau khi đánh mẹ và con, nên có lẽ bạo lực cũng thực sự đem lại thỏa mãn.
Nhưng đó là con đường sai lầm, nên con sẽ ngừng đưa mình vào sai lầm ấy. Con sẽ chọn cắt đứt nguồn cơn gây ra tội lỗi của bản thân. Con chấp nhận bố là người không biết làm cha, vậy mối quan hệ cha con giữa chúng ta nên chấm dứt để cả hai khỏi gây tội.
Hoán đổi giận dữ bằng dửng dưng, con mong có thể tìm lại bình yên cho cuộc đời mình.
Farewell, father.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất