Tam Thể, không phải tên của một giống mèo đâu. Đây là bộ sách Khoa học Viễn tưởng của tác giả Trung Quốc Lưu Từ Hân, một đại tác phẩm đương đại rất nổi tiếng trong cộng đồng Scifi Việt Nam. Nội dung bộ sách là một cuộc đấu trí giữa nhân loại và một nền văn minh ngoài Trái Đất. Đừng nghĩ rằng đây là một tác phẩm dễ đọc, vì khối lượng kiến thức hàm chứa trong nó có khi còn khủng khiếp hơn nhiều một số quyển sách Non-Fiction về cùng đề tài. Bạn sẽ choáng ngợp với đủ mọi định luật vật lý, lượng tử, lý thuyết đa vũ trụ song song… mà tác giả bài binh bố trận trong quyển sách, mỗi khi bạn thả lỏng tư tưởng sẽ bị đánh úp ngay với mục đích làm bạn nhức não hết mức có thể.
Tôi không muốn nói nhiều đến nội dung cuốn sách nữa mà muốn nói đến một ý tưởng mà bộ sách nhen nhóm trong tôi. Các bạn đã bao giờ nghe đến nghịch lý Fermi chưa? Đơn giản, nghịch lý này gợi cho chúng ta một câu hỏi: “Người ngoài hành tinh có thật không, nếu có thì họ đang ở đâu rồi?”. Chúng ta, những cư dân của Địa Cầu, luôn đau đáu nhìn về vũ trụ ngoài kia, tự hỏi có nền văn minh nào khác như chúng ta hay không? Mỗi một sự nhảy vọt trong khoa học vũ trụ giúp chúng ta nhận ra mình vẫn đơn độc, có thể ta buồn đấy nhưng không khỏi tự hào vì chúng ta là độc nhất vô nhị! Nghịch lý Fermi nói với chúng ta rằng, chúng ta nên lo nhiều hơn là buồn hay vui đấy.
Tại sao ư? Vấn đề là thế này, có 2 trường hợp để trả lời cho câu hỏi ở trên. Trường hợp đầu tiên, nếu người ngoài hành tinh không có thật, nhưng chúng ta thì đang ở đây. Có nghĩa là chúng ta là nền văn minh đầu tiên trong toàn vũ trụ rộng lớn này đã đạt đến trình độ đủ để nhận thức về vị trí của mình trong cõi hư vô. Chúng ta cũng có thể là nền văn minh dẫn đầu, các nền văn minh khác có thể vẫn đang tập nói trong khi chúng ta đã bay lượn bét nhè rồi, quá tuyệt vời.
Thế trong trường hợp thứ hai, họ có thật, thế tại sao sau bao nhiêu cuộc tìm kiếm và mọi cách thức liên lạc tốn kém nhiều năm qua, chúng ta vẫn không phát hiện ra một “người bạn cùng lớp” nào? Đây là cái đáng lo đây này. Nếu họ có tồn tại, chúng ta không tìm ra họ, họ không tìm ra chúng ta, thế liệu nền văn minh của họ còn hiện hữu hay không? Có lẽ chỉ có sự diệt vong mới giải thích được cho việc trí tò mò (một dấu hiệu nhận biết của trí tuệ bậc cao) không xuất hiện ở các nền văn minh đó nữa. Và nếu họ phát triển hơn chúng ta (nếu kém thì ở trường hợp 1 rồi), thì họ diệt vong vì cái gì? Nghịch lý Fermi gọi nguyên nhân diệt vong của nền văn minh khác đó là bức tường tiến hóa. Có lẽ họ đã tiến hóa chạm đến bức tường đó nhưng không vượt qua được và họ cứ thế thành tàn tro mà thôi. Chúng ta thì sao, bức tường đó liệu có ở phía trước kia không? Và câu hỏi quan trọng đây: Sẽ thế nào nếu bức tường tiến hóa của một nền văn minh, chính là một nền văn minh khác cao cấp hơn?

Theo thang Kardashev (phương pháp đo sự phát triển của một nền văn minh), một hướng đi của văn minh gắn liền với việc sử dụng năng lượng và trong khả năng đo đếm thì có tối thiểu 3 mức nền văn minh như sau:
- Loại I: Văn minh có khả năng khai thác và sử dụng tài nguyên năng lượng trong một hành tinh. Năng lượng của Trái Đất được tính là 1,74 × 1017 W (174 petawatt). Con số ban đầu mà Kardashev đưa ra là 4 × 1012 W, “gần với mức hiện nay trên Trái Đất” (hiện nay chỉ năm 1964).
- Loại II: Văn minh có khả năng khai thác và sử dụng năng lượng tài nguyên năng lượng trong một ngôi sao. Năng lượng của mặt trời chúng ta là 3,86 × 1026 W. Con số Kardashev đưa ra cũng là 4 × 1026 W.
- Loại III: Văn minh có khả năng khai thác và sử dụng năng lượng của một thiên hà. Ước chừng 4 × 1037 W. Vì các thiên hà có thể chênh lệnh rất nhiều về kích thước nên độ dao động của con số này rất rộng.
Nếu dùng năng lượng chứa trong một bom hạt nhân làm thước đo, Tsar Bomba, quả bom hạt nhân mạnh nhất từng được cho nổ có năng lượng nổ là 57 triệu tấn TNT. Trong khi đó một nền văn minh loại I sử dụng năng lượng tương đương 25 triệu tấn TNT mỗi giây, và sau mỗi 2,28 giây thì đạt tới năng lượng của Tsar Bomba. Một nền văn minh loại II sử dụng năng lượng tương đương 4 tỉ quả bom khinh khí mỗi giây. Loại ba lại gấp 100 tỉ lần loại II. Và thưa các bạn, nền văn minh của loài người chúng ta mới chỉ ở mức 0.73, còn chưa hoàn toàn trở thành nền văn minh bậc I.
Chúng ta hãy nên tin tưởng là ở Vũ trụ bao la ngoài kia, có những nền văn minh khác, kém hơn chúng ta cũng có mà phát triển hơn chúng ta cũng có. Thế nhưng việc chúng ta liên tục tìm cách liên lạc với họ có thực sự thông minh? Một kẻ đứng ở bậc thang cao hơn của sự tiến hóa sẽ đối xử thế nào với một kẻ đứng thấp hơn mình nếu bất ngờ gặp được ở Thế giới tự nhiên? Để trả lời câu hỏi này, các bạn hãy tự tìm hiểu lịch sử của Thế giới chúng ta, ở cái thời mà loài HomoSapiens đã khiến cho những tộc người kém phát triển hơn như Homo Neanderthal biến mất và bị đồng hóa thế nào. Chúng ta tốt nhất nên làm mọi cách để nền văn minh của mình tiến xa hơn và luôn trong tâm thế chuẩn bị của một người đi săn, đừng để rơi vào thế bị động của một con mồi!
Minh Hiếu
03/06/2021.