Có nên theo đuổi đam mê hay không? Should I follow my passion?
Có nên theo đuổi tình yêu hay không? Should I pursue love?
Làm sao để tìm thấy hạnh phúc? How can I find happiness?
Câu trả lời là: đừng theo đuổi hay cố gắng tìm gì cả. Chính xác hơn là không có gì để bạn theo đuổi cả. Theo đuổi hạnh phúc, theo đuổi đam mê, theo đuổi tình yêu, theo đuổi sự nghiệp, theo đuổi ước mơ. Chúng ta có lẽ đã được khuyên như thế, hãy theo đuổi những thứ đó thì chúng ta mới sống trọn vẹn.
Quan niệm phải "theo đuổi" một thứ gì đó bắt nguồn từ Hoa Kỳ trong quyển sách "Chiếc dù của bạn màu gì" (What colour is your parachute) xuất bản bởi Richard Nelson Bolles năm 1970. Có thể nói quyển sách đã giúp tạo ra khái niệm "theo đuổi đam mê" trong hiện đại và lan tỏa nó ra trên thế giới. Mục đích của quyển sách là giúp con người nhìn thấy công việc không còn là một chuỗi các hành động phải làm theo nghĩa vụ một cách nặng nề và nhàm chán, mà là một thứ gì đó giúp khai sáng họ, giúp họ tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống. 
Đến đầu những năm 2000 thì quan niệm này trở nên phổ biến hơn nữa với bài phát biểu nổi tiếng của Steve Jobs trong lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford năm 2005. Bài phát biểu có đoạn:
“You’ve got to find what you love. And that is as true for your work as it is for your lovers. Your work is going to fill a large part of your life, and the only way to be truly satisfied is to do what you believe is great work. And the only way to do great work is to love what you do. If you haven’t found it yet, keep looking."
(Bạn phải tìm thấy thứ mà bạn yêu quý. Và điều đó cũng đúng với công việc của bạn hay là bạn đời của bạn. Công việc của bạn sẽ chiếm một phần lớn cuộc đời của bạn, và điều duy nhất để giúp bạn hoàn toàn hài lòng đó là làm những điều mà bạn tin là vĩ đại. Và điều duy nhất để làm những việc vĩ đại là phải yêu việc bạn làm. Nếu bạn chưa thấy việc đó, hãy tiếp tục tìm kiếm).
Đây là video tóm tắt những lần Steve Jobs chia sẻ về sự đam mê, về tình yêu trong công việc và cuộc sống.

Nhưng quan niệm và những lời khuyên về việc theo đuổi là một thứ nguy hiểm khiến cho chúng ta có một nhầm tưởng trong cuộc sống. Nhầm tưởng đó là: có một thứ gọi là đam mê, là hạnh phúc, là tình yêu tồn tại sẵn trên đời và công việc của chúng ta phải tìm thấy những điều đó để mở cánh cửa đến sự an lạc, an nhiên trong cuộc đời. 

Đừng nhầm lẫn kết quả và sự khởi đầu

Điều thú vị đó là ngay cả Steve Jobs, người nhấn mạnh rất nhiều về đam mê, tình yêu trong công việc, lại không hề có chút đam mê và tình yêu gì với công nghệ khi thành lập Apple. Nếu bạn có cỗ máy thời gian để quay về những năm 1960s và gặp chàng sinh viên Steve, bạn sẽ không tin được trước mặt mình là một CEO của Apple tương lai. Jobs học ở trường Reed College, một trường giáo dục khai phóng danh tiếng ở Oregon, và có sở thích để tóc dài và đi chân đất. Jobs không có chút hứng thú gì với mảng kinh doanh hay là điện tử, mà ông đam mê lịch sử phương Tây, nhảy múa và thần học phương Đông hơn. 
Chàng sinh viên đó bỏ học giữa chừng không phải vì theo đuổi tiếng gọi của đam mê mà vì chán đời, chui vô sống trong trường học, ngủ trên sàn nhà và kiếm đồ ăn miễn phí từ các đền chùa tôn giáo ở địa phương. Rồi sau đó chàng sinh viên bỏ về quê, làm việc cho một công ty nhỏ, rồi bỏ việc đi đến Ấn Độ để được khai sáng về mặt tâm linh.
Tua nhanh vài năm đó là vào năm 1974, Jobs được người bạn tri kỷ Wozniak kêu vô phụ bán linh kiện máy tính cho một công ty tên là Call-in Computer. Wozniak thực sự là phù thủy trong giới công nghệ bấy giờ. Chàng thanh niên kỹ sư máy tính trẻ tuổi này không hề có một tuổi thơ bình thường theo chuẩn Việt Nam. Khi mới 7, 8 tuổi, cậu bé này chỉ thích ngồi tháo lắp đồ điện tử trong nhà. Lớn lên Wozniak thành ông cụ non và chỉ biết suốt ngày có số và hay nói về mấy lý thuyết toán học cao siêu. Và nhờ sự điên khùng đó, Wozniak đã làm được điều phi thường là tự tay một mình chế ra được một chiếc máy tính Apple đầu tiên gồm phần cứng lẫn phần mềm. Để dễ hình dung kì tích này, bạn cứ tưởng tượng là Wozniak là một tay thợ máy đi long nhong khắp các cửa hàng xe hơi mua phụ tùng về và tự lắp thành công một chiếc Audi. Tuy nhiên, bấy giờ vào năm 1974, Wozniak chưa làm ra được máy tính mà chỉ dừng ở bo mạch. Và anh chẳng có hứng thú gì với việc quản lý vận hành công ty, cho nên đã giao hết việc đó cho Steve Jobs. Cả hai làm được một lúc, cũng kiếm được chút tiền dư dả từ việc này. Steve Jobs vẫn hứng thú về những chủ đề thần học nên có rời công ty một thời gian để tham gia các hoạt động tâm linh vào mùa thu năm 1975. Steve đi mà không nói ai khác, nên khi anh quay trở lại anh đã bị thay thế bằng người khác. 
Nhưng Steve trong lúc lang thang phố phường đã nghe ngóng được sự hứng thú của mấy tay kỹ sư "nerd" về một loại bo mạch máy tính có thể lắp ráp được ở nhà. Steve biết vậy liền nhớ tới anh bạn thân tài ba Wozniak vào lập một công ty riêng, đặt tên là Apple và sản phẩm sẽ là các máy tính cá nhân. Cả hai ban đầu bán được 100 cái bo mạch và lời 1000 USD, một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Nhưng cả hai vẫn coi đó chỉ là việc kinh doanh bên ngoài, kiếm thêm. Không có gì gọi là đam mê hay tình yêu trong đó cả, ít nhất là với Jobs. 
Chỉ đến khi Jobs kiếm được một khách hàng lớn muốn mua không chỉ là bo mạch mà là một chiếc máy tính để bàn đã được lắp đặt hoàn chỉnh với giá 500 USD/chiếc và số lượng đặt hàng đến 50 chiếc, thì Jobs mới thấy đây thực sự là một mô hình kinh doanh hái ra tiền. Lập tức, Jobs dốc hết tâm sức để xây dựng Apple thành một start-up và Wozniak đã cho ra đời chiếc máy tính Apple đầu tiên.
Đó là năm 1976. Một năm trước Jobs còn đam mê với thần học và tâm linh, một năm sau anh đã trở thành chủ một start-up bán máy tính, dù anh không có chút hứng thú gì về kinh doanh hay máy tính.
Vậy thì tại sao khi Jobs, lúc bấy giờ đã là CEO, đứng lên phát biểu trước các sinh viên sắp tốt nghiệp của Stanford năm 2005, Jobs lại kêu gọi họ đi tìm đam mê? Đơn giản là vì ngay cả Steve Jobs cũng hiểu nhầm về sự đam mê, hoặc ông đã tự huyễn hoặc mình về điều đó.
Những gì Jobs, và rất nhiều người thành công khác trải qua, đã cho thấy rằng đam mê, tình yêu và hạnh phúc là quả ngọt của sự thành công. Nói một cách khác, chúng ta sẽ tự tạo ra đam mê, tình yêu và hạnh phúc cho chính mình, chứ không phải là tìm kiếm nó ở bên ngoài. 
Khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta hiểu được tại sao quan niệm theo đuổi lại nguy hiểm. Nó khiến cho một người luôn tin rằng đâu đó ngoài kia, có một công việc đúng với đam mê sâu thẳm trong tâm hồn bạn, mà chỉ cần được làm, sẽ khiến người đó khoan khái thoải mái, người đó sẽ luôn vui vẻ. Cũng tương tự như tình yêu: ở ngoài kia sẽ có người sinh ra là dành cho mình, mình phải tìm ra người ấy. Hay là sự hạnh phúc: đạt được điều này tôi sẽ hạnh phúc, có thứ này tôi sẽ hạnh phúc, mua xe ô tô sẽ khiến tôi hạnh phúc. 
Nhưng mà hãy thử nghĩ xem: nếu ở ngoài kia không có bất kì công việc gì đúng đam mê của bạn thì bạn sẽ làm gì? Chả lẽ ở nhà và đợi công việc đó rớt từ trên trời xuống, đến gõ cửa nhà bạn nói: Ê bồ, tui là công việc đúng đam mê của anh nè, làm tui đi bạn sẽ sướng cả đời!
Và hãy tiến thêm một bước, tưởng tượng rằng bạn tìm được thứ bạn đam mê nhưng bạn lại không giỏi việc đó, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Kiểu như là: tôi rất đam mê thể thao điện tử, tôi quyết tâm làm một game thủ chuyên nghiệp, đi đấu quốc tế giành giải thưởng trăm nghìn đô. Nhưng rồi suốt 2, 3 năm thi đấu, đội của bạn toàn bị loại sớm và không có được giải khuyến khích, bạn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ để sống. Bạn sẽ cảm thấy ra sao?
Khi mình đi làm, mình làm đúng ngành mà mình học, và ngành mình học cũng đúng với sự hứng thú của mình. Vậy thì mình có hoàn toàn hài lòng không? Không hề. Ngành mình học phải học 24 môn chuyên ngành và một nửa trong số đó khiến mình ngán ngẩm. Khi mình đi làm mình nhiều lúc rất nản với những việc được giao. Nhưng những trải nghiệm đó giúp mình nhận ra rằng, ngay cả khi bạn làm việc bạn thích, thì vẫn sẽ có thứ trong đó khiến bạn không thích, thậm chí là ghét.
Ví dụ hãy nói về việc thiết kế sản phẩm cho khách hàng. Bạn của mình là một người thiết kế giỏi và tài năng, được làm đúng ngành của nó. Nhưng một nửa thời gian nó đi làm không phải là để design, nó phải dành thời gian đó để họp, để gặp khách hàng thiết lập mối quan hệ cũng như hiểu được yêu cầu khách hàng, phải đánh giá sản phẩm của cấp dưới, phải tự lên lịch đi làm việc. Nó không hề thích những điều đó, nó chỉ muốn ngồi vẽ. 
Đối với tình yêu mọi chuyện diễn ra tương tự. Không có ai sinh ra là mảnh ghép phù hợp với một người khác. Tình yêu không đến trước khi hai người biết nhau là ai và đã tập được cách yêu nhau. Mọi người đều phải trải qua giai đoạn tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ, tập thích nghi với tính cách của nhau, chấp nhận được những điểm yếu của nhau. Khi đó tình yêu mới đến. 

Hãy làm tốt hơn

Mark Manson chia sẻ câu chuyện sau về Picasso trong sách "Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm":
"Lúc này Pablo Picasso đã là một ông lão, ông đang ngồi trong một quán café ở Tây Ban Nha, vẽ lên khăn tay. Ông ấy không quan tâm gì cả đến nội dung bức tranh, chỉ cứ vẽ những thứ khiến ông thích thú vào lúc đó. 
[...] Một người phụ nữ ngồi cạnh ông nhìn thấy và vô cùng ngỡ ngàng. Một lúc sau, Picasso uống xong phần cà phê của mình và vo mảnh khăn giấy kia lại, chuẩn bị ném đi.
Người phụ nữ chặn ông lại: 'Khoan, tôi có thể giữ miếng khăn tay mà ông đã vẽ lên không? Tôi sẽ trả tiền.'
Picasso trả lời: 'Ừ được chứ. Hai mươi nghìn đô la.'
Người phụ nữ ngạc nhiên nghiêng đầu ra sau cứ như ông họa sĩ mới ném cục gạch vào bà ấy. 'Cái gì cơ? Ông chỉ mất hai phút để vẽ mấy thứ đó.'
'Không thưa bà', Picasso nói, 'Tôi mất hơn 60 năm để vẽ được mấy thứ này'. Nói rồi ông nhét mảnh khăn giấy vào túi quần và bỏ đi."
Picasso và những danh nhân tài năng khác là biểu tượng của tư duy "phải trở nên tốt hơn". Họ sinh ra trước cái thời mà khái niệm đam mê ra đời, hay là "quyết tâm cho năm mới" (new year resolutions). Họ chỉ hướng đến một thứ đó là: phải làm tốt hơn, tốt hơn nữa, phải tốt nhất có thể. 
Tư duy "theo đuổi" khiến chúng ta tin rằng ở ngoài kia tồn tại sẵn một món quà của Thượng đế và chúng ta hãy tìm lấy nó. Tư duy "trở nên tốt hơn" thì lại khiến chúng ta tập trung vào bảo thân chúng ta, tự biến mình thành một món quà mà người khác tranh giành nhau để có. Chúng ta sẽ tạo ra một giá trị, một sản phẩm có ích hơn cho mọi người. 
Tư duy này có thể thấy rất rõ trong những thiên tài khi họ còn trẻ và chưa thành công. Wozniak khi còn trẻ không hề bận tâm đến việc anh có thích kỹ thuật, điện tử gì không. Anh chỉ tập trung đúng vào một thứ đó là phải hiểu được các vi mạch, hiểu được logic máy tính, làm sao để khiến máy tính xử lý được các lệnh phức tạp. Ban đầu là cộng trừ, sau đó là nhân chia, sau đó là cấp số nhân. Hay là Michael Jordan. Trước khi trở thành danh thủ, Jordan chỉ tập trung đúng vào một điều, đó là phải ném bóng vào rổ, trong bất kỳ tình huống nào, ở tư thế nào, khoảng cách nào. Anh dành hàng nghìn giờ để tập điều đó. 

Hoặc nếu bạn có thể thân với một người làm ăn, bạn sẽ thấy họ luôn luôn cố gắng tìm hiểu về các cách kinh doanh để đi làm tốt hơn. Mình và thằng bạn mình ngồi nói chuyện trong một quán ăn vào cuối tuần. Mình giới thiệu rằng bên Spiderum sắp ra sách. Và bạn mình ngay lập tức hỏi một loạt những câu sau:
- Spiderum ra sách à? Đây là sản phẩm đầu tiên của nhóm đó đúng không? Tức là bây giờ mới có tiền vào à? Thế suốt 2 năm qua không có tiền nó sống thế nào? Thế tại sao bên đó đầu tư vào website ở mức tối thiểu mà vẫn duy trì được cộng đồng? Sau này định bán sách hay bán gì nữa? Làm sao mà scale up nhanh lên được khi mà tốc độ ra sách ra luôn chậm hơn sản phẩm khác? Bên tớ bị kẹt phần website có vẻ người ta không vô nhiều, tớ muốn kéo mọi người thảo luận sôi nổi hơn, liệu làm cộng đồng như Spiderum có phù hợp hay không nhỉ? Hay chỉ cần làm một group Facebook là đủ?
Nhiều người trước đây mình gặp thường nói rằng đi ăn uống đừng nên bàn công việc nghe đau đầu lắm, nhưng đối với bạn mình càng bàn công việc nó càng thấy hứng thú. 
Các nhà khoa học nghiên cứu về hành vi tính cách con người đã phát triển Thuyết Tự Định Đoạt (Self-determination theory). Theo thuyết này thì một người cần 3 yếu tố sau để có cảm hứng trong công việc:
Sự tự chủ: bạn thấy rằng bạn có thể tự quyết định được công việc của bạn, và việc bạn làm thì quan trọng.
Sự thành thạo: bạn thấy rằng bạn giỏi trong những gì bạn làm
Sự kết nối: bạn thấy rằng bạn gắn kết được với người khác.
Trong khi yếu tố thứ ba khá là rõ ràng vì đa số không ai muốn bị cô độc trong công việc, thì hai yếu tố đầu tiên lại liên quan với nhau. Khi bạn giỏi một việc, khả năng rất cao là bạn sẽ được cho một không gian riêng tự do để làm việc đó và bạn sẽ được giao việc quan trọng để làm. 
Nhưng có lẽ bạn sẽ nói rằng: bạn không có cảm hứng hay động lực làm. Bạn cảm thấy bạn luôn bị kẹt bởi đủ thứ lo lắng, chỉ cần nghĩ đến việc cần làm là đã nản, đã chán chường. Bạn có thể thấy rằng bạn còn chưa bắt đầu làm được một việc gì đó nữa, thì làm sao mà có thể làm tốt hơn chứ? 
Nếu bạn có suy nghĩ này tức bạn đang nhầm lẫn giữa điểm khởi đầu và kết quả. Bạn nghĩ rằng mọi thứ sẽ như vậy:
Cảm hứng -> Động lực -> Hành động -> Kết quả
Trong khi mọi thứ phải nên như vầy:
Hành động -> Cảm hứng -> Động lực
Tức bạn tự tạo ra cảm hứng và động lực cho chính mình. Ngay cả bản thân mình cũng trải qua điều đó. Khi viết bài, lúc khó khăn nhất là lúc mở đầu bài viết và dẫn nhập vào. Nhưng càng viết ý càng ra nhiều. Mình sẽ có nhiều ý tưởng để viết hơn là trước khi viết. Mình có thể dành hàng giờ, hàng ngày để suy nghĩ nội dung bài viết mà vẫn thấy mắc kẹt, nhưng chỉ cần viết 30 phút là ý tưởng sẽ được khai thông và khi đó lại sợ viết thiếu ý.
Khi bạn bắt tay và dốc công sức vào làm việc gì đó, có thể ban đầu bạn sẽ không thấy có ý nghĩa nhưng khi kỹ năng bạn được nâng cao lên và bạn thấy giá trị của hành động của mình mang lại, bạn sẽ bắt đầu có hứng thú và đam mê với việc đấy. Quay trở lại với anh bạn thích thiết kế mình kể ở trên. Sau những đơn hàng nghìn đô nó chốt được, nó bắt đầu thấy được giá trị nó mang đến cho khách hàng từ công sức nó bỏ ra . Nó đã có mối quan hệ với gần 100 khách hàng tiềm năng và ra được hơn 50 sản phẩm, nó đã có đủ tiền để thuê thêm người. Khi nó bắt đầu thành công, nó bắt đầu thấy hưng phấn và yêu công việc. Nó trở nên hăng say hơn trong việc thiết kế, làm việc 24/7 không biết mệt mỏi. Nó tự tìm tòi và học thêm các kiểu mẫu sản phẩm mới tinh xảo hơn. Và nó thấy rằng nó đã tự tạo ra đam mê cho mình trong công việc.

Mục tiêu cho năm mới

Như vậy nếu bạn có một mục tiêu trong năm mới, hãy đặt mục tiêu là trở nên giỏi hơn nhiều nhiều trong một lĩnh vực nào đó. Sau đó bạn có thể kết hợp với các kỹ năng sales (mà sự quan trọng của nó mình đã nêu ra trong bài viết trước) để có thể giới thiệu cho người khác biết được bạn giỏi điều đó như thế nào. Khi người khác thấy được giá trị bạn mang lại cho họ, họ sẽ hậu đãi bạn xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.
Không còn quan niệm phải "theo đuổi" một thứ gì đó, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong lòng. Nó cũng sẽ giúp chúng ta nhìn cuộc sống theo hướng khác, đó là chính chúng ta tự mang lại đam mê, tình yêu và hạnh phúc cho chính mình. Chúng ta không ngóng chờ tình yêu có sẵn từ một người khác, hay là hi vọng có một công việc nào đó sẽ giúp mình tìm được ý nghĩa cuộc sống, hay là chạy theo vật chất để thấy hạnh phúc hơn.
Chúng ta nuôi dưỡng những điều đó cho chính mình.
Chúc bạn đọc ở Spiderum một năm mới đạt được điều bản thân mong muốn!
Best wishes,
Husky

Bài viết có tham khảo nguồn từ các sách, tài liệu sau:

Bài viết tương tự: