Tấm Cám - câu chuyện đạo đức hay sự tàn nhẫn ngàn đời của người Việt Nam?
(Bài viết phản biện cho bài " Tấm, xã hội ngàn năm trước và xã hội ngày nay " - https://spiderum.com/bai-dang/Tam-xa-hoi-ngan-nam-truoc-va-xa-hoi-ngay-nay-csz?fbclid=IwAR0nRbbZeBCQcccstyhNeqtPH5FKRBo4kHT4XtYpDLY7AR70P_QHXLub_dY...
(Bài viết phản biện cho bài "Tấm, xã hội ngàn năm trước và xã hội ngày nay" - https://spiderum.com/bai-dang/Tam-xa-hoi-ngan-nam-truoc-va-xa-hoi-ngay-nay-csz?fbclid=IwAR0nRbbZeBCQcccstyhNeqtPH5FKRBo4kHT4XtYpDLY7AR70P_QHXLub_dY )
Đây chỉ là một bài viết theo ý kiến cá nhân, cung cấp cho các bạn một góc nhìn khác trong sáng hơn, về Tấm Cám nói riêng và truyện cổ tích Việt Nam nói chung.
Truyện Tấm Cám có phải là bài học đạo đức không?
Theo ý kiến cá nhân mình là có. Tuy nhiên, nó không phải là bài học đạo đức cho hiện tại, mà là cho quá khứ, cho những người nông dân Việt Nam nghèo khó sống trong một xã hội phong kiến đầy khó khăn và áp bức.
Có thể nó đầy những chi tiết mà theo chúng ta là tàn nhẫn vô nhân đạo, là sự lười biếng, tham lam, không làm mà hưởng. Nhưng, bạn phải biết rằng, câu chuyện đó đâu phải là câu chuyện của chúng ta - những người được sống trong sự đủ đầy, được học hành tử tế của thời đại công nghệ thông tin bùng nổ.
Truyện Tấm Cám bản thân nó và người (hay những người) tạo nó không mang một hàm ý, ý nghĩa nào to lớn cả, nó đơn thuần chỉ là câu chuyện những người nông dân nghèo khó kể cho nhau, cho con cháu nghe để dạy họ và con cháu của họ sống thật thà tốt bụng, cần cù chăm chỉ và bên trong đó gửi gắm ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhưng, họ chỉ là những người nông dân cả đời không ra khỏi lũy tre làng, không đọc sách, biết chữ, cũng chẳng có internet hay TV, vì vậy, thế giới của họ, nhận thức của họ cũng chỉ là thế giới được vậy quanh bởi lũy tre làng. Vậy nên họ kể câu chuyện theo những điều mình biết, mình tưởng tượng mà thôi.
Các nhân vật và ý nghĩa của họ trong truyện
Trong hiểu biết của những người nông dân sống trong xã hội phong kiến, ai là người sung sướng nhất? Dĩ nhiên là vua và hoàng hậu rồi. Họ ước mơ trở thành vua, trở thành hoàng hậu không phải do họ tham lam, và là trong suy nghĩ của họ, vua và hoàng hậu là biểu tượng cho những người sống sung sướng, đủ đầy nhất. Có lẽ trong suy nghĩ của họ cũng chỉ biết làm vua là to nhất, muốn ăn gì thì ăn, làm gì thì làm, trong tưởng tượng của họ, vua chắc cũng chỉ là ăn cơm với thịt lợn luộc trong mâm vàng đũa ngọc là cùng, thậm chí đa số họ còn chẳng biết vàng ngọc nó như thế nào.
Còn thế lực ác thì đối với người nông dân tất nhiên phải là địa chủ rồi. Trong một làng quê thì còn ai độc ác bằng địa chủ? Chiếm đoạt ruộng đất, sưu cao thuế nặng, lao dịch liên miên. Đây là sự thù hận giai cấp, cái này cả thế giới công nhận rồi, muốn giải thích thì chắc phải là nhà sử học, mình không bàn thêm gì nữa.
Còn một vấn đề là về những hình phạt tàn nhẫn, đối với chúng ta thì có lẽ đó là tàn nhẫn, vô nhân đạo nhưng đối đối với người trong xã hội xưa thì những hình phạt như thế là đương nhiên. Hình phạt tàn nhẫn là thứ giai cấp thống trị định ra để răn đe, thống trị chính những người nông dân đó. Họ đâu có cơ hội để phản đối hay ý kiến gì đâu mà chỉ có mỗi con đường tiếp nhận mà thôi.
Mặt khác, tàn nhẫn hay không tàn nhẫn, vô nhân đạo hay nhân đạo, đó là những thứ quá xa xỉ với những người nông dân xưa. Khi mà họ đầu tắt mặt tối vật lộn với sự nghèo đói, ngày này qua ngày khác phải lo lắng về bữa cơm ngày mai thì chẳng ai có thời gian mà nghĩ tới vô nhân đạo hay không. Vả lại trong số họ, có ai biết chữ "tàn nhẫn" viết như thế nào, có ai dạy họ nhân đạo là cái gì, bao tiền một cân đâu. Họ chỉ cần thành thật, cần cù, chăm chỉ là được rồi. Họ cần cái đó để sinh tồn và những người khác cũng cần những người nông dân có những phẩm chất đó vì lợi ích của họ, thế thôi. Những câu chuyện dạy những cái khác chắc chẳng thể lưu truyền nổi ấy chứ.
Phú quý sinh lễ nghĩa
Tóm lại, đối với bạn, tôi hay trẻ con thời nay, Tấm Cám nói riêng hay cổ tích nói chung không còn là bài học đạo đức phù hợp nữa, chúng ta đọc nó chỉ để hiểu về xã hội xưa, con người xưa. Nhưng bản thân những câu chuyện ấy, nó sinh ra là để dạy bài học đạo đức, bài học sinh tồn cho hàng trăm thế hệ cha ông từ ngàn xưa.
P/s: Đúng, Tấm Cám không nên dạy cho trẻ con, nhưng đó không phải là vì nó không phải là bài học đạo đức mà là do nó đã quá lạc hậu rồi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất