Bạn có bao giờ tự đặt ra cho mình những câu khẳng định một cách chắc nịch theo cặp phạm trù NGUYÊN NHÂN - KẾT QUẢ, đại loại như: Tại vì tôi không xinh đẹp nên tôi không có người yêu, Tại vì tôi ở miền quê nên sẽ không giỏi, tự tin bằng các bạn ở thành phố, hay Tại vì gia đình tôi thế này, thế kia nên tôi không thể thành công?
Cuộc sống của chúng ta đôi lần đã gặp phải các tình huống phải giải thích nguyên nhân cho cái kết quả hiện tại. Theo Triết học Mác - Lenin (thật ra thì tôi không nghiên cứu sâu về Triết học này nên chỉ dám mạo muội trích một ý nhỏ từ những gì tôi học được trên Giảng đường đại học và đưa nó vào những hiện tượng tôi đang gặp phải trong cuộc sống): "Nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp, bởi vì nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra.", lý thuyết nghe có vẻ thật đơn giản, nhưng thực tế thì chúng ta đã thật sự hiểu rõ mối liên hệ của cặp phạm trù này trong các tình huống của cuộc sống này chưa? Hay chỉ là đang mượn tạm một cái cớ "không mấy liên quan" để biện minh cho cái điều mình không muốn chấp nhận ở hiện tại.
Tôi chia sẻ một chút về câu chuyện của bản thân trước khi đút kết lại những điều ở phía trên: Tôi đã từng rơi vào trạng thái "sống theo quan điểm của người khác" mà không hề nhận ra giá trị thật sự của bản thân mình. Tôi luôn không tự đưa ra ý kiến của mình trước bất kỳ một vấn đề gì trong cuộc sống, nói cách đúng hơn là tôi không chưa từng dành thời gian để suy nghĩ cho cái chính kiến riêng của bản thân mình. Tôi sợ bị người khác đánh giá mình sai, chê bai quan điểm của tôi. Tôi không có một sở thích gì đặc biệt, điều mà khiến tôi rất khổ sở trong một thời gian dài tự trách mình và cuối cùng rút ra cái "triết lý" vớ vẩn: "Tại vì tôi ở miền quê, nhà không có điều kiện, không được học vẽ, học đàn, học bơi,... nên tôi không biết tôi thích gì là điều hiển nhiên", hay " Tại vì mẹ tôi thường nói:"người ta sao thì mình vậy" nên tôi mới bị sống theo kiểu hạ thấp tính cá nhân trong con người mình như thế, ". Những câu đại loại như thế liên tục nhảy dựng lên trong đầu tôi để giải thích cho cái thực tại chán ghét là: TÔI ĐANG SỐNG VÌ NGƯỜI KHÁC.
Tôi đã cho những điều này là nghiễm nhiên đúng và tất nhiên, tôi không thể thay đổi được điều gì. Cho đến khi tôi quyển sách "Dám bị ghét" - tường thuật những buổi nói chuyện giữa một nhà triết gia và một cậu thanh niên về thuyết cá nhân và sự "phân chia nhiệm vụ" trong quan điểm của nhà Triết học Adler. Sự "phân chia nhiệm vụ" ở đây muốn nói rằng: con người trong cuộc sống, hay trong một tình huống cụ thể đều có nhiệm vụ riêng của mỗi người, không ai giống ai. Tôi lấy ví dụ: trong một buổi thảo luận nhóm để giải bài tập trên lớp, "nhiệm vụ" của tôi là đưa ra quan điểm, ý kiến riêng của bản thân về việc phân tích, mổ xẻ để tìm cách giải cho bài tập, nhưng khi đó, tôi lại ôm đồm luôn cả nhiệm vụ của người khác "tự đánh giá quan điểm của tôi", ý tôi muốn nói ở đây là tôi đang tự lo sợ người khác chê bai quan điểm của mình, dẫn đến việc tôi không dám nói ra bất cứ điều gì. Và rồi sự lo sợ lại được tôi một lần nữa giải thích :"Vì tôi ở quê, kiến thức không sâu rộng bằng các bạn, nên nêu ra ý kiến chỉ khiến mọi người chê cười".
Thuyết nguyên nhân - kết quả quả thật đã được tôi vận dụng một cách rất "triệt để" trong cuộc sống, nhưng bản chất thì lại là, tôi luôn kiếm một cái nguyên nhân nào đó, vốn dĩ không hề tác động hay liên quan để giải thích cho kết quả mà tôi nhận được. Nguyên nhân của việc "tôi không có sở thích" là do "tôi chưa tìm ra được hoặc tôi chưa tự tìm hiểu kỹ về bản thân" chứ không phải là do "tôi ở miền quê", nguyên nhân của việc "tôi không nói ra ý kiến" vì "tôi chưa tìm hiểu kỹ bìa tập, chưa suy nghĩ cách giải cho nó" chứ phải vì " trình độ tôi không bằng các bạn trong nhóm". 
Bài học mà tôi rút ra được đó là: kết quả mà tôi đang có ở hiện tại, hoàn toàn là do tôi tự quyết định. Do vậy, bài viết này chỉ nhằm mục đích chia sẻ quan điểm cá nhân rằng: nếu như ai trong chúng ta đang cố đổ lỗi cho hoàn cảnh về sự thất bại của bản thân thì hãy dừng lại, hãy thật sự nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề vì nếu chúng ta không tự sống một cuộc sống của chính mình, thì cũng đừng mong mỏi người khác sẽ quan tâm cuộc sống của chính bạn theo cách mà bạn muốn.
U.G.L.Y. | Dibujos tristes, Dibujos oscuros, Dibujos bonitos para ...