Source: Unsplash
Vì khi thấy mình chả là ai cả, thì chẳng còn gì có thể ràng buộc mình. Sự phán xét từ người ngoài, tập quán, luân lý - tất cả những khái niệm, những hình thức ấy, chẳng còn mang ý nghĩa gì với mình nữa. 
Dĩ nhiên, trong cuộc sống, tuỳ theo hoàn cảnh, vẫn có những vở diễn, những trò chơi mình cần tuân theo. "Play the game by the rule" - chơi đúng luật, cái đấy là cần thiết cho bất kỳ hình thái cấu trúc xã hội nào. Nhưng việc nhận thức được đâu chỉ là game, là trò chơi ảo do con người tạo ra bởi các khái niệm, hình thức, đâu là thật - là cái cốt lõi - mới giúp chúng ta thoát khỏi những lập trình sẵn có của xã hội xung quanh. Chơi trò chơi chứ không bị trò chơi điều khiển. 
Thế cái gì là thật? Ở đây, mình bàn về sự thật của bản thân mình (còn sự thật của bạn là gì thì bạn tự kiếm - đọc của mình để tham khảo thôi). Mình đã lâu nay cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: "Tôi là ai?". Cũng kiếm đọc đủ loại triết học Tây Tàu. Để rồi vỡ lẽ ra: Mình chả là ai cả :D 
Mình chả là ai cả. Mình chỉ là một tập hợp những năng lượng trong Vũ Trụ, "manifest" (biểu lộ) dưới hình dạng một con người, với những suy nghĩ trong đầu. Nhưng tận cùng, mình chẳng phải cơ thể này, cũng chẳng phải những suy nghĩ trong đầu mình, mà chỉ là một dạng năng lượng, cùng với sự nhận thức (awareness) từ trong sâu thẳm là mình chỉ đang trải nghiệm cuộc sống của một con người - qua hình thức của một cơ thể và những suy nghĩ mà thôi. 
Bởi vì mình là một dạng năng lượng, nên mình dễ hấp thu năng lượng, tần số của môi trường xung quanh. Cơ thể mình là sự hấp thu của đồ ăn, thức uống mà ra; Suy nghĩ của mình là ảnh hưởng từ tần số của những nguồn kiến thức mình tiếp thu. Sau tất cả - mình chả phải là suy nghĩ, cũng chẳng phải là cơ thể này - chỉ là sự nhận thức trong sâu thẳm là mình đang ở đây, đang quan sát, trải nghiệm cuộc sống qua những hình thái này - suy nghĩ, cơ thể - để rồi mọi thứ lụi tàn, từng giây, từng phút.
Tại sao thấy mình chẳng là ai lại làm mình tự tin hơn hết? 
Vì giá trị đích thực của mình không còn bị dính líu bởi lời ra tiếng vào, sự phán xét của xã hội, sự đánh giá từ người ngoài. Tất nhiên, mình vẫn cần tuân thủ theo luật của xã hội - nhập gia tuỳ tục, đấy là kỹ năng sống căn bản. Nhưng cái chính ở đây, là sự phán xét đúng sai, cái nhìn của người ngoài không còn ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của mình. 
Người ta phán xét cơ thể mình? Có sao đâu, mình đâu phải là cơ thể này, sự phán xét của họ không làm mình mất đi giá trị thực của mình. Nhưng mình sẽ xem xét liệu năng lượng trong cơ thể mình có suy giảm đi hay không, mình đã ăn uống điều độ hay chưa, để nâng cao năng lượng, sức khoẻ của mình - đấy là giá trị thực.
Người ta phán xét những hành động của mình? Mình sẽ xem xét liệu phán xét của họ có đúng hay không và cải thiện bản thân từ đó - nhưng hành động của mình không phản ánh đích thực con người mình là ai - mà chỉ phản ánh nhận thức của mình trong giây phút hành động đó, nên điều đấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến giá trị thực của mình, và mình cũng không thấy lấn cấn, phải tranh cãi chứng tỏ gì nếu họ phán xét không đúng.
Chính việc tự gán ghép bản thân với một danh tính cụ thể mới tạo ra tranh cãi, chiến tranh, hận thù - chỉ để bảo vệ cho bằng được danh tính của "bản thân" - một cái tôi ảo tưởng, một khái niệm do suy nghĩ tạo ra.
Tại sao người ta lại gây ra chiến tranh? Vì người ta tự gán cho mình dưới danh tính của một tôn giáo, một quốc gia, một niềm tin, tự cho danh tính của mình là lẽ phải, còn những kẻ còn lại là sai trái.
Tại sao người ta lại cãi lộn? Vì người ta tự gán cho mình một danh tính nào đó - Fan của ca sỹ A, học sinh trường B, giám đốc công ty C, v.v. - và khi một ai đó "xúc phạm" danh tính của họ, họ lại gào lên bảo vệ bằng được danh tính, thậm chí sẵn sàng đổ máu chỉ để bảo vệ cho danh tính của họ. 
Tại sao người ta lại thấy tự ti? Vì người ta gán ghép bản thân vào một hình ảnh nào đó có thể đo đếm được - cơ thể to hay nhỏ, chức vị cao hay thấp, nhà rộng hay hẹp, v.v. Và một khi người ta gán ghép bản thân vào một hình ảnh nào đấy có thể đo đếm được thì sẽ nảy sinh so sánh, gán ghép: "Con nhà người ta học giỏi hơn mày"; "Mình thấp hơn thằng kia/con kia", "xe oto của mình không to bằng xe của thằng A/con B",... Thế là mãi chẳng thể thấy đủ - vì những thứ có thể đo đếm này không bao giờ tồn tại mãi, một vị trí cũng chẳng thể đứng được mãi, nên con người mãi ở trong vòng lặp của sự tự ti. 
Khi con người ta tự nhận bản thân dưới dạng một hình thái (form) nào đó, thì con người ta sẽ luôn bất an (insecure), bởi bản chất của mọi hình thái là luôn biến đổi. Dù hôm nay bạn có tự tin về vẻ ngoài xinh đẹp, thì 10 năm sau bạn cũng chẳng thể còn vẻ ngoài như hôm nay - thế là lại thấy tự ti. Dù hôm nay bạn có tự tin về chức vị bạn đang giữ, nhưng ai chắc rằng 1 năm sau bạn còn ngồi được cái ghế này? Thế là lại thấy bất an. Vì con người tự tạo ràng buộc cho bản thân với những danh tính ảo, thoáng qua, nên sự tự tin của họ cũng là "ảo", là thoáng qua. Vì những danh tính này không có nền tảng vững vàng, nên người ta  mọi cách để níu kéo lấy sự ảo tưởng thoáng qua đó: phẫu thuật đủ kiểu để giữ mình trẻ mãi như tuổi 20, tham nhũng, hối lộ hết ông này ông kia để giữ ghế, nhảy hết từ mục tiêu này đến mục tiêu khác để giữ vị trí đứng đầu,... Thế là một vòng lặp đau khổ nảy sinh, chỉ vì bám víu lấy những "danh tính ảo" (Ego), những gì không thực - những gì bản chất đã là không vững chắc (secure), từ đấy mới sinh ra bất an (insecure).
Cùng với đó, bằng việc không tự nhận mình là ai, mình có thể đánh giá "bản thân" dưới một góc độ khách quan hơn. Mình không còn nhận những lời chỉ trích như đánh thẳng vào "mình" - mà chỉ là đánh thẳng vào hành động của mình vào giây phút đó, vào cơ thể mình đang dùng mà vốn dĩ sẽ có ngày lụi tàn. Từ đó, mình sẽ có góc nhìn khách quan hơn để xem xét có nên "cải thiện" bản thân theo ý kiến của họ hay không, hay là để ý kiến của họ trôi đi, không cần bận tâm. Mình cũng nhận thức được rằng, ý kiến của người khác hoàn toàn dựa trên nhận thức của họ, trải nghiệm sống của họ - có cái áp dụng được cho mình, có cái không - nên cũng bớt phải "xoắn" nếu người khác không chấp nhận được "mình" - đấy là việc của họ :D 
Khi không còn ràng buộc mình với tất cả những ý kiến, quan điểm, những hình ảnh về "cái tôi" ảo tưởng nữa - đấy là lúc mình tự do. Tự do sống trong hiện tại này, hoà làm một với giây phút này, tập trung làm những gì mình cần làm, không còn vướng mắc với những suy nghĩ "người ta nghĩ gì, xã hội đánh giá thế nào?" - cứ thế mà làm thôi, làm cho thật tốt, và để mọi thứ trôi đi như bản chất của nó, không chút ràng buộc. Và chính lúc đó, niềm vui đích thực, sự bình yên trong tâm sẽ tự động hiển hiện ra, không cần níu kéo, cố gắng chút gì.
Thế bạn thì sao? Bạn đang tự kìm hãm bản thân bởi "danh tính" gì, bởi "khái niệm gì"? Mình để câu hỏi tại đây, để bạn tự tìm câu trả lời cho chính bạn.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: https://mysticcatlady.wordpress.com