Những ngày qua, tôi đọc được rất nhiều bài viết bắt đầu bằng câu: "Người lớn đã từng làm trẻ con, nhưng trẻ con thì chưa từng làm người lớn" để bàn luận một phần nào đó cho những câu chuyện buồn dạo gần đây. Rằng người lớn có nhiều trải nghiệm hơn trẻ em, và điều đó mang lại cho họ một vốn sống phong phú. Còn trẻ em thì ngược lại, khoảng trời của chúng bé hơn rất nhiều so với người lớn. Suy nghĩ, hành động, cảm xúc và kỹ năng sống của chúng còn đang mỏng manh và đôi khi thiếu hụt. Sẽ thật tuyệt nếu một đứa trẻ được lắng nghe và vận dụng những bài học được người lớn đúc rút sau mỗi trải nghiệm đó trong suốt quá trình trưởng thành.
Tuy nhiên, tôi nghĩ như vậy là chưa đủ, bởi nếu chỉ cần như thế là mọi đứa trẻ cứ thế mà lớn lên như cách mà bố mẹ chúng từ trẻ em trở thành người lớn thôi. Tại sao trẻ em bây giờ lại có nhiều vấn đề tâm lý như vậy? Ngày trước cũng bị đánh mắng thế nhưng có làm sao đâu? Bọn trẻ đang làm quá lên chăng?
Theo quan điểm của mình, tôi nghĩ rằng câu trả lời cho những thắc mắc trên "đơn giản" là do môi trường sống khác nhau. Người lớn đúng là đã từng làm trẻ con, nhưng lại là đứa trẻ ở một môi trường hoàn toàn khác so với những đứa trẻ ngày nay.
Khi để anh trai tôi - một người thuộc thế hệ 9x tưởng tượng lại chính mình ngày bé và hỏi rằng:
"Sau khi bị mắng, anh của ngày bé thường làm gì?".
" Ngày bé nhanh quên lắm, anh sẽ chạy chơi với lũ bạn và có khi quên luôn nỗi buồn đó khi đi chơi về."
Nhưng khi hỏi đứa trẻ của hiện tại câu hỏi đó thì câu trả lời lại là: "Ừm...em vào trong phòng riêng, đóng cửa và khóc một chút ạ."
Như vậy, những đứa trẻ được chơi sẽ biết cách tạo ra hạnh phúc cho bản thân và giải phóng cảm xúc của mình. Dù trẻ em ngày xưa có bị đánh, bị mắng nhưng chúng gặp ít vấn đề tâm lý hơn. Đáng báo động là nỗi buồn bực của trẻ em ngày nay kéo dài và âm ỉ. Trong trường hợp xấu hơn là chưa giải toả được nỗi buồn này thì nỗi buồn khác đã đến, Cảm xúc buồn bực gối lên nhau, kéo dài tít tắp và tạo thành một bức tường thành giam chặt mọi cảm xúc, tạo nên những con người sống thầm lặng, u uất hoặc vô cảm,...
Trẻ con bây giờ đều có rất ít những phương thức để giảm toả cảm xúc. Dù mọi đứa trẻ sinh ra đều mang trong mình một "ma lực", chính là chúng có thể biến những góc không được chú ý của những nơi bình thường thành sân chơi thú vị - nơi chúng giải toả cảm xúc. Nhưng vì nhiều vấn đề mà trẻ em bây giờ đang khó có thể thực hiện được ma lực đó. Cuộc sống của chúng rất đơn điệu: Hầu hết các em sẽ dành phần lớn thời gian để quay quanh gia đình - trường học. Ở trường bận học, về nhà đôi khi cũng bận...học nốt, một số gia đình thì vì bố mẹ mải làm nên các em thường ở nhà một mình trong cả những ngày cuối tuần. Các phương pháp giải trí cũng tương đối đơn điệu: Máy tính, điện thoại, TV,...chứ không phải những trò chơi tập thể, trò chơi dân gian,... Hơn nữa, số lượng trẻ em trong một gia đình hiện nay ít hơn trước đây, việc học tập, thành tích của các em cũng trở nên áp lực hơn.
Do đó, dù là người lớn hay trẻ em thì đều phải học cách ứng xử, học cách đặt góc nhìn vào vị trí của người khác để cảm nhận và tìm câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao?" cho cách hành xử, những lựa chọn của đối phương. Hiểu đơn giản là trẻ em phải học cách trở thành người lớn, còn người lớn phải học cách trở thành ba mẹ. Và việc học sẽ luôn dễ dàng hơn nếu có người đồng hành phải không nào? Hãy đồng hành cùng cha mẹ/con cái của bạn trên chặng đường học tập đó nhé!
Sau đây là một vài gợi ý nhỏ và mong rằng nó sẽ giúp ích cho bạn:
- Tạo hòm thư gia đình: Hòm thư này sẽ tiếp nhận những tâm tư, tình cảm của những người trong gia đình dành cho nhau. Bạn không cần phải viết một lá thư dài, mà có khi đó chỉ là những lời nhắn nho nhỏ muốn đối phương đọc và suy nghĩ một chút về cảm nhận của mình, vì khó nói hay quá bận rộn để ngồi lại nói chuyện. Ví dụ như "Nay món rau xào của bố hơi mặn ạ", "Con không muốn cãi mẹ nên không có nói, nhưng vì việc của lớp nên hôm đó con về muộn một xíu. Mong mẹ thông cảm ạ"...
- Đọc sách tâm lý => Vì việc gọi tên được cảm xúc sẽ giúp bạn thấu hiểu và tìm được cách giải quyết chúng;
- Nghe đài hoặc podcast về tâm lý học , tâm sự của người khác... => Để thấy rằng trên đời này, ai cũng gặp phải những vấn đề tâm lý nhất định, và mình cũng không thể tránh khỏi điều đó. Đồng thời, việc lên tiếng nhờ sự giúp đỡ của người khác là một điều bình thường, không có ai khó chịu về điều đó cả.
- Làm mình bận rộn bằng những kế hoạch và mục tiêu mới: Bởi nhàn rỗi sinh ra nông nổi, nên bạn có thể bắt tay vào việc học kỹ năng mới phục vụ cho cuộc sống sau này, học nhạc cụ mình thích hay nhảy nhót gì đó, tham gia những hoạt động xã hội,...
- Rèn luyện kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều: quan sát nhiều hơn và đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét.
Đây là góc nhìn cá nhân của mình, hi vọng có thêm thật nhiều những góc nhìn mới từ các bạn. :D