"Tôi mong muốn nghe bạn trải lòng nhiều hơn!", đó là câu nói quen thuộc mà chúng ta vẫn thường được nghe từ những người bạn, những người đồng nghiệp hay thậm chí chúng ta còn được nghe điều này đến từ một vài người Sếp khi chúng ta đi làm nơi công sở. Nghe điều này nhiều lần từ nhiều người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng thật sự chúng ta vẫn không thể trải lòng về những khía cạnh mà chúng ta cần được chia sẻ và được mọi người lắng nghe. Vậy tại sao trải lòng với người khác lại khó khăn đến như vậy?

Đầu tiên trải lòng là gì? Trải lòng đơn giản là hình thức chia sẻ những nỗi niềm của bản thân về những vấn đề trong cuộc sống chẳng hạn như công việc, học tập, chuyện tình cảm, hôn nhân hay là những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về một vấn đề nào đó mà bản thân đang vướng mắc. Việc trải lòng mình đến người khác là thể hiện cho mong muốn được mọi người thấu hiểu mà đầu tiên chính là sự lắng nghe. Lắng nghe như một mắc xích quan trọng nhất để kết nối câu chuyện. Nên việc trải lòng trở nên khó khăn đối với nhiều người hoặc thậm chí là họ không thể trải lòng với người khác bắt nguồn hầu hết từ sự thiếu lắng nghe.

Lắng  nghe như thể không lắng nghe 

Lắng nghe như một cử chỉ từ trái tim mà mọi người thể hiện cho người đang trải lòng. Nhưng việc “lắng nghe như thể không lắng nghe” chính là sự lắng nghe không đến từ sự thật tâm chỉ khiến cho sự trải lòng trở nên tồi tệ hơn. Bằng chứng rằng là vấn đề mà họ - những người đang trải lòng vẫn không thể được gỡ bỏ khúc mắc mà họ đang có. Khi một người trải lòng cho chúng ta về vấn đề mà họ đang khó khăn về điểm số trong việc học thì sự lắng nghe ở đây được  thể hiện qua việc hiểu rõ câu chuyện của họ và sau cùng là thấu hiểu, đưa ra góp ý theo quan điểm cá nhân để giúp họ khắc phục điểm số chưa tốt. Chưa dừng lại ở đó, những người trải lòng về vấn đề học tập thường sẽ đi kèm theo tâm trạng nghĩ rằng bản thân họ vô dụng thậm chí là chán nản trong việc học tập. 
Chúng ta cần tạo động lực bằng những giá trị đang có của họ hơn là bắt họ phải làm như thế này, thế kia theo ý của bản thân chúng ta. 



Tự tin chia sẻ vấn đề của bản thân

Đa số chúng ta e dè việc trải lòng cho người khác cũng bắt nguồn từ việc chúng ta nghe không thể hiểu những tình huống mà họ trải qua. Chúng ta trải lòng về một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc của bản thân, chúng ta đang cân nhắc cho một quyết định rằng là có nên tiếp tục cuộc sống hôn nhân hay không. Nhưng không phải ai cũng hiểu cho vấn đề của chúng ta. Và ta lại không thể trải lòng mình? Chính tâm lý lo sợ này khiến chúng ta thường chọn cách không trải lòng cho người khác nghe nhất là những vấn đề mang tính riêng tư. 

Mong muốn mọi người thấu hiểu thì trước tiên bản thân chúng ta nên chia sẻ một cách thật tâm. Chia sẻ thật tâm đến những người thân như bố mẹ, anh chị hay những người bạn thân thiết sẽ khiến cho chúng ta “dễ thở” hơn trong vấn đề hôn nhân nói riêng mà chuyện liên quan đến tình cảm nói chung. Đơn nhiên, chúng ta sẽ biết ai là người mà chúng ta có thể chia sẻ thật tâm câu chuyện của về tình cảm, hôn nhân. 
Thay vì giấu diếm đi cảm xúc của bản thân và cố chịu đựng vấn đề một mình thì chúng ta nên san sẻ những khía cạnh trong công chuyện của riêng bản thân đến những người thân yêu mà chúng ta tin tưởng.


Trải lòng hãy bắt nguồn từ mong muốn bản thân 

Sau cùng, việc trải lòng đến người khác hãy bắt nguồn từ mong muốn từ chính bản thân chúng ta. Chúng ta đi làm một ngày 8 tiếng, cuộc sống hầu hết gắn liền với nơi công sở. Đơn nhiên, chốn công sở tập trung hầu hết những người với nhiều tính cách khác nhau. Và không phải ai chúng ta cũng “hợp cạ”. Đôi khi, chúng ta sẽ nhận lấy hàng tá những phàn nàn của khách hàng, những lời trách móc từ Sếp hay thậm chí là những lời nói khó nghe từ phía đồng nghiệp. Và sau cùng, đằng sau những lời nói ấy, luôn là việc yêu cầu chúng ta hãy trải lòng mình với họ, nói lên suy nghĩ của bản thân cho họ biết. Trong câu chuyện này, việc quan trọng chúng ta nên cân nhắc ở 2 khía cạnh:
_Chúng ta có muốn trải lòng ở thời điểm đó hay không. Vì sự trải lòng bằng những cảm xúc bộc trực nhất thời sẽ khiến cho việc kết nối với mọi người nơi làm việc trở nên khó khăn hơn.
_Những vấn đề nào chúng ta có thể trải lòng và những khúc mắc nào chúng ta không nên. Vì 9 người 10 ý, hơn hết họ không phải những người bạn, những người thân thiết với chúng ta. Nên việc trải lòng về những vấn đề nhạy cảm như lương bổng, “buôn dưa lê” về những việc không liên quan đến công việc sẽ khiến cho mọi người có thể khó xử hơn. Hơn ai hết, chúng ta đều không mong muốn việc trải lòng lại khiến cho tâm trạng của bản thân cũng như mọi người “dần đi vào ngõ cụt” đúng không nào?!

Dù với bất kì hoàn cảnh nào thì sự trải lòng luôn là cần thiết. Chúng ta nên chia sẻ nhiều hơn, kết nối nhiều hơn. 
Để người khác lắng nghe câu chuyện của chúng ta thì đầu tiên ta nên lắng nghe câu chuyện của họ.


Bài viết: Văn Hưng
Ảnh: Multiple Owner 
My Info: FACEBOOK , INSTA