Tại sao tôi lại hay “lo chuyện bao đồng”
Những thứ vô ích hả? Tôi không nghĩ thế.
Dạo gần đây tôi được hỏi khá nhiều về bản thân mình “Tại sao tôi có thể bỏ nhiều thời gian vào những cuộc nói chuyện về cuộc đời của những đứa bạn hay tôi có thể hi sinh thời gian ôn thi của mình để đi giảng bài cho những đứa khác”. Tôi biết thứ họ muốn nói đến là gì, trong mắt họ đó là một sự lãng phí về mặt thời gian và sức lực và trông nó sẽ chẳng đem lại gì cho tôi.
Tôi không lạ gì điều đó vì bố mẹ tôi luôn đưa ra lời khuyên cho tôi rằng tôi nên ít phí thời gian của mình vào chuyện của người khác, tính này của tôi đã xuất phát từ thời lớp 8 và đến tận bây giờ, tôi đã và đang nhìn thấy những gì mình không mong đợi nhưng cuộc đời đã đem đến cho tôi như phần thưởng cho sự “nhiều chuyện” đó.
I. Nó lãng phí với họ, không phải với tôi:
Thông thường ta nghĩ khi muốn tạo giá trị cho mình thì ta phải phải làm cho mình và rằng những gì mình làm cho người khác thì khả năng cao như một “buổi từ thiện” vậy. Với tôi thì không.
Từ cấp 2 tôi đã thích ngồi nghe những câu chuyện sầu đời của các bạn đang trong giai đoạn khó khăn, mục đích của tôi khi đấy cũng không quá rõ ràng, chỉ là tôi muốn được thỏa cái tính nhiều chuyện của mình thôi, quen dần nó trở thành một chủ đề trò chuyện phổ biến mỗi khi vào các mùa thi của bạn tôi và tôi có thêm 2 đến 3 mối quan hệ tôi đứng dưới vai trò “Mentor” sơ cua cho các bạn của mình. Một trải nghiệm thú vị nho nhỏ hồi cấp 2 và nó càng khiến tôi hứng thú với những cuộc trò chuyện khi người ta gặp khó khăn, tôi dần nhận ra vào cuối năm lớp 9 tôi đã có khá nhiều góc nhìn từ những tình huống khó khăn đó của các bạn mình, Đến khi bản thân gặp khủng hoảng cuối năm lớp 9 bỗng nhiên tôi cảm thấy mình dễ xử lý hơn mọi lần dù vấn đề đấy đã là cái lớn nhất tôi gặp trong 4 năm cấp 2 mọi thứ cứ trôi qua một cách êm đẹp và khi ấy tôi vẫn tự nhủ rằng những điều này tôi đã được chứng kiến dưới góc nhìn tích cực khi đưa ra những chia sẻ với bạn tôi nên tôi có thêm nền tảng kinh nghiệm để xử lý vấn đề cho chính mình.
Lên cấp 3, một môi trường mới toanh vì tôi gần như chẳng có người bạn nào khi lên TPHCM học tập, tôi đã suy nghĩ về việc phát triển bản thân để có thể thích nghi nhanh chóng với môi trường ở đấy, tôi đã tình cờ nhìn đến tư duy Win-Win.
Dành cho ai muốn xem chi tiết về tư duy đấy tôi sẽ để link ở đây:
Để mà nói đơn giản thì tư duy win-win hướng đến một quyết định mà cả 2 bên đều có lợi từ người đưa quyết định đến người nhận quyết định. Tôi nhận ra bản thân từ xưa đã có những việc rất win-win mà mình không nghĩ đến như việc ngồi nghe tâm sự của những người bạn để có thể dự trữ cho mình những góc nhìn đa dạng để giải quyết vấn đề trong tương lai.
Khi lên cấp 3 mọi quyết định của tôi đa số dựa trên nền tảng tư duy này; ví dụ như giúp các bạn làm những công việc chung để có thêm cơ hội làm quen, chủ động nhận yêu cầu xin trợ giúp để có thể làm quen thêm bạn mới…
Đôi khi tôi lại không Win-Win cho lắm, có lúc tôi sẽ chọn Lose-Win (hiểu đơn giản là tôi chịu thiệt để đem lại giá trị cho người khác) và đấy thường là nghi vấn mọi người rất hay đặt đến cho tôi “Tôi nhận lại được gì sau những lần trao đi giá trị?”.
Bản thân tôi có vẻ khá lạc quan hơn bình thường nên có thể giải thích theo kiểu “Thôi kệ, giúp người ta là cũng vui rồi” . Nhưng về sau tôi cũng phát triển được cho mình thêm một nhận thức ẩn mà ngày xưa mình cũng không nghĩ đến: “Thế nếu sau này người ta trao lại phần win cho mình thì sao”. Tôi tin và tôi nghĩ nhiều người cũng tin là làm việc tốt thì sớm muộn cũng nhận về thành quả xứng đáng. Nó không phải là một tư tưởng tôn giáo nhân-quả xáo rỗng mà thật sự ứng nghiệm với cuộc đời tôi. Ngày trước tôi rất dễ trao đi sự nỗ lực của mình để giúp người khác như nhận các công việc trong dự án, câu chuyện thú vị nhất là khi tôi bỏ thời gian của mình từ 10h đến hơn 1h sáng để hoàn thành một chiếc Sheet hồi tôi mới vào một dự án nhỏ. Thật sự lúc mới làm tôi cũng chả biết bạn đó là ai, chỉ đơn giản là vì tôi thân thiện nên muốn giúp bạn ấy, và trong hơn 3 tiếng đó tôi với bạn cũng có những chia sẻ rất thú vị về cuộc sống trong trường và các mối quan hệ của 2 đứa tôi trong 2 lớp khác nhau và những chia sẻ của tôi khi tôi mới lên HCM sống được 2 tháng. Đó là một trải nghiệm mở đầu cho một người bạn thân đầu tiên của tôi ở trường sau đó tôi có cơ hội được nhận các sự hỗ trợ của bạn ấy về môn học, mối quan hệ bên ngoài với một tinh thần rất hữu nghị. Chính những câu chuyện kiểu như vậy đã cho tôi một niềm tin dù ít dù nhiều khi tôi trao đi giá trị, đôi khi mình cũng từ từ hẵng nghĩ đến thứ mình sẽ nhận lại, có khi kết quả nó đến sẽ làm mình bất ngờ như những phần quà đặc biệt của cuộc sống.
II. Tại sao tôi lại thích chỉ bài?
Đây có lẽ cũng là câu hỏi tôi rất hay nhận vì với mọi người, việc chỉ bài hay giúp đỡ nhau tận tình như vậy thường khá ít trong trường nhiều áp lực vì ai nghĩ người nào cũng có việc nên sẽ không rảnh với việc đó.
Ngày xưa đơn giản vì tôi thường thích dùng kiến thức để đi “khè” bằng việc tôi sẽ đi nói cho họ về những gì tôi đã biết (Khá là trẻ trâu nhưng mà cũng vui lắm chứ đùa). Dần dần theo thời gian, việc tôi chỉ bài cho người khác nó cũng khiến tôi thấy đơn giản là mình đã làm được một việc tốt, giúp tôi vui hơn. Rồi lên cấp 3 tôi cũng được tìm hiểu về active recall (Một phương pháp học tập tạo ra các tình huống học chủ động giúp nhớ bài tốt hơn việc ngồi nhìn cuốn sách và học thuộc một cách thụ động):
Trong đó tôi nhận ra một điều thật bất ngờ rằng việc dạy lại cho người khác là điều tôi đã tự nguyện làm bao năm nay là một trong những phương pháp active recall hiệu quả nhất theo các đánh giá khoa học vì nó giúp tôi tự động “lôi” kiến thức ra và tự động ôn lại trong quá trình giảng lại kiến thức ấy cho người khác. Tôi cũng lý giải được vì sao khi tôi giảng bài cho người khác tôi cũng không cần phải học lại quá khó khăn. Việc ấy cũng đã trở thành một thói quen học tập và ôn thi của tôi khi tôi có thể tìm bạn bè cần “lấy gốc” và tôi sẽ giúp họ từ khoảng 2 đến 3 tiếng và khi đó tôi cũng đã tự động ôn tập các kiến thức đấy mà không tốn quá nhiều sức. Thời điểm hiện tại không chỉ giai đoạn ôn thi, bất cứ điều gì tôi chia sẻ ra cũng đều được tôi xem như mình đang active recall chính thông tin đó, tôi nói chuyện với mọi người về các vấn đề thời sự chính trị, tôi cũng tự củng cố cho mình những quan điểm về các vấn đề hay khi tôi chia sẻ cho mọi người về chính tôi, tôi đang tự review lại chính mình, giúp bản thân mình có một cái nhìn rõ hơn về tính cách hay quan điểm của mình về một số vấn đề có khi tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. Một hành động cũng rất Win-Win đúng không nào.
Nó đã xây dựng nên chính con người tôi, một người mở lòng hơn, giao tiếp tốt hơn và những mối quan hệ rất bền vững trong môi trường cấp 3.
III. Tôi đã ảnh hưởng thế nào đến những người khác:
Phải dần đến năm nay tôi mới có suy nghĩ về việc mình làm như vậy nó có ảnh hưởng gì tích cực không và nó sẽ trông thế nào?
Nó bắt nguồn từ chính những thay đổi của những bạn ngày xưa và hiện tại của tôi. Tôi không dám nhận toàn bộ “công lao” nhưng khi thấy những người bạn của mình có những thay đổi tích cực và chia sẻ về những suy nghĩ của họ về lời khuyên của tôi trước đó, tôi lại cảm giác mình đã làm được gì đó nho nhỏ giúp những người bạn của mình.
Lên cấp 3 tôi vẫn chưa nhận được lời chia sẻ nào rằng tôi đã giúp họ “xoay chuyển cuộc đời” nhưng thay vào đó là những chia sẻ về việc coi tôi như một người truyền cảm hứng rất gần gũi. Những việc tôi làm trước đó khiến họ cảm thấy tôi là một người “mới lạ” và coi tôi như người ảnh hưởng tốt đến những tư duy và góc nhìn của họ. Không phải tự luyến chính mình nhưng tôi thật sự thấy hạnh phúc vì nghe được những thứ như vậy, không chỉ giúp tôi có được cảm xúc tích cực hơn mỗi khi chia sẻ với họ và như tôi vẫn thường nói đó là dấu hiệu củng cố và động viên mình rằng “Tôi vẫn đang làm đúng”.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất