Tại sao tôi không nghe lời bố mẹ
Bởi vì thần kinh yếu ớt của tôi, nên tôi vốn không định đăng bài này lên. Nhưng vì bị thôi thúc bởi ý nghĩ muốn đem những lời này đập vào mặt các ông bố bà mẹ, nhất là bố mẹ tôi nên tôi quyết định đăng bài này khi đối tượng biết đến blog của tôi đa số đều là học sinh.
Tôi nghiêm túc thừa nhận một sự thật là hiện tại tôi 15 tuổi, không phải 5 tuổi. Tất nhiên là việc tôi thừa nhận tôi 15 tuổi chỉ áp dụng với bài viết này thôi.
Bằng tất cả sự tôn trọng của tôi với việc viết lách, tôi muốn nói về sai lầm trong cách hành xử của bố mẹ với con cái mình. Tất nhiên là dựa trên góc nhìn chủ quan của tôi. Nếu tam quan trái ngược xin hãy lặng lẽ ẩn bài này hoặc block blog. Tôi không có hứng thú thảo luận chuyện nhân sinh với những người có tư tưởng khác biệt.
Những người làm cha làm mẹ thân ái, tôi tin là các vị đều từng không dưới một lần bất lực với con cái mình. Giống như bố tôi từng gọi tôi là một “đứa bất trị”.
Ồ!
Tôi sẽ nghiêm túc trình bày một lần nguyên do vì sao tôi lại không muốn nghe lời bố mẹ.
Thứ nhất, lời bố mẹ tôi nói không đúng.
Lấy một ví dụ, tôi và em gái tôi cãi nhau, con bé khóc. Bố mẹ tôi mắng tôi vì “Em nó bé hơn nên mày phải nhường em”. Trời ạ! Vừa bắt tôi kính già, vừa bắt tôi yêu trẻ. Nhưng trẻ phải đáng yêu thì mới có thể yêu, già phải thông tuệ, phải thấu đời thì tôi mới kính được. Tôi tôn trọng người khác, nhường nhịn người khác vậy còn ai sẽ tôn trọng tôi, tử tế với tôi?
Là trẻ em thì có quyền trêu tôi, lục đồ của tôi, phá đồ của tôi, gây sự vô lý rồi không cho tôi phản ứng lại?
Là người già thì có quyền phán xét tôi, đánh giá tôi, yêu cầu tôi phải thế nọ thế kia rồi lấy bối phận ra để chặn họng tôi?
Những thứ lý lẽ như: “Người lớn sống lâu hơn, nhiều trải nghiệm hơn, nói thì mày phải nghe, không được cãi”; “Em nó còn bé, chưa biết gì. Mày lớn rồi thì mày phải nhường em. Mày nhường nó thì mày chết à?”; “ Làm người phải biết nhẫn, một điều nhịn chín điều lành.” Xin lỗi đi! Tôi thà làm loại người phản nghịch, mất dạy còn hơn ủy khuất chính mình.
Thứ hai, bố mẹ tôi đúng, nhưng dùng sai thái độ.
Thế nào là sai thái độ?
Chắc nhiều người cũng có cảm nhận giống tôi. Khi bạn chuẩn bị làm một cái gì đấy, bố mẹ bạn gầm lên với bạn là: “mày có ABC XYZ đi không thì bảo?”. Ồ, nếu là tôi thì tôi sẽ không làm nữa. Nếu muốn làm gì đấy, cần phải làm gì đấy, tôi sẽ làm, vì tôi cảm thấy nên làm và cần làm chứ không phải vì người khác yêu cầu.
Có thể nhiều người nghĩ rằng bố mẹ tôi làm thế là vì muốn tốt cho tôi. Xin hỏi mấy người định nghĩa thế nào là “tốt”? Tôi thừa nhận tôi là một người nhạy cảm. Nhưng chuyện đấy không hoàn toàn quyết định phản ứng của tôi với hành động và thái độ của bố mẹ tôi. Mấy người lấy đâu ra tự tin để đối xử với tôi một cách cục súc, thiếu tôn trọng rồi yêu cầu tôi không được tức giận hay phản ứng chỉ vì mục đích tốt đẹp của hành động ấy?
Hãy tưởng tượng là tôi đang đói. Bạn không thể ném một nắm xôi vào đầu tôi rồi nói với tôi là bạn đang giúp đỡ tôi và yêu cầu tôi biết ơn bạn được. Kể cả bạn có không cho tôi nắm xôi thì tôi cũng biết đường đi mua. Mà chắc quái gì tôi đã thích ăn xôi? Nên đừng tự cho mình là đúng.
Xem “Quà tặng cuộc sống” có một tập về chủ đề này. Đứa con làm việc nhà, yêu cầu mẹ phải trả tiền. Bà mẹ ghi một list đại loại kiểu: “đẻ con ra; nuôi con; chăm con khi ốm; dạy con học; lo lắng cho con;…” tất cả đều miễn phí. Rồi đứa con khóc, xin lỗi mẹ, hai mẹ con ôm nhau. Thật ý nghĩa!
Tôi cảm thấy vô cùng nực cười khi bố mẹ chửi tôi vì nhà cửa bừa bộn, hay quần áo chưa thu cất, bát chưa rửa. Không phải một mình tôi bày không phải một mình tôi mặc, không phải một mình tôi ăn. Tại sao bố mẹ tôi đẻ tôi ra, nuôi tôi lớn, yêu cầu tôi phải biết ơn, phải hiểu kính, phải chăm sóc lúc về già mà khi cần tôi làm việc nhà lại tỏ thái độ như đấy là nghĩa vụ của một mình tôi? Tôi không phàn nàn gì chuyện phải làm việc nhà nhiều hay ít, tôi chỉ cần được đối xử văn minh.
Thứ ba, nếu tôi nghe theo lời người khác, hành động theo ý người khác, nếu thành công, đấy là nhờ ơn người khác, nếu thất bại, đấy sẽ trở thành sai lầm của tôi. Nên tôi là tự làm tự chịu, còn hơn là đánh cược vận mệnh của mình vào những lời người ta nói với tôi.
Bố mẹ tôi bắt tôi học, tôi học hành chăm chỉ, tôi học giỏi, tôi thành đạt, đó là nhờ công nuôi dạy, đốc thúc của bố mẹ tôi.
Bố mẹ tôi bắt tôi học, tôi học hành chăm chỉ, tôi học giỏi, tôi trầm cảm vì học quá nhiều. Tôi tự tử. Đấy là sai lầm của tôi, không thể kiểm soát bản thân mình, sống tiêu cực, ích kỷ, không quan tâm đến người thân luôn yêu thương chăm sóc tôi.
Dù mục đích có tốt đẹp đến đâu, nhưng thể hiện sai cách thì cũng vô dụng.
Bố tôi nói rằng bố mẹ tôi yêu thương tôi. Nhưng tôi lại vô cảm, không quan tâm đến mọi người trong nhà.
Có trời mới biết tôi cần cái gì, cần được quan tâm như thế nào. Có trời mới biết tình yêu của họ làm tôi bức bối, khó chịu, bài xích như thế nào.
Đừng hỏi tôi “tại sao mày không chia sẻ với bố mẹ, tâm sự về những mong muốn của mày”. Tôi từ lâu đã nhận ra là nếu muốn người khác ý thức được sai lầm của mình, cách duy nhất là cho họ thấy hậu quả của nó. Có thể bố mẹ tôi ý thức được phương pháp giáo dục của mình là sai lầm khi nhìn thấy tôi trở nên phản nghịch, bất trị nhưng sai lầm chỉ dừng lại ở việc áp dụng sai đối tượng thôi. Một vòng luẩn quẩn, cuối cùng vẫn là do tôi quá cứng đầu, quá khó bảo, quá cá tính. Cá tính đến lức lập dị, lệch chuẩn.
Tôi sẽ kết thúc phần 1 ở đây. Nhưng series này còn dài. Spoil một chút, phần sau tôi sẽ viết về khoảng cách thế hệ.
-NVA-