Mình từng đau khổ và dằn vặt với câu hỏi trên trong suốt 2 tháng trời vì không tìm được khách hàng.
Không riêng chuyện tìm khách, một người viết sẽ thường xuyên phải đối diện với các câu hỏi:
Tại sao tôi viết mãi mà không hay?
Tại sao tôi cố gắng suy nghĩ mà chẳng ra được ý tưởng nào?
Tại sao tôi đã luyện viết mà năng suất vẫn tệ như vậy?
Là một người quản trị cảm xúc khá kém, mình đối diện với những câu hỏi này với cảm giác tồi tệ và tự chê trách bản thân. Bên cạnh đó, mình cũng tự bào chữa rằng bản thân đã rất cố gắng trong công việc.
Cho đến một ngày, mình lập bảng thống kê để theo dõi thời gian làm việc thực tế. Bất cứ khi nào làm việc, mình lại bấm đồng hồ thì sự thật khiến mình choáng váng.
Mình không chăm chỉ như mình nghĩ.
Hay nói thẳng ra là mình rất lười. Có những ngày mình chỉ làm việc 3,4 tiếng.
Chính vì vậy mà khi làm việc xong mình chẳng hề đau lưng, mỏi gối, người ngợm khỏe re.
Nhưng đến khi biết được sự thật về bản thân và ép mình làm việc ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, mình đã hiểu cảm giác của các bạn đồng nghiệp khác khi than đau khớp ngón tay, mỏi lưng, đau mắt.
Mới hôm trước, sau khi cong đít chạy deadline trong 13 tiếng (có giải lao) để hoàn thành bản word 8000 chữ thì mình thực sự sập nguồn, thi thoảng mắt bị nhói như kim châm.
Nhưng bù lại, mình cảm thấy vỡ òa vì vượt qua giới hạn của bản thân. Mình chưa bao giờ viết thể loại bài viết đó, với giọng văn đó, với độ dài đó.
Quay trở lại vấn đề, nếu bạn đang có thắc mắc như tiêu đề của bài này, bạn sẽ cần xem xét lại những điều dưới đây:

Bạn không chăm chỉ như bạn nghĩ

Đây chính là thực tế của mình. Việc mình ngồi máy tính ròng rã cả ngày không có nghĩa là mình dành ra bằng ấy thời gian để làm việc.
Mình vẫn có những lúc chán chán rồi chuyển sang xem video, lướt mạng xã hội. Đôi khi thời gian nghịch ngợm này còn nhiều gấp đôi thời gian làm việc.
Cách khắc phục là hãy bấm đồng hồ để theo dõi thời gian làm việc thực sự của bạn.
Điều này cũng được áp dụng tương tự trong câu chuyện luyện viết hay đi tìm khách hàng.Chẳng hạn, mình hay than là tìm mãi chẳng có khách.
Nguyên nhân 1:
Mình vẫn chưa cố gắng hết sức, có ngày tìm, có ngày không.
Cách giải quyết:
Đặt mục tiêu liên hệ với x khách hàng/ngày, không cần biết mất bao nhiêu thời gian. Sau đó tìm ra tỷ lệ chuyển đổi của bản thân.
Ví dụ tỷ lệ của bạn là 10%. Để có thu nhập 10 triệu/tháng, bạn sẽ cần 3 khách hàng chẳng hạn, số người bạn cần liên hệ là ít nhất 30 người.
Chia đều ra, trung bình mỗi ngày bạn cần liên hệ 1 khách. Nếu bạn muốn đẩy nhanh tiến độ, bạn cần liên hệ nhiều hơn.
Nguyên nhân 2:
Mình chưa xuất hiện đủ nhiều để khách hàng biết và tự tìm đến mình
Cách giải quyết:
Thường xuyên đăng bài chia sẻ, chăm chỉ tương tác ở các hội nhóm liên quan đến viết lách. Đặt mục tiêu 3 bài/tuần chẳng hạn, không cần nhiều nhưng cần đều.

Bạn chăm chỉ nhưng không có định hướng

Bạn rất chăm chỉ, bạn là CTV viết bài cho 5,6 khách hàng nhưng mỗi khách hàng là một chủ đề khác nhau hoặc mức nhuận thấp nên bạn cần làm nhiều để có thu nhập đủ sống.
Nếu chỉ cắm đầu vào làm mà không có định hướng, sớm muộn gì bạn cũng sẽ kiệt sức và muốn từ bỏ công việc.
Với một người viết, để phát triển lâu dài và bền vững, bạn nên khai thác chủ đề ngách và tự tạo ra các sản phẩm của riêng mình. Sản phẩm của bạn có thể là khóa học, template, ebook, bộ công cụ hay bất cứ thứ gì mà bạn thấy có ích cho khách hàng của bạn.
Nếu bạn muốn thuyết phục khách hàng về khả năng định hướng và làm nội dung cho fanpage, youtube, website, bạn có thể show ra kết quả từ các kênh của mình.
Mình và một chị bạn làm nghề viết có khá nhiều điểm chung với nhau: cùng ra trường với công việc khai báo chứng từ hải quan cho công ty xuất nhập khẩu, cùng bắt đầu công việc viết lách với việc viết review sản phẩm trên amazon.
Nhưng sau đó, đường đi của bọn mình bắt đầu khác biệt. Chị bắt đầu với công việc viết bài cho một trang tin online và cần mẫn lên bài cho blog cá nhân, chủ đề rõ ràng xuyên suốt.
Mình thì mãi chưa thể chốt được chủ đề ngách nên cứ viết một thời gian lại thôi. Trong thời gian đó, mình vẫn buộc phải tìm việc để có thu nhập. Vì vậy, mình nhận tất cả những việc mà bản thân thấy phù hợp, cả về khả năng và mức nhuận. Bài blog mình cập nhật thưa thớt.
Đến một ngày, khi blog của chị bạn được 70 bài và bắt đầu ra mắt ebook, khóa học viết blog, dịch vụ cài đặt website thì mình vẫn ngồi đây với vỏn vẹn 20 bài viết, cực nhọc đi tìm khách hàng và thu nhập lúc lên lúc xuống.
Đương nhiên, mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau khi đưa ra quyết định. Chẳng hạn, chị bạn đã có một khoản tích lũy từ trước, cộng thêm với tính kiên trì và kỷ luật sẵn có.
Còn mình, vội vã nhảy vào công việc viết tự do, thêm tính thiếu kỷ luật và lan man nên kết quả đến chậm.
Nhưng sau cùng, mình vẫn cảm thấy ổn vì chính công việc và những vấp ngã này là người thầy giúp mình sửa đổi tính xấu.
Hi vọng sau khi đọc đến đây, bạn đã tự trả lời được câu hỏi ở tiêu đề. Mình biết để đặt trạng thái tiêu cực sang một bên, thực sự đứng ngoài để trở thành người quan sát là một điều không mấy dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Rất nhiều người viết đã bỏ cuộc khi thấy công việc không suôn sẻ và chịu nhiều sự chỉ trích từ gia đình.
Nhưng không có ai ở đỉnh núi mà không trải qua khoảng thời gian leo núi cực nhọc. Thành công của một người chẳng qua là cả một quá trình thử sai liên tục mà vẫn sẵn sàng tiến lên phía trước.
Vì vậy, khi gặp khó khăn trong viết lách và công việc viết tự do, bạn đừng vội nản. Bởi bạn đang nói chuyện với một người đã, đang và vẫn sẽ bầm dập vì viết lách nhưng vẫn đang tồn tại để chia sẻ kinh nghiệm với bạn đấy thôi.