Tại sao ta khổ đau?
Người ta vẫn nói và khao khát tới hạnh phúc. Đó có lẽ là khát vọng muôn đời của nhân loại. Nhưng tại sao tôi lại đề cập đến khổ đau...
Người ta vẫn nói và khao khát tới hạnh phúc. Đó có lẽ là khát vọng muôn đời của nhân loại. Nhưng tại sao tôi lại đề cập đến khổ đau như một đặc tính tất yếu, độc lập và tồn tại khách quan với hạnh phúc? Bởi nó là một cặp phạm trù không thể tách rời.
Khổ đau là một phạm trù triết học phổ biến và căn cốt cho nhiều sự hình thành tôn giáo. Nhưng ở đây, tôi cho rằng việc giải thích là không cần thiết với quỹ thời gian ít ỏi của độc giả. “Con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu cũng là xiềng xích.” - J.J.Rousseau. Một câu nói kinh điển của triết học thời kỳ khai sáng và cũng là mở đầu cho quyển “Emile hay là về giáo dục”. Bạn đọc có lẽ sẽ thắc mắc tại sao tôi lại viện dẫn câu nói này. Tôi cho đó là phải. Khổ đau không sinh ra từ xiềng xích, càng không sinh ra từ tự do. Theo tôi, khổ đau sinh ra từ sự yếu đuối, nhu nhược và sợ hãi. Tất cả những điều đó có thể đưa tôi đến kết luận khổ đau chỉ là sự chủ quan xuất phát từ yếu đuối của cá nhân mà thôi. Ta có thể là Don Juan bị xã hội cợt nhả về những ước vọng vô ích, có thể là Monte Cristo tuyệt vọng trong ngục tối, đạp lên những khổ đau để tự mình vươn tới sự giải thoát. Tất cả họ có kẻ nào không khổ đau, có kẻ nào không bị xã hội cướp mất chút phẩm giá cuối cùng, có kẻ nào không phải là điển hình cho khổ đau của thời đại mình? Song họ không khổ đau. Khổ đau như ông thầy rèn họ từ những khối sắt xù xì chỉ biết cam chịu thành những chiếc khiên và thanh gươm của lẽ phải. Vậy “ông thầy” ấy có còn đáng sợ không? tôi cho là không. Kẻ thù của chúng ta là nỗi sợ chứ không phải khổ đau. Chúng ta sinh ra từ “khổ đau” của người mẹ, chúng ta lớn lên từ những vạn lần vấp ngã song không vì thế mà đôi chân này dừng lại, ta bước đi và không ngừng té ngã. Khổ đau rồi hạnh phúc liên hoàn đến vô tận. Quá trình ấy chính là “hạnh phúc”, quá trình tạo nên hạnh phúc. Những con người rụt rè một chân trong, một chân ngoài vùng an toàn kia hỡi. Ngại chi khổ đau mà không bước tiếp chân còn lại, chúng ta sinh ra từ đau khổ và sẽ suốt đời đau khổ nếu dừng lại. Khổ đau rồi cũng sẽ bẹp dí dưới đôi chân của những kẻ tí hon là chúng ta đây. Chúng ta không là gì, nhưng chúng ta sẽ không sợ gì. Hãy cứ bước đi, hãy để đôi chân của chúng ta bước đi. Hãy để ý chí của ta vượt lên ta, hãy yêu lấy khổ đau để hạnh phúc. Chúng ta là những kẻ tí hon nhưng dũng cảm. Chúng ta yêu cuộc đời và cuộc đời sẽ yêu lấy ta. Chúng ta yêu khổ đau thì khổ đau sẽ không còn nữa. Để được tồn tại cho đến bây giờ chúng ta đã phải đấu tranh từ thuở tế bào và sau đó vẫn thế. Trước khi biết đi chúng ta học ngã, trước khi biết nói chúng ta biết khóc, trước khi trở thành người tử tế chúng ta mắc những sai lầm (càng tử tế thì sai lầm lớn), trước khi hạnh phúc chúng ta quằn quại trong khổ đau. Đó là lẽ tất yếu. Hãy nhìn cha mẹ của chúng ta hạnh phúc thế nào khi có ta trên đời. Song thứ đi kèm cũng không dễ chịu gì, đó chính là anh bạn “khổ đau” của chúng ta. Chúng ta đến với cuộc đời này như một món quà, nhưng đi cùng nó là một món quà “bonus” khác có tên “khổ đau”. Nhưng điều đó không ngăn cha mẹ chúng ta hạnh phúc. Họ đau khổ khi con họ trải qua những trận sốt kinh niên trong những lần mọc răng thuở sơ sinh. Họ chua xót khi trông thấy đứa con của mình vồ lấy mặt đất trong những ngày tập đi. Nhưng sau đó là những giọt nước mắt; những viên ngọc hạnh phúc, trong trẻo và tinh khiết của tình phụ tử, phụ mẫu. Hãy dành lấy “khổ đau” cho riêng mình như giành lấy hạnh phúc cho riêng mình. Bởi đó là một món quà.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất