Tớ hiểu một trong những vấn đề khó chịu nhất của phụ nữ đó là than vãn. Than từ ngày này qua tháng nọ, vẫn cứ một vấn đề và lúc nào cũng là nó.
Sao mẹ cứ hoài than vãn? (ảnh minh họa) 
Thay vì tìm cách khắc phục và giải quyết, họ chỉ ngồi đó và than, tuyệt nhiên không làm gì hơn. Và như một vòng luẩn quẩn, họ than chỉ là để thấy nhẹ nhõm chứ không hề có ý định tìm lời khuyên hay hướng giải quyết từ người khác. Tất nhiên, vấn đề sẽ mãi là vấn đề, bực mình sẽ hoàn bực mình, nó sẽ như một căn bệnh mãn tính tái đi tái lại mãi không thôi. Mà hay thay, người bị bực mình hơn cả lại chính là phụ nữ.
Theo những phân tích ở trên, thì nếu có một người nào đó được gọi là phụ nữ than vãn với cậu. Điều tốt nhất cậu cần làm là lắng nghe và... chẳng cần làm gì cả. Chỉ lắng nghe thôi, không cần lời khuyên răn hay vào ùa, thế là họ thỏa mãn.
Với tớ, than ít thôi, nếu không chịu được hãy giải quyết nó dứt điểm, còn nếu chấp nhận điều đó thì... làm ơn đừng than nữa. Bạn không mệt thì người nghe cũng mệt lắm rồi.
Đừng hiểu nhầm!
Tớ không nói tất cả phụ nữ và thực chất tớ cũng là một người phụ nữ mà, chỉ là chưa có gia đình thôi. Nhưng có lẽ càng về thế hệ trước thì các mẹ, các bà lại càng như vậy. Mẹ tớ là một điển hình. 
Bố mẹ tớ không hạnh phúc! 
Bố mẹ tớ không hạnh phúc và điều này mệt mỏi đến nỗi chính bản thân tớ còn ước gì bố mẹ bỏ nhau đi. Làm ơn. Mặc dù đã làm tổn thương nhau nhiều lần và thậm chí là bạo hành, mẹ tớ vẫn... không chấm dứt cuộc hôn nhân này.
Cho dù đã từng bị bạo hành, mẹ tớ vẫn không chịu chấm dứt
Vì con cái? Tớ biết, đó luôn là nguyên nhân chính để người ta níu kéo nhau.  Nhưng xin lỗi, nếu cô chú nào là phụ huynh rồi hãy lắng câu này: 
Đừng bao giờ biến con trẻ thành lý do cản trở sự tự do của các người. Vì chính những đứa con đó cũng đang mệt mỏi và chưa chắc đã hạnh phúc vì cuộc sống mà các người đem lại.
Vì tài sản? Mẹ tớ luôn nghĩ mẹ đã cất công cả đời tạo dựng lên gia đình này, vun đắp cho ngôi nhà này. Mẹ không muốn nó mất đi. Tội gì phải vất vả một mình gánh hết con cái trong khi đối phương được sống nhởn nhơ, lập gia đình mới và sống happy? (Thường phụ nữ luôn muốn nhận nuôi hết con cái). Vậy thì càng ấu trĩ hơn, bỏ đi và đừng để ý đến người ta nữa, hãy để ý đến hạnh phúc của mình đây này. Mà trong trường hợp này, mẹ tớ sẽ hạnh phúc hơn (ít nhất là về tinh thần) nếu li hôn. Đôi khi có những thứ phải bỏ đi (dù biết đã mất của bản thân rất nhiều công sức) thì sẽ nhẹ nợ hơn (so với hiện tại).
Hãy chia tay. Làm ơn! 
Đó, nhưng mỗi lần tớ khuyên (từ khi còn là đứa trẻ con học lớp 1 chưa hiểu chuyện cho đến khi trưởng thành, đi làm và biết yêu) thì mẹ tớ luôn ngập ngừng và khựng lại một nhịp. Khi tớ ý thức được mình đã lớn và có thể trò chuyện với mẹ như 2 người phụ nữ với nhau, tớ cũng hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ mình (bằng cách đặt mình vào tình huống đó, có một người chồng như đó), thời gian đầu, tớ vẫn còn nhiệt tình khuyên bảo và nêu hướng giải quyết giúp mẹ. 
Càng về sau, khi tớ biết những lời nói của mình không có tác động biến suy nghĩ của mẹ thành hành động, tớ chỉ còn biết lắng nghe và lắng nghe. Nhưng khổ nỗi, điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến tớ vô cùng. Sau mỗi cuộc điện thoại chỉ mãi một chủ đề đó, tớ lại tự buồn, tự khóc, tự trách mẹ rồi chuyển sang trách chính mình chẳng thể làm gì khác hơn. Tớ bắt đầu sợ những cuộc điện thoại từ mẹ gọi tới, không muốn bắt máy. Nhưng...
Mẹ tớ là người đáng thương! 
Còn gì khổ hơn là không được sẻ chia. Đến cả chia sẻ cũng không có ai để tâm sự. Tớ biết mình là con gái của mẹ, là người mẹ tin tưởng nhất để than vãn những câu chuyện gia đình chứ không phải bất kì người ngoài nào khác. Thật đáng thương nếu cuộc sống đã không hạnh phúc lại chẳng thể kể với ai. Tớ sợ mẹ mình sẽ trầm cảm mất. Và tớ lại nhận cuộc điện thoại đầy miễn cưỡng.  Lại lắng nghe. Và lại buồn...
Hỏi ngược lại:
Cậu có muốn nghe mãi một lời than vãn từ cùng 1 người và cùng 1 vấn đề không?
Tớ không biết làm thế nào cả. Vừa giận mẹ lắm vì sự không quyết đoán của bà, vừa thương bà vì một người phụ nữ tội nghiệp phải sống cả đời với cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Tớ cứ thầm trách bà ấy sao hoài than vãn mà không chịu hành động gì đó để thay đổi đi. Mình có bao giờ thay đổi được người khác đâu nên đừng có ngồi đó mà chờ đợi người ta trở thành ông bố, người chồng tốt hơn. Mình chỉ thay đổi được bản thân thôi, sao không tự giải thoát cho chính cuộc sống của mình? Nhưng rốt cuộc... tớ lại chẳng dám nói nặng lời. Không dám nói rằng: 
- Con mệt lắm rồi.
Sợ một ngày, bà ấy sẽ âm thầm chịu đựng và không nói gì nữa.
Phải làm sao nhỉ?
Trong cuộc gọi gần nhất, tớ đã cố tình tắt loa đi và vờ như vẫn đang lắng nghe cuộc điện thoại trong khi thực chất tớ đọc sách. Như dự đoán,  mẹ nói liên hồi 15-20' đến độ không phát hiện ra tớ có nghe hay không. Vẫn luôn là như thế, bà chỉ cần người lắng nghe... 
Tự bảo vệ mình! 
Tớ nghĩ đã đến lúc phải tự tìm cách bảo vệ cảm xúc cho chính bản thân mình. Cho dù tớ thương mẹ thật nhiều, yêu bà biết mấy nhưng đó vẫn mãi mãi là vấn đề của bà, thế giới của bà mà không ai có thể tài nào giải quyết hộ.
Phải không?